Hà Văn Thùy
G.S PHAN HUY LÊ: “Tất cả các tầng lớp
cư dân, cộng đồng, tộc người hay
các vương quốc từng tồn tại trên các không gian lãnh thổ đó đều thuộc về
lịch sử và văn hóa của nhà nước
hiện nay đang quản lý lãnh thổ đó”?
Hà Văn Thùy: "Nói như vậy, vô hình trung, Giáo sư
Lê đã đánh đồng sự sở hữu
và quản lý hợp pháp với sự chiếm đóng trái phép bằng cưỡng đoạt?! Không thể có
cách hiểu nào khác ngoài việc ông Giáo sư chấp nhận sự chiếm đóng
trái phép của Trung Quốc không chỉ với Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng mà còn với Hoàng Sa, Trường
Sa của Việt Nam?!"
Ngày 22.2.2017, tại Hà Nội,
GS-NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử VN công bố Thông
tin khoa học: “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” với ba nội
dung: 1. Ghi nhận công lao nhà Nguyễn; 2. Những khoảng trống lịch sử và
3. Xác lập quan điểm lịch sử mới.
Là người quan tâm đến lịch sử dân tộc, chúng tôi xin
trao đổi với Giáo sư đôi điều.
1· Ghi nhận công lao nhà Nguyễn.
Nửa thế kỷ trước, ngay khi các sử gia Việt Nam
dân chủ cộng hòa kết tội nặng nề nhà Nguyễn,
dư luận đã biểu lộ thái độ không đồng tình. Nhiều người cho rằng, dù có tội, nhưng
nhà Nguyễn có công lớn đối với dân tộc. Sau năm 1975 vào sống ở miền Tây Nam Bộ
với tư cách nhà văn, nghiên cứu văn hóa Hà Tiên và phía Nam, chúng tôi càng thấy
rõ công lao mở đất cùng những chính sách được lòng dân
của nhà Nguyễn và dấu ấn tốt đẹp mà các chúa Nguyễn để lại trong lòng dân Nam Bộ.
Năm 1988, trong Hội thảo khoa học về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Rạch
Giá, vị giám đốc Sở Văn hóa một tỉnh miền Tây hỏi tôi: “Anh người Hà Nội phỏng?”
Tôi chưa kịp
trả lời thì ông nói tiếp: “Tại sao mấy
anh cứ áp đặt tụi tui theo quan điểm của mấy anh?” Tuy không thể nói ra nhưng uẩn
ức trong lòng người trước sự bất công với lịch sử là có thực.
Chúng tôi hiểu rằng, do phải đối
mặt cùng một lúc với thực dân Pháp và chính quyền của Bảo Đại, nên Đảng Cộng sản
kết tội gay gắt nhà Nguyễn để khơi gợi căm thù trong dân chúng. Tuy nhiên, sau
năm 1975, khi đã toàn thắng, đáng lẽ chúng ta phải giải oan cho nhà Nguyễn để
đem lại công bằng cho lịch sử và tăng cường khối đoàn kết dân tộc. Nhưng không hiểu vì sao giới Sử học Việt Nam không làm. Nay việc “Ghi
nhận công lao nhà Nguyễn” trở nên quá muộn, không còn đáp ứng lòng mong mỏi
của người dân
nên chỉ là những dòng chữ vô hồn
trên giấy tờ chết.
Một sự thật cũng phải nói đến:
không chỉ nhà Nguyễn mà nhiều vấn đề quan trọng khác của sử Việt bị đánh giá
sai. Việc kết tội Triệu Đà xâm lược rồi trục xuất nhà Triệu khỏi lịch sử; việc chối bỏ
tổ Kinh Dương Vương và nhà nước Xích Quỷ, rút lịch sử Việt Nam chỉ còn lại 2700 năm cũng đang bức xúc dư luận. Bên cạnh đó
là nhiều sự kiện khác chưa được đánh giá khách quan, trung thực, khoa học như
cuộc Cải cách ruộng đất, cuộc đánh tư sản, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, cuộc tấn
công Mậu Thân 1968 và nổi cộm lên là nhận định về Quốc-Cộng…
Một dân tộc, một đất nước thống
nhất không chỉ trong biên giới quốc gia mà còn ở tình cảm, tinh thần, tâm linh
và tư tưởng,
dựa trên một lịch sử thống nhất. Do chưa có một cuốn sử chân thực nên dẫn tới tệ
trạng là nhân tâm ly tán, không ít người cảm thấy thân phận tha hương ngay trên
Tổ quốc mình. Một dân tộc bị phân rã
đã mất đi sức mạnh.
Một câu hỏi được đặt ra, có
thể luận thế nào về công và tội của giới Sử học Việt Nam trước dân tộc và lịch sử ?
2. Những khoảng trống lịch sử
Ở phần này, Giáo sư Phan Huy Lê nêu những ý chính sau:
· Lịch sử của các dân tộc thiểu
số không được nhắc đến. Sử học hiện đại VN trong một thời gian dài cũng chỉ
trình bày nặng về lịch sử người Việt.
·
Vì vậy, trên cả nước thì chỉ có lịch sử miền Bắc là được trình bày có ngọn
nguồn từ thời nguyên thủy đến thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời Bắc
thuộc đến thời phong kiến, cận đại, hiện đại. Còn lịch sử của Nam Trung Bộ chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ
16, lịch sử Nam Bộ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 17.
· Lịch sử của Nam bộ, của Sài
Gòn trước đó thế nào? Không lẽ từ trên trời rơi xuống? Rõ ràng đây là nhận thức phiến diện tạo thành một
khoảng trống lịch sử.
· Vì sao nước ta có 54 dân tộc mà chỉ có
tôn vinh lịch sử của người Việt, gạt bỏ các dân tộc khác ra ngoài?
Đúng là những khoảng trống bởi
vì ở thế kỷ trước chưa được giải quyết và ngay hôm nay trong tri thức của người đứng đầu
ngành Sử quốc gia cũng chưa có manh mối nào lấp được những khoảng trống khổng lồ
trên!
Như ta biết, lịch sử là hoạt động xã hội của cộng đồng người trong thời gian và không
gian cụ thể. Do vậy, muốn biết lịch sử “người Việt” và các “dân tộc thiểu số”,
trước hết phải biết họ là ai, có nguồn gốc thế nào và có quá trình ra sao để có mặt trên đất nước ta hôm nay!
Theo khảo cứu của các học giả
Viễn Đông Bác cổ thập niên 1930 thế kỷ trước, dân cư trên đất Việt Nam được hình thành như sau: “Ban đầu, trên đất nước ta có người
Melanesien sinh sống. Khoảng 2000 năm TCN, do người Arien xâm lăng Ấn Độ, người
Indonesien từ đất Ấn tràn sang chiếm lĩnh Đông Dương, đẩy người Melanesien ra
các đảo ngoài khơi. Cuối cùng, khoảng năm 333 TCN, do nước Sở diệt nước Việt,
con cháu của Việt Vương Câu Tiễn tràn xuống Việt Nam, trở thành dân cư Việt Nam
hôm nay.” [1. Đào Duy Anh, 2005] Tư trưởng trên trở thành quan niệm chính
thống của các nhà viết sử Việt Nam không chỉ ở thế kỷ trước mà còn tới hôm nay.
Tuy nhiên, sang thế kỷ mới, bằng
nhiều nghiên cứu di truyền học dân cư phương Đông và những khám phá khảo cổ học mới nhất
cho thấy bức tranh hoàn toàn khác.
a. Sự hình thành người Việt
Những khám phá khoa học thập
niên đầu thế kỷ XXI xác nhận: “Khoảng 70.000 năm trước, hai đại chủng người tiền
sử là Australoid và Mongoloid từ châu Phi theo ven bờ biển Ấn Độ di cư tới Việt
Nam. Tại đây, các dòng người hòa huyết
sinh ra bốn chủng người Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, trong đó người Indonesian
là đa số, giữ vai trò lãnh đạo về xã
hội và ngôn ngữ. Khoảng 50.000 năm trước, người từ Việt Nam lan tỏa sang Ấn Độ
và các vùng đất Đông Nam Á. 40.000 năm cách nay, đi lên khai phá Trung Quốc.”
[2. J. Y. Chu et al,1998]; [3.Stephen Oppenheimer, 2004). Khoảng 18.000 năm trước,
sau khi chế tác công cụ đá mới mà tiêu biểu là những chiếc búa, rìu hay
việt, vừa là công cụ lao động hiệu quả vừa là vũ khí sắc bén, người tiền sử trên đất nước ta được
gọi là người Việt (戉). Cũng từ đấy, Việt trở
thành tộc danh của tổ tiên chúng ta. Khoảng 10.000 năm trước, khi làm chủ nông
nghiệp lúa nước, người Việt được gọi là Lạc
Việt (粤) với ý nghĩa là chủ nhân của nghề trồng lúa nước.
Khoảng 7.000 năm trước, tại miền Trung Hoàng Hà, diễn ra sự gặp gỡ hòa huyết
giữa người Việt chủng Australoid làm
nông nghiệp và người du mục chủng Mongoloid phương Bắc (North Mongoloid), sinh
ra chủng người Việt mới Mongoloid phương Nam. Người Việt mới tăng số lượng, trở
thành chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều, làm nên trung tâm nông nghiệp lớn vùng
Thái Sơn-Trong Nguồn.
Khoảng 5.300 năm trước, tại vùng Thái Hồ tỉnh Chiết Giang, người
Lạc Việt xây dựng quốc gia đầu tiên ở phương Đông, có kinh đô là Lương Chử, còn ranh giới chiếm trọn
đồng bằng sông Dương Tử, trùng với ranh giới của nước
Xích Quỷ truyền thuyết.[4. Hà Văn Thùy. 2017]
Khoảng năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc do bộ tộc Hiên Viên dẫn đầu,
đánh vào Trác Lộc, chiếm vùng miền Trung Hoàng Hà của người
Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Do cuộc xâm lăng này, người Việt vùng Núi
Thái-Trong Nguồn di tản xuống Nam Dương Tử, Việt Nam và Đông Nam Á. Người di cư
mang nguồn gen Mongoloid về, chuyển hóa dân cư Việt Nam và Đông Nam Á sang mã di truyền Mogoloid phương
Nam. Nhân chủng học gọi đó là quá trình Mongoloid hóa dân cư
Đông Nam Á, hoàn tất vào cuối thời Đá Mới,
khoảng 2000 năm TCN [5. Nguyễn Đình Khoa, 1983].
Như vậy là, cũng như toàn thể dân cư Đông Nam Á, dân
cư Việt Nam được hình thành theo hai giai đoạn: ra đời khoảng
70.000 năm trước tại Việt Nam, mang mã di truyền Australoid. Giai đoạn sau, khoảng
7000 năm trước, trên lưu vực Hoàng Hà, chuyển hóa thành
chủng Việt mới Mongoloid phương Nam. Khảo cổ học xác nhận, ở văn hóa Đa Bút,
dân cư trên đất Việt Nam gồm hai chủng Indonesian và Melanesian. Sang thời Kim
khí, tại văn hóa Phùng Nguyên, khi tiếp nhận thêm nguồn gen Mongoloid, người
Indonesian chuyển thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó người
Melanesian chuyển thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam.
[6. Nguyễn Đình Khoa, 1983] Trên thực địa, những sắc tộc Thái, Tày, Dao, Mường…
trở thành chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó, các sắc tộc Chăm, Khmer và
nhiều sắc dân Tây Nguyên thành dạng Indonesian hiện đại của chủng Mongolid phương
Nam.
Như vậy là, khảo cổ học và nhân chủng học xác nhận, từ
2000 năm TCN tới nay, trên đất nước ta chỉ có duy nhất chủng người Việt, mã di truyền Mongoloid
phương Nam sinh sống.
b. Sự ra đời của người Kinh.
Nhận tri thức từ Viễn Đông Bác cổ, các học giả Việt Nam cho rằng, “Nhóm
tiền Việt Mường chuyển hóa thành Việt Mường
chung. Sau đó một bộ phận tiếp xúc với nhóm Tày-Thái cổ, sinh ra người Việt.”
Tuy nhiên những khám phá mới cho thấy một sự thật khác:
- Khoảng 300 năm TCN, do nước biển rút, đồng bằng sông Hồng hình thành. Những
thành phần năng động nhất trong các bộ tộc người Việt ở Việt Nam, Đông Dương và
Nam Dương Tử dồn về khai thác vùng đất mới. Vốn cùng một
chủng tộc, với ngôn ngữ và văn hóa Lạc Việt, mọi người sống hòa hợp. Trong những người
từ Nam Dương tử xuống, có người Tày-Thái, người Hẹ (Hakka), người Hán… là hậu
duệ của tổ tiên lên khai phá khu vực miền Trung Hoàng Hà sau đó sống trong các
vương triều Hoàng Đế tới thời Thương, Chu, Tần, Hán nên ngôn ngữ gốc Việt của họ
trở nên đơn âm và hữu thanh [7. Hà Văn Thùy, 2016]. Khi tiếp xúc với cộng đồng
người Việt ở đồng bằng sông Hồng, đã truyền ngôn ngữ này cho đồng bào của mình. Sự
việc được tăng cường sau khi Triệu Đà lập nước
Nam Việt, chữ Nho được đưa sang dạy và nhất là từ khi người Trung Quốc chiếm
đóng, chữ Nho thành văn tự chính thống, tiếng nói dân cư đồng bằng chuyển nhanh
hơn sang đơn âm-hữu thanh.
Một cộng đồng người Lạc Việt đông đúc, sống trong môi trường tự nhiên mở,
có điều kiện giao lưu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trong ảnh hưởng
của kinh kỳ đô hội… đã dần hình thành nhóm sắc tộc riêng, với số lượng
lớn, được gọi là người Kinh. Trong khi đó, những bộ tộc người Việt
khác sống trong môi trường hẹp, khép kín, dân số ít, trở thành những sắc dân
thiểu số.
Tới đây cần khẳng định: người Kinh là một sắc tộc (ethnicity) trong cộng
đồng dân tộc Việt (race, nation). Việc gọi người Kinh là người
Việt, còn các sắc tộc khác trên đất Việt Nam không phải Việt là sai lầm tai hại. Có lẽ cũng cần làm rõ một
số khái niệm dân tộc học. Nhân học chia loài người
thành ba cấp độ: Loài (species): Homo sapiens. Dưới loài gồm nhiều chủng người
(race, nation): North Mongoloid, South Mongoloid, Indonesian, Melanesian… Dưới
chủng là các sắc tộc (ethnicity): Tày, Thái, H’mong, Kinh… Một thời gian
quá dài chúng ta đã lẫn lộn trong hệ thống phân loại này. Bắt đầu từ sau
năm 1954. Học theo Trung Quốc nói rằng “Trung Quốc có 56 dân tộc anh em,” chúng
ta ghi vào hiến pháp: “Việt Nam có 54 dân tộc anh em.” Điều này không đúng bởi
thực tế, Trung Quốc có 56 sắc tộc (ethnicity) trong năm chủng tộc (race) là
Hán, Hồi, Mông, Mãn, Tạng. Sau này nhận ra sai lầm, người
Trung Quốc đã sửa. Trong khi đó chúng ta vẫn theo quan niệm cũ khiến các sử gia lúng
túng.
Từ phân tích trên cho thấy, một khi đã xác định rõ nguồn gốc và quá trình
hình thành người Việt và người Kinh, thì những “khoảng trống”
mà Giáo sư Phan Huy Lê nêu ra phần lớn đã được san lấp:
·
Trên đất nước Việt Nam
chỉ có duy nhất một dân tộc Việt, cùng một cội nguồn, cùng ngôn ngữ,
cùng văn hóa và cùng lịch sử. Những cộng đồng người Chăm, Bana, Êđê, Khmer…là
những sắc tộc thiểu số của dân tộc Việt. Ngay cả người
Hoa gốc Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến… đang sống ở nước ta thì cũng là sắc tộc Hoa của
dân tộc Việt bởi lẽ tổ tiên họ cũng là người Việt.
·
Là cộng đồng do người
Việt sinh ra, nhận được những phẩm tính ưu tú của dân tộc, sống trên vùng đất
phì nhiêu nhất và có số lượng lớn vượt trội nên người
Kinh là tiêu biểu của dân tộc Việt. Lịch sử một dân tộc là lịch sử của cộng đồng
chủ thể làm nên dân tộc đó. Vì vậy, lịch sử của người
Kinh chính là lịch sử của dân tộc Việt.
Cha ông ta đã đúng khi lấy lịch sử người Kinh làm đại diện cho lịch sử Việt Nam. Nghiên
cứ lịch sử các sắc dân khác là cần, để bổ sung cho tính đa dạng của lịch sử dân
tộc.
·
Do được hình thành như
trình bày ở trên nên người
Chăm, Khmer, các sắc dân Tây Nguyên đều là người Việt. Từ xa xưa, cha ông của đồng
bào Chăm, Khmer, Bahnar, Êđê… đã sống trên đất Việt Nam và góp phần xây dựng nền văn
hóa Việt như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo… Có người thắc mắc,
đồng bào Tây Nguyên có phải con cháu vua Hùng? Khảo cổ học và nhân chủng học đã
trả lời: các sắc dân này cùng là người Việt Australoid bản địa,
nhận được nguồn gen Mongoloid từ hậu duệ của Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân,
Hùng Vương để chuyển mã di truyền sang Mongoloid phương
Nam nên cũng là con cháu vua Hùng! Do trước đây chưa biết điều này nên chúng ta
bỏ qua, từ nay cần nghiên cứu và đưa vào chính sử nước nhà.
·
Từ di truyền học và những
chứng cứ khảo cổ học, văn hóa học, có cơ sở để nói rằng, vào thời Văn Lang,
toàn bộ Đông Dương, bao gồm cả Thái Lan, Mianmar và bán đảo Mã Lai nằm trong sự
thống thuộc của các vua Hùng do mối liên hệ về huyết thống, tâm linh và văn
hóa. Nhưng khi Văn Lang bị diệt và nhất là khi Việt Nam bị phương
Bắc đô hộ, do mất liên hệ với trung tâm nên các thủ lĩnh địa phương phía Nam lập
những quốc gia riêng như Lâm Ấp, Chămpa, Chân Lạp, Phù Nam… Việc nhà Trần, nhà
Lê, nhà Nguyễn thu phục những vùng đất phía Nam, về bản chất là việc thống
nhất lãnh thổ để xây dựng quốc gia chung giầu, mạnh của người Việt. Do vậy, lịch sử Việt
Nam phải gồm lịch sử của cộng đồng người Việt từng sống trên những quốc gia cổ
đó.
· Xác lập quan điểm lịch sử mới.
Khi đề nghị một quan điểm mới để nghiên cứu Sử Việt, Giáo sư
Lê viết: “Một quan điểm tuy không được đưa vào các văn kiện của Liên Hợp Quốc
nhưng gần như tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới đều thừa nhận, đó là lịch
sử của bất cứ một quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết
sử (HVT nhấn mạnh). Tất cả những gì diễn ra trên không gian địa lý, lãnh
thổ đó đều thuộc về chủ quyền khai thác, bảo quản và nghiên cứu của chính quốc
gia đang làm chủ đó, dù trước đó có những dân tộc đã từng có nhà nước
riêng. Tất cả các tầng lớp cư dân, cộng đồng, tộc người hay các vương quốc
từng tồn tại trên các không gian lãnh thổ đó đều thuộc về lịch sử và văn hóa của
nhà nước hiện nay đang quản lý lãnh thổ đó”.
Bạn đọc kính mến, bạn nghĩ gì khi đọc những dòng này: “Tất cả các tầng lớp
cư dân, cộng đồng, tộc người hay
các vương quốc từng tồn tại trên các không gian lãnh thổ đó đều thuộc về
lịch sử và văn hóa của nhà nước
hiện nay đang quản lý lãnh thổ đó”? Chúng ta đều biết rằng,
hầu hết các đường biên quốc gia hiện nay được hình thành trên sự tranh chấp
lãnh thổ và tồn tại dưới hai dạng: hợp theo công pháp
quốc tế hay chiếm đóng trái phép. Nói như trên, vô hình trung, Giáo sư
Lê đã đánh đồng sự sở hữu
và quản lý hợp pháp với sự chiếm đóng trái phép bằng cưỡng đoạt?! Không thể có
cách hiểu nào khác ngoài việc ông Giáo sư chấp nhận sự chiếm đóng
trái phép của Trung Quốc không chỉ với Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng mà còn với Hoàng Sa, Trường
Sa của Việt Nam?!
Không chỉ thế, câu này của Giáo sư cũng có vấn đề: “Lịch
sử của bất cứ một quốc gia dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết
sử.” Phải chăng Giáo sư, người đứng đầu ngành Sử chỉ cho phép viết sử Việt Nam
trong phạm vi biên giới hiện tại? Sẽ ra sao khi chỉ nghiên cứu những gì đã có
và hiện có trên đất Việt Nam? Như trên đã trình bày, hành trình sinh tồn
và phát triển của người Việt trên trái đất này không
chỉ 4000 năm, càng không phải 2700 mà những 70.000 năm. Hơn nữa, không chỉ diễn
ra ở Việt Nam mà tổ tiên ta từ Việt Nam còn đi lên khai phá Hoa lục và xây dựng ở đó nền
văn minh vật chất và tinh thần rực rỡ. Rồi từ Thái Sơn
- Trong Nguồn, tổ tiên ta mang nguồn gen Mongoloid về chuyển hóa không chỉ dân
cư Việt Nam mà toàn bộ Đông Nam Á sang người Việt hiện đại chủng Mongoloid
phương Nam. Và tại đồng bằng sông Dương Tử, người Lạc Việt tổ tiên ta không chỉ
làm ra đồ gốm đầu tiên, thuần hóa cây lúa nước đầu tiên mà còn xây dựng nhà nước
đầu tiên ở phương Đông để vinh danh họ Hồng Bàng với biểu trưng con Rồng cháu
Tiên! Lẽ nào những sự thực lịch sử này là của ngoại bang, cấm không được nói đến!?
Thật cay đắng, đau xót và nhục nhã cho những người
yêu và nghiên cứu Sử Việt khi đứng trước Bảo tàng Lăng Triệu Văn Đế ở Quảng
Châu! Phải chăng Giáo sư Lê muốn “bàn giao” thêm nhiều nữa? Liệu “Quan điểm lịch
sử mới” của Giáo sư Lê có là cú đòn tiếp theo nhằm hủy diệt lịch sử Việt Nam?
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh. Lịch sử cổ đại
Việt Nam. (NXB Văn hóa thông tin. H, 2005)
2. J. Y. Chu et al. Genetic
relationship of populations in China. PNAS. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC21714/
3. Stephen Oppenheimer. Out of
Eden: The Peopling of the World:...
4. Hà Văn Thùy. Nhà nước
Xích Quỷ từ huyền thoại đến hiện thực. (NXB Hội Nhà văn. H,
2017)
5. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng
học Đông Nam Á. (NXB DH&THCN.H, 1983)
6. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng
học Đông Nam Á. NXB DH&THCN. H, 1983
7. Hà Văn
Thùy. Góp phần nhận thức lại lịch sử văn hóa Việt. NXB Hội Nhà văn. H,
2016.n “bàn giao” thêm nhiều nữa? Liệu “Quan điểm lịch
sử mới” của Giáo sư Lê có là cú đòn tiếp theo nhằm hủy diệt lịch sử Việt Nam?
Sài Gòn, dịp giỗ Tổ năm 2017
Hà Văn Thùy