07 juillet 2020

Chúng tôi đã tranh cử


Nguyễn Đình Cống


Việc ứng cử và tranh cử trong các cuộc bầu cử ở VN, dưới sự lãnh đạo của ĐCS xem chừng như quá lạ lùng. Thế nhưng đã có một phong trào bầu cử với sự tranh cử sôi nổi. Đó là việc xảy ra ở các trường đại học vào thời kỳ 1989-1995, dưới thời Bộ trưởng Phạm Minh Hạc và Trần Hồng Quân. Các trường tổ chức bầu Hiệu trưởng với danh sách ứng cử từ 4 đến 7 người. Mỗi người phải viết và công bố một  bản Đề cương tranh cử ( hoặc Kế hoạch hành động), trình bày những việc muốn làm, phương pháp tiến hành. Các ứng viên được vận động, được trình bày Đề cương và trả lời chất vấn ở hội nghị cử tri. Nghĩa là các ứng viên phải thực hiện việc tranh cử.


Cuộc bầu cử thực sự tự do và dân chủ (tuy có lúc, có nơi cũng có một sức ép nào đó) đúng là ngày hội của trường. Khi bầu vòng một, có ứng viên đạt trên 50% phiếu bầu thì đương nhiên trúng cử. Nếu ở vòng một chưa có ai đạt quá bán thì tổ chức bầu vòng hai với 2 ứng viên đạt phiếu cao nhất từ vòng một.

Ở mỗi trường việc bầu cử diễn ra trong thời gian khác nhau, theo mỗi cách khác nhau, nhưng có điểm chung là bảo đảm được hai điều cốt lõi là tự ứng cử và có tranh cử. Dưới đây chỉ xin trình bày vài cuộc bầu cử ở trường Đại học Xây dựng mà tôi trực tiếp tham gia.

Khi các trường bắt đầu tổ chức bầu Hiệu trưởng thì tôi đang làm chuyên gia tại Châu Phi. Tin đó làm xôn xao dư luận và tôi là một trong những người bị tác động. Trước đây, để có được sự thăng tiến chức vụ cần có sự quan tâm, đề bạt của cấp trên, nay mở ra cơ hội cho những người thực sự có năng lực.

Từ lúc còn trẻ tôi tự đặt kế hoạch phấn đấu trở thành một thầy giáo giỏi chuyên môn, vững phương pháp, biết làm nghiên cứu khoa học.Tôi không có mơ ước làm lãnh đạo. Vì  thế lúc  dưới 45 tuổi tôi không phấn đấu để vào đảng. Nhưng rồi sau khi có bằng tiến sĩ, được phong Phó giáo sư, xảy ra tình thế buộc tôi phải làm trưởng bộ môn. Từ đó tôi bắt đầu quan tâm đến lãnh đạo và quản lý. Càng quan tâm tôi càng phát hiện ra hai vấn đề. Một là những bất cập của nền giáo dục, của trường ĐH Xây dựng, của Khoa XD. Hai là trong tôi hình thành những ý tưởng về  cải cách giáo dục, đổi mới đào tao, quản lý nhân sự, lãnh đạo tổ chức. Tôi tự phát hiện năng khiếu quản lý và lãnh đạo.

Trong lần đại hội công đoàn toàn trường năm 1974, phát biểu của tôi được nhiều người hoan nghênh và tôi được bầu vào BCH. Ở cương vị CB công đoàn tôi đã làm nhiều việc có ích cho tập thể và được nhiều người biết đến. Nhưng rồi tôi bị mang tiếng là người nói nhiều, nói hay mà làm được ít. Vì sao vậy ?. Vì tôi chỉ có thể phát biểu những ý tưởng ở các hội nghị chứ không có chức vụ chính quyền, không thể tổ chức thực hiện. Tôi thấy rõ là muốn thực hiện ý tưởng tốt đẹp thì cần có quyền lực, vì thế khi gần 50 tuổi tôi mới vào đảng với hy vọng có thể tham gia sâu hơn về công tác quản lý để phát huy khả năng.

Tin tức từ trường Đại học Sư phạm cho biết người được bầu làm Hiệu trưởng nguyên là một trưởng bộ môn. Tin đó khích lệ tôi. Nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc tôi có thể chuyễn hướng làm quản lý, và nếu được như vậy tôi sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của trường. Tôi đem ý đó trao đổi với anh Nguyễn Xuân Đặng và Lê Văn Thưởng. Cả hai anh đều nguyên là Hiệu phó ĐHXD, đều là Vụ trưởng Bộ Đại học, nay cùng tôi làm chuyên gia. Các anh có nhận xét tốt về tôi và khuyến khích tôi ứng cử khi có dịp.

Dịp ấy đã đến. Năm 1991 trường Đại học Xây dựng tổ chức bầu hiệu trưởng. Danh sách ứng viên gồm 5 người, trong đó xét về bằng cấp, học vị, chức vụ chính quyền, tuổi đảng thì tôi xếp thấp nhất. Từ khi  đi làm chuyên gia và sau khi  trở về vào năm 1990 tôi đã thôi giữ chức trưởng bộ môn, chỉ còn là một thầy giáo bình thường với 5 năm tuổi đảng và học vị phó tiến sĩ. Trong lúc đó 4 anh còn lại là hiệu phó và chủ nhiệm khoa, có trên 20 năm tuổi đảng và học vị tiến sĩ khoa học. Nhưng tôi biết mình có một số điểm mạnh hơn các anh ấy, tôi năng động hơn, có nhiều ý tưởng hơn. Cả 5 chúng tôi đều làm Chương trình hành động, in và phổ biến rộng rãi. Chúng tôi đều có những vận động riêng và có một ngày để trình bày chương trình và trả lời chất vấn trước toàn thể cử tri.

Tôi đã bỏ nhiều công sức để làm Đề cương tranh cử. Tôi gặp anh Hoàng Trọng Yêm vừa thẳng cử ở ĐH Bách khoa để học hỏi và tham khảo cách làm đề cương. Anh Yêm đã cho biết một vài kinh nghiêm và đưa cho tôi 9 bản Kế hoạch hành động mà anh thu thập được từ các cuộc bầu cử của ĐHBK và các ĐH khác. Đọc kỹ cả 9 bản tôi thấy  có 1 ý nổi bật và bao trùm : Hiệu trưởng mới sẽ làm những việc gì, chỉ tiêu cần đạt được. Tôi không tán thành cách viết như vậy. Trong đề cương của mình tôi chỉ viết qua về các công việc cần làm ngay, không nêu chỉ tiêu, mà tập trung vào trình bày “sẽ làm như thế nào và các lời hứa”. Đề cương đó bị số đông cho là thiếu cụ thể, nhưng lại được các giáo sư, các tiến sĩ đánh giá cao vì sự mới mẻ, có sáng tạo, không theo lối mòn.

Dư luận rộng rãi về cuộc bầu này cho rằng thực chất sẽ là cuộc đua giữa hai người. Một người đang đứng đầu bảng xếp hạng là anh Nguyễn Chọn (Tiến sĩ khoa học, hiệu phó phụ trách đào tạo, 35 năm tuổi dảng, thường vụ đảng ủy) và tôi ở cuối bảng ( thầy giáo thường, chỉ mới kinh qua trưởng bộ môn vài năm, phó tiến sĩ, 5 năm tuổi đảng). Tôi không mơ ước thắng cử ở vòng một mà đặt hy vọng vào vòng hai. Nhưng anh Chọn đã thắng ở vòng một. Tôi chỉ là người có số phiếu cao thứ hai.

Năm 1992 tôi lại tranh cử Chủ nhiệm khoa. Lần họp chi bộ bàn về bầu chủ nhiệm khoa tôi đi dạy tại chức nên vắng mặt. Chi ủy và chi bộ thống nhất giới thiệu anh Đoàn, là Chủ nhiệm khoa đương nhiệm, làm tiếp kỳ mới. Tin đó lan rộng ra và mọi người đinh ninh sẽ là như thế. Đảng đã cử rồi dân chỉ việc bầu. Nhưng ở cuộc họp cán bộ toàn khoa tôi đã tự ứng cử (với suy nghĩ không làm được hiệu trưởng thì ít nhất cũng phải làm chủ nhiệm khoa). Tôi với anh Đoàn có tuổi đời, tuổi đảng, học vị ngang nhau, anh Đoàn là chủ nhiệm khoa đương chức, tôi là thầy giáo, ứng cử trượt chức hiệu trưởng. Việc tự ứng cử của tôi làm một số đảng viên băn khoăn vì có khả năng người do Đảng cử khó đạt số phiếu cao hơn tôi. Cuối cùng danh sách bầu gồm 2 người. Mỗi người làm một bản Kế hoạch hành động, trình bày trước cuộc họp cán bộ toàn khoa, trả lời chất vấn, vận động và đối thoại trực tiếp. Cử tri gồm toàn thể cán bộ và một số đại diện của sinh viên. Tôi đã thắng cử. Thì ra tuy có đảng cử, nhưng có người  ứng cử xứng đáng hơn và cử tri có trình độ thì họ vẫn bầu theo sự lựa chọn..

Trong một nhiệm kỳ làm chủ nhiệm khoa tôi đã có cơ hội để thực thi nhiều ý tưởng tốt trong phạm ví quyền hạn. Nhưng không phải mọi cải cách đều được tiến hành suôn sẻ mà vẫn gặp sự chống đối của những lực lượng mà sự cải cách đó đụng chạm đến quyền lợi, trong đó có một số  giảng viên, giáo sư và một vài cán bộ quản lý cấp cao.

 Chỉ xin kể vài việc. Đầu tiên tôi cải cách quy trình làm đồ án tốt nghiệp của sinh viên. Trước đó việc làm này theo sát hình mẫu của Liên xô từ những năm 1950. Nó quá nặng nề, quá hình thức, kém hiệu quả, nhiều lãng phí. Sự cải cách này gặp phải phản ứng của một vài giáo sư vì họ đã rất quen với cách làm cũ. Tiếp đến tôi cải cách một số đồ án môn học, thí dụ bỏ đồ án kết cấu gỗ và Kiến trúc công nghiệp. Điều này bị các thầy giáo đang hướng dẫn các đồ án đó phản đối vì bị mất khối lượng thanh toán để nhận tiền công.

Việc bầu cử dân chủ ở các trường đại học chẳng mấy chốc bị bãi bỏ vào những năm cuối nhiệm kỳ  của bộ trưởng Trần Hồng Quân và bắt đầu nhiệm kỳ của bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, vào giai đoạn ông Đỗ Mười làm  tổng bí thư ĐCS. Hình như là Bộ Giáo dục nhận được chỉ thị phải dừng ngay việc bầu bán dân chủ, việc ấy tạo một cách làm mà các cơ quan ĐCS không thể chấp nhận.