Báo cáo kết luận thanh
tra về việc thanh tra tài chính tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt
Nam (TKV) đã hé lộ một số khoản đầu tư tài chính không hiệu quả của Tập đoàn
này.
TKV có nhiều khoản đầu tư tài chính không hiệu quả, gây thua lỗ lớn. |
Theo báo cáo có 4/6 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính tại thời
điểm 31/12/2015 là hơn 17.157 tỷ đồng. Trong đó, có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài
chính dài hạn và một số đơn vị chưa hiệu quả.
Cụ thể, theo báo cáo, Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư tài chính dài hạn tại
thời điểm 31/12/2015 là hơn 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty, bao gồm 49 công ty
con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác. Năm 2015, có 50 công ty
kinh doanh có lãi số tiền gần 655 tỷ đồng, cổ tức là lợi nhuận được chia năm
2015 là 98,6 tỷ đồng (chiếm 0,63% trên tổng số vốn đầu tư tài chính).
Tuy nhiên, có 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỷ đồng trong
năm 2015 và tính lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỷ đồng.
Điển hình là Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng, nguyên
nhân chủ yếu là do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lớn (từ năm 2005 đến
2015 hơn 3.043 tỷ đồng) nhưng chưa được tính hết trong cơ cấu giá bán điện.
Ngoài ra còn có: Công ty cổ phần Vận tải thuỷ - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng;
Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hoá - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông
Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Công ty liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt
Nam) lỗ 69 tỷ đồng; Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70
tỷ đồng và Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Theo báo cáo, các đơn vị thành viên bao gồm Tổng công ty Khoáng sản TKV
cũng có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 hơn 720 tỷ đồng
vào 18 công ty. Trong số này có 11 công ty có lãi gần 72 tỷ đồng nhưng 7 công
ty còn lại thua lỗ lên tới hơn 124 tỷ đồng trong năm 2015. Tính luỹ kế đến hết
2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng đầu tư tài chính dài hạn 514
tỷ đồng vào 12 công ty. Tại thời điểm 31/12/2015, có 3 công ty kinh doanh lỗ
luỹ kế hơn 265 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, Tập đoàn đã thoái vốn Nhà nước tại 13/17 đơn vị
nhưng vẫn còn 4 đơn vị chưa thực hiện thoái vốn, bao gồm: 11,04 chứng chỉ quỹ,
tương ứng 11,04 tỷ đồng góp vốn vào Quỹ đầu tư BIDV - Partner; 48 tỷ đồng đầu
tư vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; 39 tỷ đồng vào
Công ty cổ phần Đại lý Hàng Hải; 76 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Vận tải thuỷ.
Đáng lưu ý, Tập đoàn chưa thực hiện chuyển nhượng vốn góp ở nước ngoài tại
3 đơn vị. Trong đó, góp vốn đầu tư 55,8 tỷ đồng vào Công ty liên doanh khoáng
sản Stung Treng tại Campuchia nhưng dự án này đã dừng triển khai và được giải
thể trong năm 2016.
Ngoài ra còn có Liên doanh Alumina (Campuchia) và Sắt Phu Nhuon, Muối - Hoá
chất (Lào), Tập đoàn đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt
hình thức tái cơ cấu theo hướng chuyển nhượng để thu hồi vốn hoặc giải thể đối
với các dự án đã hết hạn thăm dò và không được gia hạn giấy phép theo quy định
của nước sở tại.
Tập đoàn cũng chưa hoàn thành việc phá sản doanh nghiệp tại Công ty cổ phần
Đóng tàu Sông Ninh với giá trị vốn góp 20,52 tỷ đồng (chiếm 36% vốn điều lệ).
Đến nay, Tập đoàn đã gửi đơn lên Toà án xin giải quyết phá sản công ty.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, theo kết luận thanh tra,Tổ hợp
Bauxit-Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ 10/2013 đến hết tháng
9/2016 đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh
là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này
đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không
kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá). Tuy nhiên, Thanh tra cũng cho rằng, dự kiến
năm 2017, dự án này sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án (với thời gian
lỗ kế hoạch là 4 năm).
Phương Dung
Nguồn: Theo Dân Trí