16 juillet 2015

Hé lộ số phận của Đại tướng Phùng Quang Thanh?

Việt Dũng, cộng tác viên Dân Luận

 
Phải chăng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã bị phái cấp tiến bắt và giam giữ tại một địa điểm bí mật trước thời điểm Việt Nam muốn ngả sang Mỹ?

Thời điểm biến mất của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trước chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng BT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho thấy đó là một sự tính toán có chủ ý. Dường như trong những ngày này, đa phần dân chúng đã không còn quan tâm đến tình hình sức khỏe của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mà thay vào đó là các tin tức liên quan đến chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng Bí thư Trọng.
 

Đánh giá về kết quả chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng BT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, cho thấy đây là một đòn ngoại giao phối hợp giữa Việt Nam với Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc, đồng thời là một chiến thắng mới của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc về mặt chiến lược. Đánh dấu đây là thời điểm xoay trục trong chính sách đối ngoại của Việt nam một cách rõ nét nhất.
 
Không phải ngẫu nhiên mà cách đây chưa lâu, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Quân đội nguyên Giám đốc Viện bảo tàng Quân đội đã cho rằng (đại ý): nếu có chiến Tranh với Trung quốc thì dàn lãnh đạo Bộ quốc phòng hiện nay phải thay hết thì mới đánh Trung quốc được. Điều đó cho thấy, vào thời điểm trước tháng 6/2015 thì hầu hết lãnh đạo của Bộ Quốc phòng lúc đó có xu thế thân và giữ vai trò quan trọng trong phe thân Trung quốc của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, người vốn được coi là cầm đầu một thế lực chính trị trong chính trường Việt nam, hòng đối chọi với phe cải cách có xu hường thân phương Tây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cách đây ít ngày, việc báo Đời sống và Pháp luật đã bị Thanh tra báo chí xuất bản thuộc Bộ thông tin và Truyền thông phạt 30 triệu đồng, vì lý do dám đăng tải tiểu sử của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong thời điểm hết sức nhạy cảm này, dù rằng sau đó ít phút đã vội gỡ bỏ. Sự việc trên được cho rằng, truyền thông nhà nước không muốn nhắc đến sự vắng mặt một cách đầy bí ẩn của Đại tướng Thanh.

Tuy vậy, ngày hôm qua (9/7/2015) trên website BBC tiếng Việt, một lần nữa dường như hãng truyền thông này cố tình xới lại vấn đề "nhạy cảm" trên, khi cho biết rằng: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh "đã được cho ra viện" sau ca phẫu thuật u phổi. Tuy nhiên ông Thanh "vẫn tiếp tục ở lại Pháp để đợi được kiểm tra". Thông tin trên được Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương nói với BBC ngày 9/7."

Thông tin của Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương nói với BBC ngày 9/7 có nhiều điểm mập mờ, khi ông cho biết "Ngày giờ xuất viện cụ thể và nơi ở hiện nay của ông Thanh thì tôi không nắm rõ". Vì Giáo sư Phạm Gia Khải, là một thành viên quan trọng của Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương; người đã nhiều lần cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của các cán bộ lãnh đạo cao cấp Việt nam.

Hơn nữa nếu thực sự Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đang chữa trị bệnh tại Pháp, thì chắc chắn trách nhiệm phải thuộc về Ban Bảo vệ, Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, đồng thời họ phải cử người đi theo cùng để theo dõi và kịp thời báo cáo về nước hàng ngày diễn tiến sức khỏe của tướng Thanh cho Trung ương được biết. Hoặc cũng có thể là do Giáo sư Phạm Gia Khải không muốn tiết lộ với BBC (!?), nhưng khả năng này là rất ít, vì đã không muốn tiết lộ thông tin thì dễ dàng nhất là Giáo sư Khải đã phải từ chối trả lời phỏng vấn ngay từ đầu.

Điều đó cho thấy, người ta đang muốn úp úp, mở mở về thông tin này dường như để thực hiện thuyết âm mưu nhằm cho người dân nhớ lại chuyện đồn đoán về bệnh tình của Trưởng ban Nội chính TW, ông Nguyễn Bá Thanh. Nghĩa là cho dư luận quen với việc vắng mặt của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, mà dẫu như còn sống nhưng cũng như chết rồi. Đây là mục đích của thế lực chính trị hiện đang nắm thế thượng phong trong chính trường Việt nam, tại thời điểm chỉ còn chưa đầy 06 tháng nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12.

Một thông tin rất đáng chú ý mà ít người không quan tâm, đó là, theo Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng đưa tin cho biết "Sáng 3/7/2015, tại Hà Nội, thực hiện các Quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội nghị Bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh và Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy BTL Thủ đô Phạm Quang Nghị; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND Việt Nam.

Tại hội nghị, Trung tướng Phí Quốc Tuấn đã tiến hành bàn giao chức vụ Tư lệnh BTL Thủ đô Hà Nội cho Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng BTL Thủ đô Hà Nội; Trung tướng Lê Hùng Mạnh bàn giao chức vụ Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội cho Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết, nguyên Phó Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội."

Tin này cũng được đưa trên một số phương tiện truyền thông khác với lý do cho rằng Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội Trung tướng Phí Quốc Tuấn và Chính ủy Trung tướng Lê Hùng Mạnh đến tuổi nghỉ hưu. Điều đó đã khiến nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao cả Tư lệnh và Chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội lại nghỉ cùng một thời điểm? Song nếu chú ý sẽ thấy, thông tin từ Cổng thông tin Bộ Quốc phòng đã không giải thích rõ lý do, mà chỉ vắn tắt là "thực hiện các Quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng".

Theo thông lệ của chính trường các nước, thì chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng hoặc Tư lệnh Lục quân (đối với các chế độ do dân bầu) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự ổn định của chế độ, khi mà quân đội trở thành lực lượng trung thành và bảo vệ Hiến pháp quốc gia. Đồng thời tư lệnh lực lượng quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô - trung tâm đầu não chính trị, có ý nghĩa ví như một tấm áo giáp để bảo vệ chế độ đòi hỏi phải hết sức trung thành.

Được biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được thành lập vào năm 2008 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Cộng với việc Hà nội trong khoảng 20 năm trở lại đây vốn được coi là thành trì của phe bảo thủ, thì chắc chắn lớp chỉ huy như Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội Trung tướng Phí Quốc Tuấn và Chính ủy Trung tướng Lê Hùng Mạnh giữ chức vụ từ đó đến nay chắc chắn phải là người tin cẩn của phe này.

Khi đã biết Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội có vai trò hết sức quan trọng, đó là chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực Thủ đô Hà Nội, trung tâm đầu não của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt nam. Thì chắc sẽ có không ít người đã đặt một loạt câu hỏi rằng:

• Có điều gì bất thường không?
• Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như thế?
• Nếu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đau ốm đột xuất là chuyện bình thường, thì tại sao lại phải vội vã thay thế lãnh đạo của Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội?

Không chỉ thế, mà lại còn thay một lúc và ngay lập tức cả hai vị trí lãnh đạo là Tư lệnh và Chính ủy của Bộ tư lệnh thủ đô Hà nội.

Chắc chắn đây sẽ là một diễn biến hết sức bất thường.

Điều đó cộng với các động thái không thiện chí từ phía Trung quốc đối với Việt Nam trong giai đoạn gần đây như việc Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Vịnh Bắc Bộ vào ngày 30/6/2015. Hay việc Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một dự thảo đầu tiên của bộ luật mới về an ninh quốc gia, trong đó Bắc Kinh tự cho mình quyền dùng sức mạnh và mọi biện pháp cần thiết, kể cả quân sự để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của họ. Và mới đây nhất, ngày 09/07/2015, 23 viên tướng Capuchia do ông Đại tướng Tea Banh dẫn đầu có mặt tại Bắc Kinh.

Phải chăng người ta sợ rằng nếu không thay đổi ngay chỉ huy của Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội, sẽ xảy ra việc tiến hành đảo chính dưới sự chỉ đạo của Trung quốc (!?)

Việc nội bộ lãnh đạo các quốc gia cộng sản thanh trừng lẫn nhau là việc hết sức phổ biến từ xưa đến nay, trong lúc ở Trung quốc trong lúc này cũng đang xảy ra những việc như vậy thì đối với chính trường Việt nam đây không phải là chuyện lạ. Qua đó cho thấy số phận của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh lúc này ra sao phần nào cũng đã hé ra một câu trả lời rõ hơn.

Đồng thời sự họat động ráo riết gần đây trong nội bộ quân đội của Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cho thấy, đến thời điểm này phe cải cách đã nắm chắc lực lượng quân đội trong tay. Điều mà trước kia là vấn đề trở ngại nhất đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc khống chế toàn bộ hệ thống chính trị của Việt nam

Cứ xem việc thay đổi lập trường 180 độ của Tổng BT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, thể hiện qua các diễn văn phát biểu trong chuyến thăm Hoa kỳ mấy ngày vừa qua, chứ chưa kể đến thái độ và phong thái khá thỏa mái của ông Trọng thì cũng biết mọi việc liên quan đến tướng Thanh đã an bài.

Mà khả năng cao là rất có thể Đại tướng Phùng Quang Thanh đã bị phái cấp tiến bắt và giam giữ tại một địa điểm bí mật. Và sẽ chỉ được đưa ra xét xử sau khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 kết thúc, khi mọi vấn đề của bàn cờ chính trị Việt nam đã ngã ngũ. 

© Việt Dũng

Nguồn: Theo Dân Luận