11 juillet 2020

Tòa Tối cao Mỹ ra phán quyết về khai báo thuế của Trump

o
Ông Trump từ chối chia sẻ các tài liệu liên quan đến tài sản và hoạt động kinh doanh của mình. Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vừa phán quyết Tổng thống Donald Trump phải công khai hồ sơ tài chính để công tố viên ở New York xem xét.

Nhưng đồng thời Tòa nói thông tin này không phải gửi cho Quốc hội.

Phán quyết này được xem là có những hệ lụy chính trị rất lớn.


Ông Trump từ chối chia sẻ các tài liệu liên quan đến tài sản và hoạt động kinh doanh của mình.

Luật sư của ông biện luận rằng ông được miễn trừ hoàn toàn khi còn đương chức.

Phán quyết sẽ là phép thử cho biện luận đó và có hệ lụy về việc giới lập pháp Hoa Kỳ có thể soi xét tổng thống tới mức nào.

Ngay cả một phán quyết có lợi cho Quốc hội cũng không nhất thiết dẫn tới việc công khai những khai báo thu nhập của ông Trump trước khi ông tranh cử vào tháng 11.

Ông Trump, người kiếm tiền bằng đầu tư bất động sản, là tổng thống đầu tiên kể từ Richard Nixon vào những năm 1970 không công khai hồ sơ báo thuế của mình.

Ông gọi cuộc điều tra về khai báo thuế là cách triệt hạ mình và coi nỗ lực của quốc hội là đòn quấy rối ông về chính trị.

Hai ủy ban của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Công tố New York Cyrus Vance - cũng thuộc đảng Dân chủ - đang yêu cầu công bố hồ sơ khai thuế và các thông tin khác.

Năm ngoái trát bắt trao bằng chứng đã được gửi cho Mazars USA, công ty kế toán của ông Trump, và được gửi cả tới các tổ chức cho ông Trump vay là Deutsche Bank và Capital One.

Các tòa án cấp thấp hơn ở Washington và New York đã ra phán quyết chống lại tổng thống, nhưng những quyết định đó đã bị hoãn lại để chờ phán quyết cuối cùng của tòa.
Các thẩm phán sẽ xử trực tuyến do Covid-19. Bản quyền hình ảnh AFP Image caption

Tại sao vụ việc nhạy cảm về chính trị?


Những tiết lộ gây tổn hại về các vấn đề tài chính của Tổng thống Trump có thể có tác động tiêu cực tới chiến dịch tái tranh cử của ông. Ông đã sụt giảm uy tín nhiều trong các cuộc thăm dò dư luận khi giới chỉ trích cáo buộc ông xử lý yếu kém cuộc khủng hoảng Covid-19.

Cuộc điều tra ở New York bao gồm các cáo buộc thanh toán tiền "bịt miệng" được thực hiện bởi cựu luật sư của ông Trump là Michael Cohen cho hai phụ nữ - ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal - cả hai đều nói rằng họ có quan hệ với ông Trump.

Những khoản thanh toán như vậy có thể vi phạm luật tài trợ chiến dịch tranh cử. Tổng thống Trump phủ nhận có những quan hệ này.

Đã từng có quan ngại về những xung đột lợi ích có thể có trong các doanh nghiệp của ông Trump.

Tại các phiên điều trần hồi tháng Năm, đã có những cuộc tranh luận gay gắt giữa các thẩm phán Tòa Tối cao về mức độ mà Quốc hội nên xem xét kỹ hồ sơ cá nhân của tổng thống.

Trong lần ra tòa ở New York, các thẩm phán nghi ngờ về lập luận của một luật sư của ông Trump rằng một tổng thống không thể bị điều tra khi còn đương chức.

Điều này xảy ra bất chấp bồi thẩm đoàn 9 người thì có đa số 5 vị bảo thủ gồm hai người được ông Trump bổ nhiệm là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh.

Trong hai vụ trước về quyền lực tổng thống, năm 1974, Tòa Tối cao đã đồng loạt nhất trí việc bắt Tổng thống Nixon giao nộp băng ghi âm trong Nhà Trắng trong vụ bê bối Watergate, và năm 1997, tòa này đã cho phép xúc tiến vụ kiện quấy rối tình dục với Tổng thống Bill Clinton.

Các thẩm phán do ông Nixon và ông Clinton bổ nhiệm đều bỏ phiếu chống lại họ trong các vụ kiện.

Deutsche Bank là một trong số ít các ngân hàng sẵn sàng cho ông Trump vay sau một loạt các vụ phá sản doanh nghiệp vào những năm 1990, và các tài liệu đang muốn xem bao gồm những hồ sơ liên quan đến tổng thống, Tổ chức Trump và gia đình ông.

Các ngân hàng và công ty kế toán cho biết họ sẽ tiết lộ thông tin nếu được yêu cầu.

Các luật sư của ông Trump lập luận rằng Quốc hội không có thẩm quyền ra trát giao nộp như vậy và không có lý do chính đáng nào để tìm đọc hồ sơ.