21 novembre 2015

Ứng phó với ma trận thông tin của Trung Quốc


Duy Chiến (thực hiện)
Không thể phủ nhận, bằng chiêu bài “sức mạnh mềm” Trung Quốc đã tạo ra một ma trận về thông tin, lập lờ về mặt bằng chứng lịch sử và pháp lý. Tuy nhiên không có nghĩa sức mạnh này sẽ giúp họ biến “không thành có”.


Thưa ông, tôi đã chứng kiến một học giả quốc tế nói rằng, ngư dân Việt Nam đã khai thác hải sản trên Biển Đông từ hàng ngàn năm qua, đó là thực tế chủ quyền không ai có thể tranh cãi được. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi và đặt vấn đề, nếu gọi vùng biển mà ngư dân Việt Nam đã khai thác từ hàng ngàn năm là “tranh chấp” thì thiệt thòi cho Việt Nam quá, vị học giả kia chỉ biết “cảm thông sâu sắc”. Ông chia sẻ thế nào về thực tế này?

NCS. Trần Hữu Thùy Giang: Cái được từ việc sử dụng “sức mạnh mềm” trong vấn đề này đối với Trung Quốc là hiện tại Trung Quốc đã biến những cái “không thành có”, dựng nên chủ quyền và sự tranh chấp tại vùng chủ quyền của Việt Nam và các nước khác ngay trên mặt trận truyền thông và nghiên cứu khoa học quốc tế.

Bằng các chiêu bài như đã nói ở trên, Trung Quốc đã tạo ra một ma trận về thông tin, lập lờ về mặt bằng chứng lịch sử và tính pháp lý, nhưng lại rất nhất quán về mặt quan điểm. Chính vì đầu tư bài bản cho mặt trận thông tin này nên quan điểm của họ được tiếp cận nhiều hơn, đồng thời tạo ra sự phân hóa trong dư luận quốc tế.

Có một chuyên gia đã trao đổi với tôi rằng, trong cuộc chiến về thông tin, cái hay của Trung Quốc là họ có thể ngang nhiên và trơ tráo nói về những hành động sai trái của họ trên Biển Đông như thể họ là người bị hại, vô can.

Một mặt họ dùng vũ lực để đe dọa, cưỡng ép, nhưng mặt khác lại dùng sức mạnh mềm để ve vãn đồng thời đầu tư cho các cây bút để nêu lên các quan điểm nghiêng hẳn, hoặc chí ít là phù hợp, với phía Trung Quốc. Chỉ cần dư luận thế giới cho rằng Trung Quốc đang “có tranh chấp chủ quyền với các nước trên Biển Đông” đã là thành công của họ trên mặt trận này, chưa cần nói đến các vấn đề khác.

Điều này cũng giải thích vì sao có những tuyên bố rất khôi hài, ngạo ngược của Trung Quốc mà cũng có số người tin hoặc hồ nghi như : “Trung Quốc đang bị các nước ức hiếp”, “Trung Quốc phản đối nước nhỏ bắt nạt nước lớn”…

Hoặc ngay như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm bất hợp pháp. Nhưng đến nay Trung Quốc vẫn rêu rao là “Việt Nam chiếm đảo, chiếm biển của Trung Quốc”! Ngay chính những học giả, nghiên cứu pháp luật đang nói lên sự thật, bảo vệ lẽ phải cũng phải gọi những khu vực đó là khu vực “tranh chấp”! Chính “sức mạnh mềm” do Trung Quốc đầu tư đã tạo nên hỏa mù, ma trận trắng đen lẫn lộn như vậy. 

Từ những quan sát, chứng thực trên đấu trường quốc tế, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để hóa giải “sức mạnh mềm” vô cùng nguy hiểm này?

NCS. Trần Hữu Thùy Giang: Ngoài những biện pháp mà Việt Nam đang thực hiện, thì việc chủ động cung cấp thông tin để dư luận quốc tế biết cũng là một biện pháp hữu hiệu và cần thiết.

Khó có thể đối chọi với Trung Quốc về mặt số lượng, cũng như về mặt tần suất, trên mặt trận thông tin, thế nhưng sự thật và bằng chứng xác đáng là vũ khí hiệu quả nhất bên cạnh lý lẽ.

Ví dụ như vụ tàu cá Đà Nẵng bị đâm chìm cách giàn khoan 981 17 hải lý ngày 26/5/2014, sau khi ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”, Trung Quốc bác bỏ và cho rằng do tàu cá Việt Nam va vào tàu Trung Quốc. Việc công bố kịp thời clip quay tại hiện trường đã vạch trần sự ngụy biện của Trung Quốc trong vấn đề này và là dịp để quốc tế hiểu đúng hơn bản chất của sự việc.

Quan sát các diễn đàn tại thời điểm đó, sẽ thấy nhiều bình luận chỉ rõ sự không minh bạch của Trung Quốc về thông tin trong vụ việc này. Nhiều người tỏ ra hồ nghi, thậm chí phản pháo các luận điểm của Trung Quốc đưa ra trước đó trong việc tranh chấp chủ quyền.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thể thông qua các kênh đối ngoại khác, như ASEAN và các quốc gia muốn đảm bảo lợi ích hàng hải quốc tế, để hạn chế các hành động của Trung Quốc. Cần nghiên cứu và vận dụng nhiều hơn vai trò của luật pháp quốc tế trong việc đấu tranh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trên lĩnh vực xuất bản và truyền thông quốc tế, Việt Nam cũng cần có nhiều hơn nữa những bài báo khoa học, những bài viết khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phản biện lại các quan điểm sai trái về vấn đề này và vạch rõ âm mưu cũng như hành động xâm hại chủ quyền.

Gần đây giới học giả của chúng ta đã tích cực tham gia viết và thảo luận về chủ quyền biển đảo. Số này tuy chưa nhiều nhưng đã chủ động hơn trên đấu trường học thuật. Việt Nam cũng cần phải kết nối các nhà nghiên cứu, học giả nước ngoài uy tín có thiện chí với Việt Nam, tôn trọng sự thật, lý lẽ và luật pháp quốc tế. Việc gắn kết các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để tạo sức mạnh đồng bộ là việc làm cần thiết, thực tế cho thấy mối liên hệ này còn rời rạc, do đó chưa phát huy được hết lợi thế trên mặt trận này.

Việc còn quá ít các bài viết, phản biện của Việt Nam liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, dẫn đến việc trích dẫn những quan điểm có lợi cho Việt Nam chưa dồi dào, trong khi (như tôi đã nói) việc trích dẫn các công trình xuất bản của Trung Quốc đã có sự chuẩn bị công phu, cho dù những ấn phẩm xuất bản đó không có lập luận hay căn cứ khoa học rõ ràng.

Tuần Việt Nam xin cảm ơn ông!

Duy Chiến (thực hiện)