(Quan điểm)
- Giáo sư sinh học Mỹ và chuyên gia quốc tế Anh đồng thời tố hoạt động phi pháp
của Trung Quốc ở Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng tới môi trường.
Trong ngày thứ 3 của Phiên điều trần tại
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan về vụ kiện của
Philippines với Trung Quốc, các chuyên gia độc lập từ Anh, Mỹ đã khẳng định
sự tàn phá môi trường trong các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo đó, Giáo sư sinh học Ken Carpenter
thuộc Trường ĐH Hawaii (Mỹ) kết luận hoạt động Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi
pháp gây hại nghiêm trọng cho môi trường biển Đông, thiệt hại đối với hệ
sinh thái rạn san hô gần mức thảm họa.
Chuyên gia luật quốc tế Alan Boyle của
Trường Luật Edinburgh (Anh) nhấn mạnh các hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã
tàn phá nặng nề hệ sinh thái biển, nhất là rạn san hô, sự đa dạng sinh học và
sinh vật ở biển Đông.
Hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông phá hoại nghiêm trọng môi trường biển. |
Chuyên gia này cho rằng, những hoạt động
nguy hại của Trung Quốc như đánh cá bằng thuốc nổ hay cyanide, khai thác các
loài có nguy cơ tuyệt chủng đang vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS).
Ngoài ra, một loạt sự cố suýt va chạm giữa
tàu Hải quân Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trong
tháng 4 và tháng 5/2012 cũng được chuyên gia này nhắc đến. Theo ông Boyle,
những hành động như vậy cho thấy Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế
liên quan đến an toàn hàng hải.
Chuyên gia này cảnh báo hành vi của Trung
Quốc sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng tới môi trường hàng hải trên biển Đông nếu
không bị ngăn chặn.
Trước đó, tại Việt Nam, trong bài viết của
hai tác giả James Borton là hội viên không thường trú tại Trung tâm nghiên cứu
quốc tế Sài Gòn - Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và Phó
giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi là Chủ tịch Hội thiên nhiên và môi trường biển
Việt Nam cho rằng việc cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
đã chạm đến ranh giới của thảm họa.
"Kể từ năm 2010, trữ lượng thủy sản ở
quần đảo Trường Sa và vùng phía Tây của Biển Đông đã giảm tới 16%.
Khoảng 300 triệu người dân đang sống dựa
vào các nguồn tài nguyên biển của Biển Đông; nếu như Trung Quốc tiếp tục các
hoạt động của họ, nguy cơ về sự bất ổn kinh tế trên quy mô lớn sẽ ngày càng
tăng", các tác giả nhận định.
Đồng thời, Trung Quốc cũng thực hiện việc
đánh bắt cá quá mức mang tính hủy diệt, làm suy giảm hệ sinh thái biển và đe
dọa các loài có nguy cơ tuyệt chủng, như rùa biển, cá mập, trai tai tượng.
Cùng với đó, các hoạt động cải tạo của
Trung Quốc đang gây nguy hiểm cho nguồn tài nguyên cá, đe dọa đa dạng sinh học
biển, tạo ra mối đe dọa lâu dài đối với đời sống của một số loài sinh vật biển
điển hình nhất.
"Hàng nghìn rặng san hô, thảm cỏ
biển, các hệ sinh thái ngập nước khác đang bị phá hủy và chôn vùi một cách
nhanh chóng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đẩy nhanh các hành động tuyên bố
chủ quyền của họ đối với Biển Đông.
Hoạt động cải tạo đảo đã làm suy giảm mối
liên hệ sinh học giữa quần đảo Trường Sa với Biển Đông, cắt đứt nguồn cung cấp
dinh dưỡng mà các hệ sinh thái này phải dựa vào để tồn tại", bài viết nhấn
mạnh.
Hải sâm chết hàng loạt, dạt vào bờ biển Phú Quốc. |
Bên cạnh đó, liên quan tới việc hàng loạt
hải sâm chết, trôi dạt vào bờ biển Phú Quốc, ông Vũ Đình Đáp – nguyên Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) lý giải:
Trung Quốc đang biến những bãi chìm thành bãi nổi bằng việc hút cát từ đáy đại
dương bồi đắp vào. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc xáo trộn môi trường sống
dưới đáy đại dương.
Khối lượng cát hàng chục, hàng trăm triệu
tấn dưới đáy đại dương bị Trung Quốc hút lên phục vụ cho việc cải tạo đảo. Theo
quán tính thì cát ở những nơi khác phải khỏa lấp vào chỗ trống đó. Chính điều
này khiến cho môi trường sống thay đổi dẫn đến hệ sinh thái, đời sống của sinh
vật biển cũng thay đổi theo.
Cúc Phương (Tổng hợp)
Nguồn: Theo Báo Đất Việt