Tổng thống Thein Sein |
Những ngày qua, truyền thông quốc tế và dư luận thế giới hướng về Myanmar,
quốc gia do chính quyền quân đội làm chủ suốt hơn nửa thế kỷ, đã tổ chức bầu cử
trên tinh thần tự do, dân chủ và minh bạch. Kể từ sau năm 1990, khi cuộc bầu cử
diễn ra với kết quả chiến thắng tuyệt đối thuộc về đảng Liên đoàn quốc gia vì
dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi nhưng bị chính quyền quân sự phủ nhận,
Myanmar bước vào hai thập niên đóng cửa và bị cấm vận, nhất là các lệnh cấm vận
toàn diện từ Hoa Kỳ. Đúng như Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ
trách Đông Á, nói trên AP rằng: “Một cuộc bầu cử sau hơn 50 năm sẽ không thể
khôi phục được nền dân chủ một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một
bước tiến rất dài cho quá trình dân chủ ở Myanmar”. Tiến trình này có dấu ấn
của chính đương kim Tổng thống Thein Sein.
“Cải cách Thein Sein”: Chờ phút cuối
Daniel Russel dường như có lý khi phát biểu rằng dù cuộc bầu cử đã diễn ra
trong hòa bình và được giới quan sát quốc tế đánh giá là công bằng, minh bạch
nhưng “Tôi cho rằng bây giờ yếu tố then chốt là vượt qua khoảng thời gian vài
tuần tới, được dự báo là phức tạp, mong manh và quan trọng”. Không ít hoài nghi
về khả năng “trở mặt” của chính quyền quân sự nhằm bảo vệ đảng Đoàn kết phát
triển liên bang (USDP) của đương kim Tổng thống Thein Sein, một kịch bản diễn
ra vào hơn hai thập niên trước đây.
Quan điểm này càng được củng cố khi kết quả bầu cử sơ lược cho thấy LND
chiến thắng tuyệt đối và những người có khả năng trở thành tân tổng thống (vào
năm 2016) hầu hết là thân tín của Aung San Suu Kyi. Chính Aung San Suu Kyi cũng
tuyên bố bà sẽ nắm quyền lực “cao hơn tổng thống”, hàm ý một chính phủ mới do
bà chỉ định (theo Hiến pháp Myanmar, Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng
thống nước này vì chồng quá cố và con trai của bà có quốc tịch Anh). Điều này
đồng nghĩa với việc ông Thein Sein có thể ra về “tay trắng”; và chính quyền
quân sự có thể “dùng bài cũ” như sự kiện bầu cử năm 1990.
Chừng nào chưa có một kết quả bầu cử “thuận buồm xuôi gió” và được thừa
nhận; kèm theo đó là sự chuyển giao quyền lực một cách hợp hiến, dựa trên kết
quả bầu cử đưa ra; vai trò ôn hòa của các tập đoàn quân sự tại Myanmar… thì
người ta vẫn còn đặt dấu chấm hỏi vào “cải cách Myanmar”. Số phận Myanmar vẫn
chưa được tiết lộ rõ ràng, nhất là khi chính trị không đơn thuần là một bài
toán có duy nhất một đáp số; và suốt nửa thế kỷ qua, gây thất vọng thì chính
quyền quân sự “có thừa” nhưng tạo nên các bước ngoặt cải cách như bầu cử 2015
thì người ta vẫn trông chờ “tai nghe, mắt thấy” mới hết hoài nghi.
Tổng thống Thein Sein. Ảnh: TOMOHIRO OHSUMI/BLOOMBERG |
Nói vậy không có nghĩa là
tương lai Myanmar sẽ ảm đạm bất chấp bầu cử diễn ra. Nhậm chức vào tháng
3-2011, khi đó đã 67 tuổi, Thein Sein tiến hành quá trình cải cách toàn diện
trên nhiều mặt trận suốt nhiều năm, gồm chính trị, kinh tế, ngoại giao để khỏa
lấp những hệ lụy chính quyền quân sự gây ra. Có nhiều lý do để tin rằng thời
gian tới, kịch bản 1990 sẽ khó tái diễn tại đất nước vốn chịu ảnh hưởng của
chính quyền độc tài quân sự suốt 50 năm. Cuộc bầu cử cách đây hơn hai thập niên
diễn ra trong bối cảnh không có nhiều dấu hiệu của sự nhượng bộ quyền lực của
chính quyền quân sự. Trong khi đó, rõ ràng cuộc bầu cử tại Myanmar 2015 chỉ là
một dấu mốc sau rất nhiều thành quả mang tính hệ thống suốt gần năm năm qua.
Còn nhớ trong chuyến thăm lịch
sử của ông Thein Sein đến Mỹ vào năm 2013, hai năm sau khi ông cầm quyền và đưa
ra nhiều chính sách cải tổ nội các Myanmar, Thein Sein nói với Obama và cả thế
giới rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quay đầu trở lại”. Khẳng định của Thein
Sein càng có ý nghĩa bởi trong suốt 47 năm trước đó, không một lãnh đạo Myanmar
nào thăm Mỹ và đề cập đến vấn đề cải tổ. Trước chuyến thăm Mỹ một năm, Thein
Sein cũng đã cam kết trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York rằng
“Myanmar đang trên tiến trình (cải cách) và sẽ không quay đầu trở lại”.
Được cả Mỹ và nhiều quốc gia
khác trên thế giới ủng hộ, Thein Sein thận trọng tiến hành cải cách, như việc
thả tù nhân chính trị, trong đó có bà Aung San Suu Kyi - người bị quản thúc tại
gia trong suốt gần hai thập niên trước; mở cửa thị trường, mời chào nhà đầu tư
nước ngoài, cải cách luật doanh nghiệp; sửa đổi luật về đảng phái chính trị cho
phép bà Suu Kyi và đảng NLD cùng các đảng đối lập khác tham gia chính trị; tiến
hành đàm phán ngừng bắn với một số nhóm sắc tộc; nới lỏng kiểm duyệt báo chí
cũng như kiểm soát xã hội dân sự; cho phép những người bất đồng chính kiến cộm
cán quay về nước.
Một cách kiên trì, Thein Sein
vượt qua các cảnh báo “giảm quyền lực” từ các nhà phê bình chính trị theo
khuynh hướng bảo thủ tại Myanmar. Thậm chí năm 2014, khi nhiều người thuộc
chính quyền quân sự cảnh báo sự trỗi dậy quyền lực của Suu Kyi, người mạnh
miệng phê bình “tiến trình cải cách Myanmar đang bị trì trệ”, Thein Sein vẫn
đẩy mạnh quá trình cải cách và bầu cử 2015 không chỉ mang tính tức thời mà
Thein Sein có thể dễ dàng phá bỏ sau rất nhiều nỗ lực.
Chịu áp lực để cải cách thay vì cố vị
Những ai theo dõi quá trình
cải cách của Myanmar diễn ra kể từ khoảng 2011 đến nay không khỏi bất ngờ về
động lực cải cách. Hầu hết các chính quyền độc tài quân sự tiến hành cải cách
tích cực chỉ khi “có biến”, tức có áp lực từ bên trong (nội chiến, đảo chính,…)
hay có thể từ bên ngoài (gia tăng áp lực cấm vận). Tuy nhiên, chế độ độc tài
quân sự tại Myanmar đột nhiên thay đổi cách thức quản lý dù dường như không có
các áp lực rõ ràng.
Thậm chí quá trình cải cách
được tiến hành bởi chính Tổng thống Thein Sein, vốn là thành viên chủ chốt của
chính quyền quân sự. Hơn nữa tại thời điểm cải cách, Thein Sein chỉ vừa nhậm
chức, vẫn đang yên vị trên ghế tổng thống, không có những dấu hiệu bị đe dọa
quyền lực đáng báo động hoặc mang tính cấp bách từ nội bộ quốc gia hoặc từ các
quốc gia khác. Ngoài ra, các chiến lược cải cách của Thein Sein đưa ra còn làm
gia tăng nhiều áp lực trong nước lẫn quốc tế mà hơn ai hết, chính ông phải đối
mặt và giải quyết.
Trong số rất nhiều áp lực điển
hình mà Thein Sein phải đối mặt phải kể đến phản ứng mạnh mẽ từ phía đảng đối
lập và các nhóm chính trị; sự phản đối của một bộ phận không nhỏ những người
không muốn từ bỏ chính quyền quân sự với nỗi ám ảnh đảo chính và bạo loạn; bạo
động đẫm máu giữa các nhóm sắc tộc trong nước; sự giám sát gắt gao của Mỹ và
phương Tây; việc “đắc tội” với Trung Quốc khi quan hệ Myanmar-Trung Quốc đã nới
lỏng đáng kể từ sau khi Myanmar trở nên cởi mở hơn với Mỹ và phương Tây.
Việc Thein Sein đổi quyền lực để đưa Myanmar vào một
quá trình cải cách dân chủ; hay như sự kiện đảng cầm quyền sẵn sàng lên tiếng
“chúng tôi đã thất bại” trước đảng của bà Suu Kyi và nhiều động thái cải cách
khác của chính quyền Thein Sein tưởng chừng khó có thể lý giải về mặt lợi ích
của chế độ cầm quyền tại Myanmar. Tuy nhiên, ở góc độ đạo đức của một nhà lãnh
đạo, thiết nghĩ Tổng thống Thein Sein chính là một động lực quan trọng cho
những gì đang diễn ra đến lúc này tại Myanmar.
“Tôi làm điều
dân muốn”
Sinh ra tại một ngôi làng
nhỏ ở vùng đồng bằng sông Irrawaddy ở Myanmar, Thein Sein xuất thân từ một
gia đình rất khiêm tốn. Cả cha mẹ của ông đều là nông dân. Sau khi tốt nghiệp
Học viện Quân sự Myanmar năm 1968, Thein Sein thăng tiến liên tục trong suốt
hơn 40 năm sau đó, đỉnh điểm là trở thành tổng thống Myanmar. Năm 2007, Thein
Sein đảm nhiệm vị trí thủ tướng Myanmar, trước khi trở thành tổng thống
Myanmar vào năm 2011. Các cải cách mà Thein Sein đưa ra được chính ông lý
giải trên BBC rằng: “Chúng tôi không phải đang tiến hành cải cách những thứ mà
cá nhân tôi mong muốn. Chúng tôi đang đáp lại những gì mà người dân Myanmar
đang cần thay đổi. Thế nên số phận của tôi về sau sẽ phụ thuộc vào người dân
và những ước mong của họ”. Cho đến lúc này, ông Thein Sein đang thắng thế
trước các nghi ngờ về cải cách của mình.
|
ĐẠI THẮNG