22 mars 2015

Vì sao tôi yêu mến Nemtsov




GS Georgy Mirsky
Nguyễn Văn Trọng dịch
Cho dẫu hôm Chủ Nhật, ở Moscow, công chúng quay sang khóc thương Boris, thì từ khi người Nga bầu cho các chính trị gia theo phái tự do, không kể nhiều hay ít, đến nay đã 20 năm. Đây là những ngày đen tối cho những người Nga tán thành những giá trị tự do và chính sách đối ngoại hòa bình – một tâm trạng được biểu tỏ trong bài ai điếu Nemtsov của nhà sử học 88 tuổi, giáo sư Georgy Mirsky. Sau đây là bản dịch bài trên blog của ông, đăng ở trang mạng của đài phát thanh Ekho Moskvy.
Cố Phó Thủ tướng Boris Nemtsov. Ảnh: Getty Image
 
Cố Phó Thủ tướng Boris Nemtsov. Ảnh: Getty Image

Thành thực mà nói từ ngữ “yêu mến” không thích hợp cho chính trị. Đó là một lĩnh vực khác của quan hệ nhân bản. Nhưng đây là một ngoại lệ, ít nhất cũng đối với tôi. Tôi không có quen biết cá nhân với Nemtsov, tôi chưa bao giờ tiếp cận trực tiếp với anh. Chuyện đó chẳng hề chi. Tôi hiểu được những nhược điểm, những thiếu sót của anh. Chuyện đó chẳng hề chi. Chẳng có nhân vật chính trị nào khác của chúng ta (và hàng chục năm qua họ đã đi qua trước mắt tôi rất đông đúc) thuộc bất cứ khuynh hướng nào lại gợi cho tôi những cảm xúc ấm áp như thế.
Đó là ngày thứ hai sau cái chết của Nemtsov, tôi chợt hiểu ra rằng Nemtsov là chính khách duy nhất mà tôi yêu mến.
Suốt hai chục năm tôi đã đi theo sự tiến bộ của con người này, lo lắng cho anh ấy và cổ vũ cho anh ấy. Giờ đây anh ấy đã ra đi. Mới năm mươi lăm tuổi đời – là một đứa trẻ so với tôi. Một thế hệ hoàn toàn khác, một trải nghiệm cuộc đời thật khác biệt, chúng tôi có thể có gì chung với nhau nhỉ?
Thế nhưng đã có điều gì đó… Nhiều hơn là chuyện cùng thuộc về một nhóm chính trị, là nhóm mà ngày nay người ta thường gọi là “theo tự do” [“liberal”]. Người ta đã bắt đầu sử dùng từ ngữ này để chỉ mọi thứ đáng căm ghét và thù địch mà không cần dừng lại suy nghĩ xem từ ngữ ấy có nghĩa gì, cội rễ của tư tưởng là gì.
Chơi chữ: cái tên Boris nghĩa là “tiếp tục chiến đấu”
Tôi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình: ai là kẻ thù? Đó là bọn Bạch vệ, rồi sau đó là bọn phát xít. Nhưng đã có thứ gì đó hiện thực về những từ ngữ ấy. Còn bây giờ? Một số người đơn giản nổi điên lên với từ ngữ này và cùng với nó là câu nói “chủ nghĩa phát xít tự do” [“liberal fascism”], và có quỷ mới biết nó là gì. Dù thế nào đi nữa, nếu Nemtsov là người theo tự do thì tôi cũng hãnh diện tự gọi mình là theo tự do.
Mưu toan xác định chính xác ai là kẻ tổ chức vụ sát hại không giải thích được gì. Điều chủ yếu là vì sao mà sát hại? Đó là vì anh ấy là một người theo tự do. Một người bất đồng chính kiến. Một chiến sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, đấu tranh cho những quyền con người. Một chiến sĩ đấu tranh chống lại một hệ thống toàn trị, bị thống trị bởi cảnh sát và các thanh tra mật thám KGB và hệ thống ấy đang biểu lộ ra những nét đặc trưng toàn trị ngay trước mắt chúng ta.
Các vị đã sát hại anh ấy, các vị diễn giả trên TV đang kích động thù hận trong dân chúng. Các vị, những kẻ ba hoa và những kẻ bợ đỡ, những nghị sĩ quốc hội, những tướng lĩnh và những giáo sư. Chính là nhờ những nỗ lực của các vị mà văn hóa thù hận tràn lan trong nước Nga, một thứ văn hóa bất khoan dung, gay gắt quyết liệt, ngạo mạn dân tộc, và bôi nhọ hiểm độc chống lại mọi thứ mà các vị thấy có vẻ ngoại lai với các vị.
Các vị là những kẻ ái quốc giả mạo, la lối khắp nơi về sức mạnh của quân thù và những tên phản bội. Về tâm trạng bài Nga và về đạo quân thứ năm. Các vị, chính là những kẻ sát hại Nadezhda Savchenko [nữ phi công Ukraine bị bắt] – các vị cũng đã sát hại cả Nemtsov nữa. Chính là anh ấy – và duy nhất anh ấy – mà các vị thấy cần phải giết chết.
Chẳng quan trọng gì cái chuyện liệu anh ấy có là mối nguy hiểm thực sự cho chính quyền hay không, hoặc là vụ sát hại anh ấy có hại nhiều hơn là có lợi cho điện Kremlin. Cái biểu tượng, cái tinh thần – đó chính là thứ cần phải giết chết. Biểu tượng và tinh thần của tự do – Nemtsov đã là như thế.
Các vị đang dẫn nước Nga không chỉ đi đến sự nhục nhã – các vị đã đạt được điều này từ lâu rồi – mà còn đi đến tình trạng mất phẩm giá và lụi tàn. Và vụ sát hại Nemtsov chính là cái mốc nổi bật trong hành trình đáng hổ thẹn này.
________
Giáo sư Georgy Mirsky làm việc tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Moscow và đồng thời tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow, thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Ông đã xuất bản hai cuốn sách“Về tàn tích của đế quốc: tính sắc tộc và chủ nghĩa quốc gia ở Liên Xô cũ” và “Cuộc sống tronng ba thời kỳ”, bàn về chủ nghĩa Stalin, Brezhnev và nước Nga ngày nay