27 mars 2018

TỔNG HỢP MỘT SỐ Ý KIẾN QUAN TÂM TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI DÂN PHẢN ÁNH ĐẾN LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC


Mừng Đảng Quanh Vinh
Mừng bé ăn xin

Tô Văn Trường: "Đất nước và con người là yếu tố cơ bản của nội lực. Chúng ta đều nói rất nhiều về “lỗi hệ thống” và tính lạc hậu của thể chế hiện tại, nhưng nói cho cùng thì hệ thống và thể chế đều do con người tạo ra. Vì vậy, nếu để Việt Nam phát huy được nội lực thì mỗi người Việt Nam, mà đầu tiên là các nhà lãnh đạo phải quyết tâm vượt qua chính mình chứ không phải ngồi chờ thể chế thay đổi."






Khi phân tích đánh giá một doanh nghiệp, các nhà khoa học thường sử dụng phương pháp phân tích SWOT (Strength-Weakness-Opportunity-Threats Mạnh, yếu, cơ hội và thách thức). Nhìn rộng ra của một đất nước thì vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, hệ thống thể chế, cho đất nước thuộc về nội lực, còn thời cơ và thách thức chính là ngoại lực. Nội lực đúng là toàn bộ nguồn lực bên trong, sẽ được bổ sung tự nhiên và sẽ tổn thất đúng qui luật khi vận hành tương tác chuẩn với nguồn lực bên ngoài.

Đất nước và con người là yếu tố cơ bản của nội lực. Chúng ta đều nói rất nhiều về “lỗi hệ thống” và tính lạc hậu của thể chế hiện tại, nhưng nói cho cùng thì hệ thống và thể chế đều do con người tạo ra. Vì vậy, nếu để Việt Nam phát huy được nội lực thì mỗi người Việt Nam, mà đầu tiên là các nhà lãnh đạo phải quyết tâm vượt qua chính mình chứ không phải ngồi chờ thể chế thay đổi.

Thể chế là mảnh đất và môi trường để nội lực phát triển. Suy cho cùng nội lực phải bắt nguồn từ nguyên khí quốc gia. Nếu không biết sử dụng hiền tài, thì sẽ không tạo ra được nội lực cho đất nước.

 - Người dân nói chung hoan nghênh Tổng bí thư, Thường trực Ban bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương và cá nhân Thủ tướng đang tiến hành quyết liệt chống tham nhũng không có vùng cấm. Đặc biệt, Quốc hội, Nhân dân, cử tri cả nước đang theo dõi hằng ngày việc thực hiện triết lý của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo”. Lòng tin của người dân và cán bộ đang phục hồi. Nhưng nhiều người dân vẫn còn e ngại về thế lực "đen" và tình báo Trung Quốc!

 - Cần thực sự tiến hành cải cách chính trị, giảm thiểu tối đa chế độ "song trùng"  hầu như chỗ nào cũng tồn tại 2 cơ quan - Đảng và Chính quyền khiến hiệu quả các quyết định vừa chậm vừa không rõ trách nhiệm, vừa khiến biên chế phình to. Không giảm chi thường xuyên sẽ sụp đổ tài khóa. Nhưng giảm biên chế mới chỉ nói chưa biến thành hiện thực vì ngại “đụng chạm”!. Đây là "tử huyệt" của chế độ.

- Mọi chính sách, nghị định ... đều phải đặt niềm tin, có lòng tin vào nhân dân. Nhân dân ta rất tốt, vậy hãy tạo mọi điều kiện để mọi công dân phát huy cao nhất khả năng của mình vào công cuộc phát triển đất nước trên tất cả mọi lĩnh vực : kinh tế, văn hoá, xã hội ... Xoá bỏ quan niệm chỉ nhà nước mới được làm. Xoá bỏ quan niệm quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây là “nhạy cảm”.

 - Muốn có kinh tế thị trường thực sự trước tiên phải thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó quan trọng nhất là phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai và phải xem lại khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân? Tuy nhiên, khái niệm “ đất đai là sở hữu toàn dân” là vấn đề lớn phải chờ ý kiến xem xét, chỉ đạo chung của Bộ Chính trị. Trước mắt, trong phạm vi trách nhiệm của cơ quan hành pháp, Thủ tướng có quyền cho bỏ quy định “Nhà nước thu hồi đất và đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo bảng giá của chính quyền địa phương” vì đây là kẽ hở để nhà đầu tư liên kết với nhóm lợi ích có thẩm quyền “mua rẻ, bán đắt” gây ra các khiếu kiện như bấy lâu nay, làm xã hội bất an.

 - Mật độ dân số VN quá dày, hơn cả Trung Quốc, riêng Đồng bằng sông Cửu Long gấp đôi cả nước. Đất làm lúa ít và quí vô cùng nhưng “bờ xôi- ruộng mật” đang bị tàn phá, chuyển đổi không thương tiếc thành tài sản riêng và biến thành công cụ để một số cá nhân bóc lột địa tô. Có những cảnh đè ra lấy đất như Đồng Tâm (Hà Nội) gây phẫn nộ, dân ngấm ngầm chịu đau nhưng lòng uất hận không tâm phục, khẩu phục. Không nên để lãng phí đất và mất đất lúa, thứ quý hơn vàng và là bảo bối lâu dài ngàn đời của dân tộc. ĐBSCL từ 1989 đến nay xuất khẩu trên 140 triệu tấn gạo thu về trên 40 tỷ USD (trong đó của ta chiếm 70% không như dệt may ta chỉ 30%). Vùng kinh tế như thế mà cầu - đường - bến cảng đầu tư như vừa qua, là không tương xứng, không hợp đạo lý.

 - Cách làm BOT giao thông như vừa qua không giống ai, dân không chấp nhận. Dân phản ứng ta đàn áp là mất lòng dân.

 - Không nên chạy theo FDI và GDP bằng mọi giá mà không quan tâm văn hóa. Xã hội điên đảo vì tội phạm chưa từng có là do văn hóa suy đồi, giáo dục chệch hướng.

 - Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, nhà máy nhiệt điện than vv…người dân âu lo có yếu tố Trung Quốc? Giám sát, kiểm soát, hạn chế tối đa thất thoát lãng phí, tham ô từ các dự án đầu tư công. Nhiều người ở TW và địa phương đều biết rõ làm bất cứ việc gì cũng phải lót tay! Nhiều công trình không phải chỉ có chung chi 30% mà còn hơn thế nữa.  Họ biết rõ nhưng không nói công khai vì ngại ảnh hưởng đến công việc và mang phiền toái cho bản thân trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Cứ nhìn vào thực tế thấy rõ các công trình của ta đầu tư đắt nhất thế giới, nhưng chóng hỏng, xuống cấp nhanh nhất thế giới là đủ hiểu lãng phí, thất thoát chảy đi đâu?

- Về đối ngoại, thế giới đi vào phân cực lần hai, quay về "mạnh ai nấy lo". Mỹ và TQ không ai muốn VN đổ, nhưng không ai muốn ta mạnh. VN làm thế nào để thoát vùng xoáy đó.? Không có nước nào “chơi xấu” như  các kiểu mà Trung Quốc đã và đang thực hiện đối với Việt Nam.

ASEAN chưa thành khối gắn kết vì thiếu hạt nhân minh chủ, mà ta thì đang ở thế có tâm, chưa đủ tầm. ASEAN không có chức năng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ nên không nên kỳ vọng quá. Song sử dụng ASEAN để tranh thủ dư luận quốc tế là việc nên làm. Tình hình nầy là cơ hội ta dựa vào dân tạo sức mạnh độc lập tự chủ. Nam Bắc Triều Tiên đã nhận ra điều nầy.

-  Vấn đề đất đai các đặc khu kinh tế cần rà soát kỹ chặt chẽ về luật nhất là vấn đề sử dụng đất, về chủ quyền quốc gia, về những lĩnh vực không nên cho đầu tư ở đặc khu kinh tế (đặc biệt là yếu tố Trung Quốc), tránh tình trạng sau này khi thấy hậu quả thì phạm luật, thậm chí không đủ tiền đền bù  vv...

- Đổi mới thế chế và con người là yêu cầu bắt buộc để “tobe or not tobe”. Đã là quy luật của cuộc sống để tồn tại phát triển bền vững thì bất cứ chế độ nào cũng phải biết nhìn lại mình, vượt lên chính mình, nghĩa là thay đổi tư duy, hợp lòng dân. 

- Riêng về "nợ nước ngoài và công nghệ nhiệt điện than lạc hậu của Trung Quốc" tôi viết thành bài riêng (File kèm theo).


Tô Văn Trường