Thiện Tùng
Những gàu nước mát dội
lên toàn thân, tẩy đi bao nóng bức, bụi bậm mang từ quân trường về, tôi vào
trong vừa dùng khăn mặt trùm lên đầu vò thêm cho khô tóc, vừa liếc nhìn thấy
nơi giường nghỉ của mình có cái thư ai đó để trên gối tự bao giờ.
Như “nắng hạn gặp
mưa rào”, tôi vội khai thư, xem trước, lật sau, nhận xét: Đúng là con nhỏ lười
nói, biếng viết, cả thảy chỉ hơn trang giấy.
Luợt qua cốt lõi toàn
bức thư, đáng chú ý chỉ đoạn gạch dưới “Ngày 29 và 30/4/1995 dương lịch nầy
là ngày cưới của em. Hai ngày ấy nếu vắng anh, đối với em, không có cái buồn
nào hơn”.
Dữ vậy sao ! Con nhỏ
nầy khéo câu khách – Tôi nghĩ vậy.
Sau đó tôi đọc kỹ từng
chữ, từng câu của bức thư quả là chẳng có gì hơn, có điều, trong không gian yên
tĩnh, tôi hồi tưởng bao điều về quá khứ. Tôi còn nhớ rất rõ: Chiều 30/4/1975,
trong khi mọi người vui mừng chấm dứt cuộc nội chiến, thiếm tôi tay cầm thư báo
tử chồng, tay ôm bụng nhăn nhó. Cùng lúc bà khổ vì mất chồng và đau vì chuyển
dạ sinh con. Trước cảnh tình ấy, người lớn đã đành, nhóc như tôi cũng không cầm
được nước mắt.
Nhờ sự giúp đỡ và động
viên của bà con hàng xóm, thiếm tôi nén đau cho ra đời đứa con gái kháu khỉnh.
Ba ngày sau bà gán cho nó cái tên đượm buồn: Lệ My.
Ngày qua ngày, Lệ My
biết đi chập chững. Mỗi khi đi làm đồng, thiếm tôi đều dẫn nó sang nhờ tôi
trông chừng. Tôi thương Lệ My không chỉ vì tình anh em chú bác, còn thương nó
phải chịu mồ côi cha khi mới lọt lòng. Nó thích tôi vì tôi siêng làm trâu, ngựa
cho nó cỡi, làm thu na (1) cho nó vỗ…
Dáng vóc Lệ My tròn
trịa, cân đối. Tôi đặt chết danh nó là con “Tủ lạnh”, vì ai cũng công nhận rờ
vào da thịt nó vừa mềm vừa mát. Hễ tôi gọi “Tủ lạnh đâu rồi” thì nó xuất hiện
ngay và nó biết tôi muốn gì. Hai bàn tay nó úm má tôi hồi lâu và nói: “Đã chưa”
rồi nhe răng cười híp mắt.
Khi Lệ My lên mười,
tôi được lệnh gọi nhập ngũ. Bất luận gần hay xa, năm nào cũng vậy, mỗi khi nghỉ
hè hay nghỉ tết, nó đều nằn nặc đòi và cùng mẹ tôi đi thăm tôi. Nhà nó nghèo,
chằng có gì đáng, khi thì đùm ổi, bọc xơ-ri, khi thì cái khăn choàng, chai dầu
nóng, nó dúi vào tay tôi rồi hỉnh mũi cười, như gởi cả tấm lòng của nó vào món
quà không đáng ấy. Quà cộng cả tấm lòng vào trong đó thì còn cái gì quý bằng?.
Lần luyện quân vượt
chướng ngại, chẳng may tôi bị té trặc chân, gối sưng to, đi phải chống tó. Được
tin, mẹ tôi và Lệ My vội vã đến thăm. Nói gì cũng không được, để mẹ tôi về một
mình, nó tự nguyện ở lại chăm sóc tôi. Dạo ấy trời lạnh, vết thương hành, có
một đêm tôi lăn lộn mãi không sao ngủ được. Tôi nhăn mặt nó cũng nhăn theo, tôi
thức tới đâu nó thức canh chừng tới đó. Tôi cố nằm êm. Tưởng tôi đã ngủ, nó rón
rén sang giở nhẹ mền, dùng dầu nóng thoa phớt khắp chỗ sưng ở gối của tôi rồi
phủ mền lại. Tôi hé mắt xem coi con nhỏ nầy làm gì nữa. Nó ngồi bó gối thu hình
với vẻ mặt lo âu. Tôi đành phải gắt giọng với nó: “Tao bảo đi ngủ, không thì sáng về đi ..., ở đây mầy thức
riết rồi ngã bệnh gây phiền phức thêm”.
Tội nghiệp, nó chẳng
trả lời trả vốn, riu ríu về giường nằm. Có lẽ nó nằm nín chớ không ngủ.
Tôi hiểu vì sao Lệ My
không ngủ được và có lẽ nó cũng hiểu tại sao tôi rầy nó. Do hiểu lòng nhau nên
chẳng hề hờn giận nhau.
Chân đỡ dần, bỏ tó,
tôi nói như nài nĩ Lệ My mới chịu về. Tôi biết nó về chớ đâu đã yên tâm.Tình
sâu nghĩa nặng giữa anh em chúng tôi có nguồn gốc sâu xa như thế.“Hai ngày ấy nếu vắng anh, đối với em không có cái buồn nào
hơn”, đó là câu nói thật
lòng chớ không phải đầu môi chót lưỡi.
Tuổi mười bảy, Lệ My
đã trổ mã con gái. Mỗi lần nó đến thăm tôi, mấy em lính mới liếc ngược liếc
xuôi. Thằng Sơn lái xe riêng cho Thủ trưởng tôi, xem mòi nó “mặn” Lệ My. Nghĩ
cũng thương, khi nghe tôi nói về dự lễ cưới Lệ My, nó như bị mất thăng bằng, cố
làm tĩnh nhưng sắc thái của nó nói lên tất cả.
Ngày cưới của Lệ My
cũng là ngày đơn vị bộ đội chúng tôi kỷ niệm hai muơi năm “chiến thắng” lịch sử
30/4 (1975-1995). Ngày vui của nó cũng là ngày giỗ của Ba nó. Là một hạ sĩ quan
mới được phong hàm, tôi phải nói thế nào để cấp trên thông cảm xếp cho mình
được về dự lễ cưới của Lệ My? – đó là điều tôi lo âu nhất. Lựa lúc lãnh đạo
thanh thản, tôi trình bày đầu đuôi cớ sự. Không ngờ, lãnh đạo cho phép dễ dàng.
Đêm ấy tôi thao thức không sao ngủ được, mong cho trời mau sáng để về dự lễ
cưới của Lệ My.
Từ căn cứ Trà Nóc (Cần
Thơ), hết đi xe khách đến Honda ôm, gần nửa ngày trời tôi mới về tới nơi. Chiếc
xe Honda vừa đáp vào, như chực hờ đâu sẵn, Lệ My chạy ra miệng bốp trời, hai
tay lia lịa phủi bụi trên người tôi, vẻ mặt hí hửng, cười hả hê giống như hồi
nó còn nhỏ khi thấy mẹ đi làm đồng về. Chưa đâu, nó còn kéo xễnh tôi ra sau
giới thiệu với mọi người rồi chỉ chỗ tôi tắm rửa.
Nhà đơn chiếc, thiếm
tôi và Lệ My có vẻ bù đầu vì công việc và khách khứa. Nếu không phải là người
thân quen, chắc không ai có thể biết nó là cô dâu trong tiệc cưới nầy.
Tập trung lo cho đám
cưới, giỗ chú tôi năm nay chắc “nhận lớp”, chỉ thấy trên bàn thờ chú tôi khói
hương nghi ngút, thức ăn, hoa, trái cũng bày biện bĩ bàng.
Nhà chỉ có hai mẹ con,
tôi chẳng biết nguyên nhân nào mà thiếm tôi gã Lệ My xa tít mù như thế, 11 giờ
trưa xe rước dâu mới đến. Trước chừng nửa tiếng đồng hồ, Lệ My vào trong thay
trang phục, trang điểm lại dung nhan để tiếp bên chồng. Từ trong phòng nó e
thẹn bước ra, lộng lẫy như bà hoàng, bao con mắt đổ dồn nhìn nó. Nó luống cuống
trong chiếc áo dài bệt đất, gió hất vạt áo bồng lên như con chim Công phùng xòe
uốn lượn.
*
Đàng trai lần lượt
xuống xe, xếp hàng đôi, kẻ bưng, người xách, lặng lẽ theo sự chỉ dẫn của ông
mai, thẳng vào trong làm lễ tục.
Mình nhầm lẫn chăng ?
– tôi tự hỏi. Sau mấy lần dụi mắt, tôi sửng sốt, thầm trong cổ họng: “Thôi chết rồi ! Phước Duyên, con bà Năm Vạn ở kinh Tám
chớ còn ai, đã là Bê Đê (2) mà còn đi cưới
vợ!”.
Vì Lệ My, tôi muốn
xông ra nói cho vỡ lẽ, chận đứng mọi việc đang tiến hành. Nhưng kịp nghĩ: “Đã quá trễ, dầu làm ầm lên cũng chẳng cứu vãn được gì,
gây thêm phiền phức cho hai họ, làm trò cười cho thiên hạ”.
Cố trấn tĩnh, lùi ra
sau một chút, tôi dựa lưng vào cột, chờ xem họ nói và làm những gì nữa.
Lệ My e thẹn trong
kiêu hãnh, niểng đầu cho chồng đeo bông, đưa tay cho chồng tra nhẫn cưới và
ngược lại. Men tình dậy lên, má nó ửng hồng. Những người lớn tuổi của cả hai
họ, ngồi bàn giữa nói và làm những lễ tục rồi lần lượt thay nhau chúc đôi trẻ
hạnh phúc, ăn đời ở kiếp… Không biết chẳng nói mà chi, đàng này ông mai và bà
Vạn cũng chúc thế thì lạ thật!.
Tại sao họ liều thế ?
- tôi tự hỏi: Ông mai có thể vì cái đầu heo (3), còn bà Vạn vì cái gì, chẳng lẽ thương đứa con BĐ bằng cách ấy
sao? Nếu thiếm tôi và Lệ My biết mà còn lao vào thì chẳng nói chi, ngược
bằng không biết, bị người ta lừa thì còn gì đáng thương hơn?. Lòng tôi nhói đau
mỗi khi thấy thiếm tôi và Lệ My vui cười. Bỡi vì, tôi cảm nhận họ đang cười
trên đường đi đến bất hạnh. Tôi cố nén bực vào trong, nói thầm : “Hãy đợi đấy”,
mọi việc rồi sẽ tính sau. Tôi cũng tạm yên lòng, vì đã là BĐ, chỉ có thể làm
hại về mặt tinh thần chớ không thể gây hại về mặt thể xác của Lệ My.
Mặc cho Lệ My nài nỉ,
tôi kiên quyết đổi ý, không chịu đi đưa dâu. Tôi không đi đưa dâu, Lệ My buồn
lộ vẻ. Thấy nó buồn lòng tôi cũng xốn xang nhưng không thể khác. Tôi không đi
đưa dâu vì tôi không muốn dính vào cuộc hôn nhân quái gở nầy. Tôi nghĩ, nếu
không dính sau nầy mình còn có chỗ mà nói, góp phần giải khó khi sự việc đổ bể
ra.
Nói thì nói vậy, chớ
khi họ đi rồi, tôi đứng ngồi không yên, lòng dạ bồn chồn, nghĩ cũng tức cười:
người ta vừa thành hôn thì mình lại tính chuyện họ sẽ ly hôn.
Trước khi về đơn vị,
tôi viết để lại cho Lệ My vỏn vẹn đôi câu “Anh phải về đơn vị gắp. Có việc gì khó xử em cứ đến gặp anh, chắc chắn
điều em sẽ biết cũng là điều anh muốn nói với em”.
Việc Lệ My có chồng BĐ
sao nó cứ lỡn vỡn trong tâm trí tôi. Thời gian qua nhanh, đám cưới Lệ My mới đó
mà đã hai tháng. Tôi định hết đợt luyện quân, xin về phép ít hôm để xem sự việc
của Lệ My ra sao !
Một hôm từ quân trường
về, vừa trờ vào cửa tôi thấy Lệ My ngồi khoanh tay rế, có lẽ chờ tôi đã lâu, vẻ
mặt thảm não. Đoán chắc việc hôn nhân của nó đã “hư bột, hư đường”. Sợ nó
bị đột ngột, tôi bâng quơ đôi câu rồi bảo nó chờ chút, tôi ra sau tắm rửa.
Đêm hôm ấy, hai anh em
ngồi lại với nhau. Tôi mớm ý về việc hôn nhân của nó thì nước mắt nó chảy ra,
cổ nó như bị nghẹn. Sau giây phút lấy lại bình tĩnh, Lệ My nói thảm cảnh của
mình lầm lỡ kết hôn với người lưỡng tính (BĐ). Thấy tôi dững dưng, nó gắt giọng
:
– Bộ anh không tin?
– Tin quá đấy chớ!…
Rồi tôi nói luôn: Năm 1993, anh cùng đơn vị bộ đôi đi giúp dân phòng chống lũ,
ăn dầm nằm dề ở nhà bà Vạn, còn lạ gì về Phước Duyên. Nó lưỡng tính thiên nam.
– Biết sao anh không
ngăn để đến nỗi nầy?.
– Biết nó BĐ chớ đâu
biết nó cưới em. Anh nhận ra nó cũng là lúc em nghiêng đầu, đưa tay cho nó đeo
bông, tra nhẫn. “Nước đến trôn làm sao nhảy được”… Em biết không, bữa đó anh
không đi đưa dâu theo lời hứa là để biểu thị sự phản đối cuộc hôn nhân cầm chắc
có tiền mà không hậu ấy. Đến giờ nầy, anh chưa hiểu nguyên do nào em và Phước
Duyên quen biết dẫn đến kết hôn ?
– Bà Vạn và Phước
Duyên biết em cách đây hơn năm, khi cùng dự một đám cưới. Sau đó, bà Vạn cử mai
mối tìm đến dọ hỏi ý mẹ con em. Nhìn bề ngoài, em thấy Phước Duyên cũng hiền
hậu, trắng trẻo, đẹp dáng. Em ưng thuận với điều kiện: Cưới xong nhà ai nấy ở
để chăm sóc mẹ mình, hai đứa chạy qua chạy lại với nhau, nào ngờ!…
– Ra là thế ! Hôm cưới
đến nay em ở bên đó hay về bên nây ?
– Ít hôm sau lễ cưới
em về bên mẹ em ở luôn cho tới nay.
– Bên ấy không nói gì
sao ?
– Có chớ: cách đây ba
hôm, ông mai và mẹ con Phước Duyên sang nhà em. Phước Duyên ngồi thừ ra đó, còn
bà Vạn và ông mai thì gắt gỏng, phiền trách đủ điều.
– Rồi tính giải quyết
như thế nào, thiếm Ba hiền như cục đất?
– Nhờ Bác Hai.
– Ba anh giúp thế nào?
– Bữa đó bí quá em vọt
sang cầu viện bác Hai qua can gián.
Để họ nói đã, bác Hai
ôn tồn nói:
– Tôi thật sự thương
cảm cháu Phước Duyên, nhưng xin hỏi ông mai và chị có biết cháu Phước Duyên đây
lợi đực hay lợi cái gì đó không ?
– Cả hai ngớ người
nhìn nhau, ú ớ hồi lâu rồi đều nói “biết”.
– Biết sao còn đi làm
như vậy? – bác Hai bắt chẹt.
– Thì … thì tôi cũng
mai mối cho hai đứa có đôi có bạn làm ăn – ông mai chống chế.
– Làm ăn ư? - Người ta
thường nói vậy nhưng chữ “làm ăn” người ta dùng theo nghĩa rộng, bao gồm cả
việc sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường nữa kìa ? Lợi dụng lòng tin, lối “gắp
lửa bỏ tay người”
để vụ lợi ấy pháp luật biết được chắc chẳng bỏ qua đâu! Còn chị, chị làm như
thế là hại người và gây khổ thêm cho con mình?.
Thấy họ ấp a ấp úng,
dao động, Bác Hai nhìn Phước Duyên nói: “Ai
không xót thương khi biết cơ thể cháu không hoàn hảo. Rõ ràng “tạo hóa” đã bất
công với cháu, có kêu trời cũng không thể khác, phải đành với số phận. Điều cần
nói: Chẳng lẽ mình phận bạc rồi đi làm cho người ta phận bạc như mình sao ? -
té còn níu người khác té theo là không tốt đâu ?”.
Bác Hai đánh
trúng chỗ nhược, cả ba tê liệt hoàn toàn. Bác Hai mở lối ra: “Tốt hơn hết hai đứa ra trước pháp luật nói rõ sự thật rồi
cùng ký đơn ly hôn”.
Thấy ba người cứ
nhìn nhau, bác Hai khai thông thêm: “Cố
tình làm hại danh giá phụ nữ lẽ ra phải trả lời trước pháp luật, đàng gái không
phải trả lại cho đàng trai nữ trang sính lễ. Nhưng thôi, giấy rách phải giữ lấy
lề’, đàng gái nên gởi lại cho đàng trai nữ trang trong lễ cưới. Hai bên trao
đổi với nhau đi … Nếu trước đây ông mai cố nói vô thì bây giờ ông mai phải cố
bàn ra ! Gì thì gì xin đừng quên tôi là bác ruột của Lệ My”.
Bà Vạn nhìn ông mai
rồi xoay qua hỏi Phước Duyên :
– Con nghĩ sao ?
– Trước đây do má, bây
giờ cũng tùy má. Con sao cũng được.
Cuối cùng hai bên nhất
trí ra tòa ly hôn, trả lại nữ trang. Phải công nhận Bác Hai già tay ấn thật.
Bữa ấy nếu không có Bác Hai, mẹ con em đối phó đuối chớ chơi đâu. Đúng là “gừng
càng già càng cay”. Lần nầy em đến cốt để nói với anh chuyện ấy, anh có ý kiến
gì hay hơn không ?
– Ý kiến gì nữa ! Giải
quyết như thế đạt lý thấu tình rồi. Vấn đề sắp tới em phải đốc thúc sớm “khai
tử” hôn nhân quỉ quái ấy đi, ổn định lại tinh thần do cú xốc vừa rồi gây ra.
Việc chồng con thư thả hãy tính.
Thấy Lệ Mi buồn, ngồi
cúi mặt, tôi nói nửa đùa, nửa thật với nó: “Có chàng trai trước đây thầm yêu em, nếu anh ta không
“câu nệ” anh sẽ làm trung gian cho hai đứa gặp tìm hiểu nhau nhưng không phải
lúc nầy. Rõ khổ !… chào đời cha chết, vào đời gặp BĐ, đúng là bất hạnh!”.
Lệ Mi ngẫng mặt
nhìn tôi, rưng rưng nước mắt.
Mỹ Tho,
18/01/2016
T.T
Chú thích
(1) Đất sét nắn như cái chén, phần đít mỏng, vỗ úp xuống mặt phẳng tức khí
phá chỗ mỏng gây ra tiếng nổ giòn.
(2) BĐ là từ người ta dùng ám chỉ người lưỡng tính.
(3) Theo tục lệ mà thôn quê vẫn còn áp dụng: người làm mai mối trong việc
cưới hỏi có trả công, ít nhất cũng cái đầu heo. Và phải góp phần giải quyết
trục trặc nếu đôi hôn nhơn nầy có rắc rối. Bởi vậy mới có câu: “Ở đời có 4 chuyện ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.