14 mars 2017

Quan chức biện minh - Dân tình ngơ ngác!


Trần Sơn
 

(GDVN) - Biện minh cho mình cũng cần phải nói làm sao cho thuyết phục, nếu không, dân tình sẽ nhận chân được cả “cái tài”, “cái tâm” và “cái tầm” của các vị.

Gần đây, khi nghe một số quan chức biện minh cho việc làm không đúng, không hay, thậm chí sai phạm của mình, dân tình nhiều phen ngơ ngác.


Vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh để lại nhiều bài học đắt giá. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

 

Khen thưởng cho đơn vị “lỗ khủng” là “rất thỏa đáng”?

Bà Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm Trưởng ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã có tham mưu, đề xuất để cho Trịnh Xuân Thanh và đơn vị của anh ta được khen thưởng trong thời gian đơn vị này để thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. 

Nhưng khi được hỏi về việc đề xuất này thì bà Thứ trưởng nọ vẫn cố cao giọng chống chế khi cho rằng, khen thưởng như vậy là “rất thỏa đáng”. 



Lời biện minh này của bà Thứ trưởng đã làm cho dư luận ngơ ngác một cách “rất thỏa đáng”, vì lúc đó báo chí đã đưa tin rộng rãi về vụ việc bị thua lỗ “siêu khủng” của đơn vị được khen thưởng kia, không lẽ bà Thứ trưởng không biết.

Phải chăng đây chính là lối “nói lấy được” của một bộ phận quan chức?

Nhưng có một sự rất thoả đáng ở đây là, sau phát biểu “rất thỏa đáng” không lâu, bà Thứ trưởng đã phải nhận hai quyết định kỷ luật khiển trách của cả Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Chính phủ về việc làm trước đó mà bà cho là “rất thỏa đáng” này.

Không có biển cấm thì cứ làm?

Mới đây, bà Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Thuận đã bị tố bẻ hoa khi đi tham quan du lịch một nơi công cộng ở Đà Lạt. 

Chuyện bà có bẻ hoa hay là lái xe của bà bẻ hoa đưa cho bà thì chỉ có bà cùng anh lái xe kia và những người cùng đi mới biết.

Nhưng cái cách mà bà biện minh trên báo chí thì nhiều người biết, rồi tiếc cho nhận thức rất “ngây thơ” và lý luận rất “vô tư” của một quan chức hàng tỉnh.

Bà Phó Sở biện minh rằng, bà không có lỗi vì nơi đó “không có biển cấm bẻ hoa” và đây là “chuyện hết sức nhỏ”.

Dư luận không ngơ ngác sao được khi những lời trần tình này lại được phát ra từ miệng một người làm lãnh đạo ngành tư pháp cấp tỉnh.

Chả lẽ việc tối thiểu như đến công viên, vườn hoa không được hái hoa, bẻ cành,... mà bà Phó Sở cũng không hiểu hay sao mà còn đòi hỏi phải có biển cấm? 

Đấy là chưa kể, nơi bà tham quan đã có biển cấm rõ ràng mà báo chí đã đăng ảnh.

Còn nếu bà Phó Sở bảo rằng đây là “chuyện hết sức nhỏ” thì xem ra nó cũng... nhỏ thật. 

Nhưng dù nhỏ thì nó cũng phần nào nói lên được cái “phông” văn hóa và cái “tầm” của một người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo một ngành gắn liền với luật pháp. 

Chơi cũng còn phải đúng luật chơi, huống hồ là ở những nơi đã có tổ chức và quy định rõ ràng. 

Thử hỏi ở Sở mà bà đang công tác, cán bộ, nhân viên cũng vô tư vi phạm nội quy cơ quan, rồi giải thích như bà thì liệu bà Phó Sở có xem đó là “chuyện hết sức nhỏ” hay không ?

Vượt thầm quyền nhưng đúng quy định?

Hiện nay, nhiều báo đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét kỉ luật ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh vì có vi phạm liên quan đến dự án Formosa

Thông tin này được dư luận rất ủng hộ vì những vi phạm của ông này được xác định là nghiêm trọng thì kỉ luật là xác đáng.

Tuy nhiên, sau sự cố môi trường do Fomorsa gây ra, ông Võ Kim Cự vẫn mạnh miệng tuyên bố: “
Cấp phép cho Fomorsa 70 năm là đúng quy định”.

Theo Luật Đầu tư thì chỉ có Thủ tướng mới có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trên 50 năm, thế mà ông Cự dám kí kết cho Formosa thuê đất đến 70 năm.

Bởi thế có người cho là ông Cự đã làm sai luật, vượt quyền cả Thủ tướng, thế mà ông vẫn cho rằng “đúng quy định” thì kể cũng “kiên định” thật. Nghe ông nói, dân tình ngơ ngác hỏi nhau: “
Cái gì đang xảy ra vậy?”. 

Chẳng những thế, có lúc ông còn cả gan “đánh bùn sang ao” khi biện minh trên báo chí rằng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Fomorsa thuê đất 70 năm.

Ở đây, ông Cự đã “lấp liếm” (từ dùng của một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khi nhận xét về lời biện minh trên của ông Cự) hay là ông muốn dùng chiêu “Cáo mượn oai hùm”.

Ông đã kí kết cho thuê đất sai luật từ năm 2008, sau khi có kết luận thanh tra, sau khi xảy ra sự cố môi trường, đến 8/5/2016 Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mới có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan xin ý kiến về việc cho Formosa thuê đất. 

Sau đó, Thủ tướng mới chính thức đồng ý cho Formosa thuê đất đến 70 năm như đề nghị.

Như vậy là ông và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa lãnh đạo cấp trên vào “sự đã rồi” buộc phải giải quyết. Vậy mà sao ông vẫn cố cãi là “đúng quy trình, đúng quy định”?

Chỉ riêng việc vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền cấp phép này, ông đã đáng bị kỉ luật rồi.

Tóm lại, quan chức là những người có học, có đủ bằng cấp này nọ, lại trong thế “Quan trên trông xuống, người ta nhòm vào” nên khi biện minh cho mình cũng cần phải nói làm sao cho thuyết phục, nếu không, dân tình sẽ nhận chân được cả “cái tài”, “cái tâm” và “cái tầm” của các vị. 



Tài liệu tham khảo:






6.


 

Trần Sơn
Nguồn: Theo GDVN