25 mars 2015

Lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh: Diễn từ bế mạc

Nguyên Ngọc
              
             Thưa Quý vị,
               Hôm nay, rất đúng hẹn, chúng ta lại gặp nhau trong không gian đầm ấm này, cho một sự kiện trang trọng: Lễ trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 8. Nếu kể cả lần trao giải năm 2007 của Quỹ Dịch Thuật Phan Châu Trinh, tiền thân của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, thì đây là lần thứ 9. Vậy là chúng ta đã cùng nhau đi được một chặng đường dài 9 năm, và tôi nghĩ với tất cả lòng khiêm tốn vẫn có thể nói rằng, bằng một sinh hoạt đều đặn, nhẹ nhàng và giản dị, thân mật mà thâm trầm, chúng ta đã tạo nên được gần như là một tục lệ văn hóa mới tốt đẹp và hằng năm được mong đợi. Được mong đợi, đúng thế, bởi vì quả thật mỗi năm ở đây chúng ta lại được gặp không chỉ những diện mạo văn hóa xứng đáng, với những công trình, không ít khi là những sự nghiệp đồ sộ, đa dạng, sâu sắc và đầy gợi mở được phát hiện, phát hiện lại, để tôn vinh và từ đó giới thiệu rộng rãi với toàn xã hội; mà cũng qua chính những con người đáng kính ấy và các công trình tâm huyết của họ, từng nêu lên, thống thiết và đầy trách nhiệm với toàn xã hội những vấn đề bức thiết và nhiều khi khá cơ bản về văn hóa và tinh thần, nghĩa là về nền tảng tồn tại và phát triển của đất nước.


           Thật vui mừng là năm nay truyền thống đó vẫn được giữ vững.
            Xin được nói trước hết về Giải thưởng Giáo dục, lần này được trao cho nhà giáo lão thành Phạm Toàn đã ngoại bát tuần và nhóm Cánh Buồm phơi phới trẻ trung của ông. Như chúng ta đều biết, trừ với Hồ Ngọc Đại, hai giải thưởng về giáo dục trước đây đã được trao cho Giáo sư Hoàng Tụy và Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng, là những chuyên gia toàn diện về giáo dục, song thường đã tập trung rất đúng đắn quan tâm và nổ lực vào đại học vốn là một trong những khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục chúng ta hiện nay. Lần này thì là những người khởi sự từ một đầu khác, ngược lại, từ khâu thấp nhất, tiểu học. Và họ có cái lý sâu sắc của họ. Nếu quả thật thiêng liêng nhất của giáo dục là tạo nên con người tự do cho đất nước thật sự tự do – bởi không có nó thì mọi thứ trên đời này có to tát đến mấy, kể cả độc lập, đều thảy vô nghĩa – thì con người đó phải được tạo nên, đúng hơn nữa là tự tạo nên ngay từ đầu, khởi thủy đã là tự do, bằng tự do, và lại chỉ có thể duy nhất với phương pháp tự do. Nhà triết học François Jullien có ví tâm trí con người với một tờ giấy bạc (mà ta thường thấy dùng gói các bao thuốc lá) một khi đã bị vò nhàu đi rồi thì sẽ không thể nào vuốt lại cho phẳng được hoàn toàn, trong sáng sạch sẽ hoàn toàn. Vẫn thường nghe nói giáo dục hiện nay rất nặng áp đặt, áp đặt tư duy, áp đặt kiến thức, áp đặt chân lý có sẵn và từ đâu đó tít trên cao, áp đặt đồng phục … Áp đặt là nói cho sang, đúng tên thì ấy chính là nô lệ. Tôi nghĩ rằng tư duy lớn nhất, đẹp đẽ nhất của Cánh Buồm là quyết không để cho người ta biến trẻ con thành nô lệ, không để tâm trí con trẻ bị nhàu nát ngay từ đầu bằng những nếp gấp nô lệ sẽ suốt đời không còn gỡ ra cho sạch hết được. Họ tin rằng nếu học là khám phá thế giới, và qua đó tự khám phá chính mình, thì đối với một con người thế giới chỉ được thật sự khám phá khi tự mình làm phám phá đó, đi lại con đường khám phá đó, tự mình “thi công” khám phá đó như cách nói của Phạm Toàn và Cánh Buồm. Và như vậy, tức cũng chịu trách nhiệm về khám phá của mình, về chân lý do tự mình “thi công” mà tìm ra và có  được cho mình. Đấy cũng là ý nghĩa đích thực của điều được gọi là “tự học”. Tự học không chỉ là học ở ngoài nhà trường, mà là tự mình làm lấy để mà học, như nhà giáo dục lớn John Dewey từng nói: “Giáo dục tự nó là hoạt động sống chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai”. Hoạt động quan trọng nhất ngay trong nhà trường cũng phải là sống, tức là tự học, không có tự học thì không thật sự có giáo dục. Cũng không còn là sống. Hay như khẳng định của vị Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Vũ Đình Hòe: “Học vấn chỉ là phương tiện của giáo dục. Hoạt động mới là cứu cánh của nó”. Trong giáo dục, đấy là con đường duy nhất để tạo nên con người tự do. Vậy đó, một định nghĩa về tự do, về giáo dục tự do vì con người tự do, ngắn gọn, rõ ràng, cơ bản. Nhân đây cho phép tôi được nói điều này: điều ta vẫn mong muốn được gọi đích danh là Cải cách giáo dục, công việc hiện nay được gọi là Đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục, chủ trương to tát ấy sẽ chẳng đi đến đâu hết, sẽ vẫn mãi lúng túng, loay hoay, chắp vá, rối ren …, nếu nó còn không xác định được rõ ràng và chắc chắn điều vừa nói trên đây. Đấy có thể là ý nghĩa của cái sự kiện ta đang nói đến hôm nay, có tên là Cánh Buồm.
            Cánh Buồm không chỉ nghĩ và nói, Cánh Buồm làm. Sáu năm nay, lặng lẽ, bắt đầu hoàn toàn từ tay không, một nhà giáo già từng trải và không nguôi trằn trọc vì giáo dục, cùng một nhóm 6 người, rồi dần dần non 20 người rất trẻ trung, trong sáng và hăng hái, họ hình thành một tổ chức kỳ lạ, không một đồng xu tài trợ của Nhà nước, nghĩa là không tốn một đồng thuế của dân, không ai có đồng một lương của tổ chức, mỗi người tự tìm lấy cách riêng mà sống, họ căm cụi làm việc, tận tụy, thiện nguyện, thậm chí khó nhọc xin mãi để được làm không công. Và họ đã cho ra đời sản phẩm, hẳn là rẻ nhất trong tất cả các sản phẩm giáo dục từng có ở ta hiện nay: một bộ sách giáo khoa cấp I hoàn chỉnh hoàn toàn mới, theo quan điểm giáo dục hoàn toàn mới, với phương pháp hoàn toàn mới; và đang bắt tay làm tiếp sách cho cấp 2. Song song là một tủ sách dịch những tác phẩm kinh điển quan trọng nhất về tâm lý giáo dục …
             Cái mới đương nhiên bao giờ cũng gợi tranh cãi, chính vì thế mà nó là cái mới. Qua việc trao giải hôm nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trân trọng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Cánh Buồm, đường hướng cơ bản và công việc thật tốt đẹp của nó, cũng là để nói lời cảm ơn đối với nhà sư phạm lão thành đáng kính Phạm Toàn cùng các thành viên trẻ cũng rất đáng kính trọng của nhóm ông.

Thưa Quý vị,
            Chúng ta đều biết trong văn hóa có một vấn đề lớn và sâu là mối quan hệ biện chứng, tinh tế, phong phú và phức tạp, tác động lẫn nhau giữa bộ phận gọi là bác học được coi là ở bên trên và phần gọi là dân gian ở bên dưới. Trong đó, một trong những khía cạnh quan trọng là khi ở tầng bên trên có những xao động, bất ổn định, rối ren …, thì chính ở bên dưới, trong văn hóa dân gian lại là nơi gìn giữ, bảo toàn những giá trị căn bản, lâu dài, thậm chí cho những khả năng và cơ hội phục hưng. Trong dân gian, những giá trị đó thường tản mác, không chỉ để nhìn thấy, phát hiện chúng, mà ngay cả để hiểu thấu và cả gìn giữ chúng, cần có những chuyên gia uyên thâm và tâm huyết đến mức hiến trọn vẹn cả một cuộc đời dài cho chúng. Hôm nay Quỹ Văn hóa của chúng ta rất vui mừng và vinh dự được tôn vinh đúng một một con người như vậy, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

            Trước hết, tôi xin phép được đề nghị trong đêm vui này tất cả chúng ta cùng chúc mừng Đại thọ Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Năm nay ông đã 98 tuổi. Nếu Phan Huy Vịnh ca ngợi người kỹ nữ tài ba “học đàn từ thưở 13”, thì còn sớm hơn, Nguyễn Vĩnh Bảo học đàn từ năm lên 7, và từ đó, gần tròn 90 năm từng ngày gắn bó với đờn ca tài tử Nam Bộ như chưa từng có bất cứ một người nào làm được như thế. Ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật độc đáo này. Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đàn Tranh và đàn Kìm (đờn nguyệt) “có ngón đàn điêu luyên, gân guốc và sâu sắc”, đã từng hòa đờn cùng các danh cầm lớn nhất, biết rõ lai lịch của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư cả miền Nam. Một tượng đài, nói thế không hề quá đâu, và một pho sử sống của đờn ca tài tử Nam Bộ.
            Nhà nghiên cứu âm nhạc, GS.TS Nguyễn Tuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”. Về mặt này, Nguyễn Vĩnh Bảo cũng cho chúng ta những bài học thật sâu sắc. Bảo vệ không chỉ, không phải là gìn giữ khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ. Đương nhiên chỉ có thể làm được điều đó khi và chỉ khi có một tình yêu tha thiết và một hiểu biết uyên thâm đối với di sản; có lẽ còn hơn thế nữa, cả một hiểu biết rộng rãi âm nhạc thế giới. Chính trên cơ sở như vậy mà Nguyễn Vĩnh Bảo đã vượt qua lối ký âm theo solfège phương Tây, sáng tạo ra cách ký âm đặc biệt rất tinh vi cho nhạc khí Việt Nam theo phong cách “tablature” – như cách gọi của GS Trần Văn Khê, hoàn toàn thích hợp với nhạc dân tộc Việt; lại kết hợp linh hoạt, tinh tế với cách truyền khẩu, truyền ngón riêng độc đáo trong đời sống âm nhạc truyền thống của người Việt.
         Ông còn là nhà sáng tạo nhạc khí tài năng; là tác giả đầu tiên của cây đàn tranh 17 dây (để về sau có thêm những cây đàn tranh 19, 21, 25 dây).  “Đờn tranh Vĩnh Bảo” hoàn chỉnh, đặc sắc, nổi tiếng đến mức được nhà thanh học lừng danh Émile Leipp coi là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thanh học (accoutisme) và thậm chí được sánh với Violon Stradivarious huyền thoại của phương Tây.
          Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có hàng trăm học trò trong nước và trên khắp thế giới; cách truyền dạy của ông cũng rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyển lối truyền khẩu, truyền ngón dân gian Việt Nam với lối dạy hiện đại hàm thụ qua thư từ và internet, hoặc giảng dạy trực tiếp ở nhiều trường đại học nước ngoài, Paris, Tokyo, Singapour, Illinois... Năm 2008, Tổng thống Pháp đã trao tặng ông Huy chương Officier des Arts et des Lettres, Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương. Ông thật xứng đáng với danh hiệu ấy.
           Xin chúc mừng Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, lần nữa xin kính chúc ông đại thọ, vượt ngưỡng trăm tuổi, mãi cường tráng trong sự nghiệp sáng tạo đẹp đẽ của mình.
           
Thưa Quý vị,
             Ở trên, chúng ta đã nhắc lại cùng nhau rằng hoạt động đầu tiên của Quỹ Văn hóa chúng ta là một giải thưởng về dịch thuật. Hẳn như vậy là tất yếu. Chúng ta đi theo con đường Duy tân Phan Châu Trinh. Và nhìn lại mà xem, tất cả các trào lưu duy tân, ngay từ đầu thế kỷ trước, từ Nhật Bản, Trung Hoa, qua Việt Nam … đều bắt đầu bằng dịch thuật. Như là một quy luật, không thể khác. Để tồn tại và phát triển trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập ngày nay, càng phải coi trọng dịch thuật, nhất thiết phải đẩy mạnh không ngừng dịch thuật. Quỹ chúng ta có chủ trương, qua Tủ sách Tinh Hoa, cố gắng trong vòng nửa thế kỷ, trang bị cho mọi người Việt Nam, trong tiếng Việt, toàn bộ những tác phẩm lớn nhất của nhân loại, trước hết và chủ yếu về khoa học xã hội và nhân văn. Tham vọng lớn ấy từng ngày được thực hiện bởi những dịch giả tâm huyết, lặng lẽ từng ngày vật lộn trên từng con chữ - những ai đã từng lao mình vào công việc có người gọi là rất “bạc bẽo” này đều biết, đúng như vậy, khó nhọc kiên trì vật lộn trên từng con chữ - như những con ong chăm chút khó nhọc khưi tìm tận đáy hằng trăm hàng nghìn đài hoa, tẩn mẩn vo tròn từng hạt phấn hoa, để kiên nhẫn góp nhặt từng chút từng chút … tạo nên kho mật ngọt cho đời. Hôm nay chúng ta chào mừng và cám ơn một con người như vậy, dịch giả Nguyễn Nghị. Cũng như ở tất cả những người dịch nghiêm túc, đáng nói trước hết là ở cách ông chọn lựa những gì cần công phu đem lại cho xã hội ta hôm nay. Trong hoạt động trí tuệ và xã hội rộng lớn của mình, Nguyễn Nghị đặc biệt quan tâm đến lịch sử; và trong lịch sử đó, như nhận xét của một nhà nghiên cứu thường gần gũi ông, “ông có một sự mẫn cảm đặc biệt đối với những khía cạnh ‘bình thường’ cụ thể của đời sống xã hội, theo chiều hướng ‘lịch sử xã hội’, nghĩa là bao hàm cả những khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa của thường dân, chứ không chỉ bận tâm tới chiều kích chính trị của các sự kiện…”. Hãy xem một số tác phẩm ông chọn dịch: Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 18 và 19 của Li Tana, Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản của Max Weber, Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo của Hans Küng, Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII của Nguyễn Thanh Nhã, Lịch sử Viêt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XX của Lê Thành Khôi … Một đóng góp, một gợi ý rõ ràng và thuyết phục, chúng tôi nghĩ, thật sự có ý thức, cho một cách nhìn lịch sử khác với thói quen ở ta từ đã khá lâu, cho một lịch sử của đời sống thật, cụ thể, của nhân dân, trong tất cả hiện thực thường ngày và đích thực của họ. Không chỉ để nhìn nhận lại chân xác quá khứ, mà còn quan trọng hơn, cho “lịch sử” của chính hôm nay.
           Mặt khác cũng còn có thể nhận ra sự tinh tường của Nguyễn Nghị qua những mốc tác phẩm ông chọn để tập trung nổ lực dịch: đấy đều là những công trình đánh dấu những cái mốc tư tưởng quan trọng trong các lĩnh vực sử học, triết học, thần học, xã hội học … Cách làm như vậy giúp người đọc tiếp thu tri thức lớn một cách có hệ thống. Một đóng góp không nhỏ cho phương cách tư duy về nền tảng tri thức chung, thật cần thiết cho tất cả những ai quan tâm.
          Là một người có tri thức rộng, lại nắm vững nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng Nguyễn Nghị luôn coi “dịch là một thách thức to lớn” như chính ông nói, người dịch cần có trách nhiệm rất cao không chỉ với tác giả mà còn với người đọc, cả những thế hệ người đọc sẽ đến. Ông làm việc miệt mài, nhọc nhằn hằng nhiều năm cho mỗi cuốn sách dịch, coi công việc dịch cũng chính là công việc nghiên cứu, cẩn thận và chặt chẽ trên từng thuật ngữ, kiên trì lục tìm, tra cứu, không ngại trao đổi, hỏi han, luôn cố gắng diễn đạt trong một thứ tiếng Việt trong sáng và dễ hiểu nhất cả những khái niệm thường rất phức tạp của các khoa học xã hội …
          Xin chân thành cám ơn dịch giả Nguyễn Nghị.

           Thưa Quý vị,
Dường như giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh có một truyền thống đáng quý: nó đã giữ mình không bị thu hút vì những vẻ ngoài ồn ào, mà ngược lại thường tìm đến những nhân vật đặc sắc mà lẫn khuất. Năm 2009, giải dịch thuật đã được trao cho một người mà cho đến tận ngày trao giải toàn bộ hội đồng chấm giải và cả chính người đề cử chưa hề gặp mặt. Lần ấy dịch giả Lê Anh Minh được phát hiện, thẩm định và trao giải qua công trình dịch thuật công phu và rất xuất sắc: bộ Lịch sử triết học Trung Quốc nổi tiếng của Phùng Hữu Lan; bản dịch ra tiếng Việt của Lê Anh Minh là bản dịch trọn vẹn ra tiếng nước ngoài đầu tiên của bộ lịch sử đã trở thành kinh điển này. Năm nay giải nghiên cứu của chúng ta rất vui mừng được trao cho một người mà chắc giới nghiên cứu và học thuật rất ít khi được gặp mặt, học giả Phạm Hoàng Quân. Ông sống tận Cai Lậy, Tiền Giang, lặng lẽ sống và lặng lẽ làm việc. Suốt hơn hai mươi năm nay. Tập trung ráo riết vào một đề tài nóng bỏng: Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Thực ra cũng đã có một thời gian ngắn ông sống ở Sài Gòn, nhưng rồi không thuộc biên chế nào hết, công việc nghiên cứu không nuôi sống được nhà khảo cứu, ông lui về quê, một mình căm cụi làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn, xa các thư viện lớn, xa các hiệu sách, xa các cộng đồng nghiên cứu, thực sự là một nhà nghiên cứu độc lập, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nói vậy để biết rằng mặt khác cũng chính điều kiện khắc nghiệt đó lại tạo cho ông một tư thế độc lập độc đáo, đặc biệt quý trong nghiên cứu, nhất là với đề tài rất nhạy cảm ông đeo đuổi. Dường như độc lập, độc đảm là đặc điểm nổi bật của Phạm Hoàng Quân. Hầu như hoàn toàn tự học, chẳng có bao nhiêu bằng cấp, nhưng ông nắm chắc, am hiểu sâu sắc cổ ngữ Hán Nôm để có thể bao quát được nhiều sử liệu Trung Quốc, dùng chính lời của họ, sử liệu của họ để bẻ gãy ngụy luận của họ; lại đọc rộng trong tất cả các nguồn tư liệu khác, chăm chú nghiên cứu các công trình của những người đi trước; kết hợp với những chuyến tự mình khảo sát thực địa ở hầu khắp các tỉnh ven biển miền Trung, Phạm Hoàng Quân đã hoàn tất công trình “Hoàng Sa – Trường Sa – Nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc” dày gần 400 trang, gồm 14 bài nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khách quan, chặt chẽ, sắc bén, có thể đưa ra đối thoại, tranh luận trên các diễn đàn quốc tế, “từ phân tích tổng quan đến khảo cứu những sử liệu tiêu biểu trong chính sử, phương chí, địa đồ … chứng minh rằng từ thời nhà Hán đến thời nhà Thanh Trung Quốc chưa từng quản lý và xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vùng Biển Đông Việt Nam”.
            Xin cho phép tôi, từ diễn đàn này, thay mặt tất cả chúng ta nói lời cám ơn đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân.

            Thưa quý vị,
             Hôm nay chúng ta rất tiếc về sự vắng mặt của vị tân khoa của giải Việt Nam học 2015, GS. Keith Weller Taylor. Ông không đến được vì lý do sức khỏe. Keith Taylor là một trong những nhà Việt Nam học nổi tiếng nhất, cả ở Việt Nam cả ở nước ngoài. Ông cũng là một nhà Việt Nam học độc đáo, từ điểm xuất phát, đến con đường nghiên cứu Việt Nam học ông đã đi, các chặng khác nhau và những chuyển hướng trên con đường đó, và có lẽ cả ở sự gắn bó, gần gũi kỳ lạ của ông với giới nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam, những chuyển động bên trong nghiên cứu ấy.
              Keith Taylor là cựu binh của chiến tranh Việt Nam. Sống sót sau chiến tranh, ông muốn nghiên cứu kẻ đã đánh bại mình. Họ là ai, họ đến từ đâu trong lịch sử thăm thẳm của nhân loại? Sự kết hợp của thân phận con người và thân phận lịch sử có lẽ đã thôi thúc Taylor, khiến ông trở thành người xông pha miệt mài trong lĩnh vực Việt Nam học trong suốt quãng đời của mình. Cuốn sách lớn đầu tiên của ông về Việt Nam có tên là The birth of Vietnam, viết năm 1983, được dịch là Việt Nam khai quốc. Ông đi tìm câu trả lời trong lịch sử bốn nghìn năm liên tục chống ngoại xâm phương Bắc của Việt Nam, mà ông coi là vốn có cội nguồn từ buổi mà ông gọi là thuở “khai quốc”, trong đêm mờ xa xăm của những huyền thoại, những huyền thoại được lịch sử hóa, từ những An Dương Vương, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ trăm trứng, Sơn tinh Thủy tinh, Tản Viên, Chử Đồng tử …, khởi nguồn từ đấy và thống nhất xuyên suốt cho đến tận người Việt hôm nay đã đánh bại ông. Đến từ bên kia chiến tiuyến, vậy mà ông giống những người ở bên này một cách lạ lùng. Một nhận thức và thể hiện lịch sử đẹp đẽ, đơn tuyến, một mạch nhất quán xuyên suốt như vậy là cần thiết cho nhu cầu tuyên truyền động viên trong chiến tranh mất còn, và đã được giới sử học trong nước, ít ra cũng là số đông trong họ, chăm chú thực hiện. Đấy là khi - và điều này là hoàn toàn có thể hiểu – lòng yêu nước được lấy làm chuẩn thay vì khoa học. Còn ở Keith Taylor thì có thể đó là lòng khâm phục, và cả tình cảm kinh ngạc nữa. Có người đã gọi đấy là “Kẻ chiến bại hát theo giọng của người chiến thắng”; hoặc nghiêm trọng hơn, “một biểu hiện di thực của chủ nghĩa quốc gia dân tộc (từ Việt Nam) ra nước ngoài”.
           Nhưng là nhà khoa học nghiêm khắc, Keith Taylor đã không dừng lại ở đó. Cũng có thể hiện thực thế giới và hiện thực Việt Nam hậu chiến đã đánh thức dậy trong ông một nhu cầu chuyển động nhận thức quan trọng. Năm 2003 ông viết một tác phẩm lịch sử mới về Việt Nam với cái tên có thể hơi lạ; không phải The History of Vietnam – Lịch sử Việt Nam, mà là A history of the Vietnamese – Một lịch sử của người Việt Nam. Ông đã hoài nghi những gì mình viết năm 1983. Ông nói: “Quyển sách (kia) của tôi in 20 năm trước rồi. Trước kia tôi chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, tôi đã nghĩ rằng không có (khác biệt) quan điểm quan trọng gì giữa thời cận đại và thời quá khứ... Cho nên, (nay) tôi nghi ngờ về ý kiến phát triển lịch sử liên tục, một lịch sử thống nhất liên tục, tức là lịch sử của một nhóm lấy quyền hành chính trị muốn dùng chuyện lịch sử để giảng dạy và tuyên truyền dân chúng phải theo chính sách quốc gia của chính phủ. Lịch sử thống nhất liên tục là lịch sử bị chính trị hóa, không là lịch sử khoa học.”[1] Trong cuốn sách mới của mình, ông dã dùng 30 trang để xóa hết những gì mình đã viết bằng tưởng tượng suốt 400 trang trước kia. Lần này lịch sử Việt Nam được bắt đầu bằng chương An Dương Vương, chứ không phải chương “Lạc hầu”. Ông viết: “Nhu cầu truy tầm nguồn gốc trong quá khứ xa xăm là nỗ lực nhận thức chung của nhiều dân tộc ở mọi thời điểm và mọi không gian... Nhưng nhu cầu bức thiết kết nối với quá khứ đó chỉ là một ham muốn chứng thực tự thân, chứ không phải là nỗ lực học thuật”. Ông cũng nói: “Tôi tin rằng, công việc của giới sử học là nhìn vào những gì may mắn còn sót lại từ quá khứ trong mối quan hệ tương hỗ với sự tồn tại của những người đương thời, chứ không phải là bằng chứng về những người được coi là tổ tiên của người hôm nay. Quá khứ Việt Nam không thể hiện một logic tự thân cho sự phát triển dẫn đến hiện tại.” Vì vậy “trong cuốn sách này, tôi kết hợp một tự sự chính trị theo tuyến tính lịch đại, với trình bày theo đề mục thuyết minh và thảo luận về địa lý, giáo dục, tư tưởng, ngôn ngữ, văn học, tôn giáo, xã hội, chính quyền, kinh tế, và chiến tranh... Như một thám sát hoa tiêu, cuốn sách này cung cấp một điểm vào/ một lối vào lịch sử Việt Nam, và chưa thể phát quật hết khối sử liệu đã tạo nên những ý tưởng của tôi. Nó hy vọng sẽ cung cấp những phác thảo về quá khứ người Việt bằng việc sử dụng các thông tin về chính trị, hành chính, kinh tế, và văn hóa ”. Đấy là một lịch sử Việt Nam với tính đa diện, đa chiều của nó, lịch sử Việt Nam không phải chỉ là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm, lịch sử của chính trị với vua chúa và quan lại, mà còn là lịch sử của thơ ca, nghệ thuật, của thương mại, của đời sống thật và thường nhật của con người, của nhân dân, của “người Việt Nam” như tên sách mới của ông, con người thật với vô số hay và dở, được và thiếu, thịnh và suy, thành công và thất bại, thường thắng lợi huy hoàng trong chiến tranh mà nhọc nhằn thất bại trong xây dựng ... Một cuốn sách như vậy không chỉ “tường thuật”, ngợi ca, mà đặt vấn đề, tất sẽ gây tranh cãi, thậm chí gay gắt. Nhưng đấy là cuốn sách của một người thật sự yêu đất nước này, muốn hiểu nó tận cùng như hiểu chính mình, để cho đất nước anh hùng mà khổ đau này sống được thật đàng hoàng trong thế giới xiết bao khó nhọc ngày nay.
          Xin cám ơn Keith Weller Taylor, vì tình yêu chân chính và nổ lực trằn trọc của ông cho khoa học lịch sử Việt Nam, cho Việt Nam.

          Thưa quý vị,
          Như Chủ tịch Nguyễn Thị Bình đã tuyên bố trong lời khai mạc, bắt đầu từ năm nay Quỹ Văn hóa của chúng ta có thêm một hoạt động thường niên quan trọng: Tôn vinh những Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Chúng tôi xác định “Thời hiện đại” ở đây, trong chương trình này, là bắt đầu từ khi có chữ quốc ngữ, và cho đến năm 1945. Với thời kỳ Hán Nôm trước đó, có lẽ các giá trị văn hóa đã được xác định khá rõ, đã khá ổn định. Với thời kỳ sau 1945, Nhà nước Việt Nam bằng nhiều cách đã thường xuyên làm công việc này. Qua chương trình của Quỹ chúng ta, chúng ta muốn đóng góp vào việc dựng lại một cách ngày càng cố gắng đầy đủ, khách quan, công bằng hơn những giá trị văn hóa, nhiều khi rất lớn của thời kỳ vừa nói trên, do những điều kiện lịch sử, xã hội, chính trị nhất định, đã không được minh định thích đáng. Đây là một công việc khó khăn nhưng thật hết sức cần thiết, cần sự chung trí, chung tay của toàn xã hội. Chúng tôi dự định làm lần lượt, không nhất thiết theo đúng thứ tự biên niên. Đối với mỗi nhân vật được tôn vinh sẽ xây dựng hồ sơ đầy đủ, xuất bản hoặc tái bản các công trình của các vị và về các vị, tổ chức những tọa đàm rộng rãi, tìm học bổng cho những nghiên cứu sâu hơn về từng vị, ở cấp tiến sĩ …
          Năm nay, để mở đầu, chúng tôi đề nghị rước vào ngôi đền Pathéon của chúng ta ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi đã chuẩn bị các ấn phẩm dày dặn về từng người, rất tiếc không in kịp cho hôm nay. Tối nay chỉ xin tạm gửi đến quý vị một bài viết khá đầy đủ của Nguyễn Văn Tố về Trương Vĩnh Ký, và hai bài ngắn gọn về Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu.     
          Xin nói đôi lời về Trương Vĩnh Ký. 
              Ông sinh năm 1837 và mất năm 1898, hai năm trước khi kết thúc thế kỷ 19.
Trước hết, đấy là một nhà bác học, nhà bác học lớn đầu tiên của Việt Nam ở thời hiện đại. Jean Bouchot bấy giờ gọi ông là “nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho đến cả Trung Hoa hiện đại nữa”. Theo Bouchot, “người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của châu Âu trong đủ ngành khoa học”. Một đánh giá không hề quá. Trương Vĩnh Ký là một thiên tài về ngôn ngữ học. Một vị giáo sĩ một lần đến thăm ông thấy ông nói thành thạo và một cách sang trọng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào nha, Hy Lạp … và nhiều ngôn ngữ phương Đông Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mã Lai … Và buổi chiều khi từ giả ông thì lại thấy một nhà truyền giáo đến thảo luận với ông về thần học bằng tiếng La Tinh … Ông học ngoại ngữ ở Chủng viên Pénang, và tự học. Ông còn am hiêu sâu, hết sức cập nhật và với một đầu óc độc lập, cực kỳ nhạy cảm và sáng tạo những vấn đề lý thuyết ngôn ngữ học mới nhất đương thời. Ông thành thạo hàng chục ngôn ngữ và hiểu sâu sắc các nền văn hóa và văn minh đằng sau các ngôn ngữ ấy.
Năm 1886, coi là đã xong công cuộc bình định, Pháp đưa Paul Bert, một nhà bác học, viện sĩ Viện Hàn lâm sang làm toàn quyền Đông Dương. Đã biết và khâm phục Trương Vĩnh Ký từ khi gặp ông ở Pháp cùng phái đoàn Phan Thanh Giản, Paul Bert mời ông ra Huế, sung vào nội các Nam triều, với mục đích giúp người Pháp hiểu Việt Nam, và người Việt Nam hiểu Pháp, cũng là tâm nguyện của Trương Vĩnh Ký. Nhưng chỉ 7 tháng sau Paul Bert chết đột ngột vì bệnh tả. Lạc lõng giữa một đám thực dân khinh khỉnh và cao ngạo, một đám quan lại Nam triều hèn mọn, hiềm khích, Trương Vĩnh Ký bỏ về. Và từ đấy cho đến khi qua đời, ông đã cống hiến toàn bộ tài năng và công sức của mình, mà Nguyễn Văn Tố gọi là một “lao động mênh mông”, cho công cuộc văn hóa, tập trung nhiều nhất cho việc nghiên cứu, phân tích với một trình độ chuyên môn uyên bác về ngôn ngữ học và các khoa học tinh tế liên quan đến văn học và nghệ thuật, và chuyển ngữ các tác phẩm ưu tú nhất trong gia tài văn học dân tộc mà ông thiết tha yêu quý. Ông là người đầu tiên chuyển dịch Truyện Kiều ra quốc ngữ.  Ông để lại hơn trăm tác phẩm, nghiên cứu và sáng tác, về văn học Việt Nam, về ngôn ngữ học, về lịch sử, về sư phạm …, cả những tác phẩm mô tả sinh động hiện thực xã hội Việt Nam đương thời, một gia tài mênh mông mà chắc chắn chúng ta có nhiệm vụ phải tận khai, cho cả hôm nay.
Trương Vĩnh Ký đã sống trong một thời kỳ xáo động và đã trải một cuộc đời đẹp đẽ mà cũng lại có nét éo le, bi tráng. Ngay khi phải sống và làm việc cho Pháp, ông vẫn nhắc câu châm ngôn"Sic vos non vobis" - Ở với họ mà không theo họ. Sưu tầm, chú thích bản Gia Định thất thủ vịnh, ông gọi rõ ràng Tây là "giặc". Ông phản đối quyết liệt chủ trương có màu sắc đồng hóa của chính quyền thực dân muốn đưa tất cả những người Việt là thuộc dân (sujet français – tức dân thuộc địa Nam Kỳ và ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) vào quốc tịch Pháp, tự mình suốt đời nhất quyết chỉ giữ quốc tịch Việt Nam. Học giả Vương Hồng Sển viết: Trương Vĩnh Ký ở “gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ “.
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký xứng đáng là một trong những danh nhân đầu tiên làm vinh dự cho ngôi đền văn hóa của chúng ta.
Hôm nay chúng ta cũng rước vào Panthéon của chúng ta hai nhà chí sĩ yêu nước lớn nhất của Việt Nam đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Hai nhân vật chính trị và văn hóa kỳ vĩ, và cũng thật kỳ lạ. Là đồng chí, đồng tâm, gắn bó sâu sắc, hiểu nhau đến tận cùng, thương yêu, kính trọng và bảo vệ nhau hết mực; nhưng cũng lại hết sức khác biệt, đến gay gắt, trong chủ thuyết cứu nước và cực kỳ thẳng thắn trong khác biệt đó. Một thái độ văn hóa chính trị mẫu mực, chỉ riêng điều này thôi hẳn cũng đã đáng để chúng ta hôm nay trân trọng suy nghĩ.
Phan Bội Châu, mà có thể nói mỗi từ, mỗi chữ trong những trước tác thống thiết của ông dường như không chỉ được viết bằng nước mắt mà thật sự bằng máu, mỗi tác phẩm đều là một “huyết lệ thư”, khăng khăng chủ trương “thiết huyết”, bằng mọi cách dùng bạo lực vũ trang để dành cho kỳ được độc lập. Tranh luận với Phan Châu Trinh về mục tiêu hàng đầu dân chủ, ông nói: “Có dân đâu mà chủ!”. Chưa độc lập, lấy đâu ra dân mà chủ.
Phan Châu Trinh coi độc lập là tất yếu cần thiết, nhưng là một đoạn, một bước, có thể trước có thể sau, của một mục tiêu cơ bản và lâu dài hơn là phát triển, cùng với thế giới, với nhân loại, bởi vì ông là người đầu tiên nhận ra thật rõ rệt, rằng thế giới đã khác, như cách nói ngày nay, thế giới đã là thế giới toàn cầu hóa, hồi bấy giờ là cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất. Dù bằng cách nào đó dành lại được độc lập, mà dân vẫn ngu dốt, dân tộc chưa được làm lại thành dân tộc văn minh, thì độc lập cũng vô nghĩa và không thể vững chắc. Có dân mà dân ngu dốt, tăm tối, thì dân để làm gì? Ông đáp lại. Ông nói: “Dân trí đã mở, trình độ ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau đấy”. Giải pháp hàng đầu của ông do vậy tất yếu là khai dân trí. Bất bạo động mà khai dân trí. Có lẽ cách nói của Hoàng Xuân Hãn đúng và rõ hơn: Phan Châu Trinh chủ trương một cuộc cách mạng tân văn hóa …
Lịch sử hiện thực đã đi theo con đường của Phan Bội Châu. Chiến tranh anh hùng và khốc liệt đã đem lại độc lập. Nhưng, lạ thay, mà cũng hay thay, có lẽ với thời gian, với hiện thực hậu chiến, những câu hỏi cháy bỏng mà dở dang của Phan Châu Trinh nay lại được đặt ra. Vẫn nóng bỏng như một trăm năm trước.
Như vậy ngôi đền danh nhân của chúng ta không chỉ là để tôn thờ, mà còn để tiếp tục suy tưởng. Cho chính hôm nay. Như bao giờ cũng vậy, những nhà tư tưởng và văn hóa lớn, cỡ Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu … còn sống mãi vì tính thời sự kỳ diệu và kỳ lạ của họ, từng lúc lại thức dậy, tinh khôi và sống động trong cuộc sống phát triển …
Thưa quý vị,
Đến đây tôi nghĩ tôi có thể được phép nói rằng, bằng nổ lực chung, năm nay một lần nữa chúng ta đã có một giải thưởng và một hoạt động tôn vinh đẹp đẽ và thành công. Thay mặt Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, tôi xin chân thành cám ơn sự chỉ đạo chặt chẽ và sáng suốt của Bà Chủ tịch kính mến, xin cám ơn các vị tân khoa bằng sự nghiệp và các công trình của mình đã mang lại uy tín và giá trị cho giải thưởng của chúng ta, xin cám ơn các thành viên Hội đồng Quản lý và Hội đồng Khoa học, và các chuyên gia phản biện đã tận tụy và sáng suốt giúp chúng tôi trong công việc xét chọn, cám ơn các bạn ở IRED đã rất tích cực chăm lo thật chu đáo mọi việc tổ chức, cám ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chúng tôi, cám ơn Khách sạn Caravelle đã tạo cho chúng ta đêm nay một không gian văn hóa thật đẹp và đầm ấm.
Xin chúc sức khỏe tất cả chúng ta, xin cám ơn, và xin hẹn gặp lại đúng ngày này năm sau.








[1] Bài phỏng vấn BBC (London). 26-6-2003. Nguồn link: www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/.../030912_keithtaylor.shtml