08 mars 2018

USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng: Những điều đáng chú ý


Hà Tường Cát/Người Việt


ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) –  Trưa Thứ Hai, giờ Việt Nam, hải đội Hàng Không Mẫu Hạm Tấn Công số 1 (Carrier Strike Group 1) của Hải Quân Mỹ gồm hàng không mẫu hạm Carl Vinson (CVN-70), tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer (DDG 108) đã vào vịnh Đà Nẵng khởi đầu chuyến thăm Việt Nam 4 ngày.



Các chiến hạm Mỹ nhỏ hơn đã nhiều lần đến Việt Nam trước cũng như sau 1975 nhưng đây là lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm chủ lực của Hải Quân Mỹ vào bến Việt Nam.
Tháng Năm, năm 1964, ba tháng trước khi xảy ra biến cố Vịnh Bắc Bộ mở đầu các chiến dịch oanh tạc của máy bay Mỹ ở Việt Nam, chiếc hàng không mẫu hạm nhỏ USS Card (CVE-11) chỉ được dùng như một tàu vận tải đã vào cảng Sài Gòn chở máy bay và trực thăng đến cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi bị người nhái Việt Cộng đặt chất nổ đánh chìm xuống sông Sài Gòn, tàu Card được trục lên kéo qua Philippines và Nhật sửa chữa để sử dụng trở lại.
Từ 1964 đến 1975, hơn 20 hàng không mẫu hạm được luân phiên điều phái đến thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam chỉ hoạt động ngoài khơi cách bở biển khoảng 100 hải lý, tại hai khu vực Yankee Station ngang Đồng Hới và Dixie Station ngang Bình Thuận, không bao giờ vào cảng.
Hơn 40 năm sau, hàng không mẫu hạm Carl Vinson bây giờ đến Việt Nam bằng một chuyến thăm viếng hữu nghị, tuy nhiên không đơn giản là một chuyến thăm viếng ngoại giao bình thường của chiến hạm hải quân đến các cảng nước ngoài.
Điểm đáng chú ý ở chỗ Mỹ và Cộng Sản Việt Nam đã là cựu thù, đến nay mau chóng trở thành đối tác do có những lợi ích và mối quan tâm chung trước ý đồ bành trướng của Trung Quốc.
Cọng Sản Việt Nam chưa thể là đồng minh của Mỹ theo đúng nghĩa, không phải vì hận thù quá khứ mà vì vị thế địa lý chính trị của mình. Nằm sát bên một nước có uy lực kinh tế và sức mạnh quân sự quá lớn, Việt Nam phải tìm cách tránh tổn hại chắc chắn do xung đột, trong khi cố bảo vệ được chủ quyền và độc lập của mình bằng đường lối ngoại giao khôn ngoan cân xứng với tất cả các nước.
Dù cho hải đội mẫu hạm Carl Vinson có sức mạnh lớn lao thế nào, chuyến thăm viếng Đà Nẵng không nhắm mục tiêu quân sự và không hề có ý nghĩa là sự hiện diện quân lực quy mô nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ 1975.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink diễn tả được giá trị chính xác của sự kiện: “Chuyến thăm là cột mốc quan trọng mang tính biểu tượng trong mối quan hệ song phương của hai quốc gia chúng ta và thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.”
Nếu thực tế quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh luôn luôn là rất phức tạp thì mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng cường đều đặn. Người ta nhận thấy Tổng Thống Trump tìm cách thay đổi hay xóa bỏ hầu hết các chính sách và thành quả của chính quyền tiền nhiệm nhưng điều ấy không xảy ra với trường hợp Việt Nam. Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc được mời đến tòa Bạch Ốc cuối Tháng Năm năm ngoái và chuyến thăm viếng đúng thời điểm thuận lợi ấy dễ dàng góp phần hiệu quả vào việc thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác toàn diện đã được xác lập năm 2013 dưới thời chính quyền Obama.

Một nữ thủy thủ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson chụp hình vịnh Đà Nẵng. (Hình: Getty Images)


Ý kiến đưa một hàng không mẫu hạm Mỹ vào thăm Việt Nam được đề ra từ ngày đó và được thực hiện theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước nêu trong tuyên bố chung Việt Mỹ Tháng Mười Một năm ngoái khi Tổng Thống Donald Trump gặp Chủ Tịch Trần Đại Quang ở Hà Nội. Sau này Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis chỉ thỏa thuận lại các chi tiết để công bố chính thức trong chuyến đến Việt Nam hồi Tháng Giêng năm 2018. Nhưng chính quyền Việt Nam đã biết chắc chắn việc này từ lâu. VNExpress dẫn lời bà Lê Thị Thu Hạnh, phó giám đốc Sở Ngoại Vụ thành phố Đà Nẵng: “Suốt 6 tháng qua, các cơ quan trung ương cũng như địa phương đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch chi tiết đón tiếp đoàn Hải Quân Mỹ hơn 5,000 người của ba chiến hạm.”
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực.”
Mọi người đều thấy việc hải đội Carl Vinson đến Đà Nẵng là một phần trong nỗ lực chung của  hai nước nhằm ngăn chặn bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông và có thể Bắc Kinh khó chịu với hành động này. Nhưng AP dẫn nhận định của ông Lê Hồng Hiệp thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore thì Bắc Kinh sẽ không coi chuyện này là quá trầm trọng: “Trung Quốc hiểu rất rõ chiến lược xích gần giữa Mỹ và Việt Nam là do thái độ quyết đoán quá đáng của họ ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc cũng hiểu rằng khó có thể Việt Nam dám hợp tác quân sự với Mỹ để chống họ.”
Theo ông Hiệp: “Mặc dù chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson đa phần có ý nghĩa tượng trưng và không đủ để làm Trung Quốc thay đổi thái độ, nhưng vẫn là cần thiết để chuyền đi tín hiệu rằng Mỹ vẫn còn có mặt tại Biển Đông.”
Quan điểm này đã được Giáo Sư Carl Thayer chuyên gia về Việt Nam đã từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc nêu ra trong môt cuộc phòng vấn của BBC.
Giáo Sư Thayer tóm tắt hai ý nghĩa chính trong chuyến thăm Đà Nẵng của mẫu hạm USS Carl Vinson: “Thứ nhất, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của Hải Quân trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng nước Mỹ dưới thời Tổng Thống Trump không tách rời khu vực. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không.”
Greg Poling thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS đồng ý kiến với dự doán của Giáo Sư Thayer cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sự kiểm soát của họ trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ông Poling cảnh báo rằng Mỹ sẽ bị “đứng ngoài cuộc chơi” ở Biển Đông nếu không có gì hơn việc thực hiện các chuyến hải hành bảo đảm tự do hàng hải (FONOP). Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson như vậy phần nào thể hiện hành động tích cực hơn.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết một đoàn cán bộ liên ngành gồm 15 người thuộc Bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng và chính quyền thành phố Đà Nẵng, theo lời mời của Tòa Đại Sứ Mỹ, đã lên thăm tàu. Xuất phát từ sân bay Đà Nẵng đoàn đã xuống thăm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong hai ngày 3 và 4 Tháng Ba khi đang ở hải phận quốc tế gần quần đảo Hoàng Sa ngoài vùng biển Đà Nẵng.
Trong những ngày lưu lại Đà Nẵng, hải đội Carl Vinson có nhiều hoạt động cộng đồng, tham dự các trận đá banh, bóng chuyền và trình diễn âm nhạc tại Cầu Rồng và công viên Biển Đông. Hai chiến hạm hộ tống, tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer cặp bến cảng Tiên Sa nhưng hàng không mẫu hạm USDS Carl Vinson bỏ neo ngoài vịnh cách bờ khoảng 1km. Báo giới và một số cán bộ, công chức cùng dân chúng sẽ được mời lên thăm các tàu.
Trong buổi trình diễn trước dân chúng thành phố Đà Nẵng tập trung đông đảo tại Cầu Rồng tối Thứ Hai, cô thủy thủ Evinly Kershan, nữ ca sĩ chính của ban nhạc hải quân Hạm Đội 7 đã hát bài “Nối Vòng Tay Lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cô Kershan sau đó cho biết đã mất hai tuần lễ tập dượt cùng ban nhạc và đã chọn lời của phiên bản thứ nhất để mọi người có thể cùng hát theo.
Nên nhắc lại rằng trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng Thống Barack Obama cũng đã dẫn lời bản “Nối Vòng Tay Lớn” khi nói chuyện ở Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Hà Nội.
Hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẵng như vậy được đánh giá là một bước chuyển mạnh trên nhiều mặt trong quan hệ Mỹ-Việt.
Thiếu Tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên phó viện trưởng Viện Chiến Lược Quốc Phòng trả lời phỏng vấn của VNExpress cho biết trong hơn nửa thế kỷ qua  tình thế đã hoàn toàn biến chuyển. Năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và chiến tranh kéo dài đến 1973. Năm 1995 Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ. Tháng Giêng năm 2003 chiến hạm Mỹ lần đầu tiên đến Việt Nam sau 1975 và từ đó đến nay duy trì đầu đặn ít nhất mỗi năm một lần. Theo ông Quân chuyến thăm của Carl Vinson, ghé Philippines rồi đến Việt Nam chứng tỏ Mỹ không quay lưng với ASEAN.
Ông Quân cho rằng quan hệ đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các nước lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, sẽ càng ngày càng nhộn nhịp hơn “nhưng phải trên cơ sở nguyên tắc độc lập, tự chủ nhất quán của ta.” Ông cũng hy vọng là các nước ASEAN đều đón nhận sự kiện Đà Nẵng và đừng nghĩ mình không được Mỹ coi trọng bằng Việt Nam.
Hãng tin Nga RT phán đoán sự kiện hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẵng nặng nề hơn, cho rằng Mỹ có ý muốn đưa Việt Nam vào trong một khối chống Trung Quốc đã sẵn sàng có Nhật, Úc, Ấn Độ. Theo RT Mỹ khó có khả năng thu nạp Hà Nội nhưng ít nhất cũng khích động thêm tinh thần chống Trung Quốc của người dân Việt. 

(Hà Tường Cát)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/uss-carl-vinson-tham-da-nang-nhung-dieu-dang-chu-y/