18 mars 2015

GS David Shambaugh về những nguy cơ thách thức sự cai trị của ĐCS TQ.

Đàn áp có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tự do hóa chính trị cũng có thể dẫn đến cái chết của chế độ cộng sản, nhưng là lựa chọn tốt hơn nhiều so với đàn áp. Dưới đây là bài phỏng vấn của Chris Buckley với Gs. David Shambaugh, trên blog của New York Times.


David Shambaugh, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại George Washington University, là một trong những chuyên gia xuất sắc nhất của Hoa Kỳ về Trung Quốc đương đại. Ông cũng  nổi tiếng ở  Trung Quốc. Những cuốn sách của ông được dịch và được xuất bản ở đó, và quan điểm của ông được  trích dẫn  trong báo chí nhà nước. Ông đã được Nhân Dân Nhật báo bản hải ngoại mô tả sơ lược tiểu sử, và trong tháng Giêng các nhà nghiên cứu tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, trực thuộc Bộ  Ngoại giao, đã gọi ông là chuyên gia về Trung Quốc  có ảnh hưởng lớn thứ nhì ở Hoa Kỳ, sau David M. Lampton tại Johns Hopkins School of Advanced International Studies

Người thực hiện : Chris Buckley
Kể từ cuộc tranh luận sôi nổi  được châm ngòi bởi tiểu luận mới đây của GS Shambaugh trên tờ Wall Street Journal, nơi ông nhận định rằng “ ván bài cuối cùng cho sự cầm quyền của ĐCS TQ đã bắt đầu” và  “sự qua đời có thể  của ĐCS TQ  chắc sẽ kéo dài, hỗn loạn và đầy bạo lực”. Một số chuyên gia tán thành  quan điểm  của ông rằng trật tự và sự phồn vinh bề ngoài của TQ che đậy những nguy cơ sâu thẳm đối với đảng cầm quyền. Một số khác lại cho rằng ĐCS TQ mạnh và dẻo dai cả về chính trị và kinh tế hơn những gì GS . Shambaugh đã khẳng định.  Trong cuộc phỏng vấn này ông đã trả lời một số câu hỏi do tiểu luận của ông nêu lên.
Câu hỏi :
Mấy năm trước GS cho xuất bản cuốn sách “ĐCS TQ: sự teo đi và thích ứng” trong đó ông đã làm nổi bật khả năng của ĐCS TQ  để khắc phục hoặc kiềm chế những khó khăn của mình, chẳng hạn như nạn tham nhũng và sự xói mòn uy tín thông qua con đường học hỏi và thích ứng. Đánh giá gần đây của GS về các triển vọng sống sót dài hạn của đảng để cầm quyền lại ảm đạm hơn nhiều. Vậy điều gì đã khiến GS thay đổi quan điểm trước kia?
Trả lời :
Cuốn sách tôi viết về  ĐCS TQ hoàn thành năm 2007 và được in năm 2008. Thời điểm xuất bản là quan trọng bởi lẽ như anh biết đấy, tôi đã nhấn mạnh trong phân tích đó rằng Đảng tiến hành một số bước đi mang tính “thích nghi”
nhằm  hợp pháp hóa, tái cơ cấu lại và tự cứu mình. Cuốn sách đã phân tích tỷ mỉ các nguyên nhân của sự thích nghi – mà chủ yếu đúc rút ra từ  các công trình nghiên cứu của Đảng vì sao Liên Xô  và các quốc gia Leninist khác sụp đổ .
Thêm vào đó còn một lý do khác đó là lúc đó, vào thời điểm tôi  thực hiện cuốn sách, ĐCS TQ có những vị lãnh đạo cao nhất , đặc biệt là Chủ tịch Giang Trạch Dân và thủ túc của ông là Tăng Khánh Hồng – Phó Chủ tịch, người đã nhận thức được bài học quan trọng nhất sau sự ra đi của Liên Xô đó là Đảng phải chủ động và năng động ở ngay bộ phận lãnh đạo.
Như vậy thì cuốn sách chủ yếu đề cập tới sự “thích nghi” mà Đảng lúc đó tiến hành. Tuy vậy cũng cần nhớ tới một từ khác trong tên sách đó là “sự teo đi”. Lý do tại sao điều này lại quan trọng mà tôi khi đó đã chỉ rõ và vẫn tiếp tục nhấn mạnh hôm nay, đó là sự teo đi trong giai đoạn cuối của một đảng độc quyền kiểu Leninist hoặc các nhà nước chuyên chế khác là tình trạng bình thường, tự nhiên và ắt phải xảy ra. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: các Đảng Leninist sẽ làm gì để đối phó với sự teo đi và ngăn chặn một sự suy tàn tất yếu? Về căn bản chúng có thể phản ứng và phòng thủ - tức là cầm quyền bằng trấn áp, trên thực tế - hoặc chúng có thể chủ động và năng động, cai trị thông qua sự cởi mở và thử hướng dẫn và quản lý sự thay đổi. Khoảng từ năm 2000 tới năm 2008 dưới sự bảo trợ của Tăng Khánh Hồng ĐCS TQ đã lựa chọn cách thứ hai. Nhưng kể từ giữa năm 2009 sau khi Giang Trạch Dân nghỉ hưu thì đường lối đó, theo nhìn nhận của của tôi,  đã đột ngột thay đổi.
Người ta có thể xác định thời gian rất chính xác – ngày 17 tháng 9 năm 2009 – một ngày sau Hội nghị trung ương ĐCS TQ khóa 17 vừa bế mạc. Hội nghị này bàn về “công tác xây dựng Đảng” đã đưa ra một “quyết định”  rất tiến bộ về cơ bản hệ thống hóa tất cả những gì Giang Trạch Dân và Đảng đã thực hiện trong  giai đoạn 8 năm trước đó. Lúc đó tôi đang sống ở Bắc Kinh và khi đọc được tin này, tôi đã nghĩ  “Thật tuyệt vời!”
Thế nhưng điều này đã không xảy ra. Trên thực tế Đảng càng ngày càng trở nên lo sợ trong suốt mùa Xuân và Hè với các cuộc bạo loạn ở Tây Tạng và Tân Cương.  Bởi vậy tôi  đoán  rằng  văn bản của Hội nghị trung ương Đảng chỉ là một hình thức tổng kết công cuộc cải cách của những năm trước đó nhưng vẫn phải công bố ra bởi vì nó đã được chuẩn bị trong suốt gần một năm và cũng khó trước bàn dân thiên hạ lại công bố rằng Đảng đang đi ngược lại đường lối trước đây để quay trở về với chính sách trấn áp tàn nhẫn và từ bỏ cải cách chính trị  chủ động.  Nhưng đó là điều đã diễn ra.
Tôi có luận thuyết riêng của mình để lý giải vì sao họ lại đảo ngược tiến trình,  về bản chất liên quan đến sự tập hợp của các bộ máy quan liêu hùng mạnh có đặc lợi trong kiểm soát – tuyên truyền, an ninh nội địa, Giải phóng quân Nhân dân và Cảnh sát vũ trang, các doanh nghiệp Nhà nước – mà tôi gọi là “Tứ giác thép” -  có khả năng để thuyết phục Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào (lúc này đã không còn làm việc với Tăng Khánh Hồng nữa ) rằng Đảng sẽ mất sự kiểm soát nếu không trừng trị thẳng tay và kiểm soát tốt hơn trong nhiều lĩnh vực. Còn có những yếu tố khác nữa nhưng trong nền chính trị TQ những lý giải và lập luận quan liêu thường là quan trọng. Cũng có những khoản tiền lớn trong việc trấn áp. Ngân sách của các bộ máy quan liêu đó tất cả đều căng phồng như một kết cục có hậu.
Cho nên đã có một sự thay đổi trong quan điểm của tôi về Trung Quốc và chiến lược và chiến thuật cai trị của ĐCS TQ - đơn giản là vì TQ và ĐCS đã thay đổi!  Chẳng có nhà quan sát tình hình TQ nào lại có thể vẫn gắn bó với các lập luận đã mất cơ sở thực nghiệm. Trên thực tế tôi từng phát biểu công khai, giảng bài và xuất bản theo những dòng tư duy này trong  5 năm qua. Tôi sẽ là người đầu tiên hoan nghênh sự quay lại cải cách chính trị theo cách Tăng Khánh Hồng. ĐCS TQ có những sự lựa chọn. Trấn áp có thể là “phương thức mặc định” của nó, nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất. Cởi mở và sự quản lý sự thay đổi một cách chủ động là một lựa chọn thay thế.
Đúng, nếu giả như họ đã thử cách đó – lại lần nữa - không có bảo đảm nào rằng họ đã có thể giữ được sự kiểm soát quá trình và, như ở Liên Xô, những cải cách đó đã có thể nối đuôi nhau tuột khỏi sự kiểm soát, và họ sẽ mất quyền lực dù thế nào đi nữa.  Như thế, họ có một loại lựa chọn của Hobson [chọn một khả năng duy nhất hoặc không chọn gì cả]  hoặc Catch 22 [thế lưỡng nan không có cách thoát bởi vì các điều kiện mâu thuẫn nhau hoặc phụ thuộc vào nhau]. Họ có thể đàn áp và gây ra cái chết của chính họ hoặc họ có thể mở cửa và vẫn có lẽ dẫn tới sự cáo chung của chính họ.
Nhưng không hoàn toàn đơn giản vậy. Tức là, cho dù họ có giảm bớt đàn áp thì những yếu tố tác động đến ĐCS, nền kinh tế và xã hội đang xuất huyết rồi tới mức họ khó có thể đảo ngược hoặc dừng sự trượt dốc. Đấy là nơi sự di cư của  thành phần ưu tú và các bẫy hệ thống trong nền kinh tế xuất hiện. Tôi có thể thêm những nhân tố khác góp phần làm gia tăng sự bất mãn của công chúng đối với chế độ: mức cao của bất bình đẳng xã hội, sự cung cấp không thỏa đáng  hàng hóa công cộng, ô nhiễm môi trường tràn lan và lương đình trệ cùng với một nền kinh tế đang giảm tốc. Vì các lý do này, đấy là vì sao tôi thấy “ván cuối” của ĐCS TQ đang diễn ra.  Tuy nhiên, quan điểm của tôi về quá trình teo đi và suy tàn bị kéo dài của ĐCS TQ có nhiều sắc thái hơn tiêu đề bắt mắt mà tờ Wall Street Journal đã dùng.
Câu hỏi:
Điều gì làm GS ngạc nhiên nhất về Tập Cận Bình kể từ khi ông ta trở thành người lãnh đạo của ĐCS TQ từ năm 2012? Lúc đó GS đã cho rằng nhiều khả năng họ Tập sẽ bị cản trở bởi ảnh hưởng của các nhà lãnh đạo kình địch và các lão thành của Đảng. Có vẻ như điều này đã không diễn ra ít nhất là cho tới giờ.
Trả lời:
Trong đa số trường hợp thực ra Tập Cận Bình không làm tôi bất ngờ. Chính tôi là một trong số các nhà quan sát đã viết vào thời điểm Đại hội ĐCS TQ lần thứ 18 rằng chúng ta không thể kỳ vọng một cuộc cải cách nào từ họ Tập và rằng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những gì tương tự đã xảy ra từ năm 2009.
Tôi nghĩ  đánh giá đó về cơ bản đã được chứng minh là đúng. Duy nhất có một lĩnh vực mà họ Tập làm tôi ngạc nhiên đó là tốc độ mà ông ta đã thâu tóm  trong tay mình quyền lực cá nhân với tư cách một lãnh tụ của Trung Hoa. Tôi từng dự trù, giống như đa số các nhà quan sát tình hình TQ lúc đó, một quá trình kéo dài  khoảng từ 2 tới 3 năm để củng cố quyền lực và điều này thì rõ ràng đã không xảy ra. Nhưng như tôi đã chỉ ra trên tờ Wall Street Journal rằng chúng ta không nên nhầm lẫn sự củng cố quyền lực cá nhân của họ Tập với  hoặc sức mạnh bao trùm của Đảng hay thậm chí sự nắm chặt quyền lực của ông ta. Tôi thấy cả hai đều rất mong manh.
Câu hỏi:
GS nói rằng họ Tập đã kiên quyết không theo số phận của Gorbachov, thế nhưng lại có thể lặp lại cái kết cục như Gorbachov. GS có thể giải thích vì sao không ? Chúng tôi nghĩ về Gorbachov như một nhà lãnh đạo tự do hóa, bất chấp hậu quả ra sao,  ông ta đã mở đường cho một sự nới lỏng và cởi mở chính trị, ngược với gì họ Tập đang thể hiện. Như vậy số phận của hai nhà lãnh đạo đó sẽ hội tụ ở đâu ?
 Trả lời:
Lý lẽ của tôi về vấn đề này trong bài báo rất đơn giản: Họ Tập thù oán sâu sắc những gì Gorbachov đã làm ở Liên Xô với những cải cách của ông và không hề quan tâm chút nào để tiến hành cải cách tương tự như thế, bởi lẽ ông ta nghĩ rằng điều đó sẽ dẫn tới sự sụp đổ của Đảng và nhà nước TQ. Lý lẽ của tôi là, họ Tập chắc sẽ có cùng kết cục bằng cách chống lại cải cách chính trị và đi theo con đường đàn áp tàn nhẫn. Tôi tin rằng sự đàn áp đang gây căng thẳng nghiêm trọng lên một hệ thống đã  bị vỡ rồi và có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của nó. Đó là lý do vì sao tôi so sánh Tập Cận Bình với Gorbachov. Chiến thuật có khác nhau nhưng kết cục thì tương tự.
Câu hỏi :
Trong đánh giá của GS về sự suy giảm uy tín chính trị của Đảng trong quần chúng nhân dân và ngay cả bộ máy quan chức Đảng,  GS đã  miêu tả lại trải nghiệm của mình tại một cuộc hội thảo chán ngắt  khiến tê liệt cả đầu óc, nơi mà các học giả của Đảng đã thể hiện ra sự chán ngán như GS đã thấy. Thế nhưng chắc chắn rằng họ cũng không kém phần cứng nhắc như người máy dưới thời Hồ Cẩm Đào? Liệu những thông điệp rõ ràng được Đảng tuyên truyền, đặc biệt dưới thời họ Tập sẽ có uy lực đối với nhiều người – chẳng hạn như  yêu cầu Đảng phải là công cụ bảo đảm sự thống nhất và phục hưng dân tộc nhằm mang lại sức mạnh và sự phồn vinh cho TQ ?
Trả lời:
Điều mà tôi đã chỉ ra ở cuối bài báo là: “Nhìn về phía trước, những nhà quan sát Trung Quốc cần phải tập trung sự chú ý vào các công cụ của chế độ phục vụ việc cai trị và những người được giao phó sử dụng các công cụ đó. …Chúng ta cần quan sát cái ngày mà những nhân viên tuyên truyền của chế độ và bộ máy an ninh nội bộ sẽ trở nên không nghiêm chỉnh hoặc lỏng lẻo trong việc thực thi các lệnh của Đảng - hoặc khi mà họ bắt đầu trở nên đồng cảm với những kẻ bất đồng chính kiến …”
Đây là một câu ở thì tương lai- khả năng mà các nhân viên công lực của chế độ sẽ tỏ ra không nghiêm và lỏng lẻo hơn trong thi hành luật lệ. Tôi không chỉ ra rằng điều này đã xảy ra đối với các cơ quan tuyên truyền, truyền thông , đội ngũ kiểm duyệt, theo dõi Internet và mạng xã hội cùng bộ máy quan chức công an nhà nước. Cho đến nay, những người thi hành pháp luật này không cho thấy dấu hiệu nào về sự thực thi lỏng lẻo hoặc bất tuân dân sự.
Điều mà anh dường như nhắc đến là những gì tôi quan sát được về “những trí thức” trong hệ thống và liệu hành vi “người máy” của họ – từ của anh nhưng tôi đồng ý với nó – có rõ rệt hơn thời Hồ Cẩm Đào hay không. Vâng, tôi nghĩ đúng là như vậy và đó là một sự chuyển dịch về chất theo hướng bị biến thành thủ tục nhàm chán nhiều hơn kể từ khi họ Tập cầm quyền và phát động chiến dịch mang tên “Đường lối Quần chúng” của mình vào mùa Hè 2013.
Tôi đã tham dự nhiều hội nghị như vậy hàng năm – 5 cuộc riêng trong năm 2014, bao gồm 3 cuộc hội nghị do Trung ương ĐCS TQ bảo trợ - và tôi đã tham gia như thế trong một số năm, cho nên tôi ở một vị thế khá thuận lợi để giám sát sự thay đổi cách ứng xử theo thời gian của “đội ngũ trí thức” và cán bộ của Đảng. Tôi cũng đã sống ở đó từ năm 2009 tới 2010. Ngoại trừ chuyện kể về “phục hưng dân tộc,”  tôi không thấy các khẩu hiệu và “những thông điệp rõ ràng hơn,” như anh diễn đạt, của Tập tạo được tiếng vang với dân chúng. Tất mọi người mà tôi nói chuyện với ở TQ chẳng hề được “truyền cảm hứng” bởi những đợt sóng thần khẩu hiệu trút ra ào ạt từ cỗ máy tuyên truyền, có nhiều khẩu hiệu được cho là từ chính họ Tập.
Chuyện kể về phục hưng dân tộc có vẻ thu hút được nhiều hơn sự chú ý. Tuy vậy tôi cần nhắc lại với anh rằng hầu như mọi lãnh tụ Trung Hoa tính từ triều nhà Thanh - Lý Hồng Chương, Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Mao, Đặng và các lãnh tụ trước họ Tập - đều đã khẳng định meme này [ý tưởng được lan truyền bên trong một nền văn hóa]. Cho nên họ Tập khó có thể là duy nhất. Một lần nữa trở nên hùng mạnh và do đó được thế giới nể trọng đã từ lâu là niềm khao khát hàng đầu của người Trung Hoa.
Nhân dân dường như rất lảng tránh sự gia tăng sùng bái cá nhân họ Tập diễn ra cùng với sự phá vỡ nguyên tắc ra quyết định và đồng thuận tập thể mà ban lãnh đạo TQ đã rất nỗ lực xây dựng và gìn giữ từ thời Mao Trạch Đông.
Câu hỏi:
Dưới thời họ Tập ĐCS TQ tiến hành cuộc tấn công mạnh chống lại người bất đồng chính kiến, các nhóm công dân độc lập và truyền thông phi chính thức như GS đã nêu. Vậy vì sao GS lại kỳ vọng rằng điều đó cuối cùng sẽ quay trở lại ám ảnh Đảng? Hiện nay Chính phủ dường như đã dập tắt mọi nguồn chỉ trích tiềm tàng hoặc lực lượng đối lập với rất ít phản ứng chống đối dữ dội . Vậy GS có kỳ vọng tình trạng này thay đổi hay không ?
Trả lời:
Xin hãy xem lại câu trả lời trước của tôi về đàn áp đang gây căng thẳng trong hệ thống và cần phải quan sát thận trọng những nhân viên công lực thực thi việc trấn áp trong các lĩnh vực đó. Nếu – và đó là nếu -  họ bắt đầu buông lỏng việc thực thi công lực của mình thì khi đó hệ thống Đảng có thể bị bung ra khá nhanh. Thế nhưng hiện nay, cũng như anh, tôi thấy cái tôi mô tả là “bộ máy cưỡng bức” còn rất mạnh và thực thi công việc của mình có hiệu quả. Đó là điều bất hạnh cho TQ, thế nhưng đó lại là thực tế.

Câu hỏi :
Điều gì sẽ xảy ra nếu như Đảng lựa chọn con đường tự do hóa chính trị? GS nói rằng  đó sẽ là hy vọng tốt nhất  để tránh một sự đổ vỡ cho Tập Cận Bình và liệu ông ta có thể bắt đầu lại đường lối chấp nhận sự tham dự rộng rãi cùng sự cởi mở hơn mà TQ dưới thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã từng chứng kiến. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo Đảng dường như lại nhận thức rằng tự do hóa sẽ kích động các đòi hỏi xã hội,  tạo nên áp lực và điều này đặt dấu chấm hết cho Đảng. Vậy thì, họ sẽ bị nguyền rủa nếu như họ tự do hóa và cũng sẽ bị nguyền rủa ngang thế nếu họ không tự do hóa?
Trả lời:
Một lần nữa hãy cùng quay trở lại xem xét những gì mà Đảng đã thực hiện trong giai đoạn 2000- 2008. Việc quay trở lại con đường cải cách chính trị có thể hình dung là nó sẽ được quản lý bởi Đảng, được thực thi từng bước, sự cởi mở chính trị  và những thay đổi được tăng dần mà không mất sự kiểm soát và quyền lực. Đây không phải là điều chắc chắn nhưng căn cứ vào những gì tôi biết về văn hóa chính trị và xã hội TQ thì đây chính là lựa chọn tốt hơn nhiều so với lựa chọn mặc định đàn áp họ đang thực hiện. Bởi vậy tôi vẫn hy vọng điều đó sẽ có thể xảy ra.
Nhưng, thực sự, tôi rất nghi nó sẽ thế, bởi vì cách thức mà Tập Cận Bình và Lưu Vân Sơn – phụ trách Ban tư tưởng và Tuyên truyền -  và các lãnh đạo cao cấp khác nghĩ về cải cách chính trị. Hơn nữa, tôi muốn lưu ý rằng nền chính trị Trung Hoa tính từ thời Mao đã trải qua những chuỗi chu kỳ mở - đóng (được biết đến  bằng tiếng hoa như fang (phóng) và shou (thủ)) . Bình thường thì giai đoạn mở kéo dài khoảng 5-6 năm và giai đoạn “đóng” khoảng 2-3 năm. Chúng ta đang ở năm thứ 7 của thời kỳ “đóng”. Người lạc quan có thể nói rằng chúng ta đã quá hạn để bắt đầu giai đoạn “mở” ! Tôi rất muốn là một người lạc quan nhưng những phán đoán có phân tích của tôi , thật không may lại nói với tôi điều ngược lại.
Thăng long- Hà nội 17/3/2015
Phạm Gia Minh dịch.