14 mars 2017

Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè -Kỳ 1: Đàn gảy tai… điếc

"Cho đến khi tướng Nguyễn Đức Chung lên tiếng thì câu chuyện vỉa hè mới hé lộ bản chất thật của nó. Ông Chung nói thẳng, khi làm Giám đốc Công an TP.Hà Nội, trong hơn 180 quán bia vỉa hè mà ông đã thống kê có tới hơn 150 quán có công an đứng đằng sau. Tướng Chung đưa ra con số này bằng một thái độ từ tốn nhưng ẩn chứa một thông điệp: Sẽ diệt tận gốc nạn bảo kê trên vỉa hè và mọi sự bảo kê nói chung trên địa bàn Hà Nội."

Phó Chủ tịch UBND quận 1 TP.HCM Đoàn Ngọc Hải, quyết liệt trong việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ...



Thời lộng hành của tập đoàn tội phạm Năm Cam, phần lớn vỉa hè ở TP.HCM đều do Năm Cam “quản lý”. Ai muốn mở vũ trường, nhà hàng, quán karaoke…, thậm chí cả đến tiệm cắt tóc gội đầu, nếu không nhờ Năm Cam bảo kê thì đừng hòng hoạt động được. Không nhờ Năm Cam bảo kê thì chính đàn em của Năm Cam sẽ đến phá. 

 Khi phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng phạm diễn ra thì toàn dân đều thấy rõ: Sở dĩ tập đoàn tội phạm này lộng hành trong một thời gian dài, biến nhiều khu vực công cộng ở TP.HCM thành nơi “vô pháp”, là bởi chúng có tới ba hàng rào bảo kê: lớp thứ nhất là các nhà báo vô lương, lớp thứ hai là các quan chức thoái hóa biến chất và lớp thứ ba là một bộ phận công an bán mình cho chúng.

Hai Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có một ông Trung tướng công an và một số quan chức, sĩ quan đã bị xử tù. Giờ thì họ đã chấp hành xong các bản án và đang là các công dân lương thiện, chúng tôi không muốn khơi dậy những buồn đau cho gia đình họ, nhưng bài học từ vụ án này thì không được quên: Không phá được hàng rào bảo kê thì không thể phá được đường dây tội phạm.

Bởi không gian công cộng ở TP.HCM từng là nơi “vô pháp”, nên vỉa hè phần lớn là lãnh địa của Năm Cam, còn lại thì mạnh ai nấy chiếm. Nhìn cảnh công an hàng ngày hăng hái đi dẹp hàng rong, dẹp những người buôn thúng bán mẹt, trong khi các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh của các “đại gia” ngang nhiên chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn tồn tại năm này qua năm khác mà thấy nhức mắt.

Sau khi tập đoàn tội phạm Năm Cam bị triệt phá, vỉa hè tự động được phân chia lại theo một trật tự mới: nơi đã lấn chiếm thì cứ lấn chiếm, nơi từng là lãnh địa của Năm Cam thì đám xã hội đen mới nổi lập tức “tiếp quản”. Vỉa hè lại được quản lý theo luật giang hồ.

Ngay sau khi triệt phá tập đoàn tội phạm Năm Cam, vào đầu năm 2002, là thời điểm vụ án này còn chưa được xét xử, báo Thanh Niên đã có loạt bài mô tả tình trạng vỉa hè bị bọn xã hội đen đem “cắt” bán và bảo kê, mỗi một chỗ đặt xe bánh mì hoặc điểm bán hàng được mua với giá 5-7 chỉ vàng, thậm chí có nơi phải mua tới 3-4 cây vàng, đã mua rồi còn phải nộp tiền bảo kê hàng tháng.

Cũng như sự lộng hành của băng nhóm Năm Cam trước đây, nếu không có những kẻ bảo kê thì đám xã hội đen tép riu trên đường phố sức mấy mà lộng hành như vậy được. Suốt 15 năm qua báo chí đã phản ánh đi phản ánh lại nhưng chẳng có tác dụng gì. Tiếng nói của báo chí như đàn gảy vào những đôi tai điếc của các cơ quan công quyền. Chẳng có cuộc điều tra nào ra tấm ra món, chẳng có đứa lộng hành nào bị xử lý, chẳng có kẻ bảo kê nào được đưa ra ánh sáng.

Người dân mất niềm tin vào tình trạng nửa vời của cơ quan công quyền, báo chí thì bức xúc với những đôi tai điếc. Bởi vậy mà khi ông Đoàn Ngọc Hải trực tiếp cầm quân đi dẹp vỉa hè với quyết tâm không chừa một “vùng cấm” nào, ông lập tức trở thành một ngôi sao, một ngôi sao không cô đơn tí nào.

Ông được toàn dân (trừ những người lấn chiếm vỉa hè) và các phương tiện truyền thông đồng tình ủng hộ. Hình ảnh của ông đã trở thành sự kiện báo chí không hề nhỏ trong thời gian gần đây. Ông đang là điển hình của “người tốt việc tốt” có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Tuy nhiên, ông Hải và những người ở cương vị và quyết tâm như ông chắc khó mà vạch mặt được các thế lực bảo kê trên vỉa hè.

Cho đến khi tướng Nguyễn Đức Chung lên tiếng thì câu chuyện vỉa hè mới hé lộ bản chất thật của nó. Ông Chung nói thẳng, khi làm Giám đốc Công an TP.Hà Nội, trong hơn 180 quán bia vỉa hè mà ông đã thống kê có tới hơn 150 quán có công an đứng đằng sau. Tướng Chung đưa ra con số này bằng một thái độ từ tốn nhưng ẩn chứa một thông điệp: Sẽ diệt tận gốc nạn bảo kê trên vỉa hè và mọi sự bảo kê nói chung trên địa bàn Hà Nội.

Hành động của ông Hải được người dân đồng tình ủng hộ và chắc chắn sẽ được nhân rộng ở TP.HCM, nhưng vỉa hè có được trả lại một cách triệt để cho công cộng hay không, trật tự phố xá có được duy trì bền vững hay không thì chưa nói trước được, bởi vì vẫn chưa thấy TP.HCM đả động gì đến những kẻ bảo kê trên hè phố. Vẫn còn những đôi tai điếc trong các cơ quan công quyền.

Nhưng thái độ của tướng Chung thì khác. Thái độ của ông Chung bắt đầu khai thông những đôi tai điếc, không chỉ ở TP. Hà Nội…

(còn tiếp)
 

Hoàng Hải Vân