Hồ Thức
Trong bài : “ Cùng
nhau mở con đường cải cách … “ của ông Nguyễn Trung, tại phần Phụ lục
I ông có nói đến “ Đảng Dân tộc “. Tôi chưa thấy ai nói Đảng dân
tộc bao giờ nên đã tìm ở một số Từ điển và Bách khoa toàn thư mà
vẫn không thấy. Nhưng trong Bách khoa toàn thư có giải thích
về Hội, về Đảng chính trị, về Đảng cầm quyền, tôi ghi
lại để bạn đọc cùng tham khảo :
1- Thế nào là một “ Hội “ ?
Lập Hội là việc các cá nhân liên kết,
tập họp lại với nhau ( to associate, gather ) thành nhóm, để hướng đến những
lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung.
Các nhóm, các hội đoàn, các tổ chức từ
thiện là các thành tố hạt nhân của Xã hội dân sự. Chế độ độc tài luôn luôn tìm
cách cản trở sự liên kết tự do của người dân, khống chế sự hoạt động của
các hội tự nguyện, nỗ lực tách rời cá nhân thành các đơn vị đơn lẻ.
Các Hội có hình thức đa dạng, có thể là
các Câu lạc bộ, Hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các Quỹ, Công đoàn,
Tổ chức tôn giáo, Chính đảng và Công ty. Do sự đa dạng như vậy, Pháp luật của
các nước thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật
riêng, chẳng hạn : Luật về Doanh nghiệp – Công ty, Luật về Công đoàn
– Nghiệp đoàn, Luật về các đảng phái chính trị, Luật về các tổ chức tôn
giáo. Khái niệm “ Hội “ trong tiếng Anh ( associate ) cũng có nội hàm rất rộng.
Theo đại diện đặc biệt của LHQ về những người bảo vệ nhân quyền thì khái niệm “
Hội “ nhắc đến bất kỳ nhóm cá nhân nào hoặc bất kể thực thể pháp lý nào liên
kết với nhau để cùng nhau hành động, bày tỏ, thúc đẩy hoặc theo đuổi, bảo vệ
một lĩnh vực quan tâm chung.
Quyền tự do lập hội giới hạn ở các
nhóm hình thành vì mục đích chung ( public ). Các nhóm chỉ vì lợi ích riêng
chẳng hạn Nhóm gia đình thì được bảo vệ bởi các quy định khác, chẳng hạn như
trong Điều 17, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ( ICCPR ).
Hội có thể có tư cách pháp nhân hoặc
không có tư cách pháp nhân. Nếu không có tư cách pháp nhân, hội có thể bị giới
hạn một số quyền nhất định ( chẳng hạn quyền sở hữu tài sản …)
Vai trò của Quyền lập hội trong Xã hội
dân chủ.
Quyền lập hội gắn liền với quyền hội họp
và quyền tư do ngôn luận. Các quyền này có giá trị quan trọng trong việc
bảo vệ và thúc đẩy các quyền khác. Năm 1998, Bản tuyên bố của LHQ về những
người bảo vệ nhân quyền của LHQ khẳng định để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con
người và tự do cơ bản, mọi người phải có quyền tự do lập hội ở cấp độ quốc gia
và ở cấp độ quốc tế.
Trong lĩnh vực lao động, Công ước quốc
tế về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội 1948 ( Điều 2 Công ước 87 của
ILO ) xác định mọi người lao động và người dùng lao động đều có quyền thành lập
và gia nhập các tổ chức mà họ tự chọn mà không phải xin phép trước. Trong lĩnh
vực chính trị, quyền lập hội có vai trò hiện thực hóa quyền bầu cử, ứng cử và
quyền tham gia quản trị đất nước.
Nội dung quyền lập hội là những gì ?
Quyền lập Hội bao gồm cả 3 khía cạnh
là thành lập các Hội mới – gia nhập các Hội sẵn có và hoạt động điều
hành các Hội.Trong 3 khía cạnh đó thì quyền thanh lập và gia nhập các hội
là nội dung chủ yếu của quyền tự do lập hội. Thủ tục thành lập hội có tư cách
pháp nhân có thể được quy định khác nhau trong luật của các nước khác nhau
nhưng các cơ quan nhà nước cần giải quyết thủ tục một cách thiện chí, nhanh
chóng và bình đẳng. Thủ tục càng đơn giản, càng tiết kiệm thời gian và chi phí
càng tốt. Ở Bungary việc thành lập hội không tốn kém chi phí nào và rất nhanh
chóng. Ở Nhật việc lập hội có thể nộp đơn qua Internet. Nếu từ chối cấp phép
lập hội thì phải nêu rõ lý do và thông báo rõ ràng cho chủ thể đứng đơn thành
lập. Đồng thời với việc thành lập, các cá nhân có quyền gia nhập và rút lui ra
khỏi ( rời bỏ ) các hội. Tương tư, các hội có quyền ngưng hoạt động và tự giải
tán hội. Nếu các cơ quan nhà nước buộc các hội ngưng hoạt động hoặc giải tán
hội thì phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về luật.
Ở mức tối thiểu, nhà nước phải kiềm chế,
không được can thiệp vào các hoạt động bình thường của hội. Điều lệ, quy chế
của các hội được tự quyết bởi các thành viên mà không có sự can thiệp của nhà
nước. Quyền riêng tư của hội cũng cần được đảm bảo. Các cơ quan nhà nước không
được thay đổi việc bầu chọn Ban lãnh đạo của các hội, không được cử người của
mình vào Ban lãnh đạo của hội . Trong hoạt động của mình, các nguồn lực về
tài chính, nhân sự có vai trò đặc biệt đối với các hội. LHQ đã có các khuyến
nghị hướng đến hạn chế các thủ tục rắc rối, mất thời gian để các hội nhận tài
trợ. Các cá nhân thực thi quyền lập hội phải không bị trở thành các nạn
nhân của sự dọa nạt, bôi nhọ, bắt bớ tùy tiện, đối xử vô nhân đạo hoặc hạn chế
quyền đi lại.
2- Thế nào là Đảng chính trị ?
Đảng chính trị ( hoặc gọi là Chính đảng,
thường gọi ngắn gọn là đảng ) là tổ chức chính trị tự nguyện, với mục tiêu đấu
tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị, đấu tranh để giành
quyền đại diện cho người dân trong quốc hội, hoặc để đạt được một quyền lợi
chính trị nhất định trong chính quyền, thường là tham gia các chiến dịch bầu cử.
Các đảng thường có một hệ tư tưởng, chẳng
hạn cộng sản hay xã hội dân chủ ( Bắc Âu ) hay chủ thể ( Bắc Triều Tiên ) hay
một đường lối nhất định, nhưng cũng có thể đại diện cho một liên minh giữa các
lợi ích riêng rẽ. Các đảng thường có mục tiêu thực hiện nhiệm vụ, lý tưởng của
tầng lớp hoặc giai cấp trong một quốc gia, để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp hay
của giai cấp đó.
3- Thế nào là Đảng cầm quyền ?
Trong một thể chế đại nghị, đảng cầm
quyền ( tiếng Anh là ruling party hay governing party ) là đảng chính trị hay
Liên minh chính trị chiếm đa số ghế trong Nghị viện hay trong Quốc hội. Khác
với thể chế Tổng thống ở Hoa Kỳ, trong một thể chế đại nghị, khối đa số trong
quốc hội cũng kiểm soát luôn cả ngành hành pháp của chính phủ, vì thế trong thể
chế đại nghị không có khả năng hai đảng hay hai khối chính trị đối nghịch nhau
cùng lúc chiếm được cả ngành lập pháp và ngành hành pháp.
Đảng cầm quyền bao giờ cũng giữ vai trò
lãnh đạo, chi phối toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt và trực tiếp nhất là
chi phối nhà nước, bằng nhà nước và thông qua nhà nước để để thực hiện mục tiêu
và chiến lược của mình. Giành và giữ, thực thi quyền lực nhà nước là một hoạt
động cơ bản của các đảng chính trị.
Tùy điều kiện kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội từng nước và những mục tiêu theo đuổi, mỗi đảng cầm quyền có những
phương thức tổ chức và hoạt động khác nhau, nhưng đều nhắm tới một hướng đích
là giành, thực thi và chi phối quyền lực nhà nước, từ đó chi phối và thực thi
quyền lực của đảng mình đối với các đảng khác và với toàn xã hội.
Các đảng chính trị khi đã cầm quyền đều
tuân theo những nguyên tắc chung là lãnh đạo chi phối, sử dụng quyền lực nhà
nước, sử dụng sức mạnh của các phương tiện vật chất đã được thiết chế hóa của
nhà nước, để thực hiện mục tiêu của đảng mình, của giai cấp mình. Song mỗi đảng
chính trị khác nhau có những phương thức lãnh đạo và cách thức tổ chức thực
hiện khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm, tư tưởng, tương quan lực lượng trong
hệ thống chính trị, tùy thuộc tình hình khách quan của tình hình chính trị,
kinh tế, xã hội của đất nước và nhân tố chủ quan của chính đảng cầm quyền. Vì
thế, đảng cầm quyền là vấn đề hệ trọng của hệ thống chính trị của mọi quốc gia.
Cơ chế bầu cử quy định trong Hiến pháp
của các nước dân chủ là một trong những nguyên nhân chính sinh ra các đảng
chính trị. Nhu cầu của các cuộc bỏ phiếu từ nhân dân với mục đích thành lập các
cơ cấu nhà nước là nguyên nhân ra đời các tập họp có cùng quan điểm, hoặc có
thể cùng chấp nhận một sự liên hợp các chương trình, quan điểm hành động. Đó là
nguyên nhân ra đời của các đảng chính trị để có thể có quyền lực. Vì vậy, các
đảng chính trị đều cho rằng quyền lực chính trị là một loại quyền lực xã hội
quan trọng nhất.
Đến đây tôi tự hỏi :” Vì sao lúc này ông
Nguyễn Trung cho ra đời một khái niệm mới là Đảng dân tộc ?”.
Nhớ lại 71 năm trước, vào năm 1946,
trong tình thế vô cùng phức tạp, dân không ưa cộng sản, cụ Hồ Chí Minh, vốn đã
được đào tạo agit-prop 6 năm từ trường Universitet Vostoka của Quốc tế cộng sản
ở Moskva, đã giấu biệt khúc lý lịch này, tuyên bố với dân trong nước và thế
giới rằng “ Tôi chỉ có Đảng Việt Nam “, để rồi 5 năm sau, năm 1951, cụ chủ trì
Đại hội 2 ĐCSĐD ở Chiêm Hóa Tuyên Quang, cho ĐCS ra công khai với tên là
ĐLĐVN đã được Mao hoá, ghi rõ trong Điều lệ Đảng rằng Tư tưởng Mao
Trach Đông giờ đây cũng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Chỉ 2 năm
sau, nếm mùi Cải cách ruộng đất của thày Tàu chỉ bảo, dân ta ở miền Bắc mới
biết mình bị nhầm. Giờ đây ông Nguyễn Trung đang giúp ĐCSVN diễn lại màn đầu vở
kịch của năm 1946 với tên mới là Đảng dân tộc, không biết dân ta lúc này đã đủ
khôn để lường trước màn cuối của vở kịch hay phải chờ đến khi hạ màn mới lại
biết mình nhầm ?
5-10-2017 – Hồ Thức