21 mars 2017

MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ “CON ĐƯỜNG XƯA” CỦA MÌNH

(Tản mạn sau khi nghe các nhạc sỹ nói lý do cấm hát Con đường xưa em đi)

Đào Tiến Thi
 
1. Những “con đường xưa” của tôi


Bài hát Con đường xưa em đi tôi được nghe lần đầu khi vào miền Nam (sau 1975). Bài hát gây cho tôi một nỗi xúc động đáng để kể ra đây. Là vì hồi ấy lần đầu tôi làm một khách lữ thứ ở tít một vùng miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Bài hát được hát bằng giọng Nam Bộ nguyên chất:


Coong đường xưa em đi
Dzàng lơn mái tóc thề,
Ngỏ hôồn dâng tái tê
Ăn làm thơ dzu guy,
Khắt goa đường lắng nghe
Chuyểng tình ta đả ghi
Nhửng mùa trăng dzu guy
Dzì mưa gió không dzề… 
Một con đường làng Nam Bộ ngày nay
Ảnh: Đào Tiến Thi



Thông thường các ca sỹ, dù là người miền Nam, thì khi hát “tân nhạc”, vẫn hát đúng giọng Bắc. Nhưng đây là giọng không chuyên của các cô gái “ruộng” (thôn quê hoàn toàn), một thứ giọng mà lúc ấy tôi nghe chưa quen lắm, ấy thế mà nó gây cho tôi một nỗi xúc động lạ kỳ. Đang trong cảnh cô đơn, bài hát đưa tôi tới những tình cảm quê hương và bạn bè thân thương, ấm áp. Là vì bỗng dưng được “trở về” với những con đường của tuổi thơ và những ngày đầu của tuổi trẻ với không ít lãng mạn. Đó là con đường đến trường thuở học sơ tán vòng vèo theo bờ ruộng hoặc men theo sườn đồi. Là con đường làng lầy lội mưa phùn dầm dề những ngày cuối đông và khi sang xuân thì đất mịn như nhung, tha hồ cho trẻ con tụ tập đánh đáo. Là những con đường làng đầy rơm rạ mà tôi vẫn bước chân lên những năm đầu đi dạy học một vùng đồng bằng Bắc Bộ - những con đường mà tôi vẫn nghĩ chúng đích thị là những “con đường thơm” trong thơ Huy Cận. Và tất nhiên có cả những con đường của “nàng”. “Nàng” không (hay chưa) là người yêu của tôi, không “hoen đôi mi” nhưng cũng đầy lưu luyến với người một người bạn là tôi khi tôi phải “đi đày” ở một vùng sình lầy cuối trời Nam.


Từ khi nhạc Tiền chiến được phổ biến rộng rãi thì tôi lại thích những Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ (Văn Cao), Đàn Chim Việt (Văn Cao – Phạm Duy), Biệt ly (Doãn Mẫn),… thành ra “phụ tình” với Con đường xưa em đi. Nhưng cách đây mấy năm, tôi trở lại thăm nơi hơn 30 năm trước mình dạy học thì âm hưởng của Con đường xưa em đi lại cứ “vang vang” trong đầu. Thực ra thì không có thì giờ để nghe bài hát nữa, nhưng cái tứ, cái tình của bài hát cứ dậy lên trong lòng. Bởi vì tôi đang đi tìm lại những con đường xưa tôi đi, những con đường xưa em đi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng phần lớn nó rất xa cái nghĩa anh và em ở trong ca khúc kia. Ví như “Chiến trường anh bước đi” thì đối với tôi nó lại là “ngôi trường anh từng dạy”. Nay gặp lại những học trò tóc đã hoa râm và màu áo cũng đã “phong sương” lắm. Và thấy yêu thương một miền đất xa xôi của Tổ quốc.


2. Lính Việt Nam Cộng hòa thì không biết yêu? 


Cái điều người ta nghi kỵ, vạch vòi, tạo nên lý do để cấm bài hát Con đường xưa em đi là vì trong bài có thấp thoáng hình ảnh người lính:

- Chiến trường anh bước đi

- Nơi đây phiên gác canh dài

- Em ơi! màu áo phong sương… 


Thực ra cho đến tận trước khi ông nhạc sỹ Nguyễn Lưu và nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha phát biểu (cách đây mấy hôm), tôi không hề quan tâm đến cái “con đường xưa em đi” trong ca từ của bài hát là con đường nào; cũng như “chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào. Tôi chỉ “vận” nó vào trường hợp của tôi như đã nói trên kia, thế thôi. Bởi vì cái được gọi là “hiện thực” trong tác phẩm nghệ thuật không phải là bản sao của đời sống. Nó nhiều khi chỉ là hiện thực giả định, là một cái cớ để bày tỏ chuyện đời, để ước mong con người “gần người hơn” – nói như một nhân vật của Nam Cao. Bây giờ mấy ông nhạc sỹ nói bài này “viết về người lính Cộng hòa” thì tôi cũng mới biết: ra là như thế (?). Nhưng đọc đi đọc lại lời bài hát, thấy chẳng có căn cứ nào để khẳng định như vậy. Trong bài chỉ thấy người lính trong quan hệ với người yêu của anh ta chứ chả thấy lý tưởng chính trị của anh ta là gì, chả thấy bắn phát súng nào hay nhằm súng vào ai. Ông Nguyễn Lưu còn bảo: “Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc”. Ôi, chả lẽ cứ là lính VNCH thì nghiễm nhiên là kẻ thù? Thế thì ông lại vả vào mồm ông Nguyễn Thụy Kha rồi. Vì ông Thụy Kha nói: “Trước đây, tôi được Cục Nghệ thuật biểu diễn mời lên thẩm định những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Có ý kiến cho rằng, những bài nào có chữ lính không nên được thông qua. Tuy nhiên, tôi đưa ra ý kiến, nếu người lính đó đang chờ hòa bình, đón đợi hòa bình, tại sao phải cấm? Thế nên, ban đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ có ý định cấp phép cho 3 ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, sau đó đã nâng lên 8 ca khúc”.

Mà giả sử người lính trong bài hát này đúng là lính VNCH thì đã sao? Người lính Cộng hòa chẳng lẽ không biết đến tình yêu? Không bịn rịn khi chia tay? Không đau khổ khi xa cách? 


Lý tưởng chính trị hay quyền lợi vật chất khiến con người trong một giai đoạn nào đó trở thành thù địch với nhau (và do đó mới có chiến tranh). Nhưng ở phần khác, con người vẫn giống nhau ở “chất người” (nhân tính). Sách giáo khoa của miền Nam cũ có bài Tình nhân loại (xem văn bản phần phụ lục ở cuối bài), đại khái kể rằng: Sau một trận giao tranh, người lính của cả hai phía chết ngổn ngang mà chẳng có ai chăm sóc. Có hai người lính của hai phía thù địch nằm cạnh nhau, họ liền bắt chuyện với nhau. Hóa ra họ rất giống nhau: đều yêu nước, yêu quê hương, gia đình, đều mang lý tưởng hy sinh vì tổ quốc. Nửa đêm, một trong hai người lính thấy mình đã kề cận cái chết liền cởi áo cho người lính đối phương.

Nói những điều trên tôi không hề đồng nhất mọi loại chiến tranh. Tôi chỉ muốn nói: 1. Khi văn bản tác phẩm không chỉ rõ cuộc chiến nào, người lính của bên nào thì đừng suy diễn; 2. Dù là cuộc chiến gì thì những người lính của hai bên vẫn có những điểm giống nhau nhất định. 


3. Sự nhầm lẫn do tinh thần bảo vệ thể chế quá cao của hai ông nhạc sỹ “đỏ”?

Nhạc sỹ Nguyễn Lưu

Ảnh: vtc.vn



Hai ông nhạc sỹ Nguyễn Lưu và Nguyễn Thụy Kha lại lấy cả thể chế chính trị ra để dọa:

“Không quốc gia nào cho phép lưu hành những tác phẩm khiến cộng đồng sao nhãng việc bảo vệ thể chế của đất nước” (Nguyễn Lưu).

 “Bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có những chính sách, những biện pháp và công cụ để bảo vệ sự tồn tại của mình” (Nguyễn Thụy Kha).

Gói đất nước với thể chế thành một gói nếu không là cố ý nhầm thì cũng là một sự ngớ ngẩn. Nhưng hai ông còn nhầm nhà nước với thể chế. Một nhà nước đang tồn tại thì nó luôn tìm cách để bảo vệ nó, cái đó dĩ nhiên. Nhưng thể chế thì không hẳn. Vì thể chế là do con người lựa chọn. Vẫn những con người trong bộ máy nhà nước đó, nhưng có thể lúc theo thể chế này, lúc lại theo thể chế khác. Khi thấy thể chế nhà nước của mình không còn phù hợp thì người ta thường đi tìm thể chế mới, thích hợp hơn để mở đường cho đất nước phát triển (chứ ôm khư khư thể chế lạc hậu để mà tự giết mình à?). Nhật hoàng Minh Trị khi lên ngôi đã xây dựng thể chế quân chủ lập hiến thay cho thể chế quân chủ chuyên chế đương thời. Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia là những đảng cộng sản, nhưng khi thấy thể chế nhà nước cộng sản không còn phù hợp, họ đã bỏ để xây dựng thể chế dân chủ.


4. Liệu có quay lại cái thời cấm “nhạc vàng”?



Ca sỹ Lộc Vàng, người bị tù 8 năm vì hát “nhạc vàng”

Ảnh: Internet



Trước năm 1975 ở miền Bắc XHCN, các bài hát về tình yêu thuần túy, không gắn với cách mạng, kháng chiến hay xây dựng CNXH đều được gọi là “nhạc vàng”. “nhạc vàng” bị coi là trái độc, bởi ngoài việc xa rời ba đề tài trên, nó toàn giọng ủy mỵ, sướt mướt (những là chia ly, xa cách, tan vỡ). “Vàng” có người giải thích là “vàng vọt”, yếu đuối, tiêu cực, thậm chí sa đọa, bị địch lợi dụng! Tội hát “nhạc vàng” bị coi là tội nặng. Vì thế mới có chuyện ông Lộc Vàng vì hát nhạc vàng mà bị tù 8 năm! Tuy nhiên, ngay thời ấy, tôi thấy thanh niên vẫn truyền nhau hát những Ngày về của Hoàng Giác, Lan và Điệp của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh, Anh cứ hẹn của Anh Bằng (phổ thơ Hồ Dzếnh),...

Sau 30-4-1975, “nhạc vàng” từ miền Nam tràn ra miền Bắc thành dòng thác mà nhà nước khó cản nổi. Và tuy nhà nước không còn bỏ tù nữa nhưng nhìn chung người ta vẫn phải nghe và hát “nhạc vàng” một cách vụng trộm, không dám công khai. Mấy đứa bạn tôi một tối tụ tập ở ký túc xá hát “nhạc vàng” bị một ông giáo dạy nhạc bắt được, suýt nữa bị kỷ luật.

Quãng mươi, mười lăm năm trở lại đây thì “nhạc vàng” đã quá phổ biến. Người ta không gọi là “nhạc vàng” nữa mà gọi là nhạc “Tiền chiến”. Vì mặc dù nhiều bài sáng tác sau thời Tiền chiến (1945) nhưng cùng một dòng cảm hứng (tình yêu lứa đôi mang màu sắc lãng mạn) nên cũng đều được xếp vào dòng Tiền chiến. Nhạc Tiền chiến ngày nay có lẽ là một trong những dòng nhạc lành mạnh, trong sáng bậc nhất trước bao nhiêu loại nhạc nhí nhố, dễ dãi. Những tên tuổi lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại có lẽ quá nửa thuộc dòng Tiền chiến: Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Doãn Mẫn, Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương,… Tuy nhiên, ca từ của dòng nhạc này thường có rất nhiều chữ “vu vơ”, “mông lung”. Nếu cứ suy diễn theo kiểu “con đường xưa em đi” là con đường nào, “chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào thì có lẽ bài nào cũng có vấn đề cả!

Không lẽ cấm tất?

……………………….

Phụ lục

Tình nhân loại

Sau một trận giao tranh ác liệt,

Giữa sa trường xác chết ngổn ngang.

Có hai chiến sĩ bị thương,

Hai người hai nước hiện đương nghịch thù.

Họ đau đớn khừ khừ rên siết,

Vận sức tàn cố lết gần nhau.

Phều phào gắng nói vài câu,

Lời tuy không hiểu, hiểu nhau nỗi lòng:

Họ hai kẻ không cùng Tổ quốc,

Nhưng đã cùng vì nước hi sinh.

Cả hai ôm ấp mối tình,

Yêu thương đất nước, gia đình, quê hương.

Đêm dần xuống, chiến trường sương phủ,

Một thương binh hơi thở yếu dần.

Trước khi nhắm mắt từ trần,

Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng.

Anh cởi áo đắp trùm lên bạn,

Rồi tắt hơi! thê thảm làm sao!

Cho hay khác nghĩa đồng bào,

Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều!

ĐẶNG DUY CHIỂU 
(Sách Quốc văn mới – SGK của miền Nam trước 1975)



Mời nghe lại Con Đường Xưa Em Đi - Quang Lê / Lệ Quyên .