11 novembre 2015

NGUYỄN PHÚ TRỌNG THỪA NHẬN


HOÀNG SA VÀ MỘT PHẦN TRƯỜNG SA THUỘC TRUNG QUỐC ?!

 Nguyễn Thanh Giang
 
 
Thế là Tập Cận Bình đã kết thúc hai ngày thâm nhập Việt Nam. Trong hai ngày đó ông đã lần lượt hội đàm, hội kiến với các lãnh đạo Việt Nam: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Củng cố tình hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt với Trung Quốc là sách lược sống còn. Tuy nhiên, hơn đối với bất cứ nước nào, ta cần hết sức cảnh giác khi tiếp xúc với Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bây giờ phải quán triệt sâu sắc phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Lắng nghe các buổi hội đàm để xem các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện tinh thần ấy thế nào? 

Về chính trị, không mấy ai buồn nghe những khẩu ngữ vừa mông lung, vừa vô nghĩa như: “bốn tốt”, “mười sáu chữ vàng”, “tầm cao chiến lược”, “đại cục”…, người ta quan tâm đến lĩnh vực kinh tế và tình hình Biển Đông.

 


Khi bàn về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều xoáy vào vấn đề nhức nhối hiện nay, vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại. “Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đạt tiến triển mới phù hợp tiềm năng, trình độ của hai nước, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc trong chỉ đạo, điều phối, đưa những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đi vào thực tế; thúc đẩy thương mại hai nước tăng trưởng bền vững, từng bước giảm nhanh nhập siêu của Việt Nam, tăng cường thương mại chính ngạch, quy phạm hóa và quản lý hiệu quả thương mại biên giới”. 

Cũng như Thủ tướng, “Chủ tịch nước đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư; đưa các thỏa thuận hợp tác này có tiến triển thực chất, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước phát triển theo chiều hướng cân bằng, bền vững trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau. Hai bên cần sớm có biện pháp hữu hiệu để hướng tới cân bằng cán cân thương mại Việt – Trung và tăng cường hợp tác đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam tiêu biểu cho trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế trên một số lĩnh vực và tăng cường tin cậy, đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho nhân dân hai nước”. 

Tiếp thu “huấn thị” nghiêm túc đó, Tập Cận Bình phải hứa (có thể là hứa hão): “Về hợp tác kinh tế, hai bên cần thúc đẩy hợp tác thiết thực, kết nối chiến lược phát triển; hợp tác về năng lực sản xuất giữa hai nước trong các lĩnh vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trọng điểm và các dự án tiêu biểu, cùng nhau tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả của một số dự án hợp tác như Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy đạm Ninh Bình…; tăng cường hợp tác biên giới; tích cực giải quyết mất cân đối thương mại giữa hai bên; đi sâu hợp tác tiền tệ, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư song phương”. 

Trong khi đó, Nguyễn Phú Trọng không hề đề cập đến vấn đề bức thiết ấy dối với quyền lợi dân tộc mà thề thốt “… thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác phát triển thực chất, cân bằng, hiệu quả. …thúc đẩy các dự án hợp tác kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” với những nội dung phù hợp trong sáng kiến “một vành đai, một con đường” trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi” 

Sao lãng quyền lợi quốc gia, Nguyễn Phú Trọng tập trú vào phục vụ sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Nhưng, “một vành đai, một con đường” là thế nào? 

Một vành đai, một con đường sẽ đi qua ba lục địa Á – Âu – Phi, kết nối Trung Quốc, Trung Á, Nga và châu Âu (vùng Baltic); nối liền Trung Quốc với vịnh Persian và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á; kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Nó bao gồm Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB) – được xây dựng dọc theo hành lang Âu – Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới Baltic. Kế hoạch này thực sự là một phần của phản ứng với những sự tái liên minh chiến lược đã và đang diễn ra tại các nước láng giềng của Trung Quốc vài năm qua và sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ với châu Á. Sáng kiến này không chỉ đơn thuần là phản ứng với sự tái cân bằng của Mỹ hay môi trường chiến lược thay đổi trong khu vực mà trước tiên là nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Trước mắt nó không thật cần thiết đối với Việt Nam. 

Đất nước còn nghèo, tại sao Nguyễn Phú Trọng không nghĩ đến vấn đề bức thiết làm cho nhân dân sớm bớt khổ mà chỉ lo “vác tù và hàng tổng” và tận tụy phục vụ Bắc triều? 

Sang đến vấn đề biển đảo. Lần này thì chủ tịch Trương Tấn Sang rất đáng hoan nghênh khi mở đầu buổi hội đàm ông đã đốp thẳng vào mặt đối phương: “Những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ. Bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng quan trọng nhất là hai bên phải tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, thông qua đàm phán giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng, không có hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp, không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông; đảm bảo an toàn hàng hải, hàng không và các hoạt động đánh bắt hải sản bình thường của ngư dân; cùng nhau tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định phục vụ mục tiêu phát triển của cả hai nước và của khu vực”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Hai bên cần nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về vấn đề trên biển; nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” bằng các hành động thực tế, nhất quán; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt – Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Duy trì hòa bình, ổn định và kiểm soát bất đồng trên biển; chân thành và thẳng thắn trao đổi, nghiên cứu vấn đề phi quân sự hóa ở Biển Đông; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân.
 

Vấn đề đau đáu lo cho dân sinh đang bị Trung Quốc tước đoạt tàn bạo, đòi phải “bảo đảm an toàn cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân”, không hề xuất hiện trong hội đàm của Nguyễn Phú Trọng mà chỉ thấy lơ mơ láng máng: “Kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng quan hệ hai nước. Đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để kiểm soát hiệu quả tình hình trên biển; tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình…” 

Không chỉ lơ mơ láng máng mà còn ngu xuẩn một cách tệ hại ! 

Sao lại ngửa tay xin được duy trì nguyên trạng một cách rất mơ hồ như vậy, Hoặc là phải nói rõ là nguyên trạng nào. Nguyên trạng theo đời Nhà Thanh của họ hay theo đời Nhà Nguyễn của ta, lúc ấy tất cả các bản đồ đều xác định cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Hoặc phải nói tạm thời chấp nhận hiện trạng. Trong ngữ cảnh ở đây, nói duy trì nguyên trạng có nghĩa là  thừa nhận sự duy trì vĩnh viễn cái hiện trạng Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa và tám đảo ở Trường Sa. Sự mơ hồ này cực kì nguy hiểm vì câu nói đó xuất phát từ miệng của vị đại diện cao nhất của Việt Nam. Không thể nói đây chỉ là khẩu thiệt vô bằng vì đã có ghi âm, ghi hình đàng hoàng. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang bị đối phương triệt để lợi dụng, câu nói này của Nguyễn Phú Trọng sẽ được bọn họ xem là bửu bối. Cho nên đây là tai họa lớn gấp nhiều lần mà Nguyễn Phú Trọng quàng thêm lên cổ đất nước, không biết làm thế nào để gỡ ra. 

Rất may là cả Trương Tấn Sang lẫn Nguyễn Tấn Dũng không ai nói như Nguyễn Phú Trọng. 

Sự mơ hồ Nguyễn Phú Trọng chỉ có thể giải thích bằng sự ngu xuẩn hoặc giả ngây giả ngô, làm nội ứng để xẻ thịt cắt da tổ quốc dâng cho giặc. 

Xét các sai lầm nghiêm trọng đã thành hệ thống: 

      - Nhân danh Tổng Bí thư, không phán ánh đúng tinh thần Bộ Chính trị, tự tiện đưa ra chủ trương song phương hóa tranh chấp Biển Đông Việt Nam - Trung Quốc (xem bài viết ngày 22 tháng 10 năm 2015 “Ai phải chịu trách nhiệm đưa Trung Quốc xâm lấn Trường Sa?” trong thư viện online www.nguyenthanhgiang.com) 

      - Nhân danh Tổng Bí thư, không phản ánh đúng tinh thần Bộ Chính trị, tự tiện mời công an Trung Quốc vào chế ngự Việt Nam (xem bài viết tháng 5 năm 2013 “Mấy nghi vấn đối với bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc do ông Nguyễn Phú Trọng kí kết” trong thư viện trên). 

      - Nhân danh Tổng Bí thư, không phản ánh đúng tinh thần Bộ Chính trị, tự tiện thừa nhận Biển Đông của Việt Nam thuộc vào thành phố Tam Sa của Trung Quốc. 

(v v…) 

Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN ra quyết định đình chỉ công tác để làm kiểm điểm, tiến tới truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
 

Hà Nội 10 tháng 11 năm 2015
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 5, ngõ 341 đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165