06 août 2021

Có phải di tản theo lịnh ?

Thiện Tùng

4/8/2021

Những ngày qua, dân tạm cư ở Sài Thành, Bình Dương, Bình Phước… đùm túm về lại quê hương.

Đoàn xe hồi hương qua cầu Bến Thủy (Nghệ An)

Trược hiện trạng nầy, có 2 luồng dư luận:

1/ Thuận ở, khó chạy - đúng là bọn cơ hội…

2/ Ở không sống được thì chạy – chớ chẳng lẽ ở đó chịu chết!.


Tôi đồng quan điểm với luồng ý kiến thứ 2. Vì sao họ chạy,  phải có cái nhìn khách quan mới cảm thông nỗi khổ của họ:

- Những người định cư có nhà cửa, hộ khẩu họ đâu có chạy - chẳng lẽ chạy bỏ cơ đồ. Ở lại có nhà ở, được hưởng các chế độ, chính sách của địa phương.

- Những người tạm cư, ở nhà trọ, không được hưởng chế độ, chính sách của địa phương. Ở lại sống bằng cách nào trong mùa dịch nầy khi: Thất nghiệp không có tiền ăn; không có tiền trả cho chủ nhà trọ bị đuổi; Ra ngoài vi phạm lịnh cấm, chẳng những bị xua đuổi còn bắt nộp phạt lấy tiền đâu mà đóng?! – Chỉ còn cách duy nhứt là chạy về quê?.  Nếu chính quyền quê nhà không cho về thì chạy tìm nơi khác, kể cả trốn ra nước ngoài như những thuyền nhân trốn chạy sau 1975 chớ biết sao bây giờ ?!.

Hãy xót thương thân phận họ hơn, đừng ở đó mà phiền trách. “Có rách áo mới thương người áo rách”, nếu những người áo lành không thương xót thì thôi, đừng xé áo họ thêm te tua tội nghiệp lắm ?!.

Nhiều hình ảnh cho thấy, Không phải họ trốn chạy bằng cách lén lút, băng rừng lội suối. Trước khi chạy, họ được xét nghiệm nhanh, đều thuộc loại âm tính mới được. Họ đi từng đoàn công khai đi trên các xa lộ, qua các chốt chặn dễ dàng. Vậy là họ chạy theo chủ trương nào  đó của nhà cầm quyền?.

Theo VietnamNet: Dịch phát tán ngày một sâu rộng, phức tạp ở Nam bộ, nhứt là TP HCM và Bình Dương, thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại công văn số 4777/VPCP-QHĐP ngày 15/7/2021. Có lẽ công văn nầy có đề cập đến việc phân tán công dân tạm cư về địa phương để nhẹ gánh cho các thành phố lớn ở Nam bộ trong việc phòng chống dịch.

1/Nghệ An, một trong những địa phương tổ chức đón rước dân về quê

Cũng theo VietnamNet, ngày 20/07/2021, tỉnh Nghệ An họp khẩn bàn cách đón 19.000 công dân từ 19 tỉnh thành phía Nam về quê.

Tỉnh Nghệ An họp khẩn bàn việc đón nhận công dân hồi hương- Ảnh Quốc Huy/ VietnamNet


Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh trong cuộc họp: “Khi có người đăng ký về quê bằng các loại phương tiện khác nhau, sau đó mới có kế hoạch cụ thể tiếp nhận. Cần phải làm sớm để áp dụng trong vài ngày tới. Tối thiểu số lượng người đăng ký từng đợt từ 1.000 đến 1.200 người. Dự kiến đầu tháng 8 sẽ tiếp nhận công dân đợt 1 trở về. Phương tiện vận chuyển bao gồm, đường bộ, đường sắt và đường hàng không; trong đó đường sắt và đường bộ sẽ được hỗ trợ đối với các đối tượng ưu tiên. Riêng đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ 100% nhưng phải có danh sách cụ thể". 

Trong lúc TP.HCM và các tỉnh phía Nam ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch thứ 4, hàng ngàn người lao động nghèo từ các tỉnh đang kết thành dòng người đi bằng xe máy tìm đường về quê tránh dịch.

Đặc biệt, vài ngày trở lại đây, hàng nghìn người dân chở theo vợ con trên chạy xe máy về quê Nghệ An để tránh dịch. Dẫu hành trình vượt cả ngàn km mệt mỏi và đầy rẫy hiểm nguy, nhưng những người lao động nghèo vẫn cố gắng di chuyển ngày đêm để về quê sau nhiều ngày họ bị mất việc, nếu không bị đuổi vì không trả tiền thuê nhà, cũng sống nơm nớp trong phòng trọ vì sợ lây nhiễm dịch Covid-19.

2/ Hồi hương bằng phương tiện cá nhân

"Có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về!”. “đi tả tơi về tơi tả ! ”.

Trên mỗi chiếc xe máy cũ kỹ là cả gia đình gồm vợ chồng, con nhỏ và những bao tải đựng chăn chiếu, quạt... được buộc chằng chịt phía sau xe. Hình ảnh những người dân tóc tai bù xù, quần áo lem luốc bám bụi, ánh mặt đỏ ngầu sau nhiều ngày di chuyển đã phần nào cho thấy sự vất vả.

Những chiếc xe máy cũ kĩ chở theo cả gia đình và lỉnh kỉnh đồ đạc vượt hành trình dài để trở về quê

Thế nhưng, có lẽ xót xa hơn cả là hình ảnh những em nhỏ chỉ vài tháng tuổi cũng phải cùng cha mẹ vượt cả ngàn cây số về quê. Sau nhiều giờ đồng hồ chạy xe xuyên ngày đêm, các gia đình nhỏ tập trung thành từng nhóm tranh thủ tìm bãi đất trống trải vội tấm nylon để ăn mẩu bánh mì, uống ngụm nước suối rồi nằm nhoài ra chợp mắt để chuẩn bị tiếp chuỗi hành trình dài.

Chứng kiến những người dân nghèo ròng rã chạy xe suốt nhiều ngày để về quê tránh dịch, mới đây một mạnh thường quân đã đứng đợi ở cầu Bến Thuỷ (Nghệ An) để gửi đến những người lao động nghèo chút qua nhỏ của mình.



Cháu bé 10 ngày tuổi mới sanh chưa cắt chỉ rún, mẹ ôm ngồi sau xe máy của bố vượt hàng ngàn cây số về tới Đà Nẵng, được cộng đồng mạng phát hiện và  thuê xe cứu thương đưa về Nghệ An. Cũng là một cách hồi hương. Văn Công Hùng /báo Thông luận

3/ Lá lành dùm lá rách

Nhân viên y tế trực chốt cầu Bến Thủy 2 phát nước, sữa, bánh mì…cho người đi xe máy từ miền Nam về quê.

Nhằm chia sẻ, động viên những người lao động khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân ở Nghệ An đã chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết tại các chốt kiểm soát để kịp thời tiếp sức cho bà con. Những chuyến xe chở nước uống, sữa, bánh mì, khẩu trang… liên tục tập kết ngay đầu cầu Bến Thủy 2 - nơi có chốt kiểm soát, và cũng là nơi bà con dừng lại để khai báo y tế

Tại đây, ngoài nhu yếu phẩm, những người đi xe máy      được tặng miễn phí xăng trên đường về nhà.

Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận một phong bì 500 K do  gia đình chị Đinh Thu Hiền chia sẻ. Mỗi phong bì 500 ngàn đồng. 

Trong hai ngày 30 và 31/7 /2021, tại khu vực chốt cầu Bến Thủy 2, có 3 người phụ nữ túc trực tại đây với thùng tiền ghi dòng chữ: "Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận một phong bì 500 K", để phát trực tiếp cho những người xứ Nghệ làm ăn xa quê trở về tránh đại dịch.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Đinh Thu Hiền cho biết: "Những ngày qua xem video cả đoàn người về quê bằng xe máy, vượt hàng nghìn kilomet mà lòng tôi cứ rưng rưng, không nghĩ lại có ngày hôm nay. Nặng lòng với bà con mình quá em ạ. Với gia đình chị chỉ có món quà nhỏ giúp những người đi làm ở xa về quê trong dịp này mong sao họ vượt qua khó khăn…".

Trong 2 ngày 30 và 31/7/2021, chị Hiền và gia đình mình chuẩn bị 200 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng), rồi đứng đợi ở khu vực cầu Bến Thủy 2 để phát cho những người con xa quê trở về bằng xe máy.

 "Đây là món quà nhỏ của gia đình tôi ủng hộ mỗi người một ít gọi là tiền xăng xe để họ về nhà trong dịp này", chị Hiền chia sẻ.

Còn trên trang cá nhân của mình, chị chia sẻ thêm: "Gia đình mình hiện đang ở chốt cầu Bến Thủy 2, TP Vinh, tỉnh Nghệ An để chia sẻ một chút khó khăn với bà con về quê tránh dịch bằng xe máy. Bạn bè Facebook biết đoàn xe máy nào về quê thì báo cho họ về cầu Bến Thủy 2 giúp mình. Gia đình mình đứng chờ ở đây đến 12h đêm".

Có mặt tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2, anh Đào Ngọc Tuấn - một người dân TP Vinh chia sẻ: "Tại đây, ngoài Hội kiến trúc sư Nghệ An hỗ trợ mỗi người 500 nghìn đồng, còn có một cá nhân ở TP Vinh cũng hỗ trợ mỗi người đi xe máy 500 nghìn đồng coi như một chút lộ phí đường xa. Cách làm của họ cũng rất đáng trân trọng, người nhận cũng thấy lòng nhẹ nhõm hơn".

"Tại đây các chiến sỹ Cảnh sát giao thông cũng đang trải qua những ngày bận rộn. Vừa làm nhiệm vụ, họ vừa mang nước uống, bánh mỳ cho những người qua cầu. Tất cả đều ngời lên tình cảm yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trong cơn khốn khó. Bằng tình cảm, chúng ta dang rộng vòng tay đón con em trở về", anh Tuấn chia sẻ thêm.

Còn anh Nguyễn Thành Chương - đại diện một nhóm thanh niên tình nguyện tại TP Vinh cũng đang thực hiện công tác hỗ trợ bà con về quê chia sẻ: "Vượt qua hơn 1.000 km, những người con vì mưu sinh phải xa xứ đã đặt chân đến mảnh đất quê hương. Nhìn họ cầm trên tay những bát cháo nóng hổi của nhóm nấu, vội ăn nhanh để kịp về địa phương, chuẩn bị vào khu cách ly mà thương . Khi khó khăn nhất, lo lắng nhất… họ đã nghĩ trở về quê hương. Đúng là “Có nhiều chốn để đi nhưng chỉ có một nơi để về! Mong họ thật khỏe mạnh, cách ly an toàn để sớm về với người thân, họ hàng. Còn chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng họ dù chỉ là những điều rất nhỏ, nhưng tình người, tình quê luôn ấm áp những ngày dịch ngang qua".

Tình người thể hiện qua hành động, chớ không phải qua đầu môi chót lưỡi?

Khi đi tồi tệ khi về tàn tạ! Đúng là “chạy đàn mồ mắc đàng mã !”. Quê hưng ơi, nghèo khổ quá chúng tôi mới ra đi, nay khổ nguy quá chúng tôi phải chạy về, xin hãy dung nạp và lượng thứ ! .

 

“Quê hương là chùm khế ngọt, cho ta trèo hái mỗi ngày. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ khômg lớn nổi thành người”- đó là câu kết trong nhạc phẩm “Quê hương” của nhạc sĩ Trung Quân.  -/-