Vũ Kim Hạnh
Chiều qua, cô gái trẻ làm thợ may công nghiệp ở nhà trọ đông người trong
hẽm phía sau nhà tôi, ghé qua chào từ giã, về quê. Cô nhìn mông lung, nói nhanh
khi rảo bước, lần này, chắc con khó lên thành phố nữa. Câu chào đó ám ảnh tôi
gần như suốt đêm. Bởi lời chào trùng hợp với nội dung bài báo mà tôi đang dịch,
bài đăng trên Wall Street Jounal (WSJ) về tình hình ngành may mặc thế giới sẽ
thải công nhân và suy kiệt dần: Pandemic Crushes Garment Industry, the
Developing World’s Path out of Poverty.
Những con số tháng 5, tháng 6 của ngành may mặc xuất khẩu của VN vốn không
vui: mất 50% đơn hàng, còn lại là hoãn, chuẩn bị hủy, chậm giao hàng và chậm
thanh toán. Giá sản phẩm giảm 20%. Ngay trước đó, Tổng Cục Thống Kê khảo sát
3.143 doanh nghiệp may, thấy là lao động còn giữ lại chỉ có 20% so với năm
ngoái. Nhưng nhìn ra thế giới, thấy càng buồn hơn: ngành thời trang may sẵn sụp
đổ hàng loạt. Hãng may vest đàn ông sang trọng Brooks Brothers có hơn 200 cửa
hàng trên khắp Mỹ và Canada cùng 130 địa điểm kinh doanh trên thế giới đã tuyên
bố phá sản. Cùng ngày 26-6, hãng thời trang khổng lồ H&M của Thụy Điển
thông báo khoản lỗ lên tới gần 534 triệu USD, từ tháng 3 đến tháng 5-2020, khi
dịch COVID-19 buộc hãng này phải đóng cửa nhiều đại lý hơn dự kiến. Hệ thống JC
Penney thành lập năm 1902, JC Penney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ.
Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa
hàng trên khắp nước Mỹ. Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, JCPenney
không thể trụ nổi lại trên thị trường. Kế đó là RTW Retalwinds, hãng bán lẻ
thời trang hàng đầu tại Mỹ cũng đệ đơn xin phá sản. Khoản nợ phải thu của May
Sồng Hồng tại New York & Co chiếm 166 tỷ đồng tính đến 31/3/2020, chưa biết
sẽ thu lại được bao nhiêu....Tập đoàn Nike thông báo doanh thu trong 3 tháng (từ
tháng 3 đến 5-2020) đã sụt giảm mạnh do dịch COVID-19 dù doanh thu bán hàng
trực tuyến cao hơn. Cụ thể, Nike đã chịu mức lỗ lên tới 790 triệu USD, doanh
thu giảm 38% xuống còn chỉ 6,3 tỉ USD sau khi doanh số bán hàng giảm mạnh. Tại
Bắc Mỹ - thị trường lớn nhất của Nike, doanh thu đã giảm tới 46% xuống còn 2,2
tỉ USD. Nike cho biết 90% số cửa hàng của tập đoàn này phải đóng cửa trong
khoảng 8 tuần cao điểm dịch CoviD.
Sau đây là 4 điều kết luận tóm gọn từ bài mình vừa dịch xong:
1/Tình hình sức mua hàng thời trang trên thế giới sẽ chỉ có giảm thôi. Các
thương nhân ngành này nói: không thế đoán trước được gì và chừng như mức cầu
như trước sẽ không bao giờ phục hồi được nữa. Dòng tiền của người tiêu dùng đã
khô cạn, họ thắt chặt chi tiêu, giờ hầu như chỉ dành cho nhu yếu phẩm. 3 tháng,
hay hơn nữa, cách ly XH, bị ngưng hoạt động hoàn toàn đã xô gục hàng loạt công
ty ở các nước Đông Nam Á.
2/Chuỗi cung ứng đứt gãy và thiết lập mới, các nhà bán lẻ sẽ chú ý yếu tố
“gần cận” hệ thống phân phối. Ví dụ, thị trường EU sẽ đặt hàng ở Thỗ Nhĩ Kỳ,
Các nước Đông Âu, còn Mỹ thì chuyển về Mehico.
3/Những nước hùng mạnh về lực lượng lao động giỏi nghề, giá công mềm như
Việt Nam bị mất ưu thế, vì không còn đơn hàng lớn, không cần lực lượng
công nhân đông nữa. Với đơn hàng nhỏ hơn, họ quay về giải pháp ở câu 2.
4/Các nước gia công với giá lao động rẻ hơn, mới nổi, như Myanmar,
Campuchia...sẽ đóng cửa nhà máy và mất việc hàng loạt vì các chủ đầu tư lâu nay
tập trung vào một số nước thầu: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc thì các nước
này cũng dừng đầu tư và tính toán sắp xếp lại chuỗi cung ứng.
Ngày 3/8/2020, trại hè 100 “Đại sứ hàng Việt tí hon” khai mạc. Hầu hết các
bé đến với trại hè đều ở trong hoàn cảnh, mẹ hay cha phải đi xa nhà, về làm thợ
ở Bình Dương hay Sài Gòn. Sẽ có bao nhiêu bà mẹ trẻ ở các công ty may mặc xuất
khẩu nói trên bị mất việc sau mùa dịch phải về lại quê nhà và những ngày thê
thảm hơn bắt đầu?
Thật là một viễn ảnh quá bi quan đòi hỏi sự quan tâm trợ giúp của các cơ
quan quản lý nhà nước, sự trương trợ của xã hội, trong một tình hình chung toàn
cầu: kinh tế suy sụp, thất nghiệp tràn lan, bất an xã hội lan rộng...