Nguyenthituhuy
Sun, 03/01/2015
Hôm nay, chủ nhật ngày 1/3/2015, hàng chục nghìn người
Nga đã xuống đường để tưởng nhớ và vinh danh Boris Nemtsov, lãnh tụ của phái
đối lập với Putin, vừa bị ám sát tối thứ sáu rạng ngày thứ bảy vừa qua. Theo
báo Le Monde, con số mà ban tổ chức cung cấp là 70 000 người, còn cảnh sát công
bố con số là 16 000 người. Cũng chiều hôm nay, đáp ứng lời kêu gọi của Hiệp hội
Nước Nga Tự do, ở Paris có khoảng vài chục người tuần hành yêu cầu một cuộc
điều tra quốc tế độc lập để tìm cho ra thủ phạm thực sự.
Báo chí và truyền hình quốc tế tràn ngập hình ảnh vị thủ lĩnh đối lập hàng
đầu tại Nga với những phát ngôn, hành động mạnh mẽ. Chính Boris Nemtsov, ba giờ
trước khi chết đã kêu gọi phải tiến hành cuộc biểu tình rầm rộ vào ngày 1 tháng
3 để tố cáo tình trạng quản lý kém cỏi của điện Kremlin đã khiến cho kinh tế
Nga khủng hoảng trầm trọng, và tố cáo Putin đã « tấn công Ukraina ».
Các giả thiết về vụ ám sát được đưa ra, trong đó giả thiết về một vụ ám sát
chính trị được nhấn mạnh và đặt lên hàng đầu. Nhiều cựu quan chức Nga cho rằng
có thể sẽ không tìm thấy thủ phạm của cuộc ám sát này, nếu đây là một vụ ám sát
chính trị. Và nhiều người Nga đã nêu thẳng tên Putin. Theo trích dẫn của Le
Monde, vận động viên cờ vua Garry Kasparov nói trên trang twitte của mình như
sau : « Việc biết được liệu có phải Putin đã ra lệnh ám sát Boris
Nemstsov hay không chưa phải điểm cốt yếu thực sự. Mà điều cốt yếu chính là sự
độc tài của ông ta. Là chiến dịch truyên truyền bất tận của ông ta về những kẻ
thù của Nhà nước ».
Bản thân Boris Nemtsov đã nói đến nguy cơ bị ám sát. Le Monde nhân dịp này
đăng bài : « Cái chết của Nemtsov kéo dài thêm danh sách các vụ ám
sát chính trị ở Nga », điểm lại tên hàng chục trí thức đối lập bị
ám sát dưới thời Putin, kể từ năm 2006, ở trong và ngoài nước Nga.
Còn Putin tuyên bố rằng vụ ám sát này mang tính khiêu khích và nhằm đẩy
nước Nga vào tình trạng rối ren.
Cá nhân tôi, người viết bài tường thuật này, thấy gì qua sự kiện này ?
Người Nga, thế hệ này qua thế hệ khác, người này đến người khác, sẵn sàng
trả giá cho tự do của họ, cái tự do mà họ biết là rất khó khăn mới có thể có
được, nhưng họ cũng biết rằng nó đáng cho họ trả giá vì nó.
Đó là điều có thể nhận ra từ danh sách những vụ ám sát chính trị trong
những năm gần đây, và từ vụ ám sát Boris Nemtsov.
Đó là điều có thể đọc được trên những tấm biểu ngữ của những người xuống
đường hôm nay : « Ông chết cho tương lai của nước
Nga », « Tôi không sợ », « Ông đã đấu tranh cho một
nước Nga tự do ».
Tình cờ, cách đây một tuần, trong đám cưới một người bạn Nga, đám cưới đồng
tính đầu tiên mà tôi tham dự, tôi có dịp tiếp xúc với một nhóm thanh niên Nga.
Tôi kể với họ rằng tuổi thơ tôi tràn đầy nước Nga : tôi đọc sách Nga, nghe
nhạc Nga, xem tranh Nga, tuy nhiên đáng tiếc là tôi chưa có dịp nào sang nước
Nga. Cô dâu, một cô gái bé nhỏ, rắn rỏi, khoảng ngoài 20 tuổi, nói rằng :
« Bạn đừng sang bây giờ, không tốt, bạn hãy đợi một thời gian nữa, chúng
tôi đang đấu tranh cho một nước Nga mới, một nước Nga tự do, lúc đó bạn hãy đến
với chúng tôi. » Cô ấy nói điều đó một cách giản dị, tự nhiên, như là một
điều gì đó rất bình thường, như là không khí cô ấy đang thở.
Bao giờ những người khao khát tự do và dân chủ ở Việt Nam sẽ nói một cách
tự nhiên như vậy : « Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do,
cho một nước Việt Nam mới.» ?
Bao giờ những người đang vận động cho tự do và dân chủ ở Việt Nam tự nhận
rằng họ là những người đối lập chính trị ?
Chỉ lúc nào hình thành được một phong trào đối lập chính trị một cách mạnh
mẽ, chỉ lúc nào thanh niên Việt Nam không còn sợ hai chữ « đấu
tranh » và thực hiện nó trong các hành vi hàng ngày, thì lúc đó mới có thể
bắt đầu có những thay đổi trong xã hội Việt Nam.
Paris, 1/3/2015
Nguyễn Thị Từ Huy