Gạc Ma 1988, đã 30 năm trôi qua... |
Sự kiện thảm
sát Gạc Ma đã diễn ra 30 năm trước, nhưng bài học kinh nghiệm luôn cần được đặt
ra mổ xẻ để bánh xe lịch sử không lặp lại.
Thảm sát Gạc
Ma
Ngày
14.3.1988 là một ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Đó là ngày Trung
Quốc xua quân tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại khu vực Trường
Sa. Máu đã loang trên mặt biển Đông. 64 chiến sĩ của chúng ta đã mãi mãi không
trở về.
Nhiều bài
viết gọi đây là cuộc “hải chiến Trường Sa”. Cách gọi này hoàn toàn không đúng
với bản chất của sự kiện. Bởi vì, bên Trung Quốc đã dùng hải quân trang bị vũ
khí tấn công, gồm cả pháo tầm xa, còn bên ta chỉ là các chiến sĩ công binh với
vũ khí bộ binh phòng vệ. Bản chất của nó phải được gọi đúng tên là một cuộc thảm
sát những người lính công binh Việt Nam do lực lượng hải quân Trung Quốc gây
ra.
Trung Quốc
còn tàn độc hơn khi không cho phép các tàu của lực lượng chữ thập đỏ ra cứu các
nạn nhân, cho dù đây luôn là thông lệ quốc tế trong chiến tranh.
Sự kiện đã
diễn ra 30 năm, niềm đau thương, mất mát tưởng chừng như lắng dịu. Tuy vậy,
những bài học kinh nghiệm luôn cần được đặt ra, để làm sao cho bánh xe lịch sử
không lặp lại lần nữa.
Khi tìm hiểu
về tính cách dân tộc Trung Quốc, Nguyễn Trãi đã tổng kết người Trung Quốc là
“hiếu đại, hỷ công, cùng binh, độc vũ”. Tính cách của người Trung Quốc còn được
khái quát qua nhân vật Tào Tháo trong Tam quốc Diễn nghĩa: “thà ta phụ người,
còn hơn để người phụ ta”. Khi hữu sự, người Trung Quốc thường sẵn sàng ra tay
dùng vũ lực lạnh lùng, tàn nhẫn, và luôn tấn công trước đối phương để đoạt tiên
cơ.
Cho đến năm
1987, Trung Quốc chưa hề có mặt trên bất cứ cấu trúc nào tại Trường Sa, và họ nhận
thấy đây là một bất lợi. Vì thế, từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã ráo riết cho
quân lên chiếm một số cấu trúc địa lý thuộc Trường Sa, bao gồm: Chữ Thập, Châu
Viên, Huy Gơ, Ga Ven.
Về phía Việt
Nam, mặc dù tiềm lực còn hạn chế về mọi mặt nhưng chúng ta cũng quyết tâm cho
các lực lượng công binh ra xây dựng một số cấu trúc tại Trường Sa, nhằm khẳng
định và bảo vệ chủ quyền.
Không phải
ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã chọn thời điểm đầu năm 1988 để tấn công Gạc Ma.
Binh pháp
Tôn Tử của Trung Quốc luôn nhấn mạnh vào “thời”, “thế” trong hoạt động chiến
tranh. Thời điểm năm 1988, Việt Nam rơi vào “thế” vô cùng hiểm nghèo. Chật vật
qua hai cuộc chiến tranh với hai đối thủ “hạng nặng” Pháp và Mỹ, Việt Nam vừa
giành được thống nhất đất nước, vết thương chiến tranh chưa kịp lành, kinh tế
chưa hồi phục thì ngay sau đó, quân Khmer đỏ tấn công biên giới Tây Nam. Khi
Việt Nam đang phải truy đuổi quân Khmer đỏ thì Trung Quốc dàn quân tấn công
Việt Nam trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc.
Kinh tế đất
nước chật vật, chạy ăn từng bữa, chiến tranh liên miên, đã khiến Việt Nam rơi
vào thế khó. Thời điểm đó, trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam gần như bị cô
lập hoàn toàn. Mỹ vẫn đang cấm vận Việt Nam, Trung Quốc tấn công biên giới năm
1979 và liên tiếp những năm sau đó là thời điểm căng thẳng tột độ giữa hai
nước.
Sau sự kiện
Campuchia, ASEAN quay lưng ghẻ lạnh với Việt Nam. Chỗ dựa duy nhất của Việt Nam
là Liên Xô và khối Đông Âu thì lúc này đang trong cơn rệu rã (năm 1989 bức
tường Berlin sụp đổ và năm 1991, Liên Xô tan rã).
Khi Việt Nam
rơi vào thế cùng chính là thời cơ của Trung Quốc. Dư luận quốc tế thì đang chú
ý đến sự kiện Campuchia, tiềm lực Việt Nam thì kiệt quệ, đây chính là thời điểm
tốt nhất để Trung Quốc ra tay chiếm Trường Sa mà không bị sự phản đối nào đáng
kể.
Khi Trung
Quốc tấn công Việt Nam ngày 14.3.1988, dư luận quốc tế thờ ơ, các nước ASEAN
bàng quan cho rằng đây là chuyện riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc, kể cả
Malaysia và Philippines là những quốc gia trực tiếp có lợi ích tại Trường Sa.
Bài học lịch
sử qua sự kiện Gạc Ma là khi thế và lực của Việt Nam suy kiệt, thì đó sẽ là
“thời” của Trung Quốc, họ sẽ thẳng tay tấn công, xâm lấn, thâu tóm lãnh thổ.
Trong bất kỳ bối cảnh nào, chính sách đối ngoại luôn hết sức quan trọng, nhất
là đối với những nước nhỏ như Việt Nam. Nếu dư luận quốc tế lên tiếng thì Trung
Quốc cũng khó mà trơ tráo và hung hăng đến thế. Thêm nữa, đừng mong chờ có “cao
nhân” nào cứu giúp, tham chiến, khi chiến tranh xảy ra.
Trường Sa
hôm nay
Sau khi
chiếm được Gạc Ma sau cuộc thảm sát ngày 14.3.1988, năm 1995 Trung Quốc chiếm
thêm bãi Vành Khăn từ tay Phillipines. Họ đã có tổng cộng bảy cấu trúc: Gạc Ma,
Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn.
Kể từ năm
2014 đến nay, lợi dụng thế giới đang tập trung vào sự kiện giàn khoan Hải Dương
Thạch Du 981, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành bồi lấp các cấu trúc tại Trường
Sa, tổng diện tích bồi lấp lên tới 800 ha. Đến nay, tất cả các cấu trúc này đều
đã được xây dựng và trang bị các phương tiện quân sự hiện đại, đóng vai trò như
các “chiến hạm nổi” tại khu vực biển này.
Cho đến nay,
thực tế là không có một quốc gia nào có thể ngăn cản được việc Trung Quốc bồi
lấp các cấu trúc tại Biển Đông, trong đó có Trường Sa. Và cùng với việc bồi lấp
này, Trung Quốc đã biến bảy cấu trúc thành các căn cứ quân sự quan trọng để nắm
quyền chi phối, kiểm soát khu vực Biển Đông bằng sức mạnh vũ lực.
Bên kia Thái
Bình Dương, đối thủ mạnh nhất và đáng gờm nhất của Trung Quốc là Hoa Kỳ. Việc
nước này có một tổng thống đầy tai tiếng và điều hành đất nước theo cách “không
giống ai” đã khiến cho Trung Quốc thay vì bị ngăn cản, lại trở nên ngày càng
mạnh hơn cả về “thế và lực”.
Một vấn đề
cần đặt ra là liệu trong tương lai gần, trước việc Trung Quốc càng ngày càng
mạnh và “nhe nanh múa vuốt” như vậy, có thể lặp lại việc tấn công Trường Sa tại
các cấu trúc mà Việt Nam đang kiểm soát?
Bối cảnh thế
giới hiện nay cho thấy, Trung Quốc đang gặp thời. Dù không ưa Trung Quốc đi
chăng nữa, cũng phải thừa nhận rằng, ảnh hưởng và thế lực của Trung Quốc càng
ngày càng mạnh lên, trong khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ - đối thủ duy nhất có đủ sức
mạnh kiềm chế Trung Quốc dường như càng ngày càng đi xuống.
Tuy nhiên dù
Trung Quốc đang có thời nhưng Việt Nam không rơi vào thế cùng như trước nữa. Về
đối ngoại, Việt Nam đã thể hiện chính sách uyển chuyển. Việt Nam có quan hệ đối
tác chiến lược cùng lúc với Trung Quốc và nhiều cường quốc trên thế giới. Quan
hệ quân sự giữa Việt Nam và nhiều cường quốc đã liên tục phát triển. Tàu chiến
Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nhiều lần ghé thăm Việt Nam. Mới
đây, hàng không mẫu hạm Carl Vinson của Hoa Kỳ ghé thăm cảng Đà Nẵng. Điều đó
cho thấy quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới đang phát triển
đáng kể, kể cả với các cựu thù như Hoa Kỳ.
Thế của Việt
Nam đã thay đổi, lực của Việt Nam cũng thay đổi theo. Dù cho tiềm lực quân sự
của Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc nhưng cũng không phải là không có
khả năng bảo vệ và gây thiệt hại cho đối phương nếu bị đối phương gây hấn, tấn
công. Việt Nam đã và đang đa dạng hóa nguồn vũ khí của mình, từ tên lửa của
Nga, Ấn Độ cho đến tàu chiến của Nga, Pháp… Việt Nam cũng đang cân nhắc việc
mua các vũ khí hiện đại từ Hoa Kỳ để tăng cường sức mạnh phòng vệ trên biển.
Dù hòa bình,
hợp tác là xu thế của thế giới hiện nay, thế nhưng nguy cơ về xung đột giữa
Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa vẫn luôn hiện hữu. Sự kiện tàu
thăm dò dầu khí của công ty Repsol phải rút khỏi lô 136-03 (dù công ty này đã
được Việt Nam cấp phép hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo
các quy định của luật biển quốc tế) là một minh chứng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn
đó. Nếu không cảnh giác, tỉnh táo và chủ động, Việt Nam có thể sẽ bị cuốn vào
một cuộc xung đột như vậy trong tương lai.
Vì vậy, để
tránh lặp lại sự kiện Gạc Ma, một mặt Việt Nam cần tiếp tục phát triển chính
sách đối ngoại đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, để tạo thế
đứng trên trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh nội lực về
kinh tế, quốc phòng. Mặc dù, chính sách quốc phòng của Việt Nam tập trung vào
bảo vệ đất nước, nhưng nếu Việt Nam có sức mạnh quốc phòng đáng kể sẽ khiến đối
phương phải cân nhắc khi tấn công vũ trang, tạo sức mạnh răn đe.
Trong sức
mạnh quốc phòng ấy, thế trận lòng dân luôn là một phần quan trọng, có tính chất
quyết định trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hiện tại cũng như lâu dài.
Hoàng Việt (Vietnamnet)