RFA
Hình ảnh các quan chức về hưu lên tiếng khi Trung Quốc gây hấn, đăng trên Báo Phụ Nữ hôm 20/4/2020.(phiên bản báo in) |
Trong bốn tháng đầu
năm 2020, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành động khiêu khích nhằm áp đặt
chủ quyền của họ ở Biển Đông, khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này
thêm căng thẳng.
Truyền thông Trung Quốc
vào ngày 5/3/2020 đồng loạt đăng Báo cáo của Viện Sáng kiến Nghiên cứu Tình
hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) nói rằng có tổng cộng 311 tàu cá Việt Nam đã
xâm nhập vào khu vực nội địa gần đảo Hải Nam, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế
của Trung Quốc vào tháng 2, với mục đích đánh bắt cá và làm gián điệp bất hợp
pháp.
Và tiếp đến là Trung
Quốc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, nhưng lại cho rằng tàu cá Việt
Nam tự đụng vào tàu Trung Quốc.
Vào ngày 18/04/2020,
Trung Quốc thông báo thành lập hai
quận thuộc “thành phố Tam Sa”, đó là “quận
Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa), hai
quần đảo mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mỗi lần Trung Quốc
gây hấn, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho
phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ phản đối
hành động của Trung Quốc và tuyên bố vùng biển đó thuộc chủ quyền Việt Nam...
Trong khi đó những vị
quan chức về hưu có những phát biểu khá mạnh mẽ. Như Thiếu tướng Lê Văn Cương -
nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cho rằng Nhà cầm quyền
Trung Quốc từ xưa đến nay là “bậc thầy” về lợi dụng thời thế. Ông này lên án
Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang lo chống dịch Covid-19 để gây hấn, đâm
chìm tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, bắt tám ngư dân Việt Nam.
Hay như ông Nguyễn Đức
Hải, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng cũng có bài lên
án Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh về hành động sai trái của họ.
Tiếng nói của họ khi không còn giữ chức vụ, nhất là những
chức vụ cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam, thì những phân tích đó không
đại diện cho quan điểm của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.
- Đinh Kim Phúc
- Đinh Kim Phúc
Vì sao chỉ quan chức
Việt Nam về hưu mới dám lên tiếng phản đối Trung Quốc?
Trả lời RFA hôm 24
tháng 4 năm 2020 liên quan vấn đề này, Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc,
nói:
“Phản ứng trước
các hành động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, cũng như phân tích âm
mưu chiến lược của Trung Quốc đối với biển Đông, đối với Việt Nam cũng như khu
vựa Đông Nam Á, thì toàn xuất hiện những quan chức, mà đứng trước tên các quan
chức đó toàn là chữ ‘nguyên’ với chữ ‘cựu’... Chúng ta biết rằng, các quy định
của đảng cộng sản Việt Nam trong nội bộ, có 19 quy định mà đảng viên không được
làm, đó là nói những vấn đề trái quan điểm, đường lối của đảng cộng sản Việt
Nam. Những vị này khi phát ngôn, vẫn phân tích được những âm mưu và thủ đoạn của
Trung Quốc, nhưng tiếng nói của họ khi không còn giữ chức vụ, nhất là những chức
vụ cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam, thì những phân tích đó không đại
diện cho quan điểm của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.”
Chính vì vậy theo Nhà
nghiên cứu Đinh Kim Phúc, không thấy có một vị cán bộ đương chức nào, dám đứng
lên phân tích, hay tố cáo các hành động hiện nay của Trung Quốc trên biển Đông,
mà toàn các vị về hưu, các vị không giữ chức vụ nữa, đó là một vấn đề thực tế của
Việt Nam.
Tuy nhiên, Tiến sĩ
Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể,
khi trao đổi với RFA hôm 23/4, cho rằng:
“Tôi nghĩa chuyện ấy
cũng là bình thường, trong phản ứng đối với những hành động của TQ, thì cần phải
có sự phân công lao động giữa các tầng lớp khác nhau, và chúng tôi cũng đấu
tranh rất mạnh mẽ. Về mặt chính thức, ông Trọng, ông Phúc nói là khó, Bộ trưởng
ngoại giao nói là khó... người ta phải để người phát ngôn của Bộ ngoại giao, để
cho tướng tá về hưu nói. Chúng tôi cũng rất muốn là để cho xã hội dân sự lên tiếng
một cách mạnh mẽ. Đó là sự phân công lao động mà ở đâu cũng thế.”
Hình minh hoạ: Tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần tàu cảnh sát biển Việt Nam trước đây. Reuters |
Trước đó, khi phát biểu
tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 10 năm 2019, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám
đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chỉ gọi là “nước
ngoài” chứ không nêu đích danh “Trung Quốc” khi đề cập đến tình hình biển đảo bị
xâm phạm chủ quyền ở thời điểm đó.
Thạc sĩ Hoàng Việt, một
thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng,
ở Việt Nam có những vấn đề cảm thấy khó hiểu, một mặt Tổng bí thư kiêm Chủ tịch
nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo trong vấn đề
biển Đông, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên
Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Thông thường giới
quân đội phải là giới lên tiếng mạnh mẽ nhất, nhưng dường như thời gian qua những
tướng quân đội lại phát biểu rất nhẹ nhàng. Tôi không hiểu những bước đi của Việt
Nam như thế nào cũng như chính sách của Việt Nam ra sao? Nó cho thấy cho thấy
chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thiếu sự nhất quán.”
Trong khi đó vào ngày
22/4/2020, báo chí do nhà nước kiểm soát đồng loạt có bài viết với tựa đề “Người
dân kịch liệt phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, nội
dung viết về việc người dân bày tỏ sự bất bình và kịch liệt phản đối hành động
phi lý của Trung Quốc khi ngang nhiên thành lập khu Tây Sa và Nam Sa.
Trên thực tế, khi người
dân thật sự phản đối Trung Quốc bằng cách mặt áo, đeo khẩu trang NoU phản đối bản
đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc thì bị công an sách nhiễu bắt bớ.
Đã gần 10 năm, chuyện áo NoU từ 2011 đến giờ, rồi chuyện
khẩu trang NoU cũng bị công an ngăn chặn, bỏ tù. Nó thể hiện rất rõ, phơi bày bộ
mặt thật của họ mà thôi.
-TS Nguyễn Quang A
-TS Nguyễn Quang A
Tiến sĩ Nguyễn Quang
A, nhận định:
“Chuyện họ lạm dụng
từ ngữ thì cổ như lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam, không có gì là lạ. Lúc
nào họ cũng nói nhân dân... nhưng không có một khảo sát nào cả. Họ lạm dụng từ
nhân dân, công an nhân dân, cái nào cũng nhân dân. Ví dụ ông thủ tướng vừa nói
gì, thì sau chưa được nửa ngày, cái loa của hệ thống đã ầm ỉ kêu lên là nhân
dân nhiệt tình ủng hộ... họ chuyên môn lạm dụng những từ ngữ như vậy. Việc họ
trấn áp những người lên tiếng, ví dụ đến giờ đã gần 10 năm, chuyện áo NoU từ
2011 đến giờ, rồi chuyện khẩu trang NoU cũng bị công an ngăn chặn, bỏ tù. Nó thể
hiện rất rõ, phơi bày bộ mặt thật của họ mà thôi.”
Không chỉ gây hấn với
Việt Nam, Trung Quốc mới đây sau khi đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng biển
VN, cũng đã đưa tàu này đến gần khu vực Malaysia thăm dò dầu khí, cho tàu cá với
sự tháp tùng của tàu hải cảnh đánh cá ở vùng biển Natuna của Indonesia. Trong
khi các nước Đông Nam Á đang tập trung mọi nguồn lực chống dịch Covid-19, Bắc
Kinh lại tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ ở Biển Đông,
khiến tình hình tại vùng biển đang tranh chấp này thêm căng thẳng.
Nhà nghiên cứu Biển
Đông Đinh Kim Phúc, nhận định:
“Trong 4 tháng đầu
năm 2020, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hành động khiêu khích trên biển Đông, bằng
cách tố cáo Việt Nam đưa tàu đánh cá uy hiếp đảo Hải Nam, uy hiếp căn cứ quân sự
của Trung Quốc ở Hải Nam. Và tiếp đến là đụng tàu cá Việt Nam, rồi gởi công hàm
đến Ủy ban ranh giới Liên Hiệp Quốc để tố cáo những hành động của Việt Nam, của
Philippines, Malaysia... Nhìn chung Đông Nam Á đang đứng trước một miệng hố của
ranh giới chiến tranh, nhưng nếu phân tích kỹ những gì xảy ra trên thực địa thì
chúng ta thấy những cơ sở để dấn đến một cuộc chiến tranh, dù là chiến tranh cục
bộ trên biển Đông, thì chưa đủ điều kiện.”
Nhà nghiên cứu Biển
Đông Đinh Kim Phúc cho biết thêm, hiện nay rất nhiều người phân tích âm mưu thủ
đoạn tình hình trên biển Đông, nhưng ông chưa thấy bất cứ một chuyên gia trong
và ngoài nước nào, đưa ra kịch bản trên biển Đông ít nhất là trong năm 2020.
Ông cho biết những kịch bản này:
“Kịch bản thứ nhất,
nếu TQ lợi dụng Việt Nam và các nước, đặc biệt là các siêu cường đang lo chống
trả đại dịch covid-19, họ tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ trên biển Đông,
để đánh chiếm hết những gì còn lại trên quần đảo Trường Sa, để đặt thế giới vào
sự việc đã rồi, tuy họ là nước thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, là siêu cường
kinh tế và quân sự. Khả năng thứ hai, TQ cũng tiến hành chiến tranh cục bộ trên
biển Đông từ 4 đến 8 tuần thì các cường quốc trên thế giới sẽ phản ứng như thế
nào? Thứ ba, nếu có cuộc chiến tranh tổng lực trên biển đông nhằm phân chia lại
Đông Nam Á giữa Mỹ và TQ thì có dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực hay chiến
tranh thế giới lần thứ 3 hay không?”
Theo Nhà nghiên cứu
Biển Đông Đinh Kim Phúc, đó là những kịch bản cần nêu ra, vì nếu không
chuẩn bị những kịch bản đánh giá tình hình thực tế, thì sẽ không giải quyết được
vấn đề ở Đông Nam Á, ở Biển Đông, không cảnh giác cho thế giới thấy được những
âm mưu thủ đoạn ‘thâm độc’ của Trung Quốc hiện nay.
2020-04-24