22 mars 2015

KHI CẢ HAI BÊN ĐỀU THẮNG CUỘC, THÌ NÊN THEO TINH THẦN HÒA GỈAI CỦA NELSON MANDELA, VĨ NHÂN THẾ GIỚI

     .
 Luật sư Tạ Văn Tài
Dân Quyền xin phép tác giả đăng lại một trích đoạn của một bài viết từ 2005 và được tác giả trích 7-12-2013, được tác giả gửi lại kèm vài lời chú thích mới đây trên một diễn đàn thảo luận về hòa giải.


 NHÂN NGÀY 7,THÁNG 12,2013, TRÍCH LẠI MỘT ĐỌAN TRONG BÀI ĐÃ VIẾT VÀO NĂM 2005
   Mầy ngày qua và săp tới của đầu tháng 12/2013 này , trên tòan thề giới, các lãnh đạo và  nhân dân các nước đều vinh danh vĩ nhân thế giới mới ra đi về cõi vĩnh hằng: cựu Tổng Thống Nelson Mandela của Nam Phi, một nhà tranh đấu hòa bình cho sự gỉai phóng và bình đẳng của tất cả mọi người dân, đen và trằng, của Nam Phi và sự hòa gỉai giữa họ. Có nhiều người Việt Nam nuối tiếc trên đài BBC sao Việt Nam không có dịp may theo con đường gỉai phóng và hòa gỉai như thế.  BBC :”Với Việt Nam, quốc gia có nhiều năm chiến tranh và chia cắt đất nước, tấm gương bao dung, hòa giải của ông Mandela đến nay vẫn còn giá trị.
  Chúng tôi xin trích dẫn một đọan trong một bài viết năm 2005 của chúng tôi về Chiến tranh Việt Nam, mà chúng tôi coi là cả hai bên đều “thắng cuộc” (chứ không phải chỉ có một bên thắng cuộc như sách của nhà báo Huy Đức ám chỉ),trong đó có nói đến tấm gương Mandela,  để nói hy vọng rằng vẫn còn cơ may hòa gỉai giữa các người Việt Nam
    Khi thấy [ TỪ KHI ĐỔI MỚI, VÀ THEO CHÍNH SÁCH MỞ CỬA ] nhà nước Việt Nam rộng mở cửa khẩu đón tiếp người Việt di tản từ hải ngoại về thăm quê hương, làm thương mại và đầu tư, mời chuyên viên đem tài năng về giúp nước, khi thấy con cái các cán bộ hay viên chức cao cấp sang Mỹ  và các nước khác, du học để học cái hay của hệ thống xã hội tư bản Âu Mỹ  --và chính tai tôi nghe trong bữa tiệc Viện trưởng Đại học Harvard khoản đãi Phó Thủ tướng Phan Văn Khải – lúc đó là Phó Thủ tướng – lời ông Khải cảm ơn Harvard là đại học Mỹ đầu tiên đã nhận sinh viên Việt Nam sang học những cái hay trong hệ thống [kinh tế thị trường tự do, tư bản] của Mỹ--, khi thấy nhà nước Việt Nam đổi mới theo kinh tế thị trường, để người dân tự do làm ăn, làm được thì được hưởng, chứ không theo nguyên tắc cộng sản là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” nữa , khi thấy là sau 30 năm chinh chiến Quốc-Cộng, mà rồi chính nhà cầm quyền cộng sản, là người thắng trận quân sự, lại cũng theo đuổi chính các mục tiêu cho dân tự do làm ăn sinh sống  làm giàu trong kinh tế thị trường và đề cao lý tưởng dân chủ và công bằng xã hội [TUY CÒN PHẢI THỰC THI HƠN NHIỀU], mà người di tản đã từng theo đuổi từ Bắc vô Nam Việt Nam, năm 1954, và từ Việt Nam sang khắp các nước có dân chủ và kinh tế thị trường thịnh vượng, từ 1975 trở đi, thì người Việt di tản không những hết cái tủi nhục thời di tản , hay cái đau đớn khi vượt biên, vượt biển, mà còn vui mừng về cái quyết định ra đi rất đúng cho mình và con cái mình, và có thể cảm thấy là – tuy thua trên trận địa – mình bây giờ lại thắng cuộc nội chiến quốc tế hoá 30-40 năm về trước ở Việt Nam, ít nhất là về mặt tinh thần.

  Một khi cả hai phía đều thấy mình chiến thắng, thì có thể dễ hòa giải dân tộc với nhau hơn. Trăm sông rồi cũng tuôn về biển cả. Càng đi lâu thì càng hướng về quê hương hơn. Cái chấn thương di tản trong tủi nhục, kinh hoàng, chết chóc không còn nữa hay đã bớt đi nhiều. Nhưng còn một chấn thương nữa mà những người di tản và thân thích của họ còn phải đưọc xoa dịu để thực sự hòa giải: đó là chính sách nhà nước bắt học tập lâu quá với hậu quả tai hại đối với sức khoẻ, sự nghiệp và gia đình của họ. Tuy có thành tích lớn lao thống nhất đất nước, thắng được hai thế lực ngoại bang, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau năm 1975 đã không sáng suốt và đại lượng đủ để áp dụng chính sách hòa giải dân tộc, như Tổng thống Lincoln đã áp dụng sau cuộc Nội chiến ở Mỹ chẳng hạn: “Cùng nhau, chúng ta hãy săn sóc cho cô nhi, quả phụ của cả hai bên”. Những người, hồi 1954 bỏ hết cuộc đời, tài sản, sự nghiệp di tản từ Bắc vào Nam, có thể quên việc bố mẹ mình bị tố oan trong cải cách điền địa kỳ thị giai cấp 1953-1955, hay không còn nhớ – vì lâu quá rồi – là, hồi 1945-1946 ông chú, ông bác mình, đảng viên Quốc dân Đảng hoặc những người dân và trí thức không phải là cộng sản trong phong trào kháng chiến Nam bộ, cũng chống Tây một cách rất ái quốc, mà vẫn bị ban ám sát của Đảng Cộng sản lấy búa đập vào đầu thủ tiêu, lợi dụng lúc vắng mặt tại Hội nghị Fontaineblau của Hồ Chí Minh, hồi đó đang làm việc thuyết phục các nhân tài và các nhà ái quốc cùng giúp nước, cả ở Việt Nam lẫn ở Pháp. Nhưng hậu quả tàn hại của những năm dài học tập trong các trại sau 1975, đến nay là tình trạng sức khỏe suy sụp, thân trạng lạc loài của các cựu tù nhân chính trị khi ra sống lại ngoài xã hội, nhất là xã hội nước ngoài, nhiều khi lại thêm tình trạng mất vợ con, mất gia đình lúc mình đi học tập hay khi vượt biên, thì không dễ họ và gia đình họ có thể quên ngay, vì sự đau khổ còn tương đối mới gần đây.
    Giữa những người dân Việt Nam, nhất là giữa thân thuộc bạn bè, ở hai bên chiến tuyến, thì dễ hòa giải và thực tế đã có nhiều cuộc hoà giải từ lâu rồi, trong cái cảnh gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, mừng mừng tủi tủi, chẳng còn hận thù gì nữa. Giữa những người thuộc các thế hệ trẻ, còn nhỏ hay chưa ra đời vào năm 1975 khi chiến tranh chấm dứt, thì họ gặp nhau dễ dàng, thông cảm nhau với tình đồng bào, đồng hương, không có gì trở ngại, khi người hải ngoại về thăm đất tổ, hay người trong nước sang ngoại quốc du học, tham quan, đi công vụ. (Thậm chí có người trẻ tuổi về trình với bố mẹ: “Bố ơi! Mẹ ơi! Con yêu cái cô Việt cộng đó rồi!”)
       Nhưng trên bình diện chính sách chính thức và để kết thúc có hậu (người Mỹ thường gọi là closures), thì phải có lời tuyên bố chính thức, công nhận sự sai lầm chính sách học tập ác nghiệt quá lâu, của những người lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ có trách nhiệm về chế độ học tập vào năm bắt đầu thi hành 1975, nghĩa là những người lúc đó đã ở trong vị trí lãnh đạo về chính sách, tức là 1975 LÀ 35-40 TUỔI,  và nay [2005] phải ít nhất trên 65-70 tuổi, [NẾU NÓI VỀ THỜI ĐIỂM 2013 THÌ PHẢI  73- 78, TUỔI, 2015 THÌ LÀ 75-80 TUỔI] và có lẽ già hơn nữa (cộng đồng hải ngoại BÂY GIỜ [2015] không thể quy trách về chế độ học tập cho những người nay dưới 75 tuổi [DƯỚI 75-77 TUỔI], nghiã là vào năm 1975 họ mới 35 tuổi, chắc không phải là những người đưa ra chính sách đó, trừ khi những người đó thi hành chính sách một cách độc ác), NHỮNG LỜI HÒA GỈAI NHƯ VẬY  thì cộng đồng người Việt di tản hải ngoại mới vuốt bụng thoả thuê mà nói được câu: “Có thế chứ!” và sẵn sàng hoà giải hơn,và sẽ sẵn sàng đem tài nguyên, tài năng, và con cái về Việt Nam xây dựng, theo nhiều phương cách, cho dân giàu nước mạnh. Ông Đỗ Mười đã tuyên bố về hai sai lầm là cải cách ruộng đất 1953-55 (thực hiện đẫm máu và bất chấp pháp trị, theo lời luật sư Nguyễn Mạnh Tường) và đánh tư sản miền Nam 1979 (làm tiêu tan tiềm năng doanh nhân phát triển kinh tế, làm Việt Nam chậm lại gần một thế hế), và có lẽ chỉ có ông mới là người vượt trội lên trên các đảng viên khác về mặt tuổi đời và tuổi đảng để có thể đóng vai một “Đặng Tiểu Bình Việt Nam” dám tuyên bố một câu mát lòng mát ruột cho những người đã bị đi học tập lâu, mà không ngại bị những người ngang vai ngang vế nói là đi trật đường lối. Giống như họ Đặng tuyên bố ủng hộ đường lối kinh tế thị trường: “mèo đen hay trắng không quan hệ, miễn bắt được chuột”, mà cả Trung Quốc phải nghe theo, hay Hồ Chí Minh nói “ông Ngô Đình Diệm là người ái quốc theo lối của ông ấy”, mà chẳng có ai dám cự lại lời khen địch thủ đó. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố (báo Tuổi Trẻ 31/3/2005) là “Đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện còn ở trong nước hay ở bên ngoài”. Ngay trong thời gian chính sách học tập đang áp dụng tàn ác nhất, thì Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn cũng đã vô trại cải tạo để thả cụ Vũ Hồng Khanh, người đã có công cứu sống Hồ Chí Minh khi bị Quốc Dân Đảng Trung Hoa giam.
Có thể không có ai muốn đóng vai một người vượt trội đứng lên nói mạnh để hướng dẫn đường lối, và cái tập tục theo lãnh tụ chế kiểu đó không còn nữa. Do đó, cũng có thể, với công thức tập đoàn lãnh đạo (collective leadership) mà Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng trong những năm gần dây (theo như nhận định của nhiều quan sát viên quốc tế), một số lãnh đạo sẽ cùng đưa ra lời tuyên bố trên, sau khi bàn thảo
  Có người trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói là nhìn nhận lầm lẫn về chính sách học tập không đủ, vì họ cho rằng chẳng khác gì chặt đầu xong rồi cáo lỗi, và cộng sản đã lầm lẫn quá nhiều trong sự độc quyền của họ, rồi lại nhận lỗi (về cải cách ruộng đất, sát hại trong Tết Mậu Thân ở Huế, đánh tư sản miền Nam…), và do đó các nạn nhân đã quá đau đớn, không ai trong họ tha thứ và tin người cộng sản nữa, và chỉ còn cách là chờ đợi sự sụp đổ trong nội bộ của chế độ với những đòi hỏi dân chủ của các lực lượng trong nước. Dù có người không quên được mối hận có thân thuộc bị cộng sản sát hại, nhưng chúng tôi nghĩ rằng trong đại đa số các trường hợp bị hành hạ trong trại học tập, thì với thời gian, nạn nhân cũng dần dần nguôi giận; không phải chúng tôi khuyên như vậy, hay tỏ bày khuynh hướng riêng như vậy, vì chúng tôi tôn trọng quyền của mỗi ngươi tự quyết định lấy về việc này, nhưng đấy chỉ là sự ước tính theo khoa học xã hội và tâm lý con người một cách khách quan: tạo hóa đã cho con người một trí nhớ quên dần những chuyện đã chìm lâu trong dĩ vãng, và nếu người bị hành hạ sau cùng lại thấy mình là người chiến thắng trong quan điểm hay tinh thần, như nói ở trên, thì sẽ có thể hoà giải dân tộc được.
   Một cô bé Do Thái 11 tuổi vào năm 1941, sống sót khi cha mẹ và anh cô bị Đức Quốc xã thiêu sống trong hỏa lò Holocaust, là vì trốn trong rừng và được một gia đình theo đạo Thiên chúa che chở giấu giếm, đã tuyên bố – và được hoan hô vang dậy – trong Ngày Truy điệu Nạn nhân Holocaust nhân Kỷ niệm Đồng minh Thắng trận tại Đức vào tháng 5/2005 là “không thể gán cho cả dân tộc Đức tội ác này”, và việc cô “sống sót là chiến thắng của tất cả những người nhân hậu chống lại cái ác của Quốc xã”. Tại Nam Phi, sau khi người đại diện cho chế độ dân da trắng thống trị và chủ trương kỳ thị, đàn áp đân da đen là De Clerk tuyên bố mình lầm lẫn, thì người anh hùng tranh đấu bị giam gần 30 năm trời (trong đó 18 năm làm việc đục đá) là Mandela, sau này được bấu làm Tổng thống [ VÀ MỚI QUA ĐỜI THÁNG 12/2013 TRƯỚC SỰ THƯƠNG TIẾC CỦA CẢ THẾ  GIỚI VÌ SỰ NGHIỆP TRANH ĐẤU CHO GIẢI PHÓNG VÀ BÌNG ĐẲNG CỦA MỌI NGƯỜI VÀ CHỦ TRƯƠNG DUNG THỨ CỦA ÔNG ] , đã tuyên bố “chỉ có tha thứ quá khứ mới tiến tới tương lai được” ; và một Ủy ban tìm Sự thực và Hoà giải, do giám mục Tutu là chủ tịch, được lập ra để cho những nạn nhân kể về những đau khổ trong quá khứ hay những thủ phạm ngỏ lời hối hận thì mới hàn gắn quá khứ và hướng về tương lai, tránh cái vòng lẩn quẩn “thù hằn đem tới thù hằn”, và theo được cái hướng thiện tâm chung cho loài người văn minh. Nước Nhật, vốn chỉ nể Tây Phương và kiêu ngạo đối với các dân tộc Á Đông, nhưng rồi, sau bao nhiêu năm ù lì, thì nay cũng đã phải chính thức xin lỗi dân tộc Trung Hoa vì Nhật đã gây tội ác trước và trong Thế chiến thứ hai ở Trung Quốc, nhất là về việc giết khoảng 300.000 người dân vô tội ở Nam Kinh. Đức Giáo hoàng John Paul II dã nhiều lần xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội Công giáo La Mã đối với người theo Do Thái giáo hay Chính thống giáo ở Nga.
Đã có những đồng bào miền Bắc kín đáo trao đồ ăn cho các viên chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đói rách, mà họ thương cảm trong tình đồng bào, đang lê gót trên đường từ trại học tập ở ngoài Bắc đến công trường lao động .
 Một khi các lãnh tụ cộng sản cao tuổi trong thời chiến tranh Việt Nam đã mất đi, hay nói lên những lời công nhận lầm lẫn, thì chắc đồng bào Việt Nam hải ngoại không còn thù ghét mãi, ít nhất là đối với đại đa số nhân dân Việt Nam, nhất là 2/3 trong số đó chưa ra đời vào năm kết thúc chiến tranh 1975, hay là những người chỉ là con nít trong thời gian chiến tranh, vốn không có trách nhiệm gì về chính sách học tập.
    Nếu không tha thứ, hoà giải dân tộc, thì nguời Việt hải ngoại theo chủ trương giận dữ mãi, chẳng bao lâu sẽ gửi nắm xương tàn nơi xứ người, mà chẳng bao giờ được cảm thấy niềm xúc động rạt rào khi ngồi trên máy bay nhìn xuống mảnh đất quê cha đất tổ thân yêu khi đến gần phi trường Tân Sơn Nhứt, hay những niềm vui tràn đầy thấy lại và hoà mình vào đám đông tại những phố phường, thôn dã ở đó mình đã lớn lên, và gặp lại những bà con, bạn bè thân thương của những năm trẻ tuổi sôi động xa xưa; hoặc cùng lắm chỉ dám cử vợ con, hoăc đi bẽn lẽn giấu giếm, về nước thăm quê hương. Những người đó nên nhớ là khi ông Jefferson thảo Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776, ông đã soạn đi soạn lại và, theo lời yêu cầu của các đại biểu Quốc hội Cách mạng đầu tiên, ông xóa bỏ đoạn văn lúc đầu kết án cả dân tộc Anh và Nghị viện Anh, mà ghi trong văn bản chung quyết là chỉ kết án Anh hoàng mà thôi (Sau đó, trong chiến tranh của Mỹ giành độc lập, các chính trị gia ở Anh cũng chống lại Anh hoàng về chính sách bám vào thuộc điạ).
   Mặt trời không bao giờ lặn trên bầu trời trên đầu người Việt hải ngoại, vì họ rải rác khắp năm châu. Nếu giải tỏa được uất ức học tập cải tạo thì đại diện chế độ mới dễ dàng và hiên ngang thi hành được công tác tại hải ngoại ở khắp năm châu. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu gương hoà giải với kẻ thù 60 năm đối nghịch là Trung Hoa Quốc dân Đảng: Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Đảng Hu Jin Tao đã tổ chức cuộc lễ long trọng và tươi cười niềm nở với vẻ mặt rất thành thật [chính mắt tôi trông thấy rõ ràng trên truyền hình ở Bắc Kinh] khi tiếp đón Đảng trưởng Quốc dân Đảng Lien Chan từ Đài Loan sang thăm Đại lục vào cuối tháng 4 năm 2005, và truyền thông Trung Quốc đã phổ biến việc tiếp rước này như một biến cố quan trọng trong lịch sử quốc gia (Ngoài ra, doanh nhân Đài Loan đã đầu tư 100 tỷ Mỹ kim vào Đại lục).
     Ngoài vấn đề giải tỏa ẩn ức vì khổ ải quá khứ trong trại học tập, thì nếu nhìn về tương lai, để đi đến hoà giải dân tộc sâu xa hơn thì phải tạo điều kiện cho đồng bào trong nước được hưởng nền pháp trị và dân chủ tự do thực sự (trong đó, có cả nhân quyền). Không thể có tình trạng kỳ thị bất bình đẳng đối với bất cứ người dân nào, thí dụ như kỳ thị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong những năm tháng còn lại của đời họ, như việc viên chức nhà nước đòi tiền phạt mới cho một thương binh lãnh cái xe lăn do một cơ quan từ thiện nước ngoài tặng ngoài chương trình của chính phủ (bản tin của ký giả Nhật Yoshigata Yushi, dịp tháng 4. 2005). Đồng bào Việt Nam hải ngoại, vì tình thương dân tộc, cũng muốn đồng bào trong nước, trong đó có bà con và bạn bè mình được hưởng pháp trị và tự do dân chủ như mình, vì họ biết đó là các quyền căn bản của mọi người do Tạo hóa ban cho và không thể tước bỏ, mà chính Hồ Chí Minh đã phỏng theo Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ (đề cao “quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”) mà chép vào Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam, được tuyên đọc long trọng tại Vườn hoa Ba Đình năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói: “Nước có độc lập mà dân chưa có tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Đồng bào Việt Nam hải ngoại cũng biết rằng chính họ cũng cùng là một phẩm chất người Việt Nam, nhưng với pháp trị và tự do dân chủ tại các nước họ cư ngụ, họ đã vươn lên và phát triển từ thân phận khố rách áo ôm, hoa trôi bèo dạt của ngày di tản khi xưa, để đi đến tình trạng phồn vinh ngày nay, với khả năng sáng tạo và sản xuất của họ.

Tác giả: Luật sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ chính trị học, Đại học Virginia; Thạc sĩ luật học, Đại học Harvard; nguyên Giáo sư các trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Quốc gia Hành chánh, Vạn Hạnh, Chiến tranh Chính trị và Cao đẳng Quốc phòng, Việt Nam; nguyên Giảng sư và Phụ khảo nghiên cứu, Đại học luật khoa Harvard.