31 août 2021

Cách mạng Tháng Tám với các giám mục người Việt Nam

TS. Phạm Huy Thông*

 

Hình các Giám Mục từ trên xuống dưới và từ trái qua phải:

Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Lê Hữu Từ : (Giám mục Lê Hữu Từ với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp nhau ở Phát Diệm đầu năm 1946: “Tôi và dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng nếu Cụ là cộng sản thì tôi chống Cụ từ giờ phút này”.), Giám mục Ngô Đình Thục


Trong lịch sử nước ta, có lẽ không có biến cố nào gây ảnh hưởng lớn tới người Công giáo Việt Nam như cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Truyền thống yêu nước cùng với nỗi tủi nhục của người tín hữu dưới ách thống trị của thực dân Pháp cũng như sự đối xử bất bình đẳng của các giáo sĩ nước ngoài với các giáo sĩ người Việt đã làm cho đa số người Công giáo Việt Nam nhất tề đứng lên theo cách mạng. Nhà báo người Pháp Jean R. Clementin nhận xét:

 “Điều làm cho các giáo sĩ ngạc nhiên và lo lắng chính là sự mất lòng tin, nếu như không muốn nói là sự căm thù của nhân dân Việt Nam với Pháp mà các giáo sĩ đều cảm thấy. Tiếp đó, điều làm cho hàng giáo phẩm xao xuyến hơn cả là đám con chiên Việt Nam, đứng đầu là các linh mục, tu sĩ đã chuyển sang phía cách mạng”(1)

Nhưng không chỉ có giáo dân, linh mục, tu sĩ mà ngay cả những giám mục đầu tiên là người Việt Nam cũng có tinh thần ủng hộ độc lập dân tộc.

Chúng ta biết rằng, sau 400 năm truyền giáo ở Việt Nam, mãi đến năm 1933 mới có người Việt đầu tiên là linh mục Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) được nâng lên hàng giám mục. Đến ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945), ở nước ta có 5 giám mục người Việt, tuy nhiên giám mục Phan Đình Phùng đã mất năm 1940, nên chỉ còn lại 4 là các giám mục Nguyến Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), Ngô Đình Thục (1897-1984) và Lê Hữu Từ (1897-1967). Cũng còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ trong cuộc đời của các vị giám mục này nhưng có thể khẳng định: các giám mục người Việt tiên khởi này đều có tinh thần dân tộc, tha thiết với độc lập tự do của dân tộc ngay từ những ngày đầu cách mạng.

Minh chứng đầu tiên là ngay sau khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam mới đứng trước nguy cơ đe dọa của các thế lực trong ngoài, nền độc lập non trẻ của nước nhà rất cần sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Các giám mục Việt Nam đã có sáng kiến cùng ký tên vào hai bức điện văn gửi Tòa thánh Vatican và cộng đồng Công giáo thế giới đề nghị ủng hộ và công nhận chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh đứng đầu. Lời văn rất cảm động và tràn đầy tinh thần dân tộc:

Nhân dân Việt Nam yêu quý của chúng con muốn nhờ trung gian 4 vị giám mục của họ, dâng lên Đức Thánh cha lòng tôn kính sâu xa và xin Đức Thánh cha ban phúc lành, tỏ lòng rộng lượng và cầu nguyện cho nền độc lập mà nhân dân chúng con mới giành được và quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá. Chính phủ chúng con cũng đã ra một nghị quyết tốt đẹp và nhân ái chọn ngày Quốc khánh cho cả nước trùng với lễ kính các vị tử đạo Việt Nam mà Tòa thánh mới cho phép mựng vào chủ nhật đầu tháng 9. Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo mừng lễ này với một tinh thần yêu nước chân thành và nồng nhiệt chưa từng có, với những cuộc biểu tình to lớn và náo nức tỏ ra cho thấy toàn dân quyết tâm bảo vệ chính quyền của mình, dẫu có phải đổ máu…

Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động tận đáy lòng, vì ý thức bổn phận thiêng liêng với Tổ quốc chúng con, các giám mục người Việt Nam, chúng con nài xin Đức Thánh cha, Tòa thánh Roma, các Đức Hồng y, các Đức Tổng giám mục, giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp hỗ trợ cho việc quyết định của Tổ quốc yêu quý của chúng con(2).

Điện văn gửi cộng đồng Công giáo thế giới cũng đầy tâm tư, nhiệt huyết:

 

 “Trong lúc hòa bình đã được vãn hồi trên toàn thế giới, lẽ ra chúng tôi cũng phải được cùng bao dân tộc khác hàn gắn các đổ nát do chiến tranh tàn phá gây ra, thay vì tiếp tục dồn thêm đổ nát. Chúng tôi phải chịu ảnh hưởng không sao tránh khỏi của cuộc chiến tranh vừa qua, đã tàn phá và xáo trộn tất cả. Chúng tôi phải chịu một nạn đói khủng khiếp làm chết đi nhiều đồng bào và một nạn đói mới có thể còn khủng khiếp hơn nạn trước xảy ra.

Hỡi anh chị em Công giáo thế giới, hãy đến trợ giúp cho các miền giáo phận phồn thịnh đức tin của Việt Nam. Hãy đến viện trợ cho Tổ quốc thân yêu của chúng tôi đã từng cống hiến cho anh chị em 90.000 vị chứng nhân đạo thánh và còn hứa hẹn nhiều mùa gặt to lớn hơn. Hỡi nhân dân các nước Anh và nước Mỹ, hãy cho chúng tôi sự can thiệp có ích lợi, khiến chúng tôi thoát khỏi cảnh rùng rợn của chiến tranh, trong khi tất cả thế giới đã được hưởng thái bình(3).

 

Các điện văn trên có tiếng vang lớn trên trường quốc tế bấy giờ và là sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử của giáo hội Việt Nam. Nó đã góp một đòn chí mạng làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp khi đưa một cựu tu sĩ là Thiery D’Argenlieu sang làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương để lôi kéo người Công giáo rời xa kháng chiến.

 

Người có sáng kiến khởi thảo 2 điện văn nói trên chính là giám mục Phát Diệm Nguyễn Bá Tòng (ảnh trên thứ nhất). Vị giám mục tiên khởi này khi còn ở chủng viện Vĩnh Long cũng đã luôn có khao khát “làm rạng rỡ danh còn cháu Lạc Hồng” từ khi còn là chủng sinh:

 

      Phước trùng nghinh cháu Lạc con Hồng

      Ứng ánh hào quang chiếu Viễn Đông

      Triệu ứng tiên khai đà vững chắc

       Thì cơ hội tấn ắt nên công…

 Cũng vì bài phú có tinh thần dân tộc này mà thầy Tòng bị phạt lùi việc được truyền chức linh mục đến 5 năm.

 

Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một học giả xuất sắc trên nhiều lĩnh vực như văn chương, thần học, giáo huấn, báo chí và nhất là lòng yêu nước. Nhiều người xúc động nhắc lại lời phát biểu của vị giám mục này trong lễ mít tinh của Tuần lễ vàng, quyên tiền ủng hộ Chính phủ kháng chiến:

 “Tôi có mấy nhời thay mặt cả hàng giáo sĩ cảm ơn Ủy ban đã có lời mời chúng tôi đến dự Tuần lễ vàng này. Thật như bài diễn văn chúng tôi ai nấy vừa nghe. Ai là người có vàng lúc này không nên ẩn giấu, phải đưa ra để chung nhau đắp nền độc lập cho Tổ quốc… Phần tôi khi thụ phong giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá này và dây đeo thực là vàng. Nhưng tôi nghĩ, người đời trên có giời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lấy để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi để phụng sự quốc gia(4).

 

Nhiều người dự lễ tấn phong giám mục Phát Diệm ngày 28-10-1945 vẫn còn nhớ bài diễn văn ngẫu hứng nhưng tràn đầy tinh thần dân tộc của vị giám mục Bùi Chu: 

Cho tới nay, nước Việt Nam đã có 4 người được phong giám mục. Điều lý thú là mỗi người đều mang họ một anh hùng dân tộc. Đức cha Nguyễn Bá Tòng mang họ vị anh hùng Nguyễn Huệ. Kế đến Đức cha Ngô Đình Thục mang họ Ngô Quyền. Hôm nay Đức cha Lê Hữu Từ mang họ Lê Lợi. Còn tôi mang họ… Chủ tịch Hồ Chí Minh(5).

 

Cảm kích trước tấm lòng của vị giám mục này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời giám mục ra làm cố vấn cho Chính phủ năm 1945 và khi giám mục qua đời ngày 27-11-1948, dù rất bận công việc kháng chiến, Hồ Chủ tịch vẫn gửi điện văn cho giáo phận Bùi Chu: 

Tôi rất lấy làm đau đớn được tin Đức giám mục Hồ Ngọc Cẩn đã từ trần. Tiếc rằng vì chiến sự, tôi không thể về dự đám tang của Đức giám mục, tôi nhờ Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III thay mặt tôi đến dự lễ và chia buồn cùng đồng bào Công giáo địa phận Bùi Chu(6).

 

Giám mục Lê Hữu Từ cũng là người có tinh thần dân tộc. Bởi không lẽ, Hồ Chí Minh mời vị giám mục này làm cố vấn cho mình từ ngày 20-1-1946 và nhiều lần gọi là “người bạn thân thiết”, “người bạn quý mến”… chỉ vì vấn đề sách lược? Chúng ta biết trong lễ tấn phong, vị tân giám mục này chỉ mời các giám mục Việt Nam. Khi giám mục Ngô Đình Thục bị kẹt do mật thám Pháp cản trở không ra được để làm để làm phụ phong, giám mục người Tây Ban Nha là F. Gomez đang coi sóc Hải Phòng xin được thay thế nhưng vị tân giám mục này đã từ chối trong khi chấp nhận sự hiện diện của phái đoàn chính phủ Việt Minh được Hồ Chí Minh cử đến là các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và cựu hoàng đế Bảo Đại. Một thời gian dài, vị giám mục này thường thư từ qua lại và hội kiến với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Ông cũng cộng tác với chính phủ cử 1 linh mục đi úy lạo đồng bào miền Nam Trung bộ đầu năm 1949 hay huy động giáo dân phá cầu Trì Chính để ngăn bước tiến của quân Pháp năm 1949. Trong Thư chung ngày 23-3-1947, vị giám mục này kêu gọi giáo dân cảnh giác và đoàn kết chống Pháp: 

Các cho biết rằng, một vài người cộng tác của chúng ta và nhiều giáo dân đã bị bắt và giam giữ nhiều ngày, vì họ bị nghi ngờ là đảng viên của các đảng phái chống chính phủ. Nhiều người bị bắt do ông Huệ, một thầy giảng của địa phận Thanh Hóa ẩn núp trong địa phận chúng ta, tung ra những tin đồn lung tung và thậm chí mạo danh tôi để đánh lừa dân chúng. Các cha đừng để nó tự do qua lại trong các họ đạo của mình và nếu phát hiện thì hãy bắt và nạp giải cho tôi. Kẻ nào tiếp tục liên hệ với ông ấy, hoặc che giấu, thì đừng phân bua rằng mình vô tội khi bị cảnh sát làm khó dễ. Hơn bao giờ hết, toàn dân phải một lòng đoàn kết, chiến đấu chống lại bọn xâm lược. Hãy để vấn đề đảng phái sang một bên, đừng bận tâm tới. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần với các cha, lần này nữa, tôi xin các cha hãy nghe lời tôi(7).

 

Trong thư đề ngày 25-1-1949, giám mục Lê Hữu Từ cũng lên án tội ác của thực dân Pháp: “Quân lính Pháp, với một sự dã man tột độ, đã phá hủy tất cả, không trừ một thứ gì, kể cả nhà thờ. Trong vòng 1 năm, gần 300 nhà thờ đã bị bom đánh phá(8). Vì vậy giám mục này đã bị Pháp xếp vào loại “có đầu óc quốc gia hơn hết” và là “linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp” (âme de loppotion à la France)(9). Thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn như tung tin chia rẽ vị giám mục này với kháng chiến. Trong Thư chung ngày 20-10-1949, giám mục này viết:

 “Theo hãng thông tấn AFP, cuộc hành quân của Pháp được tiến hành vì có lời yêu cầu của tôi gửi cho chính phủ Bảo Đại, lời yêu cầu có lý do: một đàng bởi những rắc rối tôi đã gặp nơi chính phủ Hồ Chí Minh và đàng khác bởi sắc lệnh mới của Vatican nói về cộng sản. Điều đó hoàn toàn trái sự thật. Tôi không bao giờ có ý nghĩ xin bọn lính Pháp can thiệp để cứu chúng tôi khỏi một sự khó khăn bất kỳ nào. Tôi chưa hề có quan hệ với chính phủ Bảo Đại… Vì vậy, tôi khẳng định với anh em một lần nữa: trước mặt Thiên Chúa, tôi chưa bao giờ nói hoặc làm một việc gì có thể coi như kêu gọi sự can thiệp của Pháp. Tất cả những thứ đó hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi(10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trao đổi những điều cơ mật của kháng chiến với vị giám mục này và cùng đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những vụ việc rắc rối nảy sinh. Ví dụ bức thư ngày 23-3-1947, Hồ Chủ tịch viết: 

Một đàng, chúng ta phải giải thích cho người Công giáo hiểu rõ chủ trương chính sách của chính phủ như Đức cha đang làm. Đàng khác cần giáo dục cán bộ của chính phủ như bản thân tôi đang làm. như vậy bọn gây rối sẽ không còn có thể chia rẽ chúng ta và sự đoàn kết toàn dân sẽ được thực hiện(11).

 

Bối cảnh lịch sử lúc đó rất phức tạp và chuyện trăn trở của người Công giáo trước một sự lựa chọn khắc nghiệt: theo kháng chiến thì bỏ đạo và theo đạo thì chống lại dân tộc. Giám mục Bùi Tuần sau này đã nói rõ tâm tư :

 “Một đàng độc lập và hòa hợp dân tộc luôn là lí tưởng tôi khao khát. Một đàng chống cộng lại là mệnh lệnh của Bề trên trong đạo mà tôi phải vâng. Khó khăn lớn nhất là ở chỗ: thời điểm giành độc lập và xây dựng đoàn kết chống ngoại xâm lại do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Có những lúc lương tâm tôi cảm thấy diễn ra xung đột gay gắt. Xung đột có chiều sâu thăm thẳm và chiều rộng mênh mông. Xung đột lại kéo dài từ năm này qua năm khác. Vì thế xin thú thật là quá khứ của tôi trong quá khứ dân tộc có nhiều nỗi đau nặng nề và đau đớn riêng khó tả(12).

Cho nên sự chuyển hướng của giám mục Lê Hữu Từ xa rời cuộc kháng chiến là kết quả của quá trình diễn biến phức tạp. Nó là sự đối đầu loại trừ nhau của vấn đề ý thức hệ mà cả đạo và đời lúc này chưa dễ vượt qua và thực dân Pháp đã tích cực khai thác mâu thuẫn này. Có thể thấy rõ qua câu nói của vị giám mục này với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp nhau ở Phát Diệm đầu năm 1946: “Tôi và dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập tự do cho Tổ quốc nhưng nếu Cụ là cộng sản thì tôi chống Cụ từ giờ phút này”.

 

Giám mục Ngô Đình Thục coi sóc địa phận Vĩnh Long, nơi có phong trào Việt Minh hoạt động mạnh nên cũng bị Pháp liệt vào hàng ngũ “thân cộng”. Vị giám mục này cũng công khai nói lên nguyện vọng của mình: 

Như tất cả đồng bào, tôi muốn cho quê hương độc lập nhưng bằng những phương tiện hòa bình. Tôi tiếc là đã có những cuộc đổ máu và những cuộc tàn sát như đã xảy ra hôm qua ở Biên Hòa khi có 1 quả lựu đạn nổ. Người Anh đã bắn không phân biệt vào chợ làm 40 người chết trong đó có nhiều phụ nữ. Tôi biết là nếu có 10 người Pháp bị giết thì sẽ có 10.000 người Việt là nạn nhân”(13)

Mật thám Pháp cũng coi giám mục Thục thuộc nhóm chống đối như linh mục – liệt sĩ Nguyễn Bá Luật. Cuối năm 1945, khi ông định ra dự lễ tấn phong giám mục Phát Diệm thì bị bí mật cầm chân Chợ Lớn theo lệnh của Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Ông tìm cách trốn về Vĩnh Long, an ninh Pháp rất tức giận nói: 

Thái độ của Đức cha Thục thật tồi tệ, sau khi đã bỏ Biên Hòa về Chợ Lớn, lấy tàu đi Mỹ Tho và từ đó lén lút về Cái Nhum, trụ sở của một chủng viện, một tu viện và một họ đạo của tỉnh Vĩnh Long, cách họ đạo Cái Mơn (Bến Tre) chỉ có mấy cây số… Vị giám mục này hình như có ý định ở lại Cái Mơn, một họ đạo xem ra bị đe dọa bởi những quá đáng của Việt Minh, để chia sẻ số phận với các giáo hữu của mình(14).

Thực dân Pháp đã dùng bộ máy tuyên truyền để chia rẽ người Công giáo và kháng chiến. Chúng nói rằng Việt Minh là cộng sản và cộng sản thì vô thần nên sẽ tiêu giệt mọi tôn giáo, trong đó có Công giáo, nhưng giám mục Hoàng Văn Đoàn ở Bắc Ninh đã quả quyết: 

Tôi tin tưởng rằng không có chuyện cấm đạo và không phải chết vì tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh quảng đại, sáng suốt và chính phủ nhân dân biết nhìn xa trông rộng, hiểu rõ ràng: người Công giáo chân chính vốn yêu Tổ quốc và vâng phục chính quyền, nên việc cấm đạo chỉ là những chuyện của nhà cầm quyền cạn xét, nông suy, không biết đạo là chi. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng của người công dân Việt Nam(15).

 

Tóm lại, chính tinh thần của Cách mạng tháng Tám đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của người Công giáo Việt Nam, trong đó có cả những giám mục người Việt và lôi cuốn họ đi với dân tộc. Không phải tất cả mọi người đều đồng hành hết chặng đường với đất nước nhưng nó đã khởi đầu cho một trang sử mới của người Công giáo Việt Nam được xác định qua tuyên ngôn của các giám mục Việt Nam cách đây hơn 40 năm (tháng 5-1980) là: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

 

Chú thích:

 

*Phó Viện trưởng Viện Trí Việt, Giám đốc Trung tâm Tôn giáo học

1-Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Nxb TP. HCM 1988, tr.244.

- 2, 4, 5,6,11,15: Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo (Phạm Huy Thông tuyển chọn và giới thiệu), Nxb CTQG, Hà Nội 2004, tr.346, tr.295, tr.297, tr.109, tr.81 và tr.308-309.

 3,7,8 Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ, TP. HCM 1988, tr.63, tr.75-76, tr.84.

-9,13,14: Huy Thông. Con đường đồng hành cùng dân tộc cần được đắp xây bằng sự chung tay của cả cộng đồng, Nguyện san Công giáo và dân tộc số 122 năm 2005, tr.10, tr.9.

-10 :Nguyễn Thế Thoại, Giáo hội đi trong nhân loại, Lưu hành nội bộ, 1995, tr.387.

    -12: GM Bùi Tuần, Vài vấn đề trong mục vụ tại Việt Nam hôm nay, Báo Công giáo và dân tộc số 1534 ngày 24-11-2005.