23 juillet 2020

Trung Quốc lập vùng cấm bay trong vùng biển Việt Nam



22-7-2020

Ảnh: Đặng Sơn Duân

Ngày 22.7, Trung tâm kiểm soát đường dài Tam Á (Sanya ACC – ICAO: ZJSA) phát đi một Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) về việc thiết lập khu vực hạn chế bay tạm thời ở Biển Đông.Theo thông báo có số hiệu A2831/20 NOTAMN, khu vực tạm thời hạn chế bay được nối liền bởi 3 điểm có tọa độ:

1: 16° 7’34.00″N/110°14’20.00″E

2: 16° 7’37.00″N/110°13’23.00″E

3: 16° 6’49.00″N/110°14’17.00″E

Thời gian hiệu lực từ 10 giờ 07 phút đến 10 giờ 40 phút ngày 25.7 (giờ Việt Nam).


Dưới đây là nội dung NOTAM:

Khu vực này rất nhỏ, với chu vi 5,26 km và diện tích 1,18 km vuông. Tuy nhiên, nó lại nằm trong vùng biển Việt Nam.

Cụ thể, khu vực này nằm bên phía Việt Nam so với đường trung tuyến giả định ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, cách đường trung tuyến giả định khoảng 31 hải lý.

Nó cũng chỉ cách đảo Lý Sơn khoảng 76 hải lý và cách đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa khoảng 60 hải lý.

Theo thông báo, trong khoảng thời gian từ 10 giờ 07 phút đến 10 giờ 40 phút ngày 25.7, mọi máy bay bị cấm bay vào khu vực này. Giới hạn độ cao là từ mặt biển đến vô tận.

Chưa rõ mục đích của vùng cấm bay này. Tuy nhiên, hiện có bốn khả năng:

Trung Quốc chuẩn bị phóng tên lửa lên vũ trụ và có thể khu vực này là khu vực rơi của bộ phận tên lửa.

Rác vũ trụ của Trung Quốc hoặc bên khác (vệ tinh trục trặc) sẽ rơi xuống khu vực này.

Trung Quốc chuẩn bị phóng tên lửa quân sự từ máy bay hoặc từ đất liền, khu vực này là khu vực mục tiêu.

Trung Quốc chuẩn bị tập trận không quân ở khu vực này.

Vì giới hạn độ cao là từ mặt biển lên đến vô tận và diện tích quá nhỏ nên tôi loại bỏ hai khả năng phóng tên lửa quân sự hoặc tập trận không quân, là những động thái cực kỳ khiêu khích.

Khả năng cao là vùng cấm bay này liên quan đến vấn đề vũ trụ. Vì khu vực cấm bay quá nhỏ, nên tôi đoán nó có thể liên quan đến vệ tinh.

Trên đây chỉ là những suy đoán của tôi. Chúng ta cần phải chờ đến ngày 25.7 mới có thể xác định rõ được sự việc này!

Lưu ý: Mặc dù nằm khá sát ranh giới phân chia vùng thông báo bay (Flight Information Region – FIR) giữa FIR TP.HCM và FIR Tam Á, nhưng nó vẫn thuộc FIR Tam Á. Vì thế, việc Tam Á ban hành NOTAM này không có gì lạ. Việc phân chia vùng thông báo bay khác với vấn đề chủ quyền.