17 juillet 2015

BÀN VỀ “TAN SƯƠNG ĐẦU NGÕ”


 


"Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời".
 
Đó là câu lẫy Kiều mà Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc trong buổi chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 7 tháng 7. Câu này đã được nhiều người bình luận. Tôi chỉ xin góp một vài suy nghĩ cá nhân, hầu mong trao đổi để hiểu thêm quan hệ Việt Mỹ.
 
Từ năm 1941 Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến quan hệ với Mỹ. Việt Minh đã giúp cứu thoát nhiều phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi. Mỹ đã thả dù chuyên gia và nhiều khí tài quân sự giúp đội quân của Võ Nguyên Giáp. Đã thành lập đội Liên quân Việt Mỹ do Đàm Quang Trung chỉ huy và nhóm Con Nai của OSS, gồm các chuyên gia quân sự và tình báo Mỹ. ( VTV1 đã chiếu phim tài liệu về việc này tối ngày 3 và sáng ngày 5 tháng 7 nhân ngày Độc lập của Mỹ 4 tháng 7 và kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Mỹ ). Sau CM tháng 8- 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu Tuyên ngôn độc lập bằng cách trích dẫn tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ và liên tiếp gửi thư cho tổng thống Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ. Thế nhưng Liên quân Việt Mỹ bị giải tán ở Thái nguyên, mọi chuyên gia của Mỹ bị rút về nước, các thư của Hồ Chủ tịch không được trả lời, quan hệ không thiết lập được. Tại sao quan hệ đang tốt đẹp bỗng dưng bị ngưng lại. Và rồi quan hệ bỗng trở nên tồi tệ đến mức khi nghĩ lại nhiều người có lương tri đều ân hận. Cuối cùng thì đến lúc phải quên đi quá khứ để hướng tới tương lai, để tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Về việc này mỗi bên giải thích theo mỗi cách khác nhau. Bên nào cũng chủ yếu tranh phần chính nghĩa về mình và đổ lỗi cho bên kia. Chúng ta ước ao có những nhà nghiên cứu lịch sử thật sự trung thực, thật sự khách quan, thật sự sáng suốt, thu thập đầy đủ chứng cứ để giải thích đúng sự thật đã xẩy ra. Tôi cũng tìm hiểu nhưng không thu thập được đầy đủ chứng cứ, chỉ xin trao đổi một số thông tin có hạn và chủ yếu là những liên hệ, những suy luận lôgic. Tôi đặt ra những câu hỏi và tự trả lời ( TL ).

Hỏi : Quan hệ giữa Việt Minh và Mỹ từ 1942 rất tốt đẹp , nhưng tại sao sau CM tháng 8 -1945 thì quan hệ đó xấu đi, tại sao Tổng thống Mỹ không trả lời thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh .

TL : Từ năm 1942 đến 1945 khi Mỹ giúp Việt Minh là giúp một lực lượng đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Nhưng sau CM tháng 8 Mỹ phát hiện ra Việt Minh là một tổ chức theo cộng sản, mà cộng sản nêu khẩu hiệu và chủ trương “ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Trong CNTB thì Mỹ đứng đầu, vậy thì Mỹ không dám tiếp tục chơi và ủng hộ Việt Minh được. Mỹ không ưa gì cộng sản nên năm 1943 Stalin đã buộc phải giải tán tổ chức Quốc tế cộng sản (Quốc tế đệ tam ) để Mỹ mở mặt trận thứ 2, đánh phát xít Đức từ phía Tây.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng biết Mỹ không ưa gì cộng sản nên ngày 11 tháng 11 năm 1945 đã theo gương Stalin mà tuyên bố giải tán đảng cộng sản. Nhưng Stalin tuyên bố giải tán Quốc tế 3 là giải tán thật còn Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng cộng sản chỉ là để đánh lừa dư luận. Tình báo Mỹ nhanh chóng phát hiện ra đảng CS đã rút vào hoạt động bí mật chứ không thật sự giải tán. Tổng thống Truman không trả lời thư của Hồ Chí Minh vì không muốn ủng hộ thế lực cộng sản, hơn nữa Mỹ đã phát hiện ra sự dối trá trong việc giải tán đảng cộng sản. Một điều bất tín, vạn sự bất tin.

Hỏi: Tổng thống Mỹ ( TT) Roosevelt, vào năm 1943, tại hội nghị Tam Cường có tuyên bố là sau chiến tranh sẽ trả độc lập cho các nước thuộc địa của Pháp, tại sao TT kế nhiệm là Truman không thực hiện, phải chăng Truman không biết tuyên bố đó.

TL: TT Truman có biết tuyên bố đó của TT Roosevelt. Truman cũng biết là vào tháng 4 năm 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim đã tuyên bố Việt nam độc lập, thoát khỏi ách nô lệ của Pháp. Chính phủ Mỹ chưa kịp công nhận thì Việt Minh đã cướp chính quyền. Nếu như Việt Minh cũng công nhận Việt nam đã tuyên bố độc lập, không lợi dụng sự đầu hàng của Nhật để cướp chính quyền mà hợp tác với chính phủ Trần Trọng Kim và Việt minh thực sự ly khai với CS thì rất có thể Việt nam đã nhận được sự công nhận của Mỹ và nhiều nước khác. Từ 1945 đến 1953 Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp.

Hỏi : Từ đâu mà Mỹ trở thành kẻ thù số một của VN, gây ra cuộc chiến tàn khốc cho cả 2 bên.

TL : Mỹ trở thành kẻ thù của VN đầu tiên là từ nhận thức vào năm 1950, sau khi Hồ Chí Minh gặp gỡ Mao Trạch Đông và Stalin để xin viện trợ và sự chỉ đạo. Đó là kết quả suy luận từ ý thức hệ về đấu tranh giai cấp. Trong cuộc đấu tranh sinh tử này phải tìm ra kẻ thù số 1. Theo Mao và Xit thì kẻ thù ấy chính là đế quốc Mỹ, là kẻ thù của giai cấp vô sản toàn thế giới mà VN có vinh dự là tiền đồn của phe XHCN, VN phải dương cao ngọn cờ chống Mỹ. Thế rồi từ năm 1954, khi hỗ trợ Ngô Đình Diệm trực tiếp chống cộng sản tại Miền Nam VN thì Mỹ, từ kẻ thù trong nhận thức đã trở thành kẻ thù thực sự.
Trong thời kỳ trước 1990, phe XHCN cho rằng phải ngăn chặn và tiến tới tiêu diệt đế quốc mà đầu sỏ là đế quốc Mỹ, đó là vì hạnh phúc, vì tương lai của nhân loại. Ngược lại phe Mỹ cho rằng vì hạnh phúc, vì tương lai của nhân loại thì phải ngăn chặn và tiến tới xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản. Hai phe xem nhau là kẻ thù không đội trời chung. Trong cuộc chiến tranh tại VN những năm 1960-1973, Hà nội cho rằng đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược VN, Mỹ lại cho rằng đó chỉ là Mỹ giúp đồng minh Sài gòn chống lại cuộc xâm lược của cộng sản . Những nhận định trên đây ai đúng ai sai, đúng sai đến mức độ nào rồi lịch sử nhân loại sẽ phán xét. Mỹ và cộng sản là kẻ thù của nhau trong một thời gian, đó là sự thật mà cả hai bên đều công nhận. Nhưng giữa Mỹ và cộng sản thì ai mới thực sự đã mang lại tai họa cho một phần của nhân loại thì gần như đã có câu trả lời.

Hỏi : Mỹ đã quyết tâm ngăn chặn cộng sản, nhưng tại sao lại thân thiện với VN khi biết VN vẫn duy trì chế độ CS.

TL : Mỹ nói ngăn chặn cộng sản là vì nhân loại nhưng trước hết là vì quyền lợi dân tộc. Trước đây Mỹ thấy sức mạnh của CS rất đáng sợ, nó có thể lây lan rất nhanh, nếu không kiên quyết ngăn chặn sớm và từ xa thì rồi có khi nó lan gần đến mình, hại đến mình. Thế nhưng rồi Mỹ cũng phát hiện ra bị nhầm, cộng sản không đáng sợ như họ tưởng, cộng sản chỉ lôi kéo được vài nước kém phát triển , hiện tại chỉ còn sức kìm hãm sự tự do dân chủ trong từng nước chứ không còn sức truyền bá rộng ra, và rồi phe cộng sản sẽ tự sụp đổ vì những mâu thuẩn nội tại. Thế thì chung sống hòa bình với CS sẽ có lợi hơn là tốn công, tốn của để ngăn chặn nó. Trong cuộc chiến VN, Mỹ rút quân về, để mất Miền Nam cho CS thì có lợi lâu dài cho Mỹ hơn là tiếp tục cuộc chiến. Mỹ quan hệ bình thường với Hà nội cũng chủ yếu là vì quyền lợi của Mỹ chứ không phải vì Hà nội đã là người bạn tốt đáng tin cậy của họ.

Hỏi : Tại sao lại nói Hà nội chưa phải là bạn tốt đáng tin cậy của Mỹ, vậy đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Mỹ hiện tại, nhất là sau chuyến thăm của TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng.

TL : Quan hệ bạn bè giữa các nước cũng như quan hệ bạn bè giữa những con người, có bạn sơ, bạn thân, bạn tâm giao, bạn học, bạn chiến đấu ( cùng chiến hào, cùng sinh tử ), bạn đồng tộc, đồng hương, bạn cùng buôn bán, cùng làm ăn, bạn rượu bia, bạn xem bóng đá v.v…Một bạn tốt, đáng tin cậy phải là người có cùng chí hướng, cùng quan điểm, đã được thử thách qua thời gian và những sự cố bất thường. Thử hỏi tình bạn của Mỹ với Sài gòn trước đây và với Hà nội bây giờ thì Mỹ thân với ai hơn. Nhưng rồi tại sao Mỹ lại bỏ rơi Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Là bởi vì bản thân Diệm và Thiệu không làm vừa lòng Mỹ, kẻ thì gia đình trị, người thì tham nhũng, bất lực. Một tình bạn tốt phải được xây đắp từ hai phía. Anh là bạn làm ăn với tôi trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi nhưng anh theo chủ thuyết CS, cho rằng sớm muộn gì cũng phải xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ tư hữu , còn tôi là nhà tư sản, tôi muốn giữ tư liệu sản xuất và tài sản để truyền cho con cháu, hơn nữa anh có chủ thuyết “đào mồ chôn tư bản”, thế thì chúng ta hợp tác với nhau chỉ tạm thời, hợp tác làm ăn mà luôn đề phòng nhau, rình mò nhau thì làm sao có thể thật lòng khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Hơn nữa anh kiên quyết theo chủ thuyết CS, mà tôi thừa biết CS tồn tại được là nhờ sự tuyên truyền dối trá, thế thì làm sao tôi có thể tin cậy anh hoàn toàn. Một câu châm ngôn trong tình bạn là : “Muốn có bạn tốt thì trước hết mình phải là bạn tốt”.

Sau 1975, đáng lẽ có thể lập lại quan hệ bình thường với Mỹ sớm hơn, nhưng vì ý thức hệ ngăn cản mà đến 1995 mới tiến hành. Sau 20 năm, quan hệ Việt Mỹ ngày càng tốt hơn, đặc biệt sau chuyến thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Về hình thức bên ngoài hai nước đã có tầm nhìn chung về nhiều vấn đề. Đã “Tan sương đầu ngõ”, nhưng xin chớ nhầm lẫn giữa tan sương đầu ngõ và hòa thuận, ngăn nắp trong nhà hay là giữa đối ngoại và đối nội.

Theo tôi giữa đối ngoại và đối nội thì đối nội quan trọng hơn, quyết định hơn. Đối ngoại là nhằm phục vụ cho đối nội. Cả đối ngoại và đối nội đều là phương tiện mà mục đích là tự do và hạnh phúc của nhân dân. Tan sương đầu ngõ chỉ là điều kiện thuận lợi cho đối ngoại. Quan trọng hơn là sự hòa thuận và ngăn nắp trong nhà, là xây dựng nhà nước pháp quyền, là tự do hạnh phúc, là nhân quyền cho toàn dân. Mỹ biết Hà nội đang theo cộng sản mà vẫn chơi, đó là vì sự văn minh, lịch sự, người ta tôn trọng sự khác biệt về chính kiến, anh đi đúng đường thì nhân dân anh được nhờ, anh đi sai đường thì nhân dân anh phải chịu, tôi không can thiệp, không chống đối. Điều đó không có nghĩa là Mỹ cho rằng cộng sản là tốt, là nên theo. Trước sau Mỹ vẫn cho rằng chủ nghĩa cộng sản là tai họa của nhân loại.

Trước khi đi thăm Mỹ ông Nguyễn Phú Trọng được tiếng là người kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê nin, kiên trì đường lối XHCN, chống lại thể chế tam quyền phân lập. Trong quá trình thăm Mỹ làm tan sương đầu ngõ không nghe ông đề cập đến các vấn đề trên. Sau khi thăm Mỹ về không biết ông có chuyển biến gì không. Bauxite ngày 12 tháng 7 đăng bài của Hạ Đình Nguyên, trong đó có liên hệ cuộc đi thăm Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng gọi nhớ về sự thay đổi tư duy chính trị “viết lại báo cáo”của cố TBT Tường Chinh, tạo nên bước ngoặt quan trọng của giai đoạn lịch sử từ ĐH VI của Đảng. Rất nhiều người đang mong chờ và theo dõi. Trong phép tu luyện thường hay dùng khái niệm “NGỘ” để chỉ trạng thái bổng nhiên nhận ra một điều quan trọng nhân gặp một tình huồng nào đó mà từ lâu không biết. Nếu nhân sự kiện tan sương đầu ngõ mà ông Trong ngộ ra được chân lý của thời đại để tự đổi mới như ông Trường Chinh trước đây thì trước hết là hạnh phúc cho ông, sau nữa sẽ mang lại đổi mới cho ĐH XII sắp tới của Đảng, mang lại điều tốt lành cho Đảng, cho dân tộc. Còn nếu tuy sương đầu ngõ tạm tan mà trong nhà vẫn lục đục, vẫn lộn xộn thì chẳng mấy chốc khói bụi sẽ bao trùm và nhà có nguy cơ sụp đổ. Thế thì tan sương đầu ngõ chỉ có tác dụng tạm thời mà thôi.




Nguồn: Theo Facebook Nguyễn Đình Cống