Hồng Thủy
15-07-2015
(GDVN) – Nhà cửa, ruộng vườn chuồng trại cần được giữ nguyên trạng như trước. Đừng mở rộng nhà cửa hay ruộng vườn chuồng trại. Dừng các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng.
The Cambodia Daily ngày 15/7 đưa tin, hôm qua 14/7 Bộ Nội vụ Campuchia đã triệu tập khoảng 400 quan chức đầu ngành các cơ quan liên quan từ các tỉnh giáp biên với Việt Nam về họp sau một loạt hoạt động đi đến biên giới do phe đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP) tiến hành (xúi giục người dân, học sinh sinh viên và tu sĩ Campuchia chống phá biên giới với Việt Nam – PV).
Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng thừa nhận rằng có những khó khăn trong hoạt động đàm phán phân giới cắm mốc với Việt Nam trước các Tỉnh trưởng, Cảnh sát trưởng, Chỉ huy trưởng Cảnh sát quân sự và các cơ quan chức năng đến từ các tỉnh giáp biên với Việt Nam. “Giải quyết vấn đề biên giới rất phức tạp và đòi hỏi sự kiên nhẫn đấu tranh”, ông Sar Kheng nói.
“Một vấn đề phức tạp như vậy không thể chỉ giải quyết theo mong muốn của một số đảng phái mà chỉ có thể được giải quyết khi hai bên đồng ý với nhau. Chúng ta đang nỗ lực để giải quyết một số vấn đề lớn với Việt Nam và vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết”, The Cambodia Daily dẫn lời ông Sar Kheng cho biết.
Bộ trưởng Nội vụ nước này nhấn mạnh, trong khi chờ đợi, quan chức các địa phương có đường biên giới với Việt Nam cần phải tuân thủ một số quy tắc cơ bản. Đầu tiên và trước hết, lãnh đạo các tỉnh này phải ngừng “đàm phán riêng rẽ” với các tỉnh giáp biên bên Việt Nam.
“Đã có một số địa phương khi phía bạn (Việt Nam) đưa ra yêu cầu cho một thỏa thuận thì họ đã đáp ứng. Nhưng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chúng ta phải báo cáo lên cấp chính phủ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ”, ông Sar Kheng được The Cambodia Daily dẫn lời cho biết.
Ông yêu cầu quan chức các tỉnh này đảm bảo các chủ đất dọc biên giới với Việt Nam ngừng cho người Việt từ bên kia biên giới thuê đất đai của mình, và không được thay đổi hiện trạng tại các vị trí chưa được phân giới cắm mốc.
“Nhà cửa, ruộng vườn chuồng trại cần được giữ nguyên trạng như trước. Đừng mở rộng nhà cửa hay ruộng vườn chuồng trại. Dừng các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng vì các công trình xây dựng có thể ảnh hưởng đến tình hình (phân giới cắm mốc)”, ông Sar Kheng chỉ đạo.
Sar Kheng cũng chỉ đạo các tỉnh đóng cửa tất cả các hành lang phi chính thức dọc theo biên giới với Việt Nam và bắt giữ bất cứ ai cố gắng vượt biên trái phép. “Bất cứ chỗ nào tranh chấp biên giới bùng lên thì trước tiên là chính quyền khu vực phải báo ngay cho phía Việt Nam để ngăn chặn, sau đó báo cáo ngay lập tức về chính phủ theo hệ thống hành chính”, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia nói.
Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng, Chieng Am phàn nàn về việc các tỉnh này không được nói chính xác những vùng đất nào ở biên giới thuộc về Campuchia. Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia Var Kim Hong nói đó chính là lỗi của Tỉnh trưởng khi ông không làm tròn trách nhiệm người đứng đầu Tiểu ban Biên giới của tỉnh mình.
Trong một diễn biến có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin đã từ chối yêu cầu từ các nghị sĩ CNRP đòi chính phủ Campuchia ngừng hoạt động phân giới cắm mốc trên biên giới với Việt Nam cho đến khi kết thúc tổng tuyển cử năm 2018.
Leng Peng Long, Tổng thư ký Quốc hội Campuchia cho biết ông Heng Samrin không thể đáp ứng yêu cầu này vì Quốc hội đã giao cho Chính phủ Campuchia lập ra Ủy ban Biên giới Quốc gia để giải quyết các vấn đề biên giới.
___
Dân biểu Campuchia muốn trở lại nơi xảy ra xô xát với người Việt
15-07-2015
Dân biểu thuộc phe đối lập của Campuchia Real Camerin sẽ trở lại khu vực tranh chấp ở biên giới Campuchia – Việt Nam vào ngày 19 tháng Bảy, mặc dù đã bị thương trong một vụ ẩu đả hồi tháng trước.
Ông Camerin cùng với dân biểu Um Sam An, cũng thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc cùng với ông, và các nhà hoạt động khác nói rằng họ đã bị giới hữu trách và dân làng Việt Nam hành hung trong chuyến đi đến khu vực trên ngày 28 tháng 6. Tuy nhiên các cơ quan truyền thông của Việt Nam cáo buộc họ là thâm nhập trái phép vào lãnh thổ và khiêu khích vụ đối đầu.
Ông Camerin sau đó đã lên án chính quyền địa phương là không bảo vệ nhóm của ông. Mặc dù vậy, các giới chức địa phương nói họ đã không làm gì được bởi vì ông Camerin đã không thông báo về chuyến đi của mình và họ chỉ biết về việc này sau khi xảy ra vụ xô xát.
Ông Camerin nói: “Tôi đã có một cuộc họp với các cơ quan chức năng để thảo luận về các biện pháp an ninh cho chuyến thăm của nhóm làm việc tới khu vực này vào ngày 15 tháng Bảy”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan cho biết: “Tôi không tin rằng chuyến đi tìm hiểu thực tế tại vùng biên giới với một nhóm người như thế là giải pháp, mà chỉ có tác dụng kích động có thể dẫn đến sự đối đầu và chấn thương”.
Thủ tướng Hun Sen gần đây đã viết một bức thư gửi cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hỏi mượn từ LHQ bản đồ gốc phân định biên giới Campuchia để đáp trả những cáo buộc của phe đối lập rằng Campuchia đã mất đất cho Việt Nam do sử dụng bản đồ sai.
Chính quyền Phnom Penh cũng đã cho hay Hà Nội chấp nhận lấp 3 trong số 8 cái ao lớn đào trên biên giới với Campuchia, và sẽ điều tra số còn lại.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã “ngưng xây dựng một đồn quân sự trên biên giới với Campuchia”.
Việt Nam chưa có phản ứng trước thông tin được Bộ Ngoại giao Campuchia công bố cho báo giới nước này vào ngày 10/7 vừa qua.
Theo Khmer Times, The Phnom Penh Post, VOA