(PLO)- Ngày 17-11, 12
công nhân bị chủ Trung Quốc đe dọa và đánh đã về tới Việt Nam trong vòng tay
của người thân.
14 giờ, người thân một số lao động đã có mặt tại nhà ga T2 sân bay Nội Bài
ngóng chờ người thân. Ngoài hành lang, anh Phùng Quốc Việt (con trai ông Nguyễn
Ngọc Trí, quê Thạch Thất, Hà Nội) tay bồng con, mắt chăm chú dõi theo dòng
người bước ra từ sảnh nhà ga. "Sao chưa thấy bố đâu cả...!" - anh
Việt lẩm bẩm và chạy lòng vòng hết cửa này đến cửa khác.
"Mấy hôm nghe tin chủ Trung Quốc đánh lao động Việt Nam ở Algeria tôi
và mẹ không đêm nào ngủ được cứ mong bố sớm về với gia đình... Hôm qua, nghe
tin bố về tôi và con đi đón nhưng ra đến sân bay không thấy bố. Tối về nhận
được tin nhắn 14 giờ hôm nay, bố mới về đến Việt Nam nhưng đến giờ vẫn chưa
thấy, tôi lo quá...".
14 giờ 45, 12 công nhân bước ra, những người thân không kìm được hạnh phúc.
Từng người ôm chầm lấy nhau, ông Nguyễn Ngọc Trì (45 tuổi) dang cánh tay ôm lấy
con và cháu của mình vào lòng, nước mắt ngắn dài nói: "Bố về rồi, không
sao nữa đâu...". Nói xong, ông đưa tay quẹt nước mắt, chia sẻ: "Chúng
tôi từ Algeria về đến Dubai, Bangkok (Thái Lan) vào chiều tối 16-11 nhưng do
thời gian ngắn không kịp mua vé đổi chuyển nên phải nhịn đói từ chiều qua đến
nay, vì anh em không còn đồng nào...".
Theo ông Trì, cuộc sống làm công nhân cho chủ Trung Quốc rất khổ sở, ăn
uống lúc có lúc không. Ngoài ra, hằng ngày công nhân còn bị chủ dọa đánh nếu
không chịu đi làm. Trong khi đó, mức lương và công việc chủ giao thì không đúng
với hợp đồng nên anh em phản ứng.
Anh Trần Xuân Thắng (quê Thanh Hóa) cho rằng từ tháng 7-2015 đến nay mỗi công nhân được chủ trả 6 triệu đồng/người. "Với khoản tiền chủ trả hơn 24 USD/tháng, chúng tôi không thể chấp nhận được nên đòi hỏi, khi đòi hỏi thì bị đánh... Từ ngày công nhân Việt Nam bị đánh, chúng tôi nơm nớp lo sợ. Giờ chúng tôi đã an tâm hơn khi trở về Việt Nam. Còn những công nhân bị thương nặng đã ra viện và đang làm thủ tục về Việt Nam" - anh Thắng chia sẻ và cho rằng lần đi xuất khẩu lao động này toàn bộ anh em ai cũng phải gánh nợ lớn từ ngân hàng.
Anh Trần Xuân Thắng bức xúc khi chủ Trung Quốc chèn ép lao động Việt Nam, không thực hiện đúng hợp đồng. |
Trước đó, cuối tháng 7-2015, 55 lao động Việt Nam được Công ty Simco Sông
Đà đưa sang tỉnh Khenchela (Algeria) làm việc tại công trường xây dựng do Công
ty TNHH Xây dựng Công trình Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) làm chủ thầu.
Hợp đồng ký kết giữa lao động và chủ sử dụng lương trả theo công nhật, mỗi
ngày làm tám giờ với mức lương 550 USD/tháng. Nếu làm thêm hai giờ/ngày, lao
động sẽ nhận được mức lương 650 USD/tháng. Tuy nhiên, sau một tháng thử việc,
chủ sử dụng áp định mức 21 m2/ngày đối với thợ trát và 14 m2/ngày đối với thợ ốp lát. Anh em công nhân không đồng ý vì phía chủ sử dụng
Trung Quốc ép khoán trong khi hợp đồng không có mục làm khoán. Không thống nhất
mức khoán nên ngày 15-9, các lao động Việt Nam đã nghỉ việc theo quy định để
chờ giải quyết.
Ngày 16-9, Công ty TNHH Đông Nhất Giang Tô có giấy triệu tập ông Đậu Hoàng
Anh lên tổng công ty làm việc nhưng công nhân sợ thắc mắc chưa được giải quyết
nên đề nghị ông Hoàng Anh không đi. Tối 16-9, khi các công nhân Việt Nam vừa ăn
cơm xong, một nhóm 40 công nhân Trung Quốc đến đánh ông Đậu Hoàng Anh, cán bộ
phụ trách lao động của công ty. Tiếp đó, hơn 200 công nhân Trung Quốc tay cầm
hung khí, gậy gộc lao vào tấn công, đánh lao động Việt Nam tới tấp.
Ngày 23-10, Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản yêu cầu Công ty
Simco Sông Đà khẩn trương đàm phán với đối tác để hoàn tất các thủ tục về nước
đối với những lao động muốn về.
Theo đó, các lao động Việt Nam sẽ được làm thủ tục và về nước. Hai bên đã
thỏa thuận thống nhất mức bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng lao động là 1.700
USD/lao động và chi phí mua vé máy bay về nước cho người lao động. Theo đó,
Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng tiền bồi thường hợp đồng và mua vé máy bay cho
người lao động về nước.
VIẾT LONG
Nguồn: Theo Pháp Luật Saigon