31 octobre 2017

Doanh nhân, Chính trị gia và “ngưỡng dối lừa”


·          

Có lẽ chẳng thời nào mà chúng ta lại được chứng kiến một nghịch lý lạ lùng: Nhiều con buôn vô lại chăm chỉ diễn ngôn rao giảng về đạo đức một cách chuyên nghiệp như những chính trị gia, còn một số chính trị gia lại hành xử nghiệp dư như những con buôn thứ thiệt… Thật khó để vẽ ra đường ranh giới phân biệt đâu là doanh nhân thực thụ, đâu là những chính trị gia đích thực, và đâu là những con buôn vô lại làm kiệt quệ quốc gia... Cuối cùng, quốc gia, đám đông và đại chúng mới là những người lãnh đủ.

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn (tác giả bài viết) và giáo sư W.Timothy Coombs - cha đẻ của học thuyết kinh điển về “Truyền thông trong khủng hoảng dựa trên cảnh huống” (Situational Crisis Communication Theory) – người được coi là cây đại thụ (có nhiều công trình được trích dẫn nhất) trong ngành truyền thông về khủng hoảng. Ảnh:Blay Ludovic.
 Tranh thủ giờ nghỉ sau ngày họp thứ nhất của Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về“Truyền thông về Rủi ro và Khủng hoảng trong kỷ nguyên số” (diễn ra lại Lisbon, Bồ Đào Nha), tôi và cô bạn giáo sư của một đại học Mỹ chạy xe về phía biển Cascais để ngắm hoàng hôn.

Trên một mỏm cổ thạch nổi tiếng, phóng tầm mắt ra phía xa là những con sóng bạc cuộn nhau ở biển Bắc Đại Tây Dương, xuống phía dưới là những đợt sóng táp vào chân núi, tôi và cô bạn giáo sư ngồi luận bàn về các khủng hoảng trên thế giới.

Cô bảo, cô lo Donald Trump sẽ làm nước Mỹ loạn lên và thế giới sẽ điên cuồng theo sau. Một doanh nhân như Donald Trump lại là một chính trị gia quyền lực nhất thế giới, điều hành cường quốc số một của thế giới theo tư duy của một ông chủ doanh nghiệp, thì quả là một sự thách thức lớn đối với các giá trị mà nước Mỹ hướng tới bấy lâu.

Rồi cô hỏi tôi, nỗi lo của tôi về những thách thức của đất nước mình là gì, tôi chỉ nhún vai và trầm ngâm nhìn về những con sóng rượt đuổi nhau ngoài đại dương xanh thẳm kia. Tôi không trả lời cô đồng nghiệp, nhưng những câu chuyện về (nguy cơ) khủng hoảng ở Việt Nam luôn là một thách thức cần bàn tính.

Theo tôi, chúng ta hiện đang đối diện nhiều thách thức và nguy cơ đạt “điểm khủng hoảng”, mà nguồn cơn là chúng ta đang dựa trên những rường cột thiếu chắc chắn. Đạo đức xã hội (chẳng hạn trong kinh doanh) là một ví dụ.
Sự kiện Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam” chỉ là một nấc tiến vượt “ngưỡng dối lừa”. Ở đó, phanh phui một sự thật trần trụi, lớn hơn cả việc mất tiền bạc: niềm tin và tự hào của người Việt đã bị đánh cắp. Ảnh: Zing

Thành ngữ tiếng Việt từ cổ xưa có câu: “Treo đầu dê, bán thịt chó” để lên án những thương nhân vô lại, gian dối, trục lợi bất lương. Bát thịt chó còn sót cái đuôi tố cáo ông chủ quán chuyên bán thịt dê là lừa đảo. Sự kiện Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam” chỉ là một “cái đuôi chó” bị lộ như vậy.

Giọt nước làm tràn ly, chỉ là một nấc tiến vượt “ngưỡng dối lừa”. Ở đó, phanh phui một sự thật trần trụi, lớn hơn cả việc mất tiền bạc, niềm tin và tự hào của người Việt đã bị đánh cắp. Một sự đánh cắp trắng trợn, mà tay chủ mưu lừa đảo lại là kẻ chuyên rao giảng đạo đức cho giới doanh thương và người trẻ, như một tấm gương cho giới khởi nghiệp.

Tay trộm chuyên nghiệp đến mức, thuyết phục được các chính trị gia chọn hàng của hắn để làm quà mỗi khi có quốc khách đến thăm Việt Nam. Anh bạn của tôi là trợ lý cho một Phó Thủ tướng không khỏi ngán ngẩm khi than vãn rằng, anh sẽ chẳng biết nói thế nào khi câu chuyện lụa Khải bị truyền thông quốc tế nhắc đến và chưa biết phải giải thích ra sao với những khách quốc tế mà anh đã tặng quà (mua từ Khaisilk).

Điều đó, suy cho cùng không chỉ là cái đau của anh bạn trợ lý, đó là nỗi đau của quốc thể.
Trước khi xảy ra tai tiếng bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam”, ông chủ thương hiệu Khaisilk luôn có những phát ngôn tự tin về triết lý kinh doanh. Ảnh: Zing

Ai cũng biết, làm kinh doanh phải tôn trọng các chuẩn mực pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh. Pháp luật sẽ trừng trị kẻ vô pháp, lương tâm sẽ phán xử kẻ vô lương. Trong trường hợp Khaisilk, kẻ chủ mưu kinh doanh vừa vô pháp lẫn vô lương một cách bài bản, có hệ thống, trong một thời gian rất dài. Vô pháp ở khía cạnh đánh cắp tiền bạc của thiên hạ bằng việc công bố sai chất lượng và xuất xứ hàng hoá; vô lương ở khía cạnh đánh cắp niềm tin ít ỏi vào hàng Việt của những người yêu nước Việt.

Tôi từng tự vấn trong một thời gian dài, rằng: duyên cớ nào mà nhiều người trẻ Việt chúng ta tuyên bố hùng hồn về “khởi nghiệp” khi chỉ đơn giản là sang Quảng Châu “đánh” vài lốc hàng về để mở một cửa hiệu thời trang. Phải chăng không ít người trẻ lờ mờ phát hiện ra được “đường đi”, “bí quyết thành công” của những “tiền bối” như “thần tượng” Hoàng Khải?

Những doanh nhân như Hoàng Khải phải chăng kích hoạt một xu hướng mới trong mong ước làm giàu, đặt lợi nhuận là mục tiêu tối thượng? Nhưng liệu đó có phải là bản chất của khởi nghiệp? Tôi e rằng câu trả lời là không, khởi nghiệp phải tạo ra giá trị mới, thay vì khởi nghiệp để làm những con buôn.

Nhìn rộng ra bức tranh hiện nay, chẳng thời nào mà chúng ta lại được chứng kiến nghịch lý lạ lùng: Nhiều con buôn vô lại chăm chỉ diễn ngôn về đạo đức như những chính trị gia, còn một số chính trị gia lại hăng hái hành xử như những con buôn thứ thiệt… Những chính trị gia đi “buôn chổi đót” để xây biệt phủ, cho con cái đứng tên sở hữu hàng ngàn m2 đất dự án “vàng”, hay tính bài toán cho nước ngoài thuê đất quê hương với thời hạn gần một thế kỷ... Tư duy con buôn ngắn hạn, vạch dự án để kiếm chác, tư lợi trước mắt của không ít kẻ này sẽ đẩy đất nước đến bờ vực khủng hoảng. Cuối cùng, những kẻ này châm ngòi cho các khủng hoảng tiềm tàng của xã hội, còn đám đông và dân tộc mới là những người lãnh đủ hậu quả nhãn tiền.

Ông Phạm Sỹ Quý vừa bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái do liên quan đến kê khai tài sản không không trung thực. Trước đó ông Quý từng trả lời báo chí tiền xây khu biệt phủ của gia đình ông có từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau trong đó có từ công việc ông buôn chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ,.... Ảnh: Tiền Phong


Những dự án không bình thường kiểu cho Formosa thuê đất Vũng Áng đến 70 năm, hay đề xuất cho thuê 99 năm biển, đảo tại Phú Quốc làm du lịch, thương mại,… bên cạnh những lời hứa hẹn lợi ích mơ hồ, thì thách thức cho quốc gia là những điều hiển hiện.

Những con buôn vẽ ra các đại dự án, hứa hẹn siêu quyền lợi cho số đông, nhưng thực chất bài toán lợi ích quốc gia không phải dễ dàng nhìn như bài toán lợi ích riêng, thiết thân của người vẽ dự án.

Quyền lợi cho đất nước chưa thấy đâu, nhưng hoạ cho quốc gia là điều cần được bàn tính. Và để bàn tính hiệu quả, ắt hẳn không thể bằng lối tư duy của những con buôn.

Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ ra rằng món quà mà tôi tự hào là “quốc hồn, quốc tuý” đem tặng cô bạn giáo sư bên bờ biển Cascais là một tấm khăn lụa đang gây “sốt” tại Việt Nam. Tôi nhận ra rằng, hoá ra đôi lúc ta cũng là một con cừu non trong đám đại chúng bị dắt mũi bởi những kẻ buôn bán niềm tin.

Lê Ngọc Sơn

(Chuyên gia về quản trị truyền thông, rủi ro và khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)


http://nguoidothi.net.vn/doanh-nhan-chinh-tri-gia-va-nguong-doi-lua-10899.html