13 juillet 2020

Điểm hẹn


Thiện Tùng


Bên trái Cù Lao Bảo, bên phải Cù Lao Minh, chiếc đò máy ngược sóng, xuôi dòng hướng về biển cả. Khách trên đò khá đông, họ ngồi đâu mặt với nhau, nói cười như thét. Một số bạn hàng, có lẽ đêm qua thức khuya, dựa thành đò ngủ gật.
Đò vào vàm Băng Cung


 Thủy triều dâng cao, chiếc đò chỉ là một chấm nhỏ trên bể nước mênh mông. Càng gần biển, sóng càng to, chiếc đò ngất lên chúi xuống như con cá Nược giỡn sóng. Dường như từng phút từng giây, chiếc đò đang cố sức làm tròn bổn phận. Đò càng nhào lượn, khách trên đò càng thích thú. Có lẽ tất cả họ đều là dân miền sông nước, sinh ra và lớn lên trên quê hương tam cù : Cù Lao Bảo, Cù Lao Minh, Cù Lao An Hóa.

Nhìn tổng quát, một bức tranh toàn cảnh bốn con sông : Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên như bốn con rồng đang giành giựt “tam cù” với sóng nước trùng dương. Ba đảo dừa (tam cù) như ba con Trâu Nước khổng lồ, sau chiến tranh mình mang thương tích vẫn phải trầm mình cõng trên lưng hàng triệu con người đang sống trên quê hương cụ Đồ, và từng phút từng giờ phải đương đầu với sóng to gió lớn.

Khách trên đò chỉ chõ và nói như gào : “Bảo chú bộ đội ấy xuống khoan đò, trên mũi nguy hiễm và ướt hê…ết.”

Phương tỏ vẻ biết ơn về sự quan tâm ấy, song quyết bám lấy mũi đò như bám chốt tiền tiêu, để tận mắt nhìn lại quê hương đã mười mấy năm không một lần trở lại.

Quê hương Phương ở huyện Thạnh Phú. Giữa mùa Đồng Khởi năm 1960, Phương được điều về khu Trung Nam Bộ, khi đi Phương gởi lại quê hương : cha già tóc bạc, tuổi cao. Mười mấy năm trời, dù phải bù đầu với việc đánh đấm, bao giờ Phương cũng nghĩ đến quê hương, đến cha già cô đơn và bất hạnh. Giờ đây, đơn vị cho Phương nghỉ phép về quê tìm lại người cha là đáp ứng khát vọng từ lâu Phương hằng ấp ủ.

Đò lọt vào địa phận huyện Thạnh Phú, bên Minh, bến đò chung của hai xã Phú Khánh và Đại Điền hiện ra rõ nét, bên Bảo hai chấm trắng ẩn hiện sau những chòm cây còi cọc là mộ cụ Đồ Chiểu, Cụ Phan Thanh Giản; Xa xa hơn về hướng biển, khu phố Tiệm Tôm xuồng ghe tấp nập, là nơi đánh bắt, chế biến tôm khô nổi tiếng nhất vùng; Trước mặt, Cù Lao Quốc tế mỗi lúc một rõ dần – Cù Lao Quốc tế , một cái tên ngộ nghĩnh do các vị cách mạng tiền bối đặt từ thời kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp trước đây cũng như chống Mỹ sau nầy, Cù Lao Quốc tế trở thành căn cứ cách mạng.  Đối phươmg dù có hung hăng đến đâu cũng không dám phách lối khi đi đến vùng nầy, vì đây là nơi “đi dễ khó về”. Đi sang đây họ thường gọi là “đi tế”- nạp mạng. Cũng dễ hiểu : lực lượng cách mạng ở đây hễ đối phương sang thì nhận chiến – không có đường rút, chỉ có đánh thắng mới sống, đánh theo lối tử thủ.

Đò rẻ dần bên phải, ghim đầu vào vàm Băng Cung để về Thạnh Phú. Trước mõm Cù Lao Quốc tế , chiếc tàu sắt của Pháp tự nhận chìm khi chúng bị Nhật đảo chánh hồi năm 1945.  Đến nay (1975) đã ba mươi năm mà lồng cu và ống khói của tàu vẫn còn nhô cao trên mặt nước, trong lồng cu đang có người đang ngồi câu cá. Trong lòng chiếc tàu nầy là hang ổ của các loại cá to. Được biết hồi năm 1951, một ông câu, mồi bằng con vịt thả bơi trên mặt nước, một con cá trồi lên đớp gọn con vịt. Sau giây phút nhào lộn, cá rời tàu, ông câu xuống xuồng cầm dây dụi, cá kéo xuồng chúi mũi chạy về hướng biển. Kéo được một đoạn khá xa, có lẽ cá đau mép và đuối sức nó trụ vào vịnh, ông câu cột  dây dụi vào buội lá dừa nước, nghĩ cách trục nó lên. Mấy phút sau cá lại bung ra tiếp tục chạy. Buội lá dừa nước lay chuyển rồi tróc gốc nổi như cái phao chạy theo cá ra biển. Ông câu không dám liều, đành thất vọng nhìn theo.

Đò vào rạch Băng Cung khoảng năm trăm thước, Phương quảy ba lô lên vai, đứng trên mũi, hiệu cho đò cặp bờ phía Cù Lao Quốc tế. Hành khách nhao lên : “Bên ấy có ai mà cậu lên đó ?”.

Đò ủi vào mé, Phương đeo mũi đò thả vòng hai chân xuống, sình bãi bồi lúng tận cháng ba. Phương nhoài người nắm nhánh bần, vất vả mới đu lên được. Phương vẫy tay chào mọi người trên đò và nhận lại ở họ ánh mắt và cử chỉ ngạc nhiên pha lẫn với sự cảm thông.

Đò lui ra và tiếp tục chạy về hướng Thạnh Phú. Tiếng nổ của nó mỗi lúc một nhỏ dần rồi hút sâu vào đám lá dừa nước hai bên con rạch.

Đi về hướng Đông, gần cả tiếng đồng hồ, Phương vượt qua nhiều đám lá dừa nước và những bãi lát sình sụp mới ra đuợc bờ sông Hàm Luông. Mút tầm nhìn, dọc theo chiều dài của Cù Lao Quốc tế, không còn cây nào nguyên vẹn, dấu vết bom đạn lổ chổ trên đất, trên cây, Phương nhận định : Có lẽ Mỹ sử dụng sông Hàm Luông làm đường ra vào căn cứ Đồng Tâm nên họ hủy diệt cây cối hai bên bờ.

Nhìn quanh, Phương định vị : Rạch Xẻo Lá đàng kia, gò đất là đây, cây Mấm tróc gốc nằm đó. Đúng là “điểm hẹn” đây rồi !… Còn cha mình ? Chẳng lẽ …, một cảm nghĩ thoáng qua đầu Phương: Cha mình nếu còn sống thì không ở đây và nếu ở đây thì không còn sống. Người Phương bỗng dưng rờn rợn.

Rời bờ sông vào trong một đổi, Phương rùng mình khi gặp mô đất nứt nẻ có dáng hình ngôi mộ nằm cạnh lùm dây leo. Một miếng ván đóng trên đầu cọc gỗ dạng chữ T ngã sấp ra đó. Phương lật ván lên xem, lảo đảo rồi sụm xuống trước mộ nói trong giọng nghẹn ngào “Con lỗi hẹn với Cha rồi !.. Cha thứ lỗi cho con.”

Sau giây phút rủ người, Phương ngồi phắt dậy, chồm lấy lại bia mộ với hy vọng mình đã đọc sai, nhưng trước sau như một, thế là Cha mình vĩnh viễn ra đi !

Ngồi gục đầu bên mộ, Phương tự hỏi : Cha mình chết do bom đạn chiến tranh hay vì tuổi cao sức kiệt ? Ai chôn, ai đắp mộ và làm bia ?.. Làm sao Phương có thể tự giải đáp những thắc mắc do mình đặt ra.

Sau cú xốc vật vã, Phương thẩn thờ ra bờ sông Hàm Luông cho đỡ căng thẳng. Sóng vỗ mạnh vào bờ, những cột nước tung bay như những cánh cò. Phương ngữa tay hứng nước rửa mặt nhưng lại quên rằng nước biển mặn hơn nước mắt.

Trời sẫm tối, Phương trở vào ngồi cạnh mộ, moi từ ba lô ra chiếc đèn dầu bằng vỏ đạn M.79, đòn bánh tét và bình ton nước. Phương trịnh trọng đốt đèn, tét bánh, rót nước bày trên mộ, miệng lăm dăm khấn Cha. Đàn đom đóm lập lòe lượn quanh như những oan hồn đang trôi nổi. Phương ăn uống đồ cúng rồi giăng mùng cạnh mộ Cha ngủ qua đêm. Càng về khuya sương rơi, gió lạnh, tiếng sóng vỗ thì thầm, tiếng dế nỉ non như khúc nhạc, tiếng chim Quấc (Cuốc) gọi đàn như tiếng mõ công phu … Cảnh tượng và âm hưởng ấy tác động vào tâm tưởng làm sao Phương có thể ngủ được !… “Thức khuya mới biết đêm dài”, Phương cứ nhầy nhụa trong vòng lẩn quẩn, càng nhớ càng thức, càng thức càng nhớ – nhớ cả chuyện đầu đời.

Suốt hai mươi bốn (24) giờ qua, thức ăn, vật uống của Phương chỉ đòn bánh tét nhỏ và bình ton nước. Ruột xót, cổ khô, toàn thân rít chằn vì nước mặn.

Không thể ở đây lâu hơn nữa, vừa hừng sáng Phương kéo cây lá gãy đổ làm tạm cái giàn – xem như nhà mồ – che nắng che sương cho cha. Trong lúc phương đang lúi húi làm những việc sau cùng, có tiếng gọi giật :

- Ai làm gì đó ?

Phương giật mình quay sang,  hỏi vặn lại.

- Xin lỗi, chú là ai ?

- Tóm lại, cháu chưa trả lời câu hỏi của tôi kia mà ?..

- Cháu là con ruột của người chết dưới mộ nầy.

Trỏ tay vào mặt Phương, ông lão hỏi dồn :

 - Cháu là thằng… Phương ?

 - Phải, cháu là Phương đây ! Nhưng cháu vẫn chưa nhận ra chú ?

 - Sao lại chú ? Cậu chớ !… Tóm lại, cậu là Năm Tĩnh ở Ấp 7 nè. Bộ nhớ của cháu dở lắm rồi nghe Phương.

Nắm gộp hai tay ông Năm, Phương vui mừng nói :

 - Cháu nhận ra cậu rồi, ông Năm “tóm lại” đây mà ! Xin lỗi cậu, do lâu gặp nên quên.

- Lỗi phải gì, khi gặp cậu cũng chẳng nhận ra cháu. Lâu quên chẳng sao, chỉ sợ lãng quên.

Sờ vào chân ông Năm, Phương hỏi :

-  Bộ cậu bị thương sao chân thấp chân cao thế nầy ?

- Trận ác chiến ở Cái bần Rạch muỗi, một quả pháo nổ hất tao xuống mương, cái chân nầy gãy lặt lìa lặt lọi, nhờ anh em cố sức điều ra khỏi trận địa, không thì bỏ mạng nơi trường sa rồi !…, còn cháu có thương tích gì không ?

 - Bị sơ sơ thôi, thương nhưng không tật. Chiến tranh dai dẳng và ác liệt như thế, “trầy vi tróc vảy” là chuyện thường, may mắn lắm rồi .

 - Tóm lại, cháu về đây bằng đường nào ? Hồi nào ?

 - Đi đò, xuống chỗ mặt hàn ở vàm Băng Cung rồi cắt thẳng qua đây lúc trời sẫm tối chiều hôm qua.

 - Đêm ngủ đây à ?!

 - Canh mộ Cha cháu.

 - Vậy là đủ cho Cha cháu vui lòng nơi đáy mộ.

 - Khi đi cha con cháu chia tay nơi đây và hẹn sẽ gặp lại ở đây. Khi về cháu đến ngay đây, nhưng không ngờ …

 - Tóm lại, chuyện về cha cháu dài dòng lắm, cậu sẽ nói cho cháu nghe sau. Cháu che mộ cho Cha đó hả ?

 - Che tạm để diệt cỏ, đỡ nắng sương.

 - Thế là tốt, hôm qua nay cháu nhịn đói khát sao ?

 - Có mang theo đòn bánh tét và bình ton nước..

 - Tóm lại, cháu theo cậu về chòi vịt của cậu ở đám lá bên kia xẻo kìa. Cơm nước rồi việc gì sẽ nói, sẽ tính tiếp.

 Phương quảy ba lô lên vai, lặng nhìn mộ Cha rồi cùng đi.Trên đường ông Năm lẫm bẫm :

- Chân cà thọt như Lý Xích Hoài còn làm được gì nữa !. Tóm lại, vừa ngưng tiếng súng, tao sang đây ngay, che tạm cái chòi làm ổ, hàng ngày mót ba cái lá còn sống sót chầm bán kiếm tiền gạo. Tao đã hốt hơn trăm con vịt Tàu, mới hơn mười ngày, chưa rụng lông măng, căng mành nuôi bên hố bom đìa. Còn nhỏ nó ăn bao nhiêu, khi búp xồi hãy thả lan, xứ nầy thiếu gì tôm tép, cua còng. Định khi nó lớn, tao tuyển đế chừng trăm con vịt đẻ. Trứng vịt hiện đang khan, bán có giá

- Sao cậu không cất chòi gần mộ cha cháu cho khô ráo ?

 - Tóm lại, hễ được cái nầy thì mất cái kia : Bom pháo làm rạch Xẻo Lá bị tắt đầu ngoài, ở chỗ mộ cha cháu kẹt nước lắm, mùa nắng nước mặn chịu chết luôn. Chỗ tao đang ở còn lạch nước thông qua vàm Băng Cung, cứ vài bữa khi nước lớn tao bơi xuồng ra Giồng Chùa đổi một xuồng nước ngọt về mới xoay sở được.

Về đến nơi, ông Năm lật đật đi chêm nước và thức ăn cho vịt, vừa làm ông vừa vói vào :

 - Tóm lại, mầy về phép hay về luôn ?

 - Phép. Chỉ được ba ngày. Nay là ngày thứ hai.

 - Mười mấy năm trời mới một lần phép, sao không xin hời hơn một chút ?

 - Công việc tiếp quản bộn bề, xin ba ngày đã ngại, cho thế là chiếu cố lắm rồi.

 - Tóm lại, mầy bây giờ làm việc ở đâu ?

 - Mỹ Tho.

 - Rồi định chừng nào đi ?

 - Trễ lắm là trưa mai.

 - Định đi bằng cách nào ?

 - Đò hoặc xe..

Vừa đặt cái thùng xuống, ông Năm chộp ngay cái xoong xúc gạo nấu cơm. Tay làm miệng nói :

 - Tóm lại, xe găng lắm con ơi ! Đường đứt nát tan, xe cộ ‘ì ạch”, chết lên chết xuống, nên đi đò cho khỏe cái thân. Có điều đi đò phải đi sớm, chỉ có một chiếc, ngày chạy một chuyến, hễ 4 giờ là nó phành phạch ra vàm Băng Cung, bóp kèn inh ỏi. Hừng sáng nó phải đến Bến Tre, không thì lỡ việc mua bán, bạn hàng cự lắm.

Những điều ông Năm nói chẳng phải không thiết thực, nhưng khát vọng của Phương hiện giờ là chuyện của Cha mình mà ông Năm là “kho tàng” để khai thác. Phương mở hướng :

 - Thời gian ít, Cậu ưu tiên nói về Cha cháu cho cháu nghe được không cậu ?

 - Tóm lại, nói thì chắc phải nói rồi, có điều nói đúng chớ chưa chắc đủ, vì lúc Cha  cháu chết cậu đang điều trị thương ở tận vùng Anh Cơ. Khi về đây nghe chú Hồng Kỳ kể lại: “Một đêm mưa giông, Cha cháu bị cảm nặng, một thân một mình ở nơi heo húc nầy chẳng ai hay biết. Mười giờ sáng hôm sau, chú Hồng Kỳ đi công tác ghé thăm mới phát hiện ra !… Thuốc men không có, định chở Cha cháu ra nhà thương cấp cứu, nhưng khổ nỗi không có người hợp pháp để làm việc ấy! Hơn nữa, Cha cháu có tên trong “sổ bìa đen” của địch, chở ra đó khác nào chở đi nộp mạng ?… Các chú các anh làm tất cả những gì có thể nhưng không thể … Cha cháu tắt thở vào lúc 2 giờ ngày 2 tháng 11 âm lịch năm 1965. Trước khi nhắm mắt Cha cháu chỉ nói được:“Hãy chôn tôi nơi tôi đang ở để tôi đón con tôi”. Chú Hồng Kỳ và ba người cùng đi, tháo ván chiếc xuồng của cha cháu ghép lại làm tạm cái áo quan lịm xác cho đỡ trần trụi. Thấy ở đây hoang vu, bom đạn đì đùng ngày đêm, sợ siêu lạc mồ mã, anh em định đem về đất liền chôn, nhưng bàn tới tính lui, cuối cùng anh em quyết định làm theo lời dặn của cha cháu trước lúc lâm chung … Khi cậu về đây chú Hồng Kỳ còn công tác ở vùng nầy. Vì phải đi công tác xa, chú ấy giao mộ cha cháu cho cậu. Tội nghiệp, nghe đâu chú ấy đã hy sinh vì bom B52 ở huyện Giồng Trôm. Từ đó đến nay, cứ hàng năm vào dịp Tết cậu đấp mộ, vào ngày mất cậu nấu mâm cơn cúng Cha cháu”. Nói đến dó, ông Năm nhìn Phương hỏi :

 - Tóm lại, bộ lúc chia tay cha con cháu hẹn gặp lại nhau ở khu vực nầy phải không ?

 - Đúng vậy ! Điểm hẹn tại gò đất dưới gốc cây Mắm cạnh vàm Xẻo Lá. Tối hôm ấy cháu ghé qua nhà báo với cha cháu: “Ngay đêm nay con phải đi công tác xa”. Tưởng nói cho biết vậy thôi, ai dè ông theo sang đây với lý do: “Để biết hướng mầy đi”. Đêm đó, xuồng giao liên vào Xẻo Lá nầy rước cháu sang bên Bảo. Xuồng rời bến mà Cha cháu vẫn đứng trên bờ sông Hàm Luông nhìn theo cho đến bao giờ cháu cũng không rõ !

 
Bến sông xưa - Ảnh minh họa


- Hèn chi, tóm lại, tao hỏi mầy đi công tác vùng nào, ông ấy nói: “ sang chiến trường cũ của ông Đồng Văn Cống bên Bảo”. Khi ấy cha cháu còn kể cho cậu nghe nội dung truyền đơn ông Cống rải thời chống Pháp:“Ông Cống đóng tại Bào Dơi, nào muốn đánh đến đánh chơi, đốt nhà chó đẻ”. Lúc bấy giờ cha cháu rất vui, cứ đinh ninh cháu theo ông Cống, yên dạ đợi chờ. Cháu biết không, khi cháu đi rồi, cha cháu ngồi lại đó cho đến sáng rồi quơ bó củi nghi trang về đất liền. Ít lâu sau cha cháu sang cất chòi và tới lui ở đó. Hàng ngày ông đi bắt cua bắt cá bán lấy tiền xây xài.

 - Nhà cháu bên đất liền còn không cậu ?

 - Còn khỉ khô !… Tóm lại, nhà lá, cột chôn, cất nhờ đất người ta, địch niêm phong riết sập luôn, đất chủ lấy lại.

 - Sao lại niêm phong ?

 - Mầy không biết thật sao ?!… Tóm lại, cha mầy là người kháng chiến cũ, bị Tây bắt xỏ nhượng vì cái tội làm theo Việt Minh, còn mầy thoát ly làm cách mạng tiếng tăm như cồn. Gia đình như thế thuộc loại đối tượng số 1 của luật 10/59 rồi còn gì ? Chúng không niêm phong mới là lạ?.

Từ khi nhà bị niêm phong, cha cháu trốn sang đây ở luôn. Chẳng bao lâu sau, sông  Hàm Luông trở thành đường ra vào của tàu chiến Mỹ. Cù Lao Quốc tế nầy cũng trở thành vùng ưu tiên bắn phá của chúng. Ấy thế mà  cha cháu vẫn cố bám để chờ cháu ! Càng chờ càng thất vọng, dầu thất vọng đến đâu ông cũng chờ. Ai khuyên can, an ủi thì cứ, còn ông thì cố bám trụ, buồn bã đợi chờ con. Có thể nói cha cháu trông cháu như trông nước uống. Cứ chiều chiều ông ra bờ sông Hàm Luông chui vào lùm ló đầu ra, hết mông về bên Bảo lại nhìn ra cửa biển. Biết nói sao cho vừa, nỗi buồn của Cha cháu có thể như Nguyễn Du mô tả : “Buồn trông cửa biển chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…”

Có lẽ thấy Phương đã “ngấm đòn” hay không còn điều gì quan trọng nữa để nói, ông Năm đứng dậy bảo Phương cùng đi ăn cơm. Ông Năm gắp cá cho vào chén Phương nói :

 - Cá Bống Kèo kho lạt với trái Giác vừa ngọt vừa bùi, ăn đi để thưởng thức hương vị của quê hương.

Phương nhìn ông Năm cuời nói :

 - Khi còn ở huyện Thạnh Phú, cháu đã mòn răng về món nầy. Bây giờ cần ăn lại nó để đừng bao giờ quên quê hương phải không cậu ?

 - Thôi thì cứ ăn nó đi, còn việc quên hay nhớ tùy ở cháu.

 - Nếu cháu nghe không lầm, khi nảy cậu có nói cậu trị thương ở vùng “Anh Cơ” là vùng nào ?

 - Mầy lại quên điều thú vị ấy rồi sao ? Tóm lại, hồi Đồng Khởi 1960, chẳng phải ta gọi các xã của huyện Thạnh Phú nầy bằng những cái tên: “Tích Cực Chuẩn Bị Xây Dựng Lực Lượng Đón Lấy Thời Cơ” đó sao? - xã Phú Khánh ở đầu trên giáp huyện Mõ Cày gọi là “Anh Tích” thì xã Thạnh Phong đầu dưới giáp biển gọi là “Anh Cơ” chớ còn gì ?

 - Cháu nhớ rồi ! Đúng là thú vị, đó là một trong những riêng biệt của huyện Thạnh Phú thời Đồng Khởi 1960. Còn chú Hồng Kỳ là ai cháu chưa nghĩ ra ?

 - Tóm lại, Hồng Kỳ là bí danh, tên thật của chú ấy là Ba Khoai. Chú ấy có người em tên Chạc – Khoai Chạc ấy mà !

 - Ra là vậy, tưởng ai chớ chú Ba Khoai cháu còn lạ gì, hồi còn ở huyện Thạnh Phú, cháu công tác chung với chú ấy. Nói đến chú Khoai, chẳng những cháu hình dung được diện mạo, tính khí mà còn nói được nhiều việc làm đầy thú vị của chú ấy. Chú Khoai đô người, lớn xương, mắt bao giờ cũng đỏ như mắt chim Ốc Cao. Nhìn chú ấy có cái gì đó hư hư thiệt thiệt, chẳng hạn như : mềm che cứng, hiền che dữ, nguội che nóng … Điểm nổi bật của chú Khoai chắc ai cũng biết : chạy nhanh như Ngựa, lặn ngầm như Rái. Tiện thể cháu kể ba chuyện về chú ấy cậu nghe cho vui:

 1/ Có lần, Quận trưởng Thọ cho hai người lính đi xe đạp tới nhà (đúng hơn là cái chòi) mời chú Khoai đến dinh quận có chuyện cần. Biết ông Thọ dụ đến để bắt, chú Khoai xởi lỡi ngay với hai người lính:

 - Cái ông nầy, nhè lúc cấy mà gọi!. Hai anh về nói ông quận tôi bận cấy chưa đi được, vài bữa nữa cấy xong tôi sẽ đến.

 - Ý đâu được!. Ổng bảo gọi ông xuống ngay, đi rồi về cấy chớ gi? – một người lính nói.

Kẻ thừa lịnh nói thế thì còn lý do gì để từ chối, chú Khoai lấy áo mặc vào, nói :

 - Thôi thì đi, nhanh đến đó để tôi về lo vụ cấy hái, mạ nhổ mấy ngày khô héo hết rồi!...

Chú Khoai đi trước, hai người lính quàng súng qua vai, đạp xe theo sau, đi một đổi chú Khoai dừng lại nói với hai người lính:

 - Đi vầy biết chừng nào tới, tôi chạy lúp xúp các anh đạp xe theo nghe.

Không đợi hai người lính ưng thuận, chú Khoai bắt đầu chạy, dần dần tăng tốc nhanh như bay. Hai người lính cố sức đạp nhưng khoảng cách mỗi lúc một xa, gọi giật:

 - Chậm chậm chờ chúng tôi với cha nô… ội !

Rút một mạch nữa, chú ấy tạt ngang vào xóm, còn vói lại:

 - Về mạnh gio.. ỏi : Nói với ông quận tôi mắc ca.. ấy !…

 2/ Lần khác, chú Khoai đang ở trần ngủ trưa trong chòi, ba người lính súng cầm tay ập đến, một người bọc ra sau, hai người xông vào chòi, chĩa súng vào chú Khoai nói:

 - Hôm rồi mời “lịch sự” không đi, nay bắt.

Tình thế khá căng, chỉ còn giục hoãn cầu mưu, tương kế tựu kế, chú Khoai đơn giản vấn đề: “Hôm rồi bận cấy không đi được, nay cấy xong đi thì đi chớ việc gì phải bắt ?.. Đợi tôi vào trong lấy áo cái đã”.

Vào trong vừa lấy áo vừa liếc, thấy người lính sau hè ngã súng trên vai ngồi sát vách, chú Khoai rút cây đòn gánh nhằm thẳng vào đầu hắn tong một cái như trời giáng, chú tung vách lá vọt ra lấy súng, chạy thẳng về hướng rừng. Hai người lính còn lại vòng cửa trước đuổi theo. Khi vào đến bìa rừng, chú ấy trụ lại ở bờ mẫu ghìm súng gọi to:“Tưởng nhiều chớ chỉ có hai thằng thi tới đây thử sư…ức” !.

Nghe nói thế hai người lính khựng lại, bắn vãi mấy phát, tháo chạy trở lại đốt chòi rồi điều gã bị thương rút.

Từ ấy chú Khoai vô gia cư và “bất cộng đáy thiên” với Việt nam Cộng hòa.

3/  Đêm 17/1/1960, khi lệnh Đồng Khởi phát ra, trong lực lượng diệt ác phá kềm thấy có mặt chú Khoai trong hàng ngủ chỉ huy. Người ta thích đi đông để có gì hộ trợ cho nhau, còn chú Khoai thì ngược lại, thích đi một mình cho dễ xoay trở. Một đêm nọ, chú ấy rời điểm, một mình đột nhập vào thị trấn Thạnh Phú để làm việc gì đó. Trước khi đi anh em dặn: “Nếu về trước 23 giờ thì cứ vào, sau 23 giờ phải gọi để anh em ra dẫn đường vào, không thì sẽ vướng lựu đạn, chông ..v.v…”- gài bảo vệ điểm. Hai mươi bốn (24) giờ đêm hôm ấy, chú Khoai về mò vào điểm mà không gọi, rơi xuống hầm chông đòn, không cưa quậy được, kêu réo inh ỏi. Anh em chạy ra khiêng chú ấy vào, dùng cưa sắt cắt chông, băng bó cho chú. Ai đó trong nhóm cằn nhằn:

 - Đã nói sau 23 giờ phải gọi, sao anh liều thế…?. Chú khoai nhẹ giọng:

 - Thấy khuya, muốn để anh em nghỉ.

 - Thực tế có nghỉ được đâu ? Còn anh thì nhầy nhụa ra đó!.

 Chú Khoai trợn mắt, gắt giọng:

 - Biết rồi, cứ nói hoài.

Tội nghiệp, trời lạnh, bàn chân sưng húp mà chú vẫn cắn răng trân mình chịu không một tiếng rên.

Ông Năm vỗ vai Phương, gục gặt đầu nói :

 - Tóm lại, cháu khéo chọn chuyện và kể hay đấy. Song những chuyện cháu vừa kể chẳng qua là những chuyện xảy ra sau nầy, chớ trước kia chú ấy còn làm những chuyện tày trời nữa kìa. Nếu nói theo Trung Quốc thì ông ấy thuộc hạng “hảo hán”.

 - Cậu lựa vài chuyện vui và hấp dẫn về ông ấy kể cho cháu nghe đi?  

 - Tóm lại, về ông ta thì lắm chuyện, nội việc “đứng bến”, “xếp sòng” và trộm, kể ngày nầy qua ngày khác chưa chắc hết.

 - Sao gọi là “đứng bến”, “xếp sòng” ?

 - Dài dòng lắm!.Tóm lại, hồi xưa bọn giựt dọc, phá phách thường đến bến xe, bến đò, sòng bạc, trường gà … để quậy phá kiếm ăn. Chủ các nơi ấy muốn được yên ổn làm ăn, phải thuê các tay “anh chị” luôn có mặt ở đó để trị bọn lục tặc nầy - kiểu lấy độc trị độc ấy mà. Muốn trở thành tay “anh chị” phải “thượng võ”, phải chứng minh bằng những trận đánh thắng oanh liệt chớ không phải nói mồm. Cháu biết không, bọn “nhảy ranh” lúc bấy giờ nghe đến anh em Khoai – Chạc là hồn phi phách tán!. “Đứng bến”, “xếp sòng” là nghề làm ăn của hai anh em chú ấy lúc bấy giờ.

Sang thời Việt Minh cấm bài bạc, chú Chạc biến đâu mất, chú Khoai đổi sang nghề trộm. Người ta thường nói “ăn trộm” nhưng chú ấy trộm mà không ăn. Nghề trộm của chú Khoai thuộc hạng thầy và kỳ lạ : Gần mười năm từ khi hành nghề trộm đến lúc giải nghệ chú đã thực hiện hàng trăm vụ trót lọt – không một lần bị bắt hay bị thương. Điều đáng nói là chú Khoai chỉ trộm của người giàu ác nhơn thất đức đem cho người nghèo không hề tư túi. Trộm được bao nhiêu đem chia cho người nghèo rồi họ cho ăn cơm là cùng. Chú Khoai lấy được rất nhiều đồ đáng giá, ấy thế mà chú vẫn nghèo sát ván. Vì vậy nghề trộm của chú ít người ghét, nhiều người thương. Nghĩa cử của chú sao giông giống nghĩa cử của người Bình Xuyên của Việt Nam hay những vị anh hùng Lương Sơn Bạc của Trung Quốc thuở xưa.

Ông Năm nói giọng trầm buồn: “Cha cháu như Lưu Bị, cậu như Quan Công, chú Khoai như Trương Phi, tính khí khác nhau, chỉ giống một chỗ là sống trọn nghĩa vẹn tình. Ba anh em như kiềng ba chân. Hai chân kia đã gãy, chân nầy cố đứng nhưng không vững!”.Cậu lại nói bao đồng rồi, thôi ta trở vào bàn những vấn đề cụ thể :

 - Lâu nay cậu giữ mộ và giỗ cho cha cháu, nay cháu đã về cậu giao lại cho cháu để tình cha con cháu lo chu đáo hơn.

 - Đành vậy ! Cháu cũng muốn như vậy, nhưng cháu còn phải đi, nhờ cậu trông coi mộ cha cháu thêm một thời gian nữa?.

 - Được rồi, nếu cháu chưa về hoặc không bao giờ về thì cậu cũng phải lo để cho trọn tình với cha cháu và không phụ lòng ký thác của chú Khoai.

 - Cháu có một số việc muốn bàn trước với cậu chẳng biết có được không?

 - Gì thì nói toạt móng heo ra đi, tao chẳng thích kiểu úp ở ấy đâu !

 - Việc thứ nhất về cha cháu: Nay đã qua thanh minh rồi, khi nào cháu sắp xếp được việc, xin nghỉ phép chừng muơi ngày về nhờ cậu giúp cải táng đưa cha cháu về đất liền, để nằm cạnh mộ mẹ cháu. Giỗ Cha cháu năm nay cháu sẽ về và xin làm tại chòi của cậu ?

 - Phải đó, cậu sẽ làm tất cả những gì có thể giúp cháu làm được việc nầy.

 - Việc thứ hai về chú Khoai: Cậu dò tìm giúp xem chú Khoai chết chôn ở đâu, để dịp nào đó, ta lấy cốt về chôn cạnh mộ cha cháu.

 - Nên vậy, cháu nghĩ đến chú Khoai là phải đạo đó! Cậu sẽ hỏi thăm và cho cháu biết rồi chúng ta định liệu.

 - Việc thứ ba về cậu : Cậu chỉ có một thân một mình, khi cậu “trăm tuổi”xin cho cháu chôn cậu gần mộ cha cháu và chú Khoai để cho kiềng đủ ba chân, để xuống dưới đó, ba người tha hồ “Đào viên tụ nghĩa”?.

  - Bộ mầy trù tao chết? – ông Năm vỗ vai Phương nói đùa cho vui.

 - Người ta chỉ có thể thỏa thuận điều gì đó khi mình còn sống. Theo cháu, ở đời hay làm bất cứ việc gì cũng cần có phương án hai, nếu không “nước đến trôn nhảy không kịp” !

 - Khá …, cậu chấp nhận những gì cháu yêu cầu. Còn gì nữa không ? Nếu không thì cháu đi ngủ lát đi, xem mòi mầy nhừ quá rồi ! Tao đi cho vịt ăn rồi đi thụt cá bống kèo lo cho bữa tối.

*

Ông Năm lay nhẹ, khẻ bảo Phương: “Dậy rửa mặt, ăn lót dạ rồi đi, đã hơn một giờ rồi”.

Có lẽ ông Năm thức dậy từ lâu, soong cơm lên hơi nghi ngút, cá bống kèo cặp gắp nướng há mồm, vễnh đuôi vàng như lạp xưởng. Vừa ăn Phương vừa nói với giọng trầm buồn :

 - Lỗi hẹn với Cha cháu là nỗi đau nhất đời cháu !

 - Cũng không hẳn như vậy: Tóm lại, ai ngờ cuộc chiến tranh chống Mỹ lại dài gấp đôi cuộc chiến tranh chống Pháp?!…Cháu vì bận việc nước không về đuợc. Cha Cháu tuổi già, sức yếu không chờ nổi, Nếu có lỗi thì lỗi cả hai chớ đâu chỉ riêng gì Cháu ? Theo cậu, suy cho cùng, tất cả đều do chiến tranh mà ra. Việc gì đã qua thì cho qua, buồn làm gì thêm khổ cái thân?…

 - Ngày nào chưa đưa hài cốt Cha cháu về đất liền và chưa tìm được hài cốt chú Khoai là cháu chưa yên lòng ! Phải chi có tiền cháu gởi lại cậu mua sẵn cái hàng, để khi cháu về khỏi bị động trong việc cải táng cha cháu !..

 - Được rồi, để tao lo – nuôi vịt thuận lợi thì tao mua cho ổng cái hàng, không thuận lợi thì tao ra trại mộc đóng cho ổng cái quách đủ đựng bộ xương.

Cơm nước xong, ông Năm giục: Nước đã lớn rồi, tranh thủ đi kẽo nước cạn xuồng ra không được.

Phương bơi mũi, ông Năm bơi lái, chiếc xuồng lượn theo con rạch, mỗi nhát dầm, một vệt sáng của nước mặn bị xới lên. Trên những cây bần, từng đàn đom đóm lập lòe như hệ thống đèn trang trí. Ánh sáng của nó rọi xuống mặt nước lung linh, êm ả, thơ mộng…

Đò từ từ dừng lại khi thấy ánh sáng nhấp nhá của chiếc đèn pin từ tay ông Năm. Xuồng áp sát vào mạn đò, ông Năm bảo : “Lên đò đi con !… Cầm lấy cà ròn (1) cua cậu gởi cho anh em trong đơn vị ăn lấy thảo”.

Đò gia tốc, tiếng máy nổ chát chúa, ông Năm còn vói theo: “Nhớ về…Cậu chơ…ờ !”.

Viết từ Mỹ Tho

     T.T

 ———

Chú thích

(1) Cái bao đan bằng cây Bàng.

Rate this:


Văn TuyểnHiệp hội văn chương toàn cầu

Posted on Tháng Một 9, 2016 by VietnamDaily.News in Bút ký, Thiện Tùng // 0 Comments