10 octobre 2017

Cử tri đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh


TTO - Cử tri Đồng Nai lên tiếng đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh - phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội - vì bà Thanh không còn xứng đáng là đại biểu của dân.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh tiếp xúc cử tri huyện Nhơn Trạch vào sáng 2-10. Tại đây, bà Thanh trả lời nhiều thắc mắc của cử tri, trong đó có vấn đề phòng chống tham nhũng - Ảnh: H.M.




"Không còn uy tín"

Tối 6-10, tại một buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Nai, cử tri Hồ Ngọc Khản (P.Trảng Dài, TP Biên Hòa) nói: "Sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh được Ủy ban Kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo, sao vẫn để bà Thanh là trưởng đoàn ĐBQH và cho đi tiếp xúc cử tri?".

Tại TX Long Khánh, cử tri Hoàng Mai (xã Bình Lộc) cũng yêu cầu bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh. Theo ông Mai, trung ương kết luận bà Thanh vi phạm Luật phòng chống tham nhũng, tiếp sức cho công ty của chồng, không xứng đáng là đại biểu của dân nữa.

Cử tri Đậu Văn Tạo (TX Long Khánh) cũng thấy kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương cho thấy rõ ràng là bà Thanh không còn xứng đáng là đại biểu của dân, càng không xứng đáng làm phó bí thư Tỉnh ủy.

"Việc xử lý chậm chạp, để bà Thanh đi tiếp xúc với dân, nói chuyện chống tham nhũng, làm sao dân nghe. Đại biểu do cử tri bầu ra nhưng khi bà Thanh không đủ phẩm chất của một đại biểu thì Quốc hội phải xử lý càng sớm càng tốt. Đừng để cử tri mất lòng tin và làm ảnh hưởng đến đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai", cử tri Tạo nói.

Các ý kiến này đều đã được ghi lại để tổng hợp báo cáo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai.

Chờ trung ương quyết định

Trao đổi lại với cử tri, đại biểu Bùi Xuân Thống - phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - giải thích: "Chị Thanh với tư cách trưởng đoàn sẽ do Ủy ban Thường vụ QH quyết định, còn ở tư cách đại biểu thì do QH quyết định. Chị Thanh còn là người của Ban Bí thư quản lý nên trường hợp của chị Thanh sẽ do Ban Bí thư và QH quyết định trong kỳ họp sắp đến".

Trong lúc chờ đợi, các đại biểu khác của Đồng Nai đang phải "chịu trận" với cử tri khi nhắc đến bà Phan Thị Mỹ Thanh, một đại biểu không muốn nêu tên cho hay. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc cử tri ở Đồng Nai đòi bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Thanh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) nói: "Cử tri không còn tín nhiệm, đề nghị bãi nhiệm là nguyện vọng, ý kiến của họ. Còn việc bãi nhiệm tư cách của chị Thanh phải căn cứ trên các quy định pháp luật, tiêu chuẩn đại biểu...".

"Nhưng nguyện vọng, bức xúc của cử tri về tư cách ĐBQH là cơ sở rất quan trọng để QH xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu", ông Nhưỡng nói.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng(Đoàn luật sư TP.HCM)
Việc bãi nhiệm được thực hiện theo điều 40 Luật tổ chức QH. Theo đó, "khi ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm".
Trường hợp cử tri thấy cần phải bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra thì có thể tiến hành bằng cách: tập thể cử tri có đơn đề nghị xem xét tư cách ĐBQH gửi đến ủy ban MTTQ VN địa phương - nơi hiệp thương giới thiệu đại biểu ứng cử. Ủy ban MTTQ VN của địa phương thấy có cơ sở sẽ đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét.

Tiến sĩ Lê Văn In (nguyên phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP - nay là Học viện Cán bộ TP.HCM)
Cần bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh trước khi kỳ họp QH diễn ra vào cuối tháng 10 này. Để một đại biểu bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật cảnh cáo, cử tri không còn niềm tin, làm trưởng đoàn dẫn đầu đoàn ĐBQH của tỉnh đi dự kỳ họp là không ổn.
Trường hợp này MTTQ cần thể hiện vai trò giám sát của mình để cùng với cử tri loại bỏ sớm ĐBQH không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Một đại biểu thuộc đoàn ĐBQH TP.HCM:  
Theo quy định, ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ sai phạm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Bà Thanh là phó bí thư Tỉnh ủy, nên quy trình xử lý tư cách ĐBQH với bà Thanh phải sau khi xử lý xong về mặt Đảng.

Những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh  
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên.
Trong thời gian giữ cương vị ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Thanh có các vi phạm như: ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư. Ngoài ra, bà Thanh không minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng công bố kết luận thanh tra về sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh và một số cá nhân trong việc thực hiện dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất (TP Biên Hòa).

HÀ MI - ÁI NHÂN