14 mars 2017

32.000 tỷ vào Bauxite - Alumin Tây Nguyên, TKV đã lỗ gần 3.700 tỷ


Một báo cáo mới đây về việc chi hơn 32.000 tỷ đầu tư hai dự án Bauxite - Nhôm và Alumin ở Tây Nguyên đã hé lộ các chỉ số tài chính của hai dự án này. Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng đã lỗ 3.696 tỷ đồng, trong khi dự án Alumin Nhân Cơ sẽ đi vào vận hành thương mại trong quý 1/2017. 
Hiện hầu hết các alumin được sản xuất ra để xuất khẩu, do đó lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ được bù đắp sau khi xuất khẩu sản phẩm.

Về tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, theo Quyết định 1396 của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2006, tổng mức đầu tư dự án là 7.787 tỷ đồng, tương ứng 493,5 triệu USD, công suất 600.000 tấn/năm. Thời gian thực hiện dự án từ 2006 -2009.

Trong quá trình thực hiện, dự án liên tục điều chỉnh vốn. Năm 2013, TKV tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 15.414 tỷ đồng, tương ứng 805,1 triệu USD, công suất 650.000 tấn/năm.

Thời gian thực hiện dự án từ 2006 -2013, chậm 4 năm so với phê duyệt lần đầu. Tổng mức đầu tư cũng tăng gấp 2 lần so với dự kiến ban đầu.

Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân là do điều chỉnh công suất từ 600.000 tấn Alumin/năm tăng lên 650.000 tấn alumin/năm, do thay đổi công nghệ sản xuất alumin.

Ngoài ra, trong quá trình thi công, nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương, giải phóng mặt bằng, do trượt giá và năng lực quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng lực thi công của nhà thầu còn nhiều hạn chế.

“Dự án này sau 3 năm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tức từ 10.2013 đến 30.9.2016 đã lỗ tổng cộng 3.696 tỷ đồng, trong đó lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng”, báo cáo nêu.

Hiện hầu hết các alumin được sản xuất ra để xuất khẩu, do đó lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ được bù đắp sau khi xuất khẩu sản phẩm.

Báo cáo chỉ ra khoản lỗ của dự án vượt hơn nhiều so với kế hoạch lỗ 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá).

Cũng theo báo cáo, nguyên nhân lỗ chủ yếu do kỹ thuật, công nghệ phức tạp, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên thời gian đầu mới đi vào hoạt động gặp nhiều khó khăn, dây chuyền sản xuất chưa ổn định, phát sinh nhiều chi phí để sửa chữa, khắc phục.

Tuy nhiên, hiện tại, dây duyền dự án đã vận hành ổn định, đạt xấp xỉ công suất thiết kế, giá thành sản xuất giảm, giá alumin, nhôm trên thế giới đã hồi phục. Dự kiến năm 2017 sẽ hết lỗ theo đúng tính toán của dự án.

Về Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, theo quyết định số 28 của Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư là 3.285 tỷ đồng tương ứng 205,3 triệu USD, công suất 300.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2007 - 2010.

Tương tự, dự án cũng liên tục điều chỉnh tăng vốn. Quyết định 193 năm 2014 đã nâng vốn đầu tư cho dự án lên 16.821 tỷ đồng, tương ứng 814,9 triệu USD, công suất 650.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2007 -2014.

“Đến thời điểm thanh tra tức ngày 20.11.2016, dự án đã cơ bản hoàn thành và chạy thử có tải, ra sản phẩm hydrat vào ngày 10.11.2016 và dự kiến ra sản phẩm alumin trong nửa đầu tháng 12/2016, đi vào vận hành thương mại trong quý 1/2017. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng 13.536 tỷ đồng so với quyết định ban đầu, chậm 6 năm so với phê duyệt ban đầu”, báo cáo nêu.

Theo báo cáo, do công suất thay đổi từ 300.000 lên 650.000 tấn/năm, dự án phải dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả thi công do biến động chính trị ảnh hưởng đến nhà thầu thi công (Trung Quốc) và công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị cho dự án, do thay đổi tỷ giá từ 16.000 đồng đổi 1 USD lên 20.643 đồng đổi 1 USD.

Ngoài ra, báo cáo thanh tra còn chỉ ra nguyên nhân do nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí nhân công, máy thi công và do yếu tố trượt giá. 


Bạch Dương 

Theo Vneconomy