TTO - 29 năm sau ngày quân Trung Quốc thảm sát chiếm Gạc Ma ở Trường Sa
ngày 14-3-1988 - những người trong cuộc kể lại với Tuổi Trẻ những hồi ức
không bao giờ quên của những giờ khắc bi tráng ngày ấy.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa tổ chức trên tàu KN409 tháng 4-2016 - Ảnh: N.T.U. |
29 năm trước. Sáng 13-3-1988, khi thuyền trưởng tàu vận tải HQ605 Lê Lệnh
Sơn đang cho tàu tiếp dầu ở gần đảo Tốc Tan thì cơ yếu của tàu nhận được bức
điện tối mật của Tư lệnh hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 hải quân Giáp Văn Cương
ký hai ngày trước: ngày 11-3-1988.
“Ngày N” và Len Đao
Cựu thuyền trưởng HQ605 nhớ lại: “Bức điện tối mật ghi rõ: Gửi đồng chí Sơn
- thuyền trưởng HQ605. Tư lệnh hải quân lệnh: Đúng 6 giờ ngày N phải đến Len
Đao. Sẽ có tàu chở hàng và nhà tới sau...”.
Trong bức điện còn có ghi chú của trung tá Đỗ Xuân Công, lúc đó là phó tham
mưu trưởng Vùng 4 (sau này là phó đô đốc, tư lệnh hải quân từ năm 2000 - 2005 -
PV):
“N là ngày 14-3. Trước đây có thống nhất với đồng chí Cai là 7 giờ ngày N.
Nay quyết định đúng 6 giờ ngày 14-3 tàu 605 phải đến được Len Đao. Để thực hiện
được việc đó thì đúng 11 giờ ngày 13-3, 605 phải tập kết ở Tốc Tan”.
Tàu HQ 604 - con tàu đã bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988 |
Lý giải về việc thay đổi thời gian có mặt ở đảo chìm Len Đao từ 7 giờ sáng
14-3-1988 thành 6 giờ sáng, phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công
cho biết: “Nếu đến 7 giờ e rằng sẽ bị muộn. Nếu Trung Quốc đến trước mình thì
sẽ cắm cờ ngay. Mình phải đến sớm hơn để giữ đảo”.
Đúng 11 giờ trưa 13-3-1988, tàu 605 đã có mặt ở Tốc Tan và 11 giờ đêm 13-3,
605 tiếp tục cơ động từ Tốc Tan qua Len Đao.
“Chúng tôi phải tính toán để làm sao đến Len Đao đúng 6 giờ sáng với nhiệm
vụ cụ thể là ủi tàu lên đảo, khẳng định chủ quyền của mình. Không sớm hơn mà
càng không được muộn hơn. Nếu sớm hơn thì bình minh chưa lên, không nhìn thấy
đảo. Nếu muộn đảo sẽ bị Trung Quốc chiếm mất”, ông Lê Lệnh Sơn kể lại.
Đúng 6 giờ sáng, tàu HQ605 đã đến Len Đao, thả neo chờ lệnh. Trong khi đó,
từ chiều tối 13-3, tàu HQ604 và 505 đã đến đảo Gạc Ma và Cô Lin. Theo kế hoạch,
buổi sáng 14-3, các tàu phải cùng lúc có mặt ở các đảo trước khi Trung Quốc
đến. Nhưng HQ605 đã không thể ủi lên bãi cạn Len Đao.
2 tàu cháy và 1 công sự thép
Hơn hai tiếng đồng hồ sau khi HQ605 đến Len Đao, tàu chiến Trung Quốc xuất
hiện, lúc 8 giờ 05. Bất ngờ, từ khoảng cách hơn 1 hải lý, loạt pháo đỏ rực từ
tàu khu trục Trung Quốc bắn xé lửa về phía HQ605.
Ngay từ loạt bắn đầu, Trung Quốc đã bắn trúng vào khoang máy và đài chỉ huy
- hai vị trí quan trọng nhất trên một con tàu. Tàu 605 bị tê liệt hoàn toàn.
Không thể cơ động. Không thể tiến, lùi.
Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị thương nặng ở đầu và chân. Một chiến sĩ thợ
máy hi sinh. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt như bó đuốc. HQ605 là tàu vận tải nhỏ,
chỉ có một lớp thép nên khi bị pháo bắn là xuyên thủng.
Mọi thứ diễn ra quá bất ngờ. Nguồn điện bị cắt đứt hoàn toàn. Cơ yếu không
thể gửi điện về Bộ chỉ huy Vùng 4 báo cáo. Ba tiếng đồng hồ sau khi bị bắn, sắt
thép trên con tàu chảy tràn, nóng rực, những người lính buộc phải rời tàu bơi
về đảo Sinh Tồn.
Sáu tiếng đồng hồ sau họ mới bơi đến Sinh Tồn. Trong khi đó, ở Gạc Ma, tàu
HQ604 đã bị bắn cháy và chìm, cuốn theo những cán bộ chiến sĩ hi sinh và cả
người bị thương xuống đáy biển.
Còn ở Cô Lin, tàu HQ505 đã kịp ủi lên bãi, biến con tàu trở thành công sự
thép khẳng định chủ quyền.
“Việc HQ505 lao lên đảo không nằm ngoài kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng
hải quân. Trước khi tàu ra Trường Sa, Bộ tư lệnh Quân chủng đã có rất nhiều
phương án trong nhiều tình huống.
Trước đó chỉ vài ngày, chúng ta đã lao tàu lên đảo Đá Lớn khi bị các tàu
Trung Quốc bao vây và nhờ vậy mà mình giữ được Đá Lớn”, phó đô đốc Đỗ Xuân Công
kể.
Dù phải hi sinh đến người cuối cùng...
Khi ba tàu HQ604, 605 và 505 ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn
Cương cùng nhiều lãnh đạo hàng đầu của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân đã vào Bộ
chỉ huy Vùng 4 trực tiếp theo dõi, chỉ huy.
“Tôi còn nhớ hôm đó giao ban buổi sáng 14-3-1988, Tư lệnh Giáp Văn Cương
thông báo: Trung Quốc đã cướp đảo! Bộ đội mình đã bị bắn, nhiều người hi sinh.
605 và 604 bị bắn chìm. 505 đã lao lên đảo Cô Lin... Mọi người lặng đi.
Chúng tôi lặng đi vì thương tiếc anh em đồng chí đồng đội mình, và vì quá
bất ngờ trước sự liều lĩnh, bất chấp của Trung Quốc. Ai cũng bất bình”, phó đô
đốc Đỗ Xuân Công nói.
Ông Đỗ Xuân Công vẫn còn nhớ rất rõ sự điềm tĩnh và quyết đoán của Tư lệnh
Giáp Văn Cương - một vị tướng kinh qua nhiều trận chiến.
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại Vùng 4 Hải quân - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân |
Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988 tổ chức tại quân cảng Cam Ranh - Ảnh: My Lăng chụp lại tại Bảo tàng Hải quân |
Sau khi phân tích tình hình, Tư lệnh Giáp Văn Cương truyền đi hai bức điện
khẩn: lệnh cho các đơn vị trong bờ đưa ngay các tàu ra cứu hộ và bức điện thứ
hai lệnh cho các đảo gần đó cấp cứu, chữa trị những đồng chí bị thương và chôn
cất liệt sĩ khi về đảo.
Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng điện báo cáo Bộ Quốc phòng và gửi cho Bộ Ngoại
giao để phản đối Trung Quốc. Ông còn động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân
chủng, tiếp tục ra Trường Sa làm nhà cấp tốc để khẳng định chủ quyền ở tất cả
các đảo chìm còn lại.
“Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: dù phải hi sinh đến người cuối cùng vẫn phải
giữ đảo! Chúng ta không được sợ! Phải nhanh chóng khẳng định chủ quyền ở các đảo
chìm khác trước khi Trung Quốc đến! Không thể để họ cướp đảo như Gạc Ma lần
nữa.
Nếu lúc đó mà sợ, không dám đưa thêm tàu ra, đưa bộ đội ra làm nhà giữ
những đảo khác thì không giữ được các đảo cho đến hôm nay.
Tư lệnh Giáp Văn Cương cũng khẳng định quyết tâm phải giành lại Len Đao.
Anh Cương ra lệnh cho các tàu vận tải chở bộ đội ra chi viện giữ đảo Cô Lin và
các đảo chìm khác”, ông Đỗ Xuân Công nhớ lại.
Những ngày không ngủ
Phó đô đốc Đỗ Xuân Công cho biết những ngày sau 14-3 ở Bộ chỉ huy Vùng 4,
tất cả mọi người từ tướng đến quân không ai ngủ. Không khí rất căng thẳng.
Trung tá Đỗ Xuân Công được bổ nhiệm lên làm phó chỉ huy Vùng 4 (tương đương
phó tư lệnh bây giờ - PV). Ông là người viết các bức điện do tư lệnh chỉ đạo và
gửi ra đảo, ra tàu cũng như nhận báo cáo tình hình hằng ngày từ Trường Sa về để
báo cáo tư lệnh.
“Tư lệnh Giáp Văn Cương làm việc bất kể ngày đêm. Bình thường một ngày họp
giao ban một lần nhưng những ngày đó một ngày họp ba lần: sáng, trưa, tối. Lúc
nào cần là họp, là triệu tập ngay. Có lúc họp 12 giờ đêm. Có hôm 1-2 giờ sáng
triệu tập toàn bộ chỉ huy đầu não của Quân chủng, Vùng 4 lại họp”, ông Công kể.
Ông Đỗ Xuân Công cho biết những ngày đó cả Quân chủng hừng hực khí thế. Lực
lượng từ các nơi được điều về Cam Ranh: đặc công nước, tàu vận tải, hải quân
đánh bộ...
Kể cả học viên của Học viện Hải quân cũng được huy động, tạm thời ngừng học
ra đảo để tập kết vật tư, vật liệu cấp tốc làm nhà khẳng định chủ quyền trên
các đảo chìm còn lại. Sau đó mấy ngày, các tàu dân sự hàng nghìn tấn cũng được
huy động chở vật tư, vật liệu ra đảo làm nhà.
Có một chuyện rất ít người biết. Đó là ngay trong ngày 14-3, Tư lệnh Giáp
Văn Cương đã ra lệnh điều cả tàu chiến của lữ đoàn 171 ở Vũng Tàu ra sẵn sàng
chiến đấu.
Ông Đỗ Xuân Công cho hay: “Lúc đó anh Cương đã lệnh cho các tàu săn ngầm
của lữ đoàn 171 xuất phát ra đánh tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng tương quan
lực lượng của chúng ta với Trung Quốc quá chênh lệch.
Tàu chiến của mình lúc đó chỉ có mấy chiếc tàu pháo mà loại tàu rất nhỏ,
còn tàu săn ngầm thì chỉ có pháo, ngư lôi, trong khi Trung Quốc có tàu khu
trục, tàu pháo, tàu tên lửa rất to, rất hiện đại”.
Phó đô đốc, nguyên Tư lệnh hải quân Đỗ Xuân Công - phó tham mưu trưởng Vùng 4 thời điểm tháng 3-1988 - Ảnh: My Lăng |
Nguyên Tư
lệnh hải quân Đỗ Xuân Công nói: “Việc Trung Quốc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ
hải quân Việt Nam mình càng thúc đẩy thêm quyết tâm phải nhanh chóng nắm giữ,
khẳng định chủ quyền các đảo chìm còn lại...
Lúc đầu kế
hoạch của Bộ tư lệnh Quân chủng là làm nhà trên 12 đảo chìm trong 3 năm để
khẳng định chủ quyền. Nhưng khi xảy ra sự kiện ngày 14-3, chúng ta làm chỉ
trong 1 năm. Nhanh gấp 3 lần!”.
|
MY LĂNG
Nguồn: Theo Tuổi Trẻ