31 janvier 2016

‘Ông Trọng cũng vậy, mà ông Dũng cũng thế’?

BBC
Đoàn Xuân Tuấn
Gửi cho BBC từ Portsmouth, Anh quốc
30-1-2016
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư Đảng CSVN ở Đại hội 12. Photo: AP
Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư Đảng CSVN ở Đại hội 12. Photo: AP
Rồi cũng qua đi màn bầu bán nhân sự đại hội ĐCSVN và những bàn tán ồn ào quanh nó.
Nhiều người trong số hơn 1500 đại biểu trên số 4,5 triệu đảng viên đã lục tục ra về trên những ‘khoang hạng nhất quyền lực’, nơi mà họ có thể lim dim mắt thoải mái nghĩ về những món quà Tết ‘hậu hĩnh’ mà sắp đến họ có thể được nhận từ ‘thuộc cấp, đệ tử’.
Ông Trọng thắng cũng vậy mà ông Dũng đi cũng thế, bởi vì “bàn tiệc chỉ dành riêng cho họ – các đảng viên” – như lời của một nhà báo ngoại quốc, ông Thomas Bass đăng trên tờ Foreign Policy mới đây.


Quân khu thủ đô và công an Hà Nội cũng vậy. Trên dưới 5.200 binh lính và công an có nhiệm vụ “bảo vệ đại hội đảng” chống biểu tình cũng sẽ có số đông ra về với gia đình của họ hoặc về doanh trại trong tiếng thở phào: lượng dân oan đã được thu gom, phần lớn trong số đó chẳng còn đủ sức lê thân sau cả 15 – 20 năm mòn mỏi sống cảnh màn trời chiếu đất để mong tìm sự công bằng từ những cấp cao nhất.
Tiếng kêu của họ là vô vọng. Vô vọng vì đại hội đã vẫn luôn “thành công rực rỡ”, vẫn “quán triệt, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin”, vẫn “16 chữ vàng”, vẫn “4 tốt, 5,6,7 tuyệt vời”… Điều mà nhiều người cho rằng là những khẩu hiệu ‘sáo rỗng’.
Còn vô vọng là vì “Cán bộ và nhân dân cả nước đang kỳ vọng vào lá phiếu đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu để Đảng ta có một Ban lãnh đạo gồm những người trí tuệ, tài năng và đôi bàn tay sạch, đủ bản lĩnh, tận tâm tận lực đưa đất nước tiếp tục sự nghiệp đổi mới” như bài báo trên Dân Trí và VOV mới đưa.
Nhưng cái được gọi là “nhân dân cả nước” kia không bao gồm số người thất thểu ngoài kia, không bao gồm những nông dân mất đất, những ngư dân mà toàn bộ gia sản chìm dưới lòng Biển Đông sau lần ‘chạm mặt’ bạn vàng với những cú đâm thẳng của ‘Tàu lạ’.
Cái “nhân dân cả nước” ấy là tất cả những người còn lại sắp bận bịu với chuyện Tết nhất sắp đến, với những bữa tiệc tất niên, những bàn nhậu ‘phê phủ’, ‘quắc cần câu’.
“Đại hội thành công rực rỡ” sẽ chẳng làm thay đổi được những phận đời như gia đình ngư dân Trương Đình Bảy, người bị “tàu lạ” bắn chết hồi tháng 11. Công lý cũng sẽ chẳng đến với những dân oan như Đoàn Thanh Giang, Trương Thị Quý, Cấn Thị Thêu v.v…
Qua những lời bàn tán, đồn đoán mới rộ lên mấy tuần rồi về nhân sự ‘chóp bu’ của đảng, có thể dễ dàng nhận thấy rằng số người dân và cả các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền – dù rằng họ chẳng có chút quyền gì, tiếng nói gì, vai trò gì trong chuyện bầu bán này – ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng hơn xa Nguyễn Phú Trọng.

Thực chất sự lựa chọn

Một lý do dễ hiểu có lẽ là trong sự ‘tồi tệ’, người ta phải chọn cái ‘ít tồi tệ hơn’. Thế nhưng sự lựa chọn đó thực chất biểu hiện điều gì?
Một bên là ông TBT Nguyễn Phú Trọng, ngoài chuyện ông được coi là một người giáo điều, bảo thủ và “kiên định CNCS”, ông cũng còn được cho là đại diện cho những thành phần sẵn sàng ‘thỏa hiệp, sẵn sàng cúi đầu’ trước những lấn áp của Trung Quốc đối với Việt Nam, chỉ để giữ an toàn cho đảng và giữ ghế cho mình. (Điều này sẽ không khó để chứng minh qua những phát biểu gần đây của ông trước và sau đại hội Đảng.)
Có người lại cho rằng ông Trọng là người quyết liệt với nạn tham nhũng. Tuy nhiên nhìn vào những thành quả của ông Trọng sau bấy nhiêu năm làm trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng thì ta thấy những gì ông làm được hết sức khiêm tốn nếu không nói là ‘bất lực’, bất chấp những tuyên bố này kia của chính ông.
Phía bên kia, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực chất cũng không hơn gì ông Trọng bao nhiêu trong cái ý chí đề kháng Trung Quốc.
Ông Dũng được cho là người đã tạo nhiều điều kiện để người Trung Quốc có mặt khắp nơi ở Việt Nam trong những dự án khổng lồ như Bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh v.v…
Ông Dũng cũng còn được coi là người đại diện cho những gì là ‘tham nhũng, gia đình trị, tư bản thân hữu’.
Thế nhưng quần chúng hầu như sẵn sàng quên đi những điều đó chỉ vì ông Dũng tỏ ra ‘cứng rắn’ với Trung Quốc hơn ông Trọng.
Nhưng thực sự ông Dũng đã làm được gì ngoài một câu nói khá trễ tràng trong chuyến thăm Philippines năm 2014, khi những cuộc biểu tình lớn hiếm hoi của dân chúng nổ ra tại VN phản đối Trung quốc vụ HD-981: “chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”?
Để rồi chỉ hơn một năm sau đó, khi kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tại Diễn Đàn Kinh tế biển ở Lisbon, Bồ Đào Nha, ông Dũng đã chẳng dám nêu đích danh Trung Quốc trong toàn bài phát biểu của mình dù chỉ một lần.

Hy vọng ‘nảy mầm’

Quan sát mạng xã hội, nhiều người tỏ ra thất vọng khi ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tại vị và ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra đi sau Đại hội 12.
Đối với họ, Việt Nam có vẻ sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc dưới tay triều đình ông Trọng. Biển đảo có lẽ sẽ mất dần và cái ngày Việt Nam trở thành ‘một Tân Cương, Tây Tạng’ không còn xa. Thế nhưng, nếu ta quay lại cái lý do số đông quần chúng VN ủng hộ ông Dũng ở trên thì ta có thể thực sự tự cho phép mình lạc quan hơn hay không.
Tôi nghĩ là không. Vì sao?
Vì nếu chỉ vì một câu nói mị dân của ông Nguyễn Tấn Dũng mà người ta có thể sẵn sàng tha thứ, quên đi chuyện ‘tham nhũng, tư lợi’ và mong muốn ông tiếp tục nắm quyền thay vì ông Nguyễn Phú Trọng bởi vì với họ, ‘kẻ thù chính’, kẻ thu hút sự quan tâm hàng đầu của họ là Trung Quốc.
Cho nên, ông Trọng và ‘bộ sậu’ của ông ta sẽ không chỉ phải đối đầu với các “đồng chí” của mình trong hàng ngũ đảng mà là sức mạnh của quần chúng nếu như ông có động thái quá nhún nhường và lùi bước trước những tham vọng lấn chiếm của Trung Quốc.
Như người Anh thường nói: “Every cloud has a silver lining” – trong hiểm hoạ luôn tàng ẩn một cơ hội.
Với một giàn lãnh đạo nhiệm kỳ mới mà trong đó có không ít tướng công an, có thể chính quyền sẽ tỏ ra cứng rắn hơn với giới hoạt động dân chủ, nhân quyền. Có lẽ sẽ không ít bắt bớ, hành hung, tù ngục…
Thế nhưng, bằng vào mức độ theo dõi và quan tâm của người dân trong thời gian qua, chúng ta có thể nói một cách lạc quan rằng càng đè nén thì sức bật lại càng lớn.
Với các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại, chính quyền sẽ phải đối mặt với một công chúng Việt Nam mà nay đã ngày càng trở nên đông đảo hơn, tự tin hơn, có tiếng nói mạnh mẽ, thống nhất hơn và bắt đầu biết đòi hỏi chính quyền phải có trách nhiệm hơn.
Và bởi vậy, giới cầm quyền sẽ phải ngày càng e dè hơn trước dân trong những hành động của mình.
Hy vọng rằng đây sẽ là thời gian nảy mầm và lớn mạnh của những hạt giống Dân chủ ở Việt Nam cho một giai đoạn mới, tuy còn cam go, nhưng là điều bất khả đảo ngược trên mảnh đất hình chữ S.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, đang sinh sống tại Anh quốc, bài hưởng ứng chuyên mục viết về Đại hội 12 Đảng CSVN của BBC Việt ngữ. Quý vị có thể đọc thêm bài viết từ trước của tác giả tại đây vàtại đây.