Nguyễn Công Khế
Nhà báo Nguyễn Công Khế (thứ hai bên phải) và Nhà báo Lê Ngọc Thịnh (thứ nhất bên phải) tiếp chuyện bà Rena Bitter (thứ hai bên trái)- Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM.
|
Có một tin
vui trong thời gian vừa qua là việc Nhà nước thông báo miễn thị thực nhập cảnh
vào Việt Nam cho năm Quốc gia châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Trước đây Việt Nam cũng đã đơn phương miễn thị thực cho năm Quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan.
Việc ta miễn thị thực Visa đối với công dân Nhật Bản như mấy năm vừa qua đã
làm cho đường bay của hàng không Việt Nam đi tới các thành phố Nhật Bản và
ngược lại trở thành “Đường bay vàng” cho ngành hàng không nước ta. Du lịch Việt
Nam cũng đã tăng trưởng mạnh ở những nơi có du khách Nhật Bản tới nhiều.
Những thành tựu về kinh tế, du lịch, xuất nhập khẩu của mỗi nước là do
chính suy nghĩ và tác động của con người chứ không phải phần nhiều là
do may mắn. May mắn và thời cơ nếu đến, cũng phải xuất phát từ tư duy và
định hướng của con người, nhất là những người có vị trí lãnh đạo cao, có quyền
quyết định đường lối chính sách kinh tế - xã hội đối với Quốc gia đó.
Tổng biên tập Báo Một Thế Giới Lê Ngọc Thịnh (bìa trái) bên mô hình tòa nhà khu phức hợp Melia Yangon của Tập đoàn HAGL tại Myanmar |
Các biện pháp, giải pháp và chiến lược kinh tế của từng Quốc gia sẽ đưa
Quốc gia đó ra khỏi ngõ cụt, đi tới đến thịnh vượng hoặc ngược lại. Trong thời
chiến, nhìn lại lịch sử, cha ông ta đã từng có những quyết sách đúng và táo bạo
lại dựa trên nền tảng chính nghĩa nên chúng ta đã giữ yên được bờ cõi và giữ
vững được nền độc lập trước những thế lực hung hãn có sức mạnh gấp nhiều lần ta
đến từ bên ngoài.
Trước đây tôi đã từng nói về những chính sách thông tin của Việt Nam hiện
nay. Chính sách thông tin hoặc bất cứ chính sách kinh tế - xã hội nào đề ra gắn
với thực tiễn và hợp lòng người thì mới mong đem lại tác dụng tốt.
Mới hôm vừa rồi tôi có dịp đi Yangon, Myanmar, có ghé xem tòa nhà của doanh
gia Đoàn Nguyên Đức HAGL. Đó là một dự án đầu tư theo hình thức BOT với thời
gian 70 năm. Tổng mức đầu tư là 440 triệu USD, tổng diện tích sàn xây dựng trên
500.000 m2, diện tích tầng hầm 121.882 m2 có sức chứa cho 5.000 chỗ đậu xe gồm
4 block văn phòng cho thuê, 5 block căn hộ, 1 khách sạn 5 sao và 1 trung tâm
thương mại. Giai đoạn từ 2013 đến 2015, hoàn thành một trung tâm thương mại và
2 block văn phòng cho thuê với diện tích sàn xây dựng 161.843 m2. Một khách sạn
5 sao với quy mô 429 phòng mang thương hiệu Melia Yangon. Tòa nhà này cao 23
tầng, diện tích sàn xây dựng là 53.986 m2.
Nhà báo Nguyễn Công Khế (bên phải) và bà Rena Bitter (thứ hai bên trái) - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM trong cuộc tiếp xúc gần đây. |
Dự án của HAGL được một nhà tư vấn tài chính đi cùng tôi cho rằng, đây là
một dự án phức hợp lớn nhất Yangon và lợi tức của nó cho chủ đầu tư là khổng
lồ. Ông ta ví vào thời điểm này, nếu HAGL bán và cho thuê được thuận lợi theo
tình hình bất động sản của Myanmar như hiện nay, HAGL sẽ trả được tất cả các
khoản vay của mình kể cả những dự án đã đầu tư cho nông nghiệp ở Lào và
Campuchia.
Đến nay các định chế tài chính lớn vẫn tiếp tục tài trợ cho dự án này như
BIDV, Eximbank và Sacombank nhưng tôi vẫn cho rằng những dự án “Cỡ” và “Loại”
này chưa được các định chế và chính sách của Nhà nước Việt Nam tập trung ưu
tiên đủ để các doanh nghiệp muốn vươn ra biển lớn như Phạm Nhật Vượng, Đoàn
Nguyên Đức… tiếp tục có điều kiện đi trên những chiếc tàu lớn và hoàn thiện hơn
để được an toàn khi có sóng to gió lớn.
Trở lại việc Việt Nam ta miễn Visa nhập cảnh cho một số nước châu Âu, mọi
người rất hoan nghênh. Nhưng cuộc gặp với chúng tôi mới đây, bà Rena Bitter,
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nói rằng, phía Mỹ từng đề nghị thị thực Visa lẫn
nhau cho công dân hai nước đi lại du lịch và làm ăn có thời hạn là 5 năm. Song
hiện nay Việt Nam vẫn cấp Visa cho công dân Mỹ có hiệu lực chỉ 3 tháng và được
ra vào một lần. Còn phía Mỹ cấp Visa cho công dân Việt Nam 1 năm và vào ra nước
Mỹ nhiều lần. Thiết nghĩ việc này, Việt Nam nên xem xét lại chính sách Visa vì
số lượng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ đã lên tới hàng triệu người, không kể những
nhà đầu tư, khách du lịch và du học sinh đến Mỹ cũng như người Mỹ đến Việt Nam
làm ăn thăm viếng mỗi ngày một đông.
Tôi đã từng trao đổi việc này với các viên chức cao cấp ở Bộ Ngoại
giao và Ban Đối ngoại Trung ương, họ ghi nhận nhưng chưa thấy ai trả lời.
Nguyễn Công Khế/Duyên dáng Việt Nam