15 novembre 2015

Myanmar: từ độc tài đến dân chủ

Huỳnh Hoa
Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD. Ảnh: European Pressphoto Agency
(TBKTSG) - Cuộc tổng tuyển cử hôm Chủ nhật 8-11 được coi là một cột mốc lịch sử, kết thúc bước cuối cùng trong lộ trình dân chủ hóa mà Myanmar đã khởi động nhiều năm trước, đồng thời là bước đầu tiên trên con đường xây dựng một xã hội tự do và phồn vinh ở đất nước 55 triệu dân này. Chặng đường đổi mới của Myanmar đã thực sự biến nước này thành một trường hợp điển hình cho một chế độ độc tài tự lột xác từ bên trong một cách hòa bình.
 


Sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1948, đất nước Myanmar đã có một giai đoạn phát triển mạnh cho đến khi quân đội làm đảo chính và lập chế độ độc tài quân phiệt tháng 3-1962. Năm thập kỷ dưới chế độ độc tài đã biến một đất nước phồn vinh thành một quốc gia bị cô lập và lạc hậu nhất khu vực. Nếu như vào năm 1962 GDP bình quân đầu người của Myanmar đạt 670 đô la Mỹ/năm, cao gấp đôi Thái Lan và gấp ba Indonesia thì đến năm 2010, GDP của Myanmar còn thấp hơn cả Lào và Campuchia trong cùng khối ASEAN, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế. 

Trong 50 năm đất nước bị bần cùng hóa, người dân Myanmar đã không ít lần đứng lên chống lại chế độ quân phiệt, nhưng đều bị dìm trong biển máu. Có thể kể tới “cuộc khủng hoảng U Thant” năm 1974 khi một số sinh viên Đại học Yangon bị bắn chết vì đã tổ chức tang lễ và tôn vinh ông U Thant - nhà ngoại giao Myanmar từng giữ chức Tổng thư ký Liên hiệp quốc hai nhiệm kỳ, 1961-1971, và có nhiều đóng góp quan trọng cho hòa bình thế giới. Biến cố 8888 (cuộc đấu tranh đòi dân chủ nổ ra vào ngày 8-8-1988) bị đàn áp khốc liệt, dẫn tới sự thành lập đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, đưa bà Aung San Suu Kyi lên vũ đài chính trị. 

Gần đây hơn, cuộc “cách mạng áo cà sa” của các tăng sĩ Phật giáo năm 2007 cũng bị đàn áp đẫm máu.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, đảng NLD giành thắng lợi áp đảo nhưng bị phe quân đội nắm quyền phủ nhận kết quả bầu cử, lãnh tụ Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại nhà, đảng NLD gần như bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên, kết quả bầu cử năm 1990 cho thấy khát vọng và sự lựa chọn của người dân Myanmar mà giới quân sự cầm quyền không thể tiếp tục đàn áp bằng bạo lực.
 

Lộ trình bảy bước tới dân chủ 

Biết không thể tiếp tục duy trì sự cai trị độc tài để tiếp tục đẩy đất nước tới vực thẳm, năm 2003 các tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội đã quyết định thay đổi đường lối, thực hiện “cải cách”. Lộ trình “7 bước tới dân chủ” được hoạch định và giao cho tướng Thein Sein chịu trách nhiệm điều hành thực hiện. Bước thứ nhất, một đại hội quốc gia được triệu tập để thảo ra bản hiến pháp mới, tuy còn nặng mùi quân phiệt, nhưng vẫn được trưng cầu dân ý và thông qua năm 2008. Bước thứ hai, năm 2010 cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội được tổ chức theo hiến pháp mới (đảng NLD tẩy chay cuộc bầu cử này); Quốc hội sau đó đã bầu tướng Thein Sein làm tổng thống đầu năm 2011 và phê chuẩn một nội các mà hầu hết là các tướng lĩnh khoác áo dân sự. 

Ông Thein Sein là một gương mặt đặc biệt. Khi nắm được quyền lãnh đạo tối cao, Tổng thống Thein Sein đã mở rộng nền dân chủ ra ngoài ý tưởng ban đầu của những người xướng ra nó và đôi lần ông gặp phải sự chống đối dữ dội trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội, đặc biệt là trong quyết định xóa án “quản thúc tại gia” kéo dài suốt 15 năm áp đặt lên bà Aung San Suu Kyi, khôi phục tư cách pháp lý của đảng NLD đối lập và xét lại quan hệ kinh tế với Trung Quốc

Tổng thống Thein Sein gần như đáp ứng tất cả những yêu cầu chính đáng của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi về cải cách đất nước: trả tự do cho hàng ngàn tù chính trị, cho phép thành lập công đoàn độc lập, xóa bỏ chế độ kiểm duyệt, thực thi tự do ngôn luận, công nhận báo chí tư nhân, tổ chức tuyển cử tự do và công bằng, ban hành luật về đầu tư nước ngoài và cải cách hệ thống tỷ giá... Chính phủ Myanmar cũng đã đàm phán và ký kết hiệp định đình chiến với phiến quân thuộc các nhóm sắc tộc Kachin, Karen, Shan... đặt cơ sở cho sự hòa hợp dân tộc. Hình ảnh Tổng thống Thein Sein cùng phu nhân đến thăm nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại nhà riêng và khẩn khoản mời bà “ra làm việc nước”, sau đó là việc hai nhà lãnh đạo cùng xuất hiện trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2013 đã gây được niềm tin mạnh mẽ trong và ngoài nước Myanmar về xu thế dân chủ hóa “không thể đảo ngược”. Năm 2011, Myanmar tổ chức bầu cử bổ sung một số ghế đại biểu quốc hội; đảng NLD giành được thắng lợi lớn, và từ đó phe đối lập bắt đầu có tiếng nói chính thức trên nghị trường về những chiến lược lớn của đất nước cũng như kiểm soát phần nào quyền lực của quân đội và đảng cầm quyền. 

Để giành được sự ủng hộ của quân đội cho tiến trình cải cách, Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ Aung San Suu Kyi đã có một lựa chọn hợp lý: đề cao đoàn kết dân tộc sao cho không làm cho những thủ lĩnh cũ của chế độ quân phiệt hoảng sợ. Bà Aung San Suu Kyi nhiều lần nói tới nhu cầu phải làm cho giới quân sự cầm quyền cảm thấy an toàn, không lo bị trả thù, không truy cứu tội trạng, không tịch thu tài sản... của họ trong khi Tổng thống Thein Sein nhiều lần đề cập tới nhu cầu “tiến từng bước” để không gây sốc. “Ngay từ đầu, chúng tôi biết người dân mong muốn một chế độ dân chủ, nhưng chúng tôi không muốn thay đổi đột ngột vì làm như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi thay đổi vì nhân dân muốn như vậy”, ông nói. Ông Thein Sein cũng có lần nói với báo The New York Times rằng, Myanmar tiến hành cải cách dân chủ là theo nguyện vọng của người dân chứ không phải do áp lực cấm vận của phương Tây, cũng không phải vì tác động của cao trào “Mùa xuân Ảrập” như báo chí nước ngoài bình luận. 

Lựa chọn “thoát Trung” của Myanmar 

Song song với công cuộc hòa hợp hòa giải và đoàn kết dân tộc ở trong nước, Myanmar còn có những bước đi mạnh mẽ để tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, tách ra và xa dần ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Trong nửa thế kỷ dưới chế độ quân phiệt, nhất là từ khi bị phương Tây cấm vận kinh tế vào đầu thập niên 1990 sau biến cố 8888, Myanmar dần dần biến thành “sân sau” của Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp cho Myanmar hàng hóa công nghệ, đổi lại các doanh nghiệp Trung Quốc gần như độc quyền khai thác gỗ và khoáng sản, đặc biệt là các mỏ đá quý có trữ lượng lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Myanmar, chiếm 70% vốn FDI cam kết (khoảng 20 tỉ đô la Mỹ) đầu tư vào hàng trăm dự án khai khoáng, thủy điện, khai thác gỗ, khai thác dầu khí và xây dựng đường ống dẫn dầu từ Ấn Độ Dương sang Vân Nam. Cùng với các dự án này, công nhân và thương nhân Trung Quốc di cư sang Myanmar ngày càng đông, ở miền Bắc Myanmar có những tỉnh mà người Trung Quốc chiếm một nửa dân số. 

Các dự án kinh tế của Trung Quốc hầu như đều có sự tham gia của quân đội Myanmar nhưng cũng đều gây phẫn nộ trong nhân dân, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, xung đột mà dự án thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy phía Bắc nước này là một điển hình. Dự án có vốn đầu tư 3,6 tỉ đô la Mỹ này do tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc (CPI) làm chủ và thi công, sẽ nhấn chìm 26.238 héc ta đất, tương đương diện tích nước Singapore, nhưng 90% sản lượng điện tạo ra sẽ được cung cấp cho tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. 

Đầu tháng 10-2011, Tổng thống Thein Sein bất ngờ tuyên bố đình chỉ dự án thủy điện Myitsone bất chấp sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh - một dấu hiệu cho thấy xu hướng “thoát Trung” của Myanmar đã được khởi động. Những nhà lãnh đạo Myanmar tin rằng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chưa khai thác của đất nước, cộng với vị trí chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Myanmar hoàn toàn có thể phát triển thịnh vượng và độc lập trên sân chơi toàn cầu mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào. Xu hướng đó càng được củng cố khi Myanmar bắt đầu được phương Tây gỡ bỏ cấm vận, xóa nợ, cung cấp ODA, cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do và thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam... để phát triển kinh tế. Tổ chức tư vấn McKinsey Global Institute đưa ra dự báo tổng sản lượng GDP của Myanmar sẽ tăng gấp 4 lần từ mức 45 tỉ đô la Mỹ năm 2013 lên 200 tỉ đô la vào năm 2030. 

Bằng cuộc bầu cử tự do, ngày 8-11 vừa qua, Myanmar đã hoàn thành một chặng đường dài đến dân chủ và thịnh vượng. Nhưng xây dựng dân chủ là một tiến trình liên tục và không bằng phẳng: phía trước vẫn còn rất nhiều trở ngại, chẳng hạn quân đội vẫn còn vai trò chi phối mọi mặt đời sống chính trị và kinh tế; xung đột sắc tộc và tôn giáo trong nội bộ nhân dân vẫn thường xuyên gây bất ổn; các thể chế tam quyền phân lập chưa định hình vững chắc mà còn phụ thuộc vào uy tín cá nhân của một số vị lãnh tụ thì nền dân chủ chưa hoàn thiện và hãy còn mong manh. Tuy nhiên, khi người dân đã có quyền tham gia vào công cuộc quản lý đất nước thì hoàn toàn có thể kỳ vọng Myanmar sẽ sớm bứt phá, vươn lên thành một đất nước phồn vinh, có vị trí xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc Đông Nam Á