29 mars 2018

Kim Jong-un đặt mình "ngang tầm" Tập Cận Bình, Trung Nam Hải tương kế tựu kế


Hồng Thủy
 

(GDVN) - Ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh không thể hiện thực chất quan hệ Trung - Triều 10 năm qua, mà là bước ngoặt cho thấy 2 bên rất linh hoạt trong bảo vệ lợi ích. 


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm "bí mật, bất ngờ" tới Bắc Kinh tuần này. Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền năm 2011.

Theo Tân Hoa Xã, Kim Jong-un tới thủ đô Trung Quốc vì ông cảm thấy cần phải trực tiếp thông báo, trao đổi với ông Tập Cận Bình những diễn biến nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên mấy tuần qua.




Kiến tạo cuộc chơi ngang tầm Trung - Mỹ


Dự kiến trong tháng Tư này, ông Kim Jong-un sẽ có một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, để qua tháng Năm thì thực hiện cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi tại Nhân Dân đại lễ đường, ảnh: Reuters / KCNA.

Bản tin công bố trên Tân Hoa Xã dẫn lời ông Kim Jong-un nói:

"Theo di huấn của Chủ tịch Kim Nhật Thành và Tổng bí thư Kim Jong-il, nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo là lập trường không thay đổi của chúng tôi.

Chúng tôi quyết tâm thúc đẩy quan hệ hai miền bán đảo hòa giải và hợp tác, tổ chức hội nghị thượng đỉnh 2 miền Nam - Bắc, sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ và tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Nếu như Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đáp ứng các nỗ lực của chúng tôi với một sự thiện chí, kiến tạo môi trường hòa bình ổn định, có các giải pháp thức thời và đồng bộ để kiến tạo hòa bình, thì vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo có thể được giải quyết." 

Kim Jong-un nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông hy vọng sẽ thường xuyên có cơ hội gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, thông qua đặc sứ, trao đổi thư từ trực tiếp để tăng cường liên lạc mật thiết giữa hai bên.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình hoàn toàn đồng ý. [1]

Bình luận về động thái mới này, nhà phân tích Jean Lee từ Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và chính sách công tại Trung tâm The Wilson nhận định trên đài CNN ngày 28/3:

"Chúng ta đang thấy một chiến lược ngoại giao của Bắc Triều Tiên đang mở ra trên vũ đài quốc tế, bắt đầu từ Bắc Kinh.

Kim Jong-un tự đặt mình vào vai trò người kiến tạo hòa bình, ông ta đã thực hiện tất cả các động thái một cách chủ động nhất."
Vợ chồng ông Tập Cận Bình tới tận nhà khách Điếu Ngư Đài mời cơm và trò chuyện với vợ chồng ông Kim Jong-un, ảnh: Reuters / KCNA.

Jean Lee cho rằng, ông Kim Jong-un sẽ tìm kiếm những nhượng bộ quan trọng (từ Hoa Kỳ và đồng minh) để đổi lấy phi hạt nhân hóa bán đảo.

Còn trưởng văn phòng đại diện CNN tại Bắc Kinh Tim Schwarz bình luận: 

"Chuyến thăm Trung Quốc này có nghĩa là Kim Jong-un không còn lạ lẫm với các nhà lãnh đạo quốc tế, kinh nghiệm phải có trước khi gặp ông Moon Jae-in và ông Donald trump.

Dù không phải là chính khách dày dạn kinh nghiệm ngoại giao, thì chí ít ông ấy cũng đã gặp thành công với người được xếp vào hàng chính khách quan trọng nhất thế giới - Tập Cận Bình.

Ông Kim Jong-un cũng có thể cảm thấy rằng, ở mức độ nhất định, Trung Quốc đã quay trở lại. Mức giá của nó chính là tâm điểm của chuyến thăm, đưa vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán." [2]


Trung Nam Hải tương kế tựu kế


Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã dành cho Trung Nam Hải những lời mật ngọt:

Chuyến thăm nhanh chóng này là theo nguyện vọng tốt đẹp của việc thúc đẩy hòa bình, ổn định trên bán đảo, kế thừa và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống Trung - Triều;

Gần đây Trung Quốc có nhiều "đại sự, hỉ sự" như việc tổ chức thành công Đại hội 19, Quốc hội Trung Quốc tiếp tục bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước, ông Kim Jong-un "cần trực tiếp đến chúc mừng".

Những diễn biến nhanh chóng trên bán đảo gần đây, về tình hay về nghĩa, ông Kim Jong-un cho rằng mình đều nên kịp thời sang thông báo trực tiếp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông chủ Trung Nam Hải cũng đã dành cho nhà lãnh đạo trẻ từ Triều Tiên một sự đón tiếp trọng thị.

Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì lễ đón, hội đàm và tiệc trưa chiêu đãi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay tại Đại lễ đường Nhân Dân thay vì nhà khách quốc gia.

Ngoài ra, vợ chồng ông Tập Cận Bình còn đến tận nhà khách Điếu Ngư Đài mời cơm trưa vợ chồng ông Kim Jong-un, nơi đây cố Chủ tịch Kim Nhật Thành lúc sinh thời từng không dưới 40 lần lưu trú khi sang Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình cũng mời ông Kim Jong-un và phu nhân thường xuyên qua Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc nhận lời sẽ qua thăm chính thức Triều Tiên.

Nhà báo Tim Schwarz của CNN bình luận:

"Đối với Trung Quốc, chuyến thăm này cho phép họ tự khẳng định mình giữ vai trò bước ngoặt trong tiến trình này, sau khi thông tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều khiến Bắc Kinh ngạc nhiên.

Bằng cách tiếp Kim Jong-un tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình muốn cho Bình Nhưỡng thấy, Trung Quốc không phải một phần của liên minh chống lại Bắc Triều Tiên, bất chấp việc thực hiện lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Ông chủ Trung Nam Hải cũng vẽ ra một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Triều Tiên dù không nói cụ thể, nhưng cũng đủ là một "củ cà rốt" mà ông Kim Jong-un đang cần lúc này." [2]

Cá nhân người viết cho rằng những động thái diễn biến nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang tạo thuận lợi cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo, đối thoại hòa giải giữa 2 miền Triều Tiên và các bên đều trân trọng, thúc đẩy.

Với Trung Quốc, chuyến thăm của ông Kim Jong-un có thể là một món quà mà ông Tập Cận Bình muốn gửi đến chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump, để giảm bớt áp lực, nguy cơ từ một cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ mà vị tỉ phú đang lăm le phát động.

Bằng việc đón tiếp thân tình và trọng thị hết mực vợ chồng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Tập Cận Bình cho thấy mình không chỉ là một nhà lãnh đạo cứng rắn, quyết đoán, mà khi cần cũng rất linh hoạt và thực tế.

Những lời đường mật mang màu sắc ngoại giao không phản ánh bản chất quan hệ hai nước Trung - Triều gần chục năm qua, mà là bằng chứng rõ nét sự thay đổi nhận thức và chiến thuật của Bắc Kinh với láng giềng Đông Bắc Á.

Cuộc đón tiếp này cùng với việc gửi quà sinh nhật cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày hôm qua cho thấy, ông Tập Cận Bình đang sử dụng nhuần nhuyễn cả chính sách gây áp lực lẫn tấn công quyến rũ với đối phương.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự rất quyền xảo.

Có điều, không ai cho không ai cái gì, nhất là trong quan hệ bang giao quốc tế hiện nay.

Ngày càng có nhiều quốc gia trở thành "con tin" của chính sách "ngoại giao bẫy nợ" mà Trung Quốc đang theo đuổi, phải đánh đổi bằng tài nguyên hoặc các lợi ích chiến lược liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia.

Ông Kim Jong-un cũng rất nhanh chóng thích ứng và đón nhận sự cởi mở của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc "hâm nóng" quan hệ song phương. Trước mắt, đây là lựa chọn khả dĩ, tốt đẹp hơn cả với Bình Nhưỡng.

Nhưng về lâu dài, Triều Tiên và Philippines liệu có tránh được "bẫy nợ" trong quan hệ với Trung Quốc hay không, câu trả lời còn ở phía trước.


Tài liệu tham khảo:




Hồng Thủy