Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành tham gia một đợt biểu tình (Hình: Facebook Nguyễn Hồ Nhật Thành). |
Ít ngày sau khi Mỹ thông qua luật trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền, một nhà hoạt động Việt Nam đã bị một nhóm người đánh đập dã man ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội Nguyễn Hồ Nhật Thành kể lại với VOA rằng sự việc xảy ra vào chiều và tối ngày 26/12. Anh nói các nhân viên an ninh nhà nước đã tìm cách trấn áp việc anh tổ chức các lớp học với các bạn trẻ về dân quyền và hoạt động xã hội.
Vào chiều ngày 26,
họ bao vây một địa điểm của các học viên. Nhận được tin nhắn cầu cứu của các
bạn trẻ, anh Thành đến nơi và bị một nhóm hơn 10 người “đánh đấm liên hồi”,
trong nhóm đó có một kẻ dùng súng dọa nạt anh.
Tiếp đó, nhóm người
đưa anh đến đồn công an phường Tân Mỹ, quận 7. Tại đây, các nhân viên an ninh
đã giữ anh trong 7 tiếng.
Họ cáo buộc nhà
hoạt động này là “chống phá đất nước” và “làm tay sai bán nước”. Anh Thành phản
bác và khẳng định hoạt động của anh và việc tổ chức lớp là thực hiện quyền tự
do hội họp và học tập đã được quy định trong hiến pháp.
Gần nửa đêm, anh
Thành được thả. Trên đường về nhà, taxi chở anh đã bị một nhóm 20 người chặn
lại, anh bị lôi ra khỏi xe và bị hành hung tàn bạo. Nhà hoạt động nói thêm với
VOA:
“Một cái cánh đường
Nguyễn Văn Linh thì họ chặn tất cả các xe từ xa để nhằm không ai chụp hình quay
phim lại. Kéo tôi ra ngoài đường họ đánh ngay giữa đường. Họ đánh tôi khoảng 5
phút, đánh hội đồng, liên hồi liên hồi. Sau đó tôi hơi bất tỉnh khoảng chừng 2,
3 phút thì tôi mới tỉnh lại. Tôi dám khẳng định chắc chắn là nhóm này có liên
quan trực tiếp đến công an”.
Vụ tấn công nhà
hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Mỹ ký phê
chuẩn Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, theo đó Mỹ sẽ trừng phạt tất cả những
ai tham gia các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền, kể cả các quan chức
Việt Nam.
Theo luật này,
những cá nhân đàn áp nhân quyền trầm trọng sẽ bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ và tài
sản sẽ bị đóng băng ở Hoa Kỳ.
Từ thành phố Hồ Chí
Minh, anh Hoàng Dũng, một nhà hoạt động khác, nhận định với VOA về vụ anh Thành
bị hành hung dù Mỹ mới thông qua luật Magnitsky:
“Tôi nghĩ rằng
những thông tin này chưa được phía quan chức lãnh đạo cộng sản Việt Nam người
ta cập nhật. Bởi vậy việc sử dụng bạo lực với những người hoạt động sẽ vẫn diễn
ra như thông thường cho đến khi một hai người nào đó chính thức bị cấm. Lúc đấy
người ta mới đặt câu hỏi liệu người ta có bị cấm như những người kia hay không.
Sử dụng bạo lực với anh Thành như vậy nó rất là thông thường. Những nhân viên
an ninh họ thường trả thù một cách khá là hèn hạ, tức là không dám đánh ở trong
đồn. Họ để ra ngoài đường xong họ đánh để họ phủ trách nhiệm”.
Nhà hoạt động
Nguyễn Hồ Nhật Thành khẳng định sự khủng bố của giới an ninh không làm anh từ
bỏ quyết tâm tìm cách thay đổi xã hội Việt Nam một cách ôn hòa:
“Không có áp đặt,
không có chụp mũ tôi về mặt luật được nên họ chuyển qua cái vấn đề bạo lực để
nhằm trấn áp tinh thần làm cho tôi sợ. Tôi cần phải tiếp tục công việc, tiếp
tục đào tạo ra các bạn có khả năng hoạt động xã hội. Thông qua các hoạt động xã
hội của họ, họ tiếp tục nâng cao dân trí cho người dân. Tôi sẽ tiếp tục làm để
nhằm trong tương lai không còn những người bị đánh, bị đập chỉ vì những hoạt
động đơn thuần chia sẻ kiến thức hoặc lên tiếng vì những vấn đề bất công như
tôi nữa”.
Trong khi đó, nhà
hoạt động Hoàng Dũng lo ngại rằng cách hành xử bạo lực của giới an ninh nhà
nước về lâu dài có thể dẫn đến những hậu quả rất tồi tệ:
“Khi mà những người
như chúng tôi hành động rất là ôn hòa mà cứ liên tiếp bị sử dụng bạo lực như
thế thì tôi e là những người họ không chịu đựng nổi thì người ta sẽ không còn
tính chất ôn hòa nữa. Và như thế thì thực sự nó nguy hiểm cho những người an
ninh cộng sản Việt Nam cấp thấp. Đấy là những người không chạy đi đâu được khi
mà đất nước xảy ra những cái thay đổi. Những người an ninh cộng sản cấp thấp
không ý thức được điều ấy thì những gì họ nhận phải hay gia đình họ nhận phải
trong thời gian tương lai sắp tới tôi nghĩ là nó khá là khủng khiếp”.
Trong những năm gần
đây, nhiều nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị những người mặc thường phục hành
hung. Các nhà hoạt động tin rằng những kẻ hành hung là nhân viên an ninh hoặc
có liên quan chặt chẽ đến lực lượng an ninh nhà nước.
Trên mạng xã hội,
các nhà hoạt động và một số người khác đã so sánh ảnh chụp một số kẻ hành hung
với các nhân viên an ninh có tên tuổi, chức vụ cụ thể để đưa ra kết luận những
người đó là một. VOA chưa thể kiểm chứng độc lập các thông tin này.
Nguồn: Theo VOA