Image caption |
Thông
tin về việc tàu cá Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một lần nữa làm
dấy lên tranh cãi ngoại giao, cũng như xới lại những tranh cãi nóng bỏng về vấn
đề Biển Đông vốn đã tạm thời bị thông tin dịch bệnh Covid-19 áp đảo trong vài
tháng qua.
Hôm
6/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát thông điệp chỉ trích Trung Quốc: "Đây là vụ
mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định đòi hỏi trên
biển phi pháp và gây hại cho các láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông."
Tuyên bố còn liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông kể
từ khi đại dịch bùng phát như lập các trạm nghiên cứu ở Đá Chữ Thập và Đá Xu
Bi, hạ cánh máy bay quân sự chuyên dụng ở Đá Chữ Thập và triển khai dân quân biển
đến Trường Sa.
Trên
Twitter hôm 6/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus viết: "Điều
đáng ngại là CHND Trung Hoa đang lợi dụng việc thế giới tập trung vào giải quyết
đại dịch toàn cầu để khẳng định các yêu sách biển bất hợp pháp của mình ở Biển
Đông".
Phát ngôn trái ngược
Trước
đó, truyền thông Việt Nam dẫn lời kể ngư dân cho biết tàu cá QNg-90617 TS của
ngư dân Trần Hồng Thọ ở Quảng Ngãi đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm và
tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân đưa về đảo Phú Lâm. Theo tường thuật của báo trong
nước, sáng 2/4, khi nhận được tin báo có tàu chìm, 3 tàu cá Việt Nam đã chạy đến
cứu nạn nhưng đều bị tàu Trung Quốc truy đuổi. Sau đó, Trung Quốc bắt giữ hai
tàu cá và đưa về đảo Phú Lâm. Đến khoảng 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc đã
giao 8 ngư dân của tàu QNg-90617 TS và thả các tàu cá còn lại.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Hôm
3/4, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam
đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối,
"yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên
công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động
tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt
Nam".
Trong
khi đó, phía Trung Quốc cung cấp một phiên bản khác của vụ việc.
Cùng
ngày, Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói:
"Vào
sáng sớm 2/4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một
chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa [tên gọi mà
TQ đặt cho quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền] của Trung Quốc, đã
lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên
chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc".
"Mặc
dù tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu
đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc và chiếc tàu cá bị
chìm", người phát ngôn Trung Quốc nêu.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Về
phát ngôn của phía Trung Quốc, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện
Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, hôm 6/4 nói:
"Không
ai dại gì đưa trứng chọi đá, một chiếc tàu gỗ mỏng manh của ngư dân Việt Nam mà
chủ động đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc để tự chìm là điều phi lý. Lời bào chữa
của Trung Quốc là sự đổi trắng thay đen một cách ngu ngốc".
Ông
bình luận thêm: "Việc Trung Quốc cho tàu hải cảnh đâm tàu cá là hành động
côn đồ. Ban đêm tàu ngư dân Việt Nam neo đậu mà cố tình đâm chìm là hành động
không thể tha thứ, đáng trách và đáng phê phán".
Ông
Lê Kế Lâm cho rằng mục đích của Trung Quốc là dùng hình tượng đâm chìm tàu Việt
Nam để đe dọa. "Đối với ngư dân và các cơ quan công luận, điều quan trọng
là làm thế nào để có được hình ảnh chứng minh sự việc để cho cả thế giới biết sự
hung hăng đổi trắng thay đen của Trung Quốc", ông Lâm nêu ý kiến.
"Nằm trong âm mưu độc chiếm Biển Đông"
Chuẩn
đô đốc Lê Kế Lâm cho rằng vụ việc tàu ngư dân Việt Nam bị đâm chìm mới đây nên
được đặt trong một bức tranh tổng thể, đó là âm mưu độc chiếm Biển Đông của
Trung Quốc.
"Trung
Quốc luôn tìm mọi thời cơ có lợi để giành được lợi thế trên Biển Đông, điều này
được chứng minh bởi quá trình lịch sử lâu dài. Dịch Covid-19 này cũng là lúc
Trung Quốc lợi dụng thời cơ để thực hiện những hành động sai trái nên phải hết
sức bình tĩnh khi bị khiêu khích. Mặt khác, Việt Nam phải nghiêm khắc lên án một
cách quyết liệt", ông nói.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Vị
cựu sĩ quan cấp cao của Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh giá:
"Chủ
trương của Trung Quốc độc chiếm biển Đông là không bao giờ thay đổi. Cách đây mấy
chục năm khi tôi thuộc tham mưu Hải Quân đã bàn bạc đến vấn đề đó rồi. Âm mưu
Trung Quốc chiếm biển đông là âm mưu kiên trì, lâu dài cho đến khi thực hiện được.
Nên họ lợi dụng bất kỳ thời cơ nào để biến tham vọng thành hiện thực. Giống năm
1956 và năm 1974 họ chiếm toàn bộ Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988, lợi dụng
tình hình của Liên Xô và Mỹ rời khỏi miền Nam Việt Nam để chiếm 5 bãi đá ngầm của
Việt Nam ở Trường Sa và sau đó xây dựng thành những căn cứ quân sự".
"Bề
ngoài nói với thế giới là phục vụ dân sự và không quân sự hóa. Nhưng bây giờ vệ
tinh đều chụp được hình ảnh, ở Chữ Thập xây dựng thế nào, Gạc Ma, Vành Khăn xây
dựng ra sao. Rõ ràng, Trung Quốc muốn lập những căn cứ hải quân trên biển đông
để giành ưu thế trên biển đông. Một mặt để đe dọa những nước như Việt Nam,
Philippines, Malaysia. Mặt khác tạo sức mạnh đẩy Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Pháp ra khỏi
Biển Đông để độc chiếm", ông Lâm phân tích.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Tranh
chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần dẫn đến các cuộc đụng
độ, trong đó có hai lần xung đột đẫm máu là Hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa Trung
Quốc với Việt Nam Cộng Hòa và sự đột ở bãi đá Gạc Ma thuộc Trường Sa vào năm
1988 giữa Trung Quốc với Việt Nam.
Trong
những năm gần đây, tranh chấp lại tiếp tục leo thang sau một loạt động thái của
Trung Quốc như đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981
gần Hoàng Sa năm 2014. Đặc biệt vào năm ngoái, căng thẳng đã kéo dài khi tàu
thăm dò của Trung Quốc đến hoạt động trong một thời gian dài ở bãi Tư Chính,
nơi mà Việt Nam tuyên bố là thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trước
khi sự kiện tàu cá VN bị đánh chìm hôm 2/4, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại
Liên Hiệp Quốc, hôm 30/3 đã gửi công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António
Guterres phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Việc gửi công
hàm là một bước đi được cho là nhằm bảo vệ lập trường về biển đảo của Việt Nam.
Công
hàm bày tỏ lập trường liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 nhằm
phản hồi đệ trình cũng trong ngày 12/12/2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới
thềm lục địa và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực
nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption |
Công
hàm nêu rõ: "Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán như sau: Việt Nam phản đối
các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm
nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển
Đông".
Cũng
theo nội dung công hàm, Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về luật
Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi
quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Giới
phân tích đánh giá đây là bước đi cực kỳ quan trọng của Việt Nam trên "mặt
trận pháp lý" liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.