11 novembre 2015

Chuyến thăm của ông Tập và “bản chất Trung Quốc”



Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh – nguyên Đại sứ Việt Nam tại CH Mozambique, thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia hiệp định Paris năm 1973 nói với PetroTimes rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình thể hiện đúng “bản chất Trung Quốc”.
Ngay sau khi ở Việt Nam, ông Tập sang Singapore và “xảo ngôn”: “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”.  


Ông Tập đã dám tuyên bố thẳng: "Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa".

Tại sao 4 nhà lãnh đạo cao nhất nước không dám tuyên bố "Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ thời xa xưa đang bị Trung Quốc đánh chiếm" trước dư luận Quốc tế?


Dân Quyền



Những ngày gần đây, dư luận đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết sau một số sự kiện lớn vừa diễn ra tại Biển Đông, cả trên bình diện ngoại giao lẫn thực địa. Đáng chú ý là chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam trong hai ngày 5-6/11 và có bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông đã không được nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc tới trực tiếp mà cho rằng, hai nước nên vì “đại cục” mối quan hệ, cố tình quên đi cái mà trước đó họ cho là “tiểu cục” – vấn đề biển đảo.

Ông Tập Cận Bình.
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn đa chiều về những sự kiện này và vạch rõ âm mưu của phía Trung Quốc, báo điện tử PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Khắc Huỳnh – nguyên Đại sứ Việt Nam tại CH Mozambique, thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia hiệp định Paris năm 1973.


“Vấn đề Biển Đông chưa bao giờ là ‘tiểu cục’ với Việt Nam cả!”

Là một nhà nghiên cứu về chính trị và ngoại giao kỳ cựu, ông có đánh giá như thế nào về chuyến thăm của TBT, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam từ 5 – 6/11 vừa qua?

NNC Nguyễn Khắc Huỳnh: Là hai nước láng giềng, việc lãnh đạo cấp cao hai nước thăm viếng lẫn nhau là hoàn toàn bình thường theo thông lệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, dư luận đặc biệt chú ý tới bởi nó diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đã có hành vi bồi lấp các thực thể ngầm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành những đảo nhân tạo và ra sức quân sự hóa chúng.

Khi hội kiến với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chính ông Tập Cận Bình vẫn luôn nhấn mạnh tới tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Đồng thời nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát tốt các bất đồng trên biển và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Huỳnh (Ảnh Thảo Phượng).


Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại hội trường Quốc hội Việt Nam hôm 6/11, ông Tập đã không hề nhắc tới vấn đề Biển Đông – điều mà nhân dân và đông đảo cử tri Việt Nam quan tâm. Thay vào đó, vẫn chỉ là những ngôn từ mang nặng tính ngoại giao chung chung về mối quan hệ Việt – Trung.

Lãnh đạo cấp cao của ta gồm cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều đã có những trao đổi thẳng thắn với nhà lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề biển đảo. Nhưng dường như, bản chất cố hữu của Trung Quốc vẫn không hề thay đổi và thậm chí, còn cố tình “lập lờ đánh lận con đen” khái niệm đại cục quan hệ hai nước và khái niệm “tiểu cục” (ý nói vấn đề biển đảo) với Việt Nam.

Tờ The Strait Times hôm 7/11 đưa tin, phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore trong chuyến công du tới đảo quốc sư tử, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại luận điệu cho rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”. Liệu rằng những phát ngôn này có quá bất ngờ không, thưa ông?

NNC Nguyễn Khắc Huỳnh: Thực sự tôi thấy không hề bất ngờ với những phát biểu này của ông Tập.

Nhưng với cương vị là lãnh đạo tối cao của đất nước đông dân nhất thế giới và có vị thế trên trường quốc tế, việc phát ngôn theo kiểu “tiền hậu bất nhất” như ông Tập Cận Bình thì quả là điều khó hiểu.

Khi mà những phát ngôn của ông Tập về tình hữu nghị truyền thống, vì môi trường hòa bình để phát triển và kiểm soát tốt bất đồng trên biển trong chuyến thăm Việt Nam hôm trước còn chưa ráo mực, thì hôm sau, trên đất Singapore cũng chính vị này lại nói ngược lại rằng, “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Họ làm gì có bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý cho yêu sách ngang ngược đó?

Bằng chứng lịch sử cho thấy, điểm cực nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam mà thôi.

Phải khẳng định rằng, những lời tuyên bố đó hoàn toàn không có giá trị gì và không thể làm lung lạc ý chí về bảo vệ chủ quyền biển đảo chính đáng của Việt Nam. Biển Đông chưa bao giờ là ‘tiểu cục’ đối với Việt Nam cả.

Trước khi thăm Việt Nam, ông Tập cũng đã có chuyến thăm Mỹ, Anh và mới đây là Singapore thì vẫn diễn lại luận điệu xảo trá trên.




Việc tàu hải quân USS Lassen của Mỹ tuần tra ở Trường Sa thực sự là một thách thức đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông

Ở vị trí hiện tại của Trung Quốc, nhất là với chính sách bành trướng cố hữu của mình thì ông Tập Cận Bình cũng không thể và không bao giờ nói khác đi được về vấn đề biển đảo.

Với bản chất của mình, họ sẵn sàng ép các nước khác phải tuân thủ theo “luật chơi” của mình trên Biển Đông nhưng chắc chắn sẽ phải “nhìn trước ngó sau”.

Ông có thể nói rõ hơn về động thái tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông, và điều gì sẽ khiến Trung Quốc phải “nhìn trước ngó sau”?

NNC Nguyễn Khắc Huỳnh: Đó chính là sự can dự ngày càng sâu và mạnh tay của Mỹ, Nhật và một số nước khác nữa tại vùng biển này.

Trung Quốc đang thể hiện hai mặt đáng chú ý:

Một là, bản chất bành trướng lãnh thổ lãnh hải trên biển luôn luôn bất biến.

Hai là, họ đang gặp thế yếu trên bình diện dư luận quốc tế về những hành động sai trái và đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua.

Nổi bật là việc hôm 27/10, Mỹ điều tàu hải quân vào tuần tra ở Trường Sa. Cả Nhật Bản, Úc và Liên minh Châu Âu (EU) đều lên tiếng phản đối Trung Quốc xây đảo nhân tạo và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường hòa bình.

Như vậy cả trên thực địa và chính trường ngoại giao, Trung Quốc đều gặp phải những thách thức thực sự.

Hành động tiếp theo mà họ có thể tiếp tục làm “quấy đảo” Biển Đông trong tương lai sẽ còn căng thẳng. Có lúc mạnh mẽ, ào ạt, có lúc sẽ tuyên bố tạm dừng.

Nhưng về sâu xa, Trung Quốc vẫn sẽ phải tính toán tới mọi bước đi của Mỹ và đồng minh cùng các bên ở Biển Đông để lựa bước đi của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Petrotimes)