22 octobre 2017

LẠI NÓI VỀ "TẠM DỪNG" và "GIÃN TIẾN ĐỘ"...

Phạm Toàn
 
Tôi hơi ngạc nhiên về chuyện “Bộ Giáo dục xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” [1].
Cứ tưởng là sau khi đã được “xức dầu Thánh” nhờ phối hợp hết sức khéo “giữa bên Lập pháp và bên Hành pháp” tại Hội thảo Giáo dục 2017, nghĩ rằng Chương trình tổng thể (CTTT) được dán bùa rồi thì cứ thế mà thừa thắng xốc tới chứ?
Bỗng …


Chuyện đó chẳng có gì đáng buồn hoặc đáng mừng. Vì tại Hội thảo Giáo dục 2017 vừa nêu, tôi đã thẳng thắn nói rằng CTTT và bộ sách của nó chắc chắn thất bại.
Vì một lý do này thôi: nhìn cách chuẩn bị CTTT, xem những cách hiểu và cách làm CTTT thì biết tạo vật đó sẽ tiên thiên bất túc.
Có điều là nội dung bài báo dẫn bên trên nói “giãn tiến độ” – người viết bài này muốn “tạm dừng”.
Sẽ giải thích vì sao.


1. Vì sao phải Cải cách Giáo dục?
 
Chúng ta cần phải tiến hành đổi mới toàn diện và triệt để sự nghiệp Giáo dục quốc dân (tạm viết tắt là CCGD) chỉ vì một lý do sau thôi – các thứ văn bản văn kiện, các thứ diễn giải vòng vèo, các mẹo trích dẫn lòe loẹt hoa hoét … đều không cần thiết khi vập mặt vào chỉ một thực tại mang tính nguyên nhân này:
Nền Giáo dục quốc dân Việt Nam đương thời ấy đã quá kém cỏi, không đáp ứng nguyện vọng học của người dân và do đó càng không đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Có cần chứng minh không?
Con số thì mọi người có đầy!
Nhưng cần gì đến con số!
Chỉ nhìn số thanh thiếu niên có tiền đã di tản Giáo dục qua các nước (xoàng nhất cũng là qua Trung Quốc) để theo học – có khi học từ bậc Trung học – đủ cảm nhận được sự từ chối khéo nền Giáo dục quốc dân “vì con em chúng ta” ở trình độ ra sao.
Một bằng chứng khó chối cãi gần đây nhất có lẽ là vụ những cái đầu đội vòng nguyệt quế nhờ cần cù tham gia một trò giải trí cộng đồng, sau khi nhận món tiền nhỏ mọn bằng Mỹ kim, đã tút đi đâu hết trọi!
Và đến đây, ta gặp một câu hỏi: còn các nhà Cải cách, thì sao?


2. Các nhà cải cách Giáo dục đương thời
 
Một nhà cải cách Giáo dục rất đương thời, trong một cuộc trả lời báo chí, khi được hỏi về sự chậm trễ triển khai, đã vô tình khai ra một sự thật: “Triển khai chậm, vì còn chờ bên Ngân hàng Thế giới “hiệp ý” (có lẽ nên hiểu là thông qua và chấp nhận)các ban bệ trong đó có cả vị Tổng chủ biên”. [2]
Tưởng là oai! Hóa ra chỉ là thế này: người cho tiền Dự án chưa thông qua thì Ta chưa làm dù có chậm đến một năm rưỡi!
Câu hỏi suy diễn: thế ngộ nhỡ Người Ta không cho tiền, thì Chúng Ta không cải cách nền Giáo dục quốc dân nữa sao?
Về phía mấy ông tác giả VNEN cũng vậy! Xã hội đang chưa đủ nhất trí về “Nhà trường Mới Việt Nam” nhưng các ông dám nhận mô hình Columbia về thì các ông phải dám chịu trách nhiệm tiếp tục chứ? Không lẽ xong Dự án là phủi tay?
Sao các ông không đứng ra xin được làm chuyên gia và làm cho mô hình VNEN thành công dù ít dù nhiều cũng đỡ mang tiếng?
Với cái tư duy “mới” theo cung cách đó, làm sao trông chờ những sản phẩm sắp tới sẽ hứa hẹn tốt đẹp?
Nhưng đó không là cái thiếu sót duynhấtmang tính tử huyệt của các nhà cải cách Giáo dục Việt Nam đương thời!


3. Tử huyệt thứ nhất của Cải cách Giáo dục Việt Nam
 
Tử huyệt thứ nhất của CCGD Việt Nam là thiếu vắng một nhà tư tưởng về công cuộc to tát đó.
Một tư tưởng cho một cuộc cải cách không nhất thiết phải dẫn đến thành công, nhà tư tưởng không nhất thiết phải thiên kinh vạn quyển.
Nhưng hễ đã định làm một cuộc CCGD thì nhất thiết phải có một tư tưởng nào đó.
Cách đây 5 trăm năm, vua Thế Tông (Sejong) nước Hàn Quốc soạn sách Huấn dân chính âm tự mình tạo ra bộ chữ ghi ngữ âm tiếng Hàn, bày cho toàn dân học. Đó là một tư tưởng CCGD mang tư tưởng thoát vành đai Hán Ngữ mà nhờ đó dân tộc này đã mở mày mở mặt như ngày nay – đừng mất công quy nhầm mọi thành tích hiện thời ở nước này cho những nhà “dân chủ” tầm cỡ phát xít như Park Chung Hee!
Còn ở nước Izrael, các nhà chính trị có tầm tư tưởng vừa lớn vừa thực dụng của nước này đã tổ chức ở nước họ hình thức kibbutz – một “trường Đại học-Hợp tác xã” của toàn thể nhân dân – mà gia đình nào cũng muốn cho con em vào trải nghiệm.
Hình thức kibbutz cho dù không vượt ra ngoài phạm vi nước Izrael kín đáo ít lời, nhưng nó cần được sự cộng hưởng của các nhà cải cách đích thực có tầm tư duy tử tế, không cải cách vì Dự án hoặc vì nhiệm kỳ.
Những chương trình CCGD của Pháp theo định hướng dân chủ-xã hội của Paul Langevin và Henri Wallon cũng như Nhà Trường Tự Do của Célestin Freinet tuy thất bại, nhưng thảy dều đáng học [3].
Đặc biệt hình thức mỗi trường học có một nhà in của Freinet có thể áp dụng ở mỗi lớp học để học sinh thấy bài học do mình tạo được đem in và trao đổi với sản phẩm in của các lớp trong cùng trường cũng có giá trị ngang bài học có sẵn trong sách giáo khoa.
Nói thực lòng nhé: nó còn có giá trị hơn chán vạn cái “tích hợp” đang cãi nhau rùm beng mà chẳng thấy hình hài nó ra sao.
Nước ta đã thiếu nhà tư tưởng Giáo dục thì người hậu thế nên biết cách học và tuyệt đối tránh học nhầm.
Học Makarenko là một kiểu học nhầm. Ông ta là một ông quản giáo trại giam tuyệt vời, biết yêu thương học trò. Lý ra nên cho tất cả quản giáo cả nước học Makarenko thì lại định áp dụng rộng, và thất bại là cái cầm chắc trong tay từ khi chưa làm.
Chỉ vì toàn thể thanh thiếu niên chiếm số đông tuyệt đối so với học trò trong Trại giam của Makarenko!


4. Tử huyệt thứ hai của Cải cách Giáo dục Việt Nam
 
Đã không có tư tưởng, lại không có năng lực kỹ thuật hóa một tư tưởng nào đó tạm chấp nhận là hay, đólà tử huyệt thứ hai của các nhà CCGD nước Việt hôm nay.
Xin mạo muội nói luôn: Hồ Ngọc Đại là người duy nhất trong nửa thế kỷ qua đã kiên trì một tư tưởng CCGD có tên gọi gây khó chịu cho những ai không tìm hiểu cặn kẽ: Công nghệ giáo dục.
Cùng với tư tưởng cải cách mang tên Công nghệ Giáo dục, Hồ Ngọc Đại có một đóng góp hết sức quan trọng: dùng thực nghiệm Giáo dục như cái van an toàn trước khi đưa ra cho toàn thể dân số học sinh.
Tiếc rằng Hồ Ngọc Đại cũng rơi vào tử huyệt thứ ba sắp nói bên dưới đây, khiến cho những người không hiểu đã bị những người thiếu thiện chí đánh lừa, gọi thực nghiệm là nuôi chuột bạch!
Thực ra, nếu như thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại có “làm hại” lứa học sinh đầu tiên như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Lân Hiếu, Từ Phương Thảo, Hà Việt Anh, Nguyễn Thị Bạch Yến … [4] thì cũng còn hơn là các Chương Trình năm 2000 và VNEN cả gan đè cả triệu trẻ em ra bắt dùng sách ngay theo lối “cuốn chiếu”!


5. Tử huyệt thứ ba của Cải cách Giáo dục Việt Nam

Tử huyệt thứ ba là tính thiếu hệ thống trong thực thi mà rõ nhất là không hệ thống nào – cả Công nghệ GD, cả CT-2000 và cả VNEN – đều không trình ra xã hội được trọn vẹn bộ chương trình và sách giáo khoa thể hiện lý tưởng của chương tình đã được rao giảng.
Công nghệ Giáo dục, cho tới nay, đã ngót nghét bốn chục năm, vẫn chưa hoàn thiện chương trình và hoàn toàn thiếu sách.
Tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2017, ông Trần Kiều tuyên bố khá dễ dãi là chỉ có Chương trình tổng thể 2017 của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là có đầy đủ các thứ, và là “lần đầu tiên” nữa chứ!
CTTT hứa hẹn tháng 10 năm 2017 công bố chương tình. Hôm nay khi viết bài này, tờ lịch chỉ mồng 2 tháng 10. Tôi dám thách tháng 12 náy công bố đủ chương trình cho xã hội phản biện đấy.
Chưa nói đến sách của CTTT. Tôi dám thách làm đến đâu hòm hòm thì đưa dần lên mạng coi! Tôi thách đấy!
Trong việc viết lách, ở đời này có ít nhất mấy kiểu viết.
Sướng nhất là làm thơ – nhà thơ nói chuyện chủ yếu là nói một mình cho riêng mình, nên chẳng cần xã hội thích hay không thích.
Nhà thơ Pháp Philippe Souppault cả đời ngây ngô “Kỳ lạ nhất hạng trong những gì kỳ lạ, ô hay, mặt trời lặn đằng Tây” – ai thích thì thích, ai không thích thì đừng đọc.
Sướng thứ nhì là viết tiểu thuyết. Dù nhà tiểu thuyết đã hướng ngoại nhiều hơn nhà thơ, song việc giao tiếp với công chúng vẫn chưa phải mục đích duy nhấtcủa nhà văn. Vì lẽ đó mà nhà văn tồi vẫn viết và số phận công trình của đời mình… đến đâu hay tới đó!
Khổ nhất và cũng thú vị nhất là viết sách giáo khoa, mặc dù phẩm chất một nhà viết sách giáo khoa phải bao trùm ba nhà trong một nhà – nhà văn hóa, nhà giáo dục, và nhà thơ.
Là nhà thơ, để con tằm ấy đủ tình yểu và can đảm nhả những sợi tâm hồn tốt đẹp nhất thanh sạch nhất cho trẻ em.
Là nhà văn hóa, để cuốn sách giáo khoa cũng sẽ đẹp như một bức tranh và từ những trang sách hồng nằm mơ màng ngủ ấy (“nói” như Trịnh Công Sơn) cũng vang lên tiếng nhạc, cũng thấp thoáng điệu múa, vai chèo … và cả tiếng vi vu con diều trên cả những cánh đồng dù đang nhiễm độc nhiễm mặn vì đó là cánh đồng của mơ tưởng – mơ tưởng vào khung cảnh văn hóa dân tộc.
Sau hết, là nhà giáo dục, vì sứ mệnh luôn luôn nhắc nhở không được làm liều. Không được viết sách giáo khoa vì tiền, vì danh vọng hão.
Không được công bố sách giáo khoa khi chưa thực nghiệm kỹ – đem dùng theo lối cuốn chiếu thì kỹ sao được hả Giời?
Các nhà soạn sách giáo khoa phải trình ra đủ bộ rồi mới được phép đem dùng. Ngược lại sẽ là thiếu phẩm tính của nhà giáo dục!

Kết luận
Có lẽ chẳng cần viết thêm lời kết luận nữa, vì đã kết luận theo lối cuốn chiếu rồi mà!
Xin cám ơn bạn đọc đã kiên nhẫn theo dõi.

Phạm Toàn


Chú thích
[1] Bộ Giáo dục đã xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; ‘http://giaoduc.net.vn/…/Bo-Giao-duc-da-xin-gian-tien-do-thu…

[2] Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giới thiệu chân dung học sinh sau năm 2017, xin coi trong
http://vietnamnet.vn/…/gs-nguyen-minh-thuyet-gioi-thieu-cha…
(Trích, chỗ tô đậm là nhấn mạnh của tác giả bài viết này):
- (Hỏi) Theo Nghị quyết 88 thì đến năm 2018 chúng ta bắt đầu dạy học theo chương trình mới, SGK mới. Liệu việc xây dựng chương trình-SGK mới có kịp lộ trình này?
- (Đáp) Về tiến độ xây dựng Chương trình GDPT, mặc dù Bộ GDĐT đã hết sức chủ động, nhưng có nhiều việc so với tiến độ đề ra đã chậm 1,5 năm. Việc này có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về khách quan, một số quyết định liên quan đến việc xây dựng chương trình được ban hành rất chậm. [ … ...] Việc bổ nhiệm các thành viên trong Ban Phát triển Chương trình cũng không diễn ra nhanh chóng do danh sách ứng viên phải được lọc và gửi sang Ngân hàng Thế giới để hiệp y.
Mãi đến ngày 8/12/2016 mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận Tổng chủ biên Chương trình GDPT; cuối tháng 12/2016 mới có quyết định bổ nhiệm. Và cho đến ngày 14/3/2017 vừa rồi (cách đây vừa 1 tháng) mới có thư của Ngân hàng Thế giới chấp thuận thành viên các Ban Phát triển Chương trình môn học” (Hết trích).

[3] Có thể tham khảo các chương tình Langevin-Wallon và C. Freinet cùng vài ba mô hình tuy thất bại nhưng có tư tưởng đáng kính trọng trong: Phạm Toàn,Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục,Tri thức xuất bản, 2004.
[4] Hè hè hè … xin lỗi mấy cậu Thanh Bình tóc xù, cậu Đạt “Loe”, cậu Hồng Quang “Nhật” … mình không kể hết tên nhé! Cả cô bé gì đó hai lần giật giải Pushkin nhỉ, quên tên rồi! Già lão khổ thế đấy!.