26 mars 2017

"Ốm mà không dám uống thuốc, bệnh nặng thêm, nguy hiểm tính mạng"



Ngọc Quang
 

(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cảnh báo, đất nước sẽ sớm đối diện với nhiều hiểm họa khôn lường nếu không sớm ngăn chặn được sự tha hóa của cán bộ.

Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.

Vấn đề này vốn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là trong thời gian những năm gần đây đã có nhiều cán bộ nhà nước lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng đạo đức cán bộ, dẫn tới bổ nhiệm cả những người không xứng đáng vào các vị trí lãnh đạo.

Bên cạnh đó, người dân cũng rất bất ngờ và đang chờ đợi thông tin chính thức từ các cấp có thẩm quyền về tài sản của cán bộ, trong đó có bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng.


 


Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 24/3, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho biết, ông đã đọc những phản ánh của ông Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đề nghị xem xét những biểu hiện bất thường của ông Huỳnh Đức Thơ.


Tướng Thước bày tỏ: “Theo dõi qua báo chí, tôi được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Nhưng với thông tin về khối tài sản nhiều tỷ đồng của Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng thì chưa thấy có thông báo nào cho biết sẽ kiểm tra vấn đề này.

Theo tôi, trường hợp này Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng phải vào cuộc kiểm tra, kịp thời làm rõ tất cả những băn khoăn của dư luận xã hội; vừa để giữ gìn thanh danh cho cán bộ, đồng thời cũng nghiêm khắc xử lý sai phạm của cán bộ. 


Như Tổng Bí thư đã nói thì chẳng thích thú gì khi phải kỷ luật cán bộ mà trái lại còn khổ tâm, xót xa, nhưng phải kiên quyết thực hiện vì lợi ích chung của toàn dân tộc”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa của cán bộ. ảnh: Ngọc Quang.


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chỉ rõ, thời gian vừa qua các thế lực thù địch liên tục lợi dụng các thông tin không rõ ràng về bổ nhiệm hay tài sản của cán bộ để tung tin thất thiệt. 


Vì vậy cách tốt nhất là phải tường minh mọi việc ngay từ đầu, bởi suy cho cùng cán bộ được dân bầu ra hay là Trung ương chỉ định vào vị trí này, vị trí khác cũng là để gánh vác những việc khó cho dân.


Tuy nhiên, trong khi vẫn có chuyện lạm quyền xảy ra thì công tác giám sát, thanh tra quá yếu kém. Thí dụ như báo cáo của Viện Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ thì tính đến hết tháng 5/2015 trong số 1.225 người thuộc diện phải xác minh tài sản chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.


Mới đây nhất, báo cáo từ các địa phương gửi về Cục Chống tham nhũng vừa được công bố ngày 16/3/2017 về việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 thì qua xác minh tài sản, thu nhập của các cơ quan có thẩm quyền, không phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực.

Đáng chú ý, có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…


“Nhìn vào kết quả này, tôi rất buồn, bởi vì kết quả thanh tra có vẻ không phản ánh đúng thực chất tình hình diễn biến trong thực tế, thậm chí ngược với đánh giá của Đảng về tình hình tham nhũng đang diễn biến khó lường.


Cứ như thế này thì kê khai tài sản sẽ mãi chỉ là chuyện hình thức, nói nặng hơn thì đó là sự gian dối trước Đảng, trước dân”, Tướng Thước nói thẳng.

Tâm thư của ông Nguyễn Đăng Lâm đề cập tới nhiều vấn đề có liên quan tới Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ.


Chọn cán bộ giỏi thực sự vì nước, vì dân sao khó thế?



Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ: “Khi có dịp gặp gỡ và trao đổi với đồng chí Tổng Bí thư hay Thủ tướng, tôi đã nói rằng rất mong muốn xây dựng được một nhà nước kiến tạo, đổi mới, thông minh thì phải có những người cán bộ giỏi, có tâm với nhân dân, với đất nước.


Tổng Bí thư rất quyết tâm, Thủ tướng cũng rất quyết tâm, nhưng liệu rằng hệ thống bên dưới có thật sự chuyển biến không?


Vì sao Nghị quyết của Đảng lần nào đưa ra cũng đúng cả, nhưng kết quả thực hiện trong thực tế lại không đạt được định hướng đề ra?


Tôi nghĩ Đảng phải nghiêm túc tổng kết, xem xét lại trên tất cả các mặt, sớm thúc đẩy sửa đổi luật phòng chống tham nhũng, bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về kiểm soát tài sản của cán bộ, của người thân và xử lý trách nhiệm nghiêm khắc với cá nhân, tập thể.


Phải siết chặt công tác cán bộ, vì nó có liên quan mật thiết với sự tồn vong của chế độ, của nền độc lập mà biết bao thế hệ đã phải đổ máu, hy sinh mới có được”.


Trong rất nhiều điều tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ sau này, đáng chú ý có tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” vào năm 1948, trong đó chỉ rõ các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình.


Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.


Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.


Trên thực tế, trải qua 86 năm lãnh đạo đất nước, Đảng cũng đã nhiều lần thẳng thắn nhận khuyết điểm và sửa chữa những khuyết điểm ấy. Đã có hàng nghìn đảng viên bị khai trừ và kỷ luật hàng nghìn tổ chức cơ sở đảng.


Dù vậy, nạn nhũng nhiễu, tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn vẫn chưa thuyên giảm được bao nhiêu.


Năm 2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đề cập thẳng thắn: Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như hiện nay: “tư bản thân hữu”, “lợi ích nhóm”, “sân sau của gia đình”.


Xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp-phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm... gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế.


Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng "bóng dáng" của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.


Lâu nay Đảng, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm người đứng đầu, nhưng còn đó cán bộ vẫn thể hiện thái độ coi thường luật pháp, coi thường nhân dân – những người làm chủ đất nước, những người bầu họ làm lãnh đạo. Ngoài mặt thì tỏ vẻ vì dân, song thực chất chỉ tìm cách thu vén cho lợi ích cá nhân.


Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã tạo ra “lỗ kim” cho những “con lạc đà” cơ hội, trục lợi, tham vọng địa vị... “lọt” qua, làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.


Cũng vì kỷ cương không nghiêm cho nên mới dẫn tới tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, tranh thủ thay đổi nhân sự hay xây sửa, mua sắm tài sản công... hòng kiếm chác vài khoản trước ngày hạ cánh.


Họ liều lĩnh, bất chấp dư luận, bất chấp người đời dè bỉu, bất chấp luật pháp và cũng đạp lên cả danh dự, nhân phẩm của chính mình. 


Những vụ bổ nhiệm thần tốc, những cơ quan địa phương có số lãnh đạo còn nhiều hơn cả nhân viên, hay những dự án thua lỗ trầm trọng khiến đất nước gánh thêm nợ nần…


Ở cấp lớn như vậy, rồi đến cấp bé thì bò, gà, dê… đi lạc vào nhà cán bộ; thậm chí ăn chặn cả tiền của các gia đình chính sách. Tất cả đều có nguồn gốc từ sự lạm quyền trong khi cơ chế kiểm soát quyền lực lỏng lẻo!


Tướng Thước bình luận: "Lạm quyền suy cho cùng cũng là để có được lợi ích vật chất, cho nên phải tách bạch quản lý chính sách nhà nước với quản lý kinh tế, nhất là khi các bộ ngành đang quản lý quá nhiều doanh nghiệp.


Tôi đặc biệt lưu ý, đã là lãnh đạo ngành thì không thể sở hữu cổ phần ở những doanh nghiệp đang sự quản lý của ngành. Lãnh đạo địa phương cũng không được sở hữu cổ phần doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Phải có quy định chấm dứt ngay việc này".


Là một người lính trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhiều lần vào sinh ra tử, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng: "Đất nước đã trải qua nhiều đau thương, hàng triệu chiến sĩ anh dũng đã ngã xuống, hàng triệu gia đình không tiếc máu xương để giành được độc lập, hòa bình.


Vì vậy, được sống trong hòa bình, lại có may mắn được làm cán bộ, được giữ những chức vụ quan trọng và được hưởng bổng lộc thì hãy làm tốt bổn phận của mình. Ít nhất cũng đừng phá hoại, đừng chà đạp lên những điều thiêng liêng ấy".


Khi tiền và quyền là công cụ biến "quy trình" thành sự giả dối lấn át niềm tin của nhân dân, đó cũng là lúc nhiều hiểm họa sẽ ập đến.



Ngọc Quang



Nguồn: Theo GDVN