Bùi Văn Phú
Tuần qua Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, đã đi thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6/7 đến 10/7 và được Tổng thống Barack Obama tiếp tại Bạch Ốc, được Phó Tổng thống Joe Biden nâng ly đón mừng trong tiệc trưa tổ chức tại Bộ Ngoại giao.
Nhiều nhận định về vai trò lãnh đạo của ông Trọng và nghi thức đón tiếp ra sao đã được giới quan sát quan hệ Việt-Mỹ đưa ra, vì trong tổ chức chính quyền Hoa Kỳ không có người đồng nhiệm. Dù chỉ là tổng bí thư đảng, không chức vụ trong chính quyền, nhưng ông Trọng có ảnh hưởng lớn trong các chính sách quốc gia của Việt Nam.
1. Nghi lễ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những đón tiếp dành cho ông Trọng vừa qua cho thấy lãnh đạo Mỹ đã nhìn nhận – công khai và chính thức -Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cũng là một lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, như thủ tướng và chủ tịch nước.
Nhưng sự kiện Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bạch Ốc sáng ngày 7/7 không phải là biệt lệ với Hoa Kỳ. Điều không bình thường là dù chuyến đi được công bố từ Việt Nam vào đầu năm, nhưng lịch thăm viếng chỉ được hai bên đưa ra vài ngày trước khi ông Trọng đến Mỹ.
Trong quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ với các nước cộng sản thời còn Chiến tranh Lạnh, năm 1987 Tổng thống Ronald Reagan đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Phòng Bầu dục với nhiều nghi lễ trịnh trọng như quốc yến và đưa đón quân cách tại sân cỏ Bạch Ốc. Đó là biệt lệ Hoa Kỳ dành cho một lãnh đạo cộng sản, vì các nghi thức lễ tân này chỉ có đối với đồng minh chiến lược của Mỹ như Anh, Pháp, Nhật Bản.
Lãnh đạo Việt Nam thăm chính thức nước Mỹ chưa ai được đón tiếp nồng ấm như thế. Hình thức đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuần qua cũng ở mức không cao hơn hay thấp hơn so với việc đón tiếp các lãnh đạo Việt Nam trước đây, bắt đầu với Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ năm 2005, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang năm 2013.
Nhìn chung, đây là sinh hoạt đánh dấu 20 năm quan hệ hai nước và chuyến thăm Mỹ của ông Trọng chưa phải là chuyến đi lịch sử với những quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao hơn mức “đối tác toàn diện” mà hai bên đã đồng ý với nhau sau chuyến thăm của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang năm 2013.
2. Thành quả chuyến đi
Đến Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đem theo những hợp đồng thương mại lớn giữa hai quốc gia. Phần nhiều các ký kết trong chuyến đi là thỏa thuận và văn bản ghi nhớ nên không được truyền thông Mỹ chú ý nhiều như chuyến đi Mỹ đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam là Thủ tướng Phan Văn Khải vào năm 2005 nhân dịp kỉ niệm 10 năm bang giao hai nước.
Trong chuyến đi của ông Khải, đối tác hai bên đã ký nhiều hợp đồng thương mại dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ông Khải cũng đã đến rung chuông mở đầu một ngày giao dịch trên sàn chứng khoán ở Phố Wall và đến Đại học Harvard bàn luận về cải cách giáo dục cho Việt Nam.
Để phô diễn tiến bộ hợp tác thương mại, trưa ngày 7/7 trong lúc lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp đoàn Việt Nam, một máy bay Boeing 787-9 do Hàng không Việt Nam đặt mua từ những năm trước, và sắp được trao cho Việt Nam, đã bay trên bầu trời Thủ đô Washington để chào mừng quan hệ hai nước.
Chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đem lại một số kết quả khiêm tốn. Ông chứng kiến lễ ký văn bản của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay ưu đãi nửa tỉ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng.
Hoa Kỳ và Việt Nam cũng ký thỏa thuận cho phép mở Đại học Fulbright tại Việt Nam, ký các hiệp định hợp tác về chính sách thuế và chống trốn thuế, về an ninh y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, đối phó với đại dịch tiềm năng.
Ngoài ra còn có các biên bản ghi nhớ của nhiều bộ và ban ngành khác nhau. Giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam có biên bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hoà bình thế giới trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hiệp quốc.
Vài năm qua, đặc biệt là từ hè năm ngoái, khi Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam thì Hà Nội đã tìm sự hậu thuẫn từ phía Mỹ. Vì quyền lợi của Hoa Kỳ, lãnh đạo hành pháp và lập pháp Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông.
Vấn đề này đã được thảo luận giữa Tổng Bí thư Trọng và Tổng thống Obama. Tuy nhiên thông cáo chung không hề nhắc đến Trung Quốc mà chỉ kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết xung đột trong tinh thần hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, khuyến khích các quốc gia liên hệ tiến tới một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
Sự việc đó nói lên một điều là Hà Nội e ngại phản ứng của Trung Quốc vì nếu bản thông cáo chung nêu danh nước này, có nghĩa rằng Hà Nội đã đi ngược lại với chủ trương đã đưa ra là không liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba.
3. Tương lai quan hệ Việt-Mỹ
Qua chuyến đi của ông Trọng, cũng như các chuyến thăm Hoa Kỳ trước đây của lãnh đạo Việt Nam, một lần nữa Hà Nội mong muốn được Washington công nhận là Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong khi Điều 51 Hiến pháp Việt Nam lại ghi rõ: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Việc để được cho là có nền kinh tế thị trường sẽ tùy thuộc vào tiến độ cải cách kinh tế của Việt Nam trong tương lai và việc ký kết Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP.
Nếu Việt Nam cùng tham gia TPP với Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Chile, Brunei, Singapore, Peru, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, Hà Nội phải giảm trợ giúp các công ty quốc doanh, phát triển nền kinh tế tư nhân, cho thành lập công đoàn độc lập và cắt giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng, nhất là tơ sợi từ Trung Quốc. Đây là những điều kiện khó cho Hà Nội vì ảnh hưởng sâu đậm của Bắc Kinh đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong những tập đoàn kinh doanh nhà nước đang được coi là doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, như ghi trong Hiến pháp, và vì theo hệ chính trị cộng sản công nhân không được thành lập công đoàn độc lập.
Hiện nay Việt Nam nhập hàng từ Trung Quốc trị giá 40 tỉ đô-la một năm, xuất sang Trung Quốc 15 tỉ, trong khi giao thương với Mỹ thì ngược lại, Việt Nam xuất sang Mỹ hơn 30 tỉ trong khi nhập chỉ 6 tỉ. Cắt giảm mức nhập cảng từ Trung Quốc và tăng nhập từ Mỹ cũng là một quyết định khó cho Hà Nội vì điều đó biểu hiện việc Việt Nam xoay trục kinh tế về phía Mỹ.
Theo một nghiên cứu của East-West Center từ Đại học Hawaii, sau khi gia nhập TPP, trong vòng 10 năm mức xuất khẩu của Việt Nam đến những quốc gia thành viên sẽ tăng lên 68 tỉ đô-la và GDP của Việt Nam sẽ tăng 10.5%.
TPP là một hiệp định có tính bao vây kinh tế Trung Quốc nên Bắc Kinh đã đưa ra con đường tơ lụa trên biển để làm đối trọng.
4. Bao giờ Tổng thống Obama thăm Việt Nam
Trong chuyến thăm Mỹ ông Trọng lập lại lời mời Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam. Lãnh đạo Mỹ đã nhận lời, nhưng chưa xác định khi nào mà chỉ nói sẽ đi thăm trong tương lai.
Chuyện bao giờ Tổng thống Obama thăm Việt Nam và quan hệ Việt-Mỹ có xích lại gần nhau hơn hay không tùy thuộc thái độ và hành động của Hà Nội qua các đối thoại về quốc phòng, an ninh, nhân quyền đã được ông Trọng thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo Mỹ.
Trên thực tế, Hoa Kỳ hiện có cam kết chiến lược với 60 quốc gia, chiếm một phần tư dân số thế giới. Ở Đông Á đã có Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Singapore, thêm Việt Nam sẽ tốt hơn cho chính sách xoay trục của Mỹ. Còn không cũng không quan trọng vì lúc này “Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam”, như nhận định của Dân biểu Liên bang Chris Smith, một thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện trong phiên điều trần về hồ sơ nhân quyền Việt Nam tháng trước.
Nhân chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt Nam, hai nhật báo lớn của Mỹ là tờ The Washington Post và The New York Times đã có những bài xã luận nêu quan điểm là Hà Nội cần có những cải tiến về nhân quyền trước khi được gia nhập TPP hay trước khi Tổng thống Obama đi thăm Việt Nam.
5. Trung Quốc và quan hệ Mỹ-Việt
Sự kiện một lãnh đạo Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ và ngược lại một tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam đều là dấu chỉ quan hệ hai nước ngày càng thắm thiết hơn. Điều đó làm Trung Quốc khó chịu.
Trước khi đi Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng đã đến Bắc Kinh và Trung Quốc thường xuyên cảnh báo về hệ quả xấu nếu Hà Nội xoay trục về phía Mỹ.
Một thăm dò mới đây của PEW cho thấy gần 78% người Việt có cái nhìn tốt với Hoa Kỳ, so với Trung Quốc chỉ 19%. Như thế sau chuyến đi Mỹ của ông Trọng, Hà Nội sẽ có những bước đột phá để nâng quan hệ Mỹ-Việt lên mức cao hơn hay không? Hay vẫn như quá khứ cho thấy, Hà Nội khó có thể qua mặt Trung Quốc trong việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, vì hơn hai thập niên qua, kể từ Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội vào đầu thập niên 1990, Việt Nam luôn đi sau Trung Quốc trong các phát triển quan hệ với Mỹ, từ kinh tế, thương mại đến xã hội, chính trị.
Nhân dịp 20 năm quan hệ Việt-Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến Hà Nội hôm đầu tháng 7 để dự liên hoan kỷ niệm bang giao hai nước do Đại sứ quán Mỹ tổ chức. Tổng thống Clinton là người đã đưa ra quyết định bang giao với Việt Nam cách đây 20 năm. Phát biểu nhân dịp này Đại sứ Mỹ Ted Osius mong có những sinh hoạt kỷ niệm bang giao giữa hai nước được tổ chức tại khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Đại đa số dân Việt ngày nay thích Mỹ, nhưng đề nghị của Đại sứ Osius không biết có sẽ được các chính quyền địa phương hưởng ứng hay không, vì các bí thư tỉnh ủy không phải ai cũng muốn kết thân hơn với Mỹ và họ là những người sẽ bầu lãnh đạo trong kỳ đại hội đảng vào đầu năm tới.
Chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lãnh đạo giáo điều thân Trung Quốc, có giúp cho quan hệ Mỹ-Việt thăng tiến hơn không thì còn phải chờ xem.
Năm 2005 Thủ tướng Phan Văn Khải đến rung chuông mở cửa một ngày giao dịch cổ phiếu tại Phố Wall nhưng kinh tế Việt Nam đến nay vẫn còn định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng đến Đại học Harvard bàn về cải cách giáo dục, nhưng hệ thống đại học Việt Nam nay vẫn còn lỗi thời vì nặng tính xã hội chủ nghĩa.
Năm 2008, sau chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thảo luận về việc mở thêm tổng lãnh sự quán ở Houston và Đà Nẵng và đưa tình nguyện viên Peace Corps đến Việt Nam giảng dạy Anh ngữ.
Năm 2009 Việt Nam đã mở thêm cơ sở ngoại giao tại thành phố Houston, bang Texas, nhưng Hoa Kỳ đến nay vẫn chưa có lãnh sự quán ở miền Trung Việt Nam.
Chương trình Peace Corps đến nay vẫn chưa hoạt động tại Việt Nam. Mấy tháng trước có tin không chính thức là sau chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, Hà Nội đã đồng ý cho Hoa Kỳ mở chương trình Peace Corps. Nếu đúng thế, Việt Nam sẽ có tình nguyện viên Peace Corps đến làm thiện nguyện như tại nhiều nước quanh vùng, như tại Philippines từ năm 1961, Thái Lan 1962, Trung Quốc 1993, và Campuchia 2006. Đây là tổ chức thiện nguyện do cố Tổng thống John F. Kennedy thành lập từ năm 1961 và đã đưa hơn hai trăm nghìn thanh niên Mỹ tình nguyện đến 140 quốc gia trên thế giới làm việc trong các lãnh vực từ giáo dục, y tế đến chăn nuôi, nông nghiệp, ngư nghiệp, phát triển cộng đồng và kỹ thuật.
Việt Nam sẽ có xoay trục về hướng Mỹ hay không? Nếu lịch sử là nhân chứng thì khó cho Việt Nam đổi hướng vì ảnh hưởng của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Năm 1978, khi Hà Nội ký kết hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô và gia nhập khối kinh tế Comecon, Trung Quốc đã dạy cho Việt Nam một bài học vào đầu năm 1979. Lãnh đạo Việt Nam luôn quan ngại sẽ bị Trung Quốc vả cho, nếu họ quyết định nghiêng về phía Mỹ.
6. Quan hệ của nhà nước với người Việt tại Mỹ
Trong các chuyến thăm Hoa Kỳ, lãnh đạo Việt Nam thường quan tâm nhắc đến cộng đồng 1.5 triệu người Việt tại Mỹ. Nhưng quan hệ giữa khối người Mỹ gốc Việt với nhà nước cộng sản Việt Nam không được như Hà Nội mong muốn.
Nếu quan hệ Việt-Mỹ phức tạp về nhân quyền thì quan hệ giữa Hà Nội và cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng phức tạp không kém, căn bản cũng vì quyền tự do của người dân ở một đất nước tự do dân chủ, trong khi Hà Nội vẫn coi những công dân gốc Việt tại một nước sở tại như người dân còn ở trong nước, không muốn họ có những phản biện, suy nghĩ khác đối với các chính sách của nhà nước.
Trên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, An ninh Thế giới thường có lập luận rằng Hoa Kỳ đã bang giao, thừa nhận chính quyền Hà Nội thì người Việt sống ở Mỹ không còn lý do gì để chống đối. Hà Nội đã đánh tráo chính quyền, đảng cộng sản với tổ quốc để kết án những ai có quan điểm bất đồng – dù là người sống trong hay ngoài nước – là những người chống phá đất nước, phản bội tổ quốc.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam, với đầu óc độc tài đảng trị, cố tình không hiểu được rằng dân Mỹ có quyền ủng hộ hay phản đối bất cứ một chính sách nào của chính phủ, đối nội cũng như đối ngoại. Quốc hội hay tổng thống Mỹ có những chủ trương, chính sách ra sao, cao lắm là được sự đồng thuận của 60% dân, còn lại 40% là bất đồng và tiếng nói của dân thể hiện qua báo chí, truyền thông, qua xuống đường biểu tình, qua tranh cử, qua phiếu bầu chọn đại diện mỗi hai năm hay bốn năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện ở Mỹ vừa qua đã thừa nhận chính sách độc tài độc đảng tại Việt Nam. Khi được hỏi về những tù nhân chính trị đang bị giam cầm, ông Trọng, cũng như những lãnh đạo khác trước đây, chỉ lập lại một điều là Việt Nam không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm, không ai bị giam tù vì tôn giáo hay phát biểu quan điểm bất đồng, chỉ có người vi phạm pháp luật Việt Nam mới bị trừng trị.
Luật hình sự Việt Nam với các điều 79, 88 hay 250 là những điều luật phản tiến bộ thường được Hà Nội đem ra để truy bức, bắt giam những người lên tiếng chỉ trích nhà nước. Nhiều quốc gia văn minh, các tổ chức nhân quyền trong suốt hơn hai mươi năm qua đã khuyến cáo Việt Nam thay đổi hay bỏ đi những điều luật phản dân chủ như thế.
Trong những phát biểu tại Mỹ, ông Trọng nhắc đến việc Hoa Kỳ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Điều này không có gì lạ trong bang giao quốc tế. Nhưng khi người dân một nước lên tiếng thì Hoa Kỳ sẽ đứng về phía nhân dân nước đó và yêu cầu chính quyền không nên dùng vũ lực can thiệp. Vì thế việc dân trong nước đứng lên đòi hỏi các quyền tự do căn bản như tự do phát biểu, hội họp, tự do báo chí, sinh hoạt tôn giáo được người Việt hải ngoại và thế giới quan tâm ủng hộ.
Để tìm sự ủng hộ của người Việt hải ngoại, một thập niên trước Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 36 kêu gọi xóa bỏ chính kiến quá khứ, mời gọi người Việt về thăm quê hương và đầu tư. Mỗi năm có hơn nửa triệu người về thăm quê hương, đông nhất vào dịp Tết và hè. Về đầu tư trong nước thì sân chơi thương mại ở Việt Nam chưa được bình đẳng và tham nhũng hối lộ lan tràn nên người Việt hải ngoại còn bị giới hạn và gặp khó khăn.
Công ty Vietnam Waste Solution của ông David Dương là một thí dụ. Là một doanh nhân thành công tại Mỹ về công nghệ xử lý rác trong gần ba mươi năm, từ mười năm qua ông David đã đem kiến thức và tiền bạc về để xây dựng lên khu xử lý rác và chất thải Đa Phước ở ngoại ô Sài Gòn. Trong những năm qua công ty này được coi là tiêu biểu cho sự thành công của người Việt từ Mỹ về đầu tư. Nhưng vài tháng nay truyền thông trong nước như báo Một Thế giới, báo Người Tiêu Dùng đã có hàng loạt bài viết mà theo người điều hành công ty cho biết thì đó là những hình ảnh và thông tin sai sự thực nhằm hạ uy tín của California Waste Solution tại Hoa Kỳ và Vietnam Waste Solution tại Việt Nam. Ban điều hành công ty đã khiếu nại đến các cơ quan thông tin, tuyên giáo và ngoại giao của Việt Nam để yêu cầu can thiệp.
Sau một thập niên thi hành Nghị quyết 36, về mặt kinh tế, đã có bà con ở Mỹ về đầu tư, mua nhà. Người Việt ở Mỹ nay được ra vào Việt Nam mà không phải xin thị thực visa trong ba hay năm năm.
Nhưng về chính trị họ vẫn có những đòi hỏi cho tự do, nhân quyền tại Việt Nam được phản ánh qua tiếng nói đại diện như Thượng Nghị sĩ Liên bang Barbara Boxer, các dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Alan Lowenthal, Dana Rohrabatcher là những dân cử đại diện tiểu bang California là nơi có đông cử tri gốc Việt nhất. Nhiều hội đồng thành phố tại California đã ra những nghị quyết ngăn cản chính quyền địa phương đón tiếp các phái đoàn nhà nước cộng sản Việt Nam nên các chuyến thăm chính thức Mỹ của lãnh đạo Việt Nam thường chỉ ở bờ Đông Hoa Kỳ từ Thủ đô Washington lên New York.
Lãnh đạo Hà Nội luôn nói họ coi người Việt hải ngoại là khúc ruột ngàn dặm, nhưng Thủ tướng Khải, Thủ tướng Dũng, Chủ tịch Sang đến Mỹ không ai ghé thăm California. Năm 2007, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đến thành phố Dana Point, cực nam của Quận Cam, cách Little Saigon hơn 50 kilô-mét và đã có hàng nghìn người biểu tình phản đối.