Ảnh này là của New York Times, được đăng trong bài viết nói về dữ kiện vệ tinh của Mỹ cho thấy dù nước về trên cao nguyên Tây Tạng và đang làm mùa mưa/tuyết tan, nhưng có một khối lượng nước khổng lồ được giữ lại trong lãnh thổ Trung Quốc khiến phần sông Mekong từ Lào đến Thái Lan hoàn toàn khô cạn.
Điều gì đã khiến một dòng sông khổng lồ như vậy gần như biến mất?
– Những gì mà Lào đang làm ở khúc sông nằm trong quốc gia này thì đã quá rõ. Họ đã và đang xây các đập thủy điện trên các dòng phụ và dòng chính (hai thủy điện Xayaboury và Don Sahong) của Mekong, tác động nghiêm trọng đến lưu lượng nước của con sông này ở đoạn sau khi ra khỏi lãnh thổ Lào.
– Nhưng về phần Trung Quốc, thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Độ dài của sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, tính cả khúc sông Lan Thương bên Trung Quốc, là vào khoảng 4.763 km, nhưng riêng con sông Lan Thương này đã có chiều dài là 2.354 km, tức là chiếm một nửa tổng chiều dài của con sông Mekong. Do đó, Lan Thương được xem như động mạch chủ của Mekong, với nguồn cấp nước từ băng tuyết tan vào mùa xuân/hạ cùng với lượng mưa đổ xuống trên phần đất Trung Quốc tại hai tỉnh Thanh Hải và Vân Nam. Nhưng cho tới ngày hôm nay, trong tổng số 20 dự án xây đập thủy điện chặn dòng chính sông Lan Thương, Trung Quốc hiện đã xây xong 6 con đập thủy điện, đang xây 9 con đập khác, và lên kế hoạch xây thêm 5 con đập nữa.
Xem: https://www.google.com/maps/d/viewer…
Nếu chúng ta nhìn vào sơ đồ ở trên và thông số của hệ thống các con đập “bậc thang” mà Trung Quốc đã đưa vào hoạt động trên dòng chính Lan Thương, thì sẽ thấy rằng có đến hai con đập có khả năng tích nước khổng lồ đến hàng tỷ mét khối nước, là đập Tiểu Loan (Xiaowan) (15 tỷ mét khối) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu) (21,7 tỷ mét khối). Trong khi đó, Tiểu Loan chỉ cần 1 tỷ mét khối nước và Nọa Trát Độ chỉ cần khoảng 2 tỷ mét khối nước là có thể vận hành thủy điện được rồi.
Xem: https://www.researchgate.net/…/337253319_Nguon_nuoc_ngot_va…
https://www.rfa.org/…/hydroelectric-plant-may-cause-flood-i…
Vậy tại sao Trung Quốc phải xây hai con đập khổng lồ này và lý do thật nằm ở đâu?
Hai con đập tích nước khổng lồ này nằm ở đầu và cuối của tỉnh Vân Nam, là khu vực nhận được nhiều nước băng tan từ cao nguyên Tây Tạng đổ về và cũng có nguồn nước mưa theo khí hậu gió mùa cấp cho đoạn sông Lan Thương lớn nhất. Trung Quốc làm thế để giữ lại phần lớn tài nguyên nước, vì quốc gia này hiểu rằng, trong tương lai gần:
1. Biến đổi khí hậu sẽ khiến băng tuyết ở các đỉnh núi trên dãy Himalayas và Tây Tạng tan rã, khiến một lượng nước rất lớn đổ về hạ lưu sông Lan Thương. Hành tinh Titanic từng có một số bài viết phân tích tình huống này, tại:
https://hanhtinhtitanic.org/so-sanh-anh-ve-tinh-ve-toc-do-…/
https://hanhtinhtitanic.org/nen-nhiet-tai-lhasa-cham-muc-4…/
https://hanhtinhtitanic.org/hau-qua-cua-bang-tuyet-tan-ra-…/
https://hanhtinhtitanic.org/bang-vinh-cuu-tren-dinh-nui-tu…/
Trung Quốc xây hồ trữ nước và các đập lớn với dung tích tích nước khổng lồ là để chuẩn bị cho thời cơ này, trước khi họ sẽ không còn nước từ một nguồn chủ yếu là băng tan trên các đỉnh núi và cao nguyên Tây Tạng.
Trung Quốc hiểu rằng một khi nền nhiệt toàn cầu gia tăng và các lớp băng bao phủ rặng núi Himalaya cùng cao nguyên Tây Tạng tan ra và đổ vào ba con sông lớn là Hoàng Hà, Trường Giang (Yangtze) và Lan Thương (Lancang), thì sau giai đoạn đó, một trong những nguồn nước cung cấp cho 3 lưu vực lớn của quốc gia này sẽ bị cạn kiệt và khó có cơ hội thay đổi tình thế.
Chính vì thế, song song với dòng Lan Thương, Trung Quốc xây thêm các đập nước khổng lồ khác, ví dụ như đập Tam Hiệp (với dung tích khổng lồ 22,38 tỷ mét khối nước) trên dòng Dương Tử, đập Liujiaxia (với dung tích 5,7 tỷ mét khối nước) trên dòng Hoàng Hà.
2. Biến đổi khí hậu đang khiến khu vực Đồng bằng phía Bắc của Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh của quốc gia này, sẽ lâm vào cảnh hạn hán, sốc nóng, thiếu nước trầm trọng. Năm 2018, lưu vực sông Hoàng Hà (các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Đông, Sơn Tây…) đã phải đối mặt với một trận hạn hán lịch sử chưa từng có trong vòng 55 năm.
Xem: https://phys.org/…/2018-06-drought-severity-yellow-river-ba…
Bản thân 1 trong 3 dòng sông xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng là Hoàng Hà (Yellow River) cũng đang cạn kiệt nguồn nước, vì Trung Quốc đang chuyển lưu lượng nước con sông này lên để tưới tiêu và giải nhiệt cho vùng đồng bằng phía Bắc.
Xem: https://reliefweb.int/…/east-china-province-diverts-water-y…
https://www.scmp.com/…/grip-drought-yellow-river-close-runn…
Và điều gì đến cũng phải đến, năm 2013, Trung Quốc bắt đầu phải thực thi dự án chuyển dòng / bơm 45 tỷ mét khối nước từ dòng Dương Tử ở phía Nam lên để chi viện và giải quyết vấn đề thiếu nước cho dòng Hoàng Hà – dựa theo một ý tưởng ban đầu của Mao Trạch Đông.
Xem: https://www.theguardian.com/…/chinas-water-diversion-projec…
https://www.internationalrivers.org/…/south-north-water-tra…
Nhà cầm quyền Trung Quốc cứ nghĩ Dương Tử sẽ cứu được Hoàng Hà và vùng đồng bằng phía Bắc. Nhưng điều đó cũng không tránh cho quốc gia này một định mệnh của sốc nóng, hạn hán và cạn kiệt nước. Từ năm 2011, chính bản thân dòng Dương Tử lại phải đối mặt với một cơn hạn khốc liệt và khiến con sông lớn nhất Châu Á này lâm vào tình trạng cạn kiệt chưa từng có.
Xem: https://www.theguardian.com/…/china-drought-crisis-yangtze-…
Vậy có thể trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ lại có dự án chuyển dòng Lan Thương (Lancang) sang một nhánh chia nước cho dòng Dương Tử (Yangtze) chăng? Không ai có thể nói trước được điều gì cả, nhất là khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn một hệ thống đập hùng hậu trên dòng chính Lan Thương với sức tích nước khổng lồ.
KẾT LUẬN CỦA HÀNH TINH TITANIC:
Tất cả những gì mà Trung Quốc đang làm với dòng Hoàng Hà, Dương Tử và Lan Thương (Mekong) chỉ là những biểu hiện của một quốc gia đang tuyệt vọng trước cơn khát và định mệnh hạn hán vĩnh viễn. Trước cuộc khủng hoảng về nước, Bắc Kinh sẽ làm tất cả chỉ để thỏa cơn khát và vơ vét tài nguyên nước cho số dân gần 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Chỉ có nước, thì người Trung Quốc mới có thể sống sót, giải nhiệt và gieo trồng mùa vụ được trong kỷ nguyên của biến đổi khí hậu.
Nhưng điều đó cũng cho thấy tương lại sụp đổ của từng con cờ domino về nguồn nước dành cho Trung Quốc. Một khi nguồn cung ứng nước từ các khối băng tuyết trên đỉnh Himalayas và cao nguyên Tây Tạng biến mất, cũng như nhiều đợt nóng và khô hạn bắt đầu xuất hiện ở khu vực phía Bắc, Tây Bắc và ngay cả phía Nam và Tây Nam của quốc gia này, tương lai của hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ chấm dứt thảm khốc.
Xem: http://www.futuredirections.org.au/…/southern-china-experi…/
https://www.nature.com/articles/465142a
Khi Trung Quốc – một quốc gia đông dân, hung hăng và tham lam – khát nước, thì cơn khát ấy sẽ ảnh hưởng đến nhiều tiểu quốc láng giềng, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Sau khi Trung Quốc giữ lại nguồn nước của động mạch chủ của Mekong là dòng Lan Thương, thì chắc chắn chiều dài còn lại của con sông này tại Đông Nam Á sẽ không còn nhiều nước để mà sử dụng nữa. Đó là chưa kể Trung Quốc đang dùng nền kinh tế tư bản hiện đại, hệ thống tiền tệ và thế lực địa chính trị để lôi kéo và cám dỗ Lào, Thái Lan và Cambodia cùng thực hiện ý đồ xẻ thịt phần còn lại của dòng Mekong. Dù có thể trong tương lai của biến đổi khí hậu, Việt Nam và Đông Nam Á sẽ có nhiều mưa hơn khi khí hậu ngày càng trở nên nóng ẩm, nhưng lượng nước bù lại từ các cơn mưa và bão tố ấy chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu của người dân sống tại vùng hạ lưu như trước đây được nữa. Đồng bằng Sông Cửu Long đang hấp hối và Việt Nam sẽ mất vựa lương thực chính của mình.
Với nhiều phân tích chi tiết ở trên, chúng tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ nhận ra lý do chính cho các đập chắn dòng Lan Thương ở Trung Quốc không phải là khai thác tiềm năng thủy điện đâu. Đó chỉ là chuyện phụ mà thôi. Khi người ta khát, thì nước mới là chuyện chính yếu.
Nhưng tại sao Trung Quốc khát nước? Xin nhắc lại rằng hiện nay, không chỉ có Trung Quốc khát nước, mà còn cả Ấn Độ (với dòng sông Ấn, sông Hằng cũng đang cạn kiệt), Ethiopia và Ai Cập (sông Nile), Texas – Mỹ (dòng Colorado), Syria – Iraq – Iran (dòng Tigris-Euphrates)…
Tại sao tất cả chúng ta đang và sẽ khát nước? Hãy suy nghĩ cho kỹ lý do gốc rễ và là ngọn nguồn của mọi vấn đề khủng hoảng này. Có phải là do khí hậu biến đổi và nền nhiệt tăng hay không? Và vì sao nền nhiệt lại tăng? Phải chăng là do lượng khí nhà kính khổng lồ mà các nền công nghiệp của chủ nghĩa tư bản hiện đại tại Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Australia… đã xả ra? Vậy tại sao các nền công nghiệp này phải xả thải khí nhà kính? Có phải là do lòng tham lợi nhuận và văn hóa tiêu dùng mà chủ nghĩa tư bản tân tự do đã cấy vào nhân loại này?
Vâng, tất cả các dòng sông cạn kiệt là do lòng tham của một số ít người đứng trên đỉnh kim tự tháp lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản. Nó thậm chí còn bắt nguồn từ sự kiêu căng và ngu dốt của chủ nghĩa Mao Trạch Đông, nghĩ rằng bằng ý chí của con người, người ta có thể dời núi, lấp biển, chuyển hướng các dòng sông để phục vụ cho nhu cầu của xã hội loài homo sapiens.
Dòng Mekong đang hấp hối là do các công xưởng sản xuất của phương Tây được đặt ở Trung Quốc, nơi mà người ta đang làm ra hàng hóa mang thương hiệu của Apple, Addidas, Nike, Decathlon, CocaCola, Pepsi, Unilever, P&G, IKEA, KFC, Toyota, GM, Microsoft, Gillete, HP… để kích hoạt văn hóa tiêu thụ trên toàn cầu. Những giọt nước sinh ra từ băng tuyết trên đỉnh Himalayas xa xôi, chảy tràn qua cao nguyên Tây Tạng hùng vĩ, hòa vào dòng Mekong vĩ đại, thấm ướt và nuôi sống cho hàng tỷ loài sinh vật trong lòng sông và hai bên bờ, giờ đây được loài homo sapiens lợi dụng để biến thành năng lượng và nước tưới tiêu, cung cấp cho chu trình sản xuất các vật phẩm, hàng hóa tầm thường và vô ích, để rồi hóa giá trở thành lợi nhuận tiền tệ hàng tỷ USD, Nhân dân tệ, Yen Nhật… trong tài khoản ngân hàng của giới chủ đầu tư tư bản.
Rồi đây, vào thời tận cùng – chỉ trong 30 năm nữa mà thôi, loài homo sapiens và con cháu của chúng sẽ tự hỏi: liệu một chiếc điện thoại di động hay một chiếc xe hơi có làm thỏa cơn khát nước hay không? Liệu các siêu đô thị, trung tâm thương mại, shop hàng hiệu… có thay thế được cá, tôm, các cánh đồng lúa, trái cây, và nếp sống bình an dân dã từng có nơi vùng hạ lưu của các con sông hay không? Con người đã cưỡng hiếp các dòng sông, bắt chúng kiệt lực phục vụ cho mưu đồ của họ để đổi lấy những giá trị phù du và ảo tưởng.
Khi chúng ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi như vậy, thì cũng là lúc đã quá trễ, và tất cả đang sụp đổ nhanh chóng. Tôi hồ nghi rằng, rất nhiều người trước khi chết vì cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu còn không hiểu được cặn kẽ nguyên nhân cốt lõi gây ra cái chết của mình là gì. Họ sẽ vẫn đổ tội cho nhau, chì chiết nhau, cắn xé nhau, giết chóc nhau… giống hệt như những gì chúng ta đang làm khi ở trong cơn đại dịch coronavirus hiện nay.
16/04/2020
Theo Hành tinh Titanic