31 mars 2015

Bauxite Tây Nguyên lỗ nặng minh chứng 'sập bẫy' Trung Quốc?

Phương Nguyên (tổng hợp)


- Nhà máy tại Tân Rai có thể lỗ khoảng 460 tỷ đồng trong 3 năm đầu, trong khi con số ở Nhân Cơ là 3.000 tỷ cho 6 năm.

Các dự án bauxite hiện đang có nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt, nếu không có những biện pháp giải quyết kịp thời thì mức độ rủi ro này sẽ ngày càng gia tăng.

Lời cảnh báo này hơn một lần được các chuyên gia nhắc tới. Tại buổi tọa đàm do Trung tâm Thiên nhiên và con người (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN) vừa tổ chức ngày 28/3 giới chuyên môn lại tiếp tục bày tỏ lo lắng này.


Theo đó, tờ Tuổi trẻ dẫn lời chuyên gia cho rằng chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã "sập bẫy" của nhà thầu Trung Quốc.

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng chỉ ra cái gọi là 'sập bẫy' đó chính là việc TKV đã bỏ qua việc thuê tư vấn làm hồ sơ mời thầu, thiết kế kỹ thuật, đánh giá hồ sơ. Tuy nhiên, trường hợp này TKV đã tự mình làm mọi thứ.

Trên lý thuyết, khi TKV tự làm thì sẽ tiết kiệm chi phí tư vấn, tức khoảng 5% tổng giá trị gói thầu, tương đương 695 tỉ đồng. Nhưng trên thực tế, TKV đã công bố phí quản lý và tư vấn dự án lên gần 800 tỉ đồng.

Ông Sơn cho rằng: “TKV đã tự mình mắc lừa, tự sập bẫy của chính mình. Tưởng làm lấy sẽ rẻ, nhưng cuối cùng lại không rẻ".

Lời cảnh báo về thua lỗ của
hai dự án bauxite Tây Nguyên
đang dần thành hiện thực

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban alumin Tổng công ty Khoáng sản VN, cho rằng Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp. Nhưng sau khi bỏ thầu xong, được VN chọn để ký EPC, giá hợp đồng lại tăng lên.

Đặc biệt, theo ông Ban, công nghệ Trung Quốc tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến.

Với thực thu alumin theo công nghệ Trung Quốc thiết kế chỉ đạt 85% trên quặng tinh, trong khi công nghệ tiên tiến 87%, theo ông Ban, với công suất 630.000 tấn/năm, tổn thất lên tới 40 triệu USD/năm.

Và cũng chính cái sự 'rẻ' ấy có thể khiến Tân Rai 'chết' vì các thiết bị trên dây chuyền công nghệ không như mong muốn.

Trên thực tế thời gian qua giới chuyên môn cảnh báo nhiều về việc thua lỗ từ hai dự án này. Cụ thể, năm 2013, tỉ lệ thua lỗ là 20%. Năm 2014 tăng lên thành 21%.

Riêng năm 2015 thì dự tính là lỗ 14% với điều kiện sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch. Nếu không đủ sản lượng này thì tỉ lệ thua lỗ cũng không giảm nhiều.

Theo PGS.TS Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch LHH Việt Nam: cần thành lập các hội đồng khoa học độc lập, bao gồm các chuyên gia sâu về công nghệ, các nhà kinh tế, kể cả kinh tế giao thông vận tải, kinh tế môi trường...để đánh giá một cách nghiêm túc khách quan độc lập toàn bộ quá trình thực hiên hai dự án này.

"Đánh giá những khó khăn và tồn tại trên cơ sở làm việc với các chuyên gia và các nhà quản lí dự án một cách công khai, minh bạch.

Trên cơ sở kiến nghị của các hội đồng Chính phủ sẽ xem xét thêm các yếu tố khác để quyết định cần làm tiếp hay không. Đó sẽ là quyết định rất khó khăn: làm cũng dở, mà không làm cũng dở. Trong hai cái dở ấy phải chọn ra cái đỡ dở hơn mà thôi", PGS Hồ Uy Liêm nói.


Phương Nguyên (tổng hợp)


Nguồn: Theo Báo Đất Việt