Thể chế và con người.
Nhiều người vẫn còn lầm lạc cho rằng con người của một xã hội xấu xí thì do
chính bản thân những con người trong lòng nó quyết định.
Họ đang cố né tránh,
hoặc vì thiếu hiểu biết để nói lên điều đó như một sự đổ lỗi cho hệ quả của
những hành vi cai trị của thể chế của quốc gia đó tạo nên.
Thể chế, nếu có sự
kiểm soát và được vận hành một cách nghiêm minh, bằng luật pháp khoa học, thì
chẳng một công dân nào ở đất nước đó sẽ sẵn sàng làm điều xấu mà không nghĩ đến
hậu quả của nó, đó là chịu những hình phạt tương xứng mà không có nương nhẹ, ưu
ái nào cả.
Người Việt xấu xí, cứ
cho rằng trong lòng xã hội này họ đang như vậy, nhưng khi ra nước ngoài sinh
sống, học tập và làm việc, càng lâu năm, người ta càng không còn những thói
quen hay tập tính xấu, bởi trong tâm thức bị tác động bởi những hành vi quản lý
nghiêm minh từ chính phủ sở tại, họ đã ngăn mình lại mà thực hiện những hành vi
chuẩn mực để phù hợp với nơi mà họ đang sống nếu muốn tiếp tục tồn tại ở đó.
Người Việt đi Nhật,
Đức, Mỹ, Pháp hay những quốc gia văn minh khác, dù chưa thể hay đổi hết những
thói quen và suy nghĩ đã ăn mòn được duy trì hàng chục năm và qua nhiều thế hệ
bởi sự cai trị một chiều từ chính quyền, với nền giáo dục nhồi nhét và định
khung từ nhà trường tới gia đình và xã hội, nhưng phần lớn họ đã trở nên không
còn những bản tính và hành vi xấu xí như những người trong quốc nội vẫn hàng
ngày hành xử. Đặc biệt, những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và thừa hưởng những
giá trị của thể chế văn minh, thì họ sẽ lại tiếp tục trở thành những công dân
văn minh theo đúng những giá trị mà họ thụ đắc được.
Chúng ta, ngay cả trí
thức, dù học vấn và bằng cấp cao, còn chưa biết quyền của mình là gì, chưa và
có khi chẳng bao giờ sờ tới luật pháp để tìm hiểu hoặc nhờ cạy tới như là một
phương cách trong hành xử. Bởi thể chế này đã khiến con người ta ươn hèn, luồn
lách, chạy chọt và quan hệ, không cần tới luật pháp là thứ đầu tiên để giải
quyết. Những cú đánh xuê xoa với quan chức, nhưng cũng sẵn sàng nặng tay vơi
dân chúng đến cùng, hoặc lại nhận hối lộ mà bóp méo sự thật hoặc hành xử bất
chấp luật pháp mà theo nghĩa vụ thì cả hai bên, cả người thực thi công vụ lẫn
công dân đều phải tuân thủ, mà trước tiên là đòi hỏi chính quyền luôn phải chấp
hành tuyệt đối một cách tiên quyết và trên hết những nguyên tắc hành động theo
luật pháp đã được định sẵn của mình. Vì chính quyền sinh ra là để ban hành,
thực thi và bảo vệ luật pháp, nên nếu chính chính quyền ấy lại hành xử phi lý và
bỏ qua luật pháp thì nó là nguyên nhân trực tiếp biến xã hội trở nên lệch lạc
và những công dân thì thường muốn thoả hiệp cho qua chuyện mà không bao giờ
thích bị chế tài.
Bởi thế, thể chế, là
thứ duy nhất quyết định đến bộ mặt và tập tính người dân một quốc gia.
Bạn sang Singapore mà
vô tư nhả bã kẹo cao su ra đường, dán lên tường thì có thể bị phạt tới 3.000
SGD và bị phạt tới 6 tháng tù giam mà không có bất kỳ sự bảo vệ kiểu quan hệ
hay chạy chọt nào khi bị phát hiện, vậy bạn có dám mở miệng ra mà nhổ ra đường
như người dân chúng ta vẫn đang làm hàng ngày trong nước hay không?
Bạn sang Mỹ, Úc hay
Hàn, nếu bạn hành hạ những chú chó hoặc động vật, bạn có thể sẽ bị phạt tù hàng
chục năm, mà không thể có sự bao che hay khiếu nại kiểu cửa sau nào có giá trị,
thì bạn có dám coi thường và nghĩ đánh đập những chú chó là điều bình thường
nữa hay không?
Chúng ta sang Mỹ, hay
các nước châu Âu, thử hỏi rằng bạn ngược đãi trẻ em hay bạo hành chúng, bạn sẽ
bị cách ly khỏi bọn trẻ hoặc kể cả giam tù để trừng trị hành vi tồi tệ của
mình, thì bạn có dám coi thường hay sẵn sàng giơ tay, vung chân mà đánh những
đứa trẻ là những đứa con của chính mình đẻ ra nữa hay không?
Nếu bạn bị bắt hay bị
tra vấn bởi chính quyền, bạn có quyền mời luật sư và từ chối mọi hành vi thẩm
vấn của chính quyền nếu chưa có sự hiện diện của luật sư mà bạn yêu cầu, và mọi
hành vi điều tra, làm việc của cơ quan công an sẽ không có giá trị nếu trong
thủ tục tố tụng đó thiếu vắng luật sư của người bị điều tra, toà án cũng sẽ
không thể xét xử với tình trạng tố tụng như thế, và nếu có, họ sẽ tuyên xử trên
cơ sở “kết tội khi không còn nghi ngờ gì nữa” và bằng những chứng cứ hợp pháp
và rõ ràng tới mức bất kỳ ai cũng có thể thấy được nó là điều không cần bàn cãi
nữa, thì bạn có sẵn sàng nhờ luật sư và từ chối bất kể nhân viên công lực nào
một khi bạn gặp rắc rối hay không. Chắc chắn bạn sẽ không hành xử như đa phần
người dân hiện tại ở Việt Nam với tâm lý sợ hãi và cho rằng “vô phúc đáo tụng
đình”.
Với những nước văn
minh, những hành vi xấu được điều chỉnh và nghiêm trị, nên sẽ không tạo ra
những thứ tồi tệ trong lòng xã hội mà là biểu hiện cho đa phần tập tính của dân
chúng quốc gia đó. Nhưng ngược lại, một thể chế coi thường luật pháp, đề cao
đạo đức thuần tuý, từ hình mẫu cá nhân tới tập thể, thì đất nước đó sẽ sớm rơi
vào suy vong và hỗn loạn, không cách gì giải thoát ra được.
Không có xứ văn minh
nào mà được xây nên bởi thể chế tồi. Và không xã hội nào mà có thể phát triển
và tử tế cho được khi còn tồn tại một thể chế độc tài, dốt nát và coi thường
luật pháp hiện diện từng ngày trên tổ quốc đó.
Con người tạo nên thể
chế, nhưng thể chế quyết định đến trình độ và sự văn minh của một quốc gia. Và
chỉ đến khi người dân có thể biết được nó, tức thể chế, cần phải thay đổi thì
lúc đó mới có cơ hội cho dân tộc đó đi lên với thế giới tươi đẹp ngoài kia mà
họ đã thừa hưởng những giá trị phổ quát đó từ hàng trăm năm trước, mà vốn là ao
ước của toàn nhân loại trên trái đất hữu hạn và nhỏ bé này.