17 juillet 2015

Căng thẳng leo thang tại biên giới Tây Nam


Ảnh chụp tại hiện trường vụ xung đột giữa người Việt Nam và Campuchia ở biên giới hai nước hôm 28/6/2015 (Ảnh: VO
CTV Danlambao - Quân đội Việt Nam đã được triển khai đến An Giang và và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nơi có đường biên giới giáp với Campuchia.

Những người dân sống tại An Giang cho biết, từ nhiều ngày nay, máy bay quân sự liên tục tuần tra trên bầu trời với cường độ cao. Dưới mặt đất, xe quân đội cũng được thấy với số lượng gia tăng đáng kể.


Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại biên giới Tây Nam ngày càng trở nên nóng bỏng.

Xung đột tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang)?

Theo người dân địa phương, tối ngày 14/7/2015, một nhóm người từ hướng Campuchia đã tràn qua cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đập phá các cột mốc biên giới.

Đến sáng ngày 15/7/2015, trật tự đã được vãn hồi sau một đêm xung đột bạo lực. Nguồn tin cho biết đã xảy ra thương vong, nhưng Danlambao không thể có điều kiện kiểm chứng thêm chi tiết.

An Giang là tỉnh có đường biên giới kéo dài gần 100km, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo, Kandal của Campuchia. 

Các hoạt động quân sự đã được bắt đầu từ hơn nửa tháng nay, sau đó tiếp tục gia tăng với cường độ lớn hơn trong 1 tuần gần đây. 

Tối ngày 16/7/2015, máy bay quân sự được nói đã liên tục tuần tra suốt đêm.

Rút ra bài học từ năm 1979, quân đội Việt Nam có lẽ không muốn để rơi vào tình trạng bất ngờ.

Điều này cũng đã được thượng tướng Ngô Xuân Lịch - chủ nhiệm tổng cục chính trị nhấn mạnh trọng một hội nghị hồi đầu tháng 7/2015.

Bộ ngoại giao: Chuyển vũ khí là tin 'không xác thực'

Trong một diễn biến gây nhiều chú ý, vào ngày 14/7/2015 vừa qua, bộ trưởng nội vụ Campuchia Sar Kheng đã triệu tập 400 quan chức các tỉnh giáp biên giới Việt Nam tham dự một cuộc họp tại Phnom Penh. 

Ông Sa Kheng chỉ đạo các quan chức phải ‘giữ nguyên hiện trạng’ tại khu vực biên giới vốn đang căng thẳng.

Còn tại Việt Nam, để trấn an dư luận, người phát ngôn bộ ngoại giao Lê Hải Bình cũng lên tiếng bác bỏ thông tin nói rằng quân đội đang vận chuyển khí tài vào miền Nam.

Về những bức ảnh chụp lại cảnh hàng loạt thiết giáp, trọng pháo đang được xe lửa đưa qua đèo Hải Vân, ông Bình không giải thích gì thêm mà chỉ kết luận đó là những thông tin ‘không xác thực’  

Sau khi xảy ra cuộc đụng độ hôm 28/6/2015 khiến 20 người bị thương, Việt Nam và Campuchia cũng đã có một số cuộc gặp cấp cao nhằm xoa dịu tình hình.

Dù vậy, các cuộc họp kín, thường kéo dài nhiều ngày giữa hai bên đã không mang lại một kết quả rõ rệt.  Điều này khiến người ta lo ngại về việc có sự tác động đằng sau của bàn tay Trung Cộng.

Nguồn : DLB