02 octobre 2017

Mấy suy nghĩ về bài “ Cùng nhau mở con đường cải cách “ của ông Nguyễn Trung .


 Lê Văn Ninh

Vài lời nói trước:

Nghe tôi đọc sơ qua bản nháp để ông bạn tôi góp ý, ông ấy khuyên tôi : “ Hãy thận trọng kẻo lại nhầm lần nữa. Con kền kền có khoác bộ lông công thì vẫn là con kền kền chứ không trở thành con công được. Vả lại ông không thấy người ta khuyên người ngoài đảng, kể cả người đã ra đảng đừng dại xía vô chuyện nội bộ đảng hay sao “. Nghe lời ông bạn, tôi suy nghĩ thêm nhiều lắm, rồi xem lại phần Phụ lục I, thấy ông Nguyễn Trung viết :” Chỉ có con đường sống – Dân quyết đi theo đảng, để cùng sống, sống được...” và “ đảng thông qua đảng viên và các cơ sở của mình – làm nhiệm vụ hạt nhân lãnh đạo, đồng thời là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân cả nước tiến hành cải cách...”. tôi nhận ra rằng tác giả đã chỉ cho thấy một điều rất quan trọng là muốn sống thì không còn con đường nào khác là phải sống chết theo đảng, vậy làm sao có thể thờ ơ với bài báo cực kỳ tâm huyết đó. Tôi đã viết lại, hoàn chỉnh bài trao đổi những suy nghĩ với tác giả và gửi đăng trên Dân Quyền để bạn đọc góp thêm ý kiến.


Trước hết tôi khẳng định bài báo rất tâm huyết của ông Nguyễn Trung ngày 27-9-2017 là rất nên trân trọng, vì ông đã ra vạch ra con đường hòa bình để chuyển đổi thể chế, đỡ tốn xương máu. Song như tác giả đã nói “Nhân vô thập toàn“, tôi có một vài suy nghĩ khác với tác giả, xin được cùng trao đổi. Tuy nhiên bài của tác giả rất dài, kể cả 3 phụ lục, chiếm hết 29 trang giấy A4. Phần nào cũng có nội dung cần trao đổi mà viết dài dòng thì người đọc buồn ngủ nên tôi xin phép tóm tắt và trao đổi suy nghĩ với tác giả 2 nội dung mà tôi cho là quan trọng nhất. 
Trước hết là bổ sung vào phụ lục II của tác giả nói về Chủ nghĩa Marx-Lenin, để dứt khoát chia tay với Quốc tế 3 là Chủ nghĩa cộng sản, chuyển sang Quốc tế 2 là Chủ nghĩa Xã hội dân chủ mà tác giả đã gợi ý. Ở đây xin được xen vào một chi tiết cực kỳ quan trọng : Tác giả có nhắc đến các nước Bắc Âu, trong đó có Thụy Điển. Năm 2002 Giáo sư Ngô Giang của ĐCSTQ sang khảo sát Thụy Điển, phía Thụy Điển yêu cầu gọi tên đầy đủ của nước họ là “ nước Thụy Điển Xã hội chủ nghĩa - dân chủ “ chứ không phải là nước Thụy Điển Xã hội chủ nghĩa, để tránh nhầm lẫn với khái niệm Xã hội chủ nghĩa của Engels là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Tiếp sau là vấn đề Tổ chức – Cán bộ, để trình bày kiến nghị bổ sung Phương án 2, nhằm thi công Công trình chuyển đổi chính trị vĩ đại của tác giả đã thiết kế sơ bộ, để đi đến bản thiết kế chính thức hoàn thiện hơn.
 
1- Về Chủ nghĩa Marx – Lenin :

Cuối phần phụ lục II, tác giả khuyên nên “từ biệt chứ không chỉ tạm biệt Chủ nghĩa Marx – Lenin để rồi sẽ tìm cách trở lại“ là chính xác. Nhưng trong nội dung phụ lục có mấy ý sau đây tôi cho là chưa chính xác :

- Tác giả viết : Cả Marx và Lê-nin đều không sáng lập ra Chủ nghĩa Marx-Lenin ?

Không đúng, có chủ nghĩa Marx và có Chủ nghĩa Marx ở giai đoạn Lenin nên từ đó có tên Chủ nghĩa Marx-Lenin. Ảnh của hai ông Tây này luôn luôn có mặt trong các cuộc họp quan trọng của ĐCSVN.

- Tác giả viết : Marx cho rằng những tác phẩm của ông chỉ là lý luận mang tính giải thích và thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống, không phải là học thuyết giáo điều ?

Không đúng, nó đã trở thành giáo điều và kinh thánh. Vì đã trở nên giáo điều nên Chủ nghĩa Marx-Lenin không thâm nhập vào được cuộc sống thực. Thiên đàng cộng sản chủ nghĩa chỉ là cuộc sống ảo. Ông Marx là người nước Đức, một nước Tư bản, Ông truyền bá Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đầu tiên ở nước Anh, cũng là một nước Tư bản nhưng Chủ nghĩa Marx-Lenin và con đẻ của nó là Chủ nghĩa cộng sản không thành công ở bất cứ nước Tư bản dẫy chết nào, mà chỉ thâm nhập vào được một số nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có công nghiệp hoặc mới có nền công nghiệp phôi thai như nước Nga Sa hoàng, nước Trung Hoa Dân quốc, nước Việt Nam thời An-nam ở đầu thế kỷ 20, nhờ lời hứa của Lenin trong Luận cương của ông này về vấn đề thuộc địa.

Tôi xin trình bày bổ sung tóm tắt như sau :

Sau khi hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô tự sụp đổ vào những năm 1989 và 1991, nhiều nhà khoa học và triết gia Phương Tây đã tìm và nghiên cứu những tác phẩm nguyên thủy ( chưa bị biến dạng ) của Marx để hiểu những tư tưởng chân thực của Marx.

Xét về tiến trình hình thành tư tưởng của Marx, dựa vào các tác phẩm chủ yếu của Marx, họ phân chia thành 3 giai đoạn :

Giai đoạn 1 : tính đến năm 1845, gọi là Marx thời trẻ, có những tác phẩm tiêu biểu là : Khởi thảo phê phán triết học về Quyền của Hegel, Bản thảo kinh tế và triết học, Luận cương Fewerbach, Hệ tư tưởng Đức ( Marx viết chung với Engels ). Các học giả đánh giá giai đoạn này là quan trọng nhất, tư tưởng của Marx mang tính nhân đạo và thuần túy của Marx.

Giai đoạn 2 : từ 1848 đến 1858, gọi là Marx thời trưởng thành, có những tác phẩm tiêu biểu : Những nguyên lý phê phán kinh tế chính trị học và Tuyên ngôn của Đảng cộng sản ( Marx viết chung với Engels ).

Giai đoạn 3 : tính đến 1875, gọi là Marx thời về già, có những tác phẩm tiêu biểu : Tư bản tập 1 ( Tập 2 và tập 3 do Engels hoàn thành và xuất bản ), Lý luận về thặng dư giá trị ( do Kausky xuất bản ) và Phê phán đề cương Gotha.

Nhìn toàn diện, các tác phẩm của Marx là một hệ thống lý luận toàn vẹn và duy lý và không có học thuyết Marx thuần túy, tách khỏi quyền lực chính trị. Một mặt, như Marx nói, học thuyết Marx dùng để biến đổi thế giới. Mặt khác học thuyết Marx là cơ sở cho những tổ chức, Đảng, Nhà nước cộng sản dùng để bảo trì trật tự xã hội hiện hữu. Các học giả Phương Tây nhìn Marx qua tác phẩm “ Bản thảo kinh tế và triết học “ ( của Marx thời trẻ ) như một nhà tư tưởng nhân bản cuối cùng của nhân loại, đồng thời nhìn Marx qua tác phẩm “ Tư bản - Das Kapital “ ( của Marx thời về già ) như một nhà xã hội học tiền phong. Khi Đảng cộng sản Bôn-sê-vích nắm chính quyền ở nước Nga thì Chủ nghĩa Mác ở giai đoạn Lenin đã mất đi tính khoa học và thể hiện như một hệ tư tưởng độc đoán, biến dạng thành một khoa kinh điển giáo điều, trở thành một thứ tôn giáo. Từ đó Chủ nghĩa Marx được dùng vào 2 mục đích đối lập nhau : hoặc dùng để biến đổi thế giới như Marx nói, hoặc để bảo trì trật tự xã hội độc tài hiện hữu.

Marx là một thiên tài nhưng tên tuổi của ông đã bị gắn liền mãi mãi với mặt trái của chủ nghĩa cộng sản ở Nga, ở Trung Quốc, ở Campuchia. Tuy nhiên nếu nói Marx phải chịu trách nhiệm chính về những sự tàn bạo của Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Pôn Pốt thì quả thật là không công bằng.

Ở đây cần bổ sung thêm : Nhiều tác phẩm chủ yếu của Marx đã không trọn vẹn, chẳng hạn trong 3 tập Tư bản, Marx chỉ hoàn thành và xuất bản tập 1. Cho đến khi qua đời, Marx vẫn không giải quyết được một vấn đề hóc búa là “ Vấn đề chuyển đổi – tỷ xuất lợi nhuận và giá trị “, nên sau này Rothbard gọi đó là “ lỗ hổng “ rõ nhất trong mô hình hư cấu của Marx. Marx đã sáng tạo những thuật ngữ Chủ nghĩa tư bản, giá trị thặng dư, tư bản và vô sản..., trong đó có những thuật ngữ được Marx diễn đạt không minh xác và không thống nhất với chính suy nghĩ của Marx, chẳng hạn về “ khái niệm giai cấp “. Còn các khái niệm khác như Chuyên chính vô sản, quan điểm về Nhà nước, Chủ nghĩa xã hội ( giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản ) là những khái niệm mẫu mực cho ý thức hệ cộng sản ở giai đoạn đảng Bôn-sê-vích cầm quyền là tác phẩm của Engels, được Lenin vận dụng để hiện thực hóa Tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx và Engels vào nước Nga và sau này, các đảng cộng sản cầm quyền vận dụng vào các nước XHCN Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam.

Marx tiên đoán “ Thiên đường có thể có thể đặt ở trên cõi trần. Nền chuyên chính vô sản sẽ được thay thế bởi một xã hội không có giai cấp, không có Nhà nước và con người của Chủ nghĩa Marx sẽ là một con người mới “. Nhưng cho đến hôm nay tất cả nhửng lời tiên tri ấy đã không xảy ra vì nó là ảo tưởng. Mong chờ nó là vô vọng. Còn ai đó nỗ lực tuyên truyền lời tiên tri này thì chỉ có thể hiểu là họ dùng nó để lừa bịp những người ít học, ít quan tâm về chính trị và nhẹ dạ cả tin.

Trong các tác phẩm của Marx có một quan điểm của Marx thời trẻ được nhân loại rất ngưỡng mộ là :” Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người “. Ở các nước tư bản hiện đại, quan điểm này của Marx đã được đưa vào cuộc sống. Còn ở Việt Nam, quan điểm đó của Marx chưa bao giờ trở thành hiện thực trong chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam, do những người đang nhân danh đệ tử của Marx lãnh đạo và cầm quyền với Điều 4 Hiến pháp như hiện nay. Muốn hiện thực hóa quan điểm này của Marx vào cuộc sống ở Việt Nam thì phải lên án kẻ giả danh là môn đồ của Marx để phản bội Marx và dứt khoát xóa bỏ thể chế độc tài toàn trị và Điều 4 Hiến pháp hiện hành.

2- Về vấn đề tổ chức – cán bộ :

Đọc đi đọc lại mấy lần bài “ Cùng nhau mở con đường cải cách...”, tôi cảm thấy tác giả có tham vọng rất lớn đồng thời ảo tưởng cũng rất lớn. Tôi nói vậy vì học giả đã thiết kế ra một công trình rất hoành tráng chưa từng có trên đất nước này. Có thể nói không ngoa là ông nhằm đổi đời cho đất nước và dân tộc. Công trình đó có tên là :” Cuộc cải cách sâu rộng làm thay đổi triệt để mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước, để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước, từ thần dân của chế độ toàn trị trở thành công dân của chính thể dân chủ pháp quyền “.

Để dễ hiểu, dễ nhớ tôi xin phép tác giả tóm tắt ngắn lại là : “ công trình chuyển đổi từ một thể chế độc tài toàn trị sang thể chế dân chủ pháp quyền đa nguyên “ ( nếu nói sai thì tác giả sửa lại giúp ).

Xin hoan nghênh bản thiết kế của ông Nguyễn Trung và các tiêu chí của nó đã viết trong 3 trang 11, 12 và 13, vì chắc rằng nó sẽ không giống bản dự thảo thiết kế công trình “ Xây dựng chế độ làm chủ tập thể “ của ông Lê Duẩn mà ngay triết gia Trần Đức Thảo cũng không hiểu nó là cái gì. Nhưng tôi nghĩ tác giả đã ảo tưởng vì khối lượng công trình rất lớn, có 2 phần, 3 giai đoạn mà tác giả chưa tính kỹ đến ai sẽ thi công công trình vĩ đại đó và thời hạn thi công là bao lâu, trong khi tác giả nói “ gấp lắm rồi, tình thế đã cấp bách lắm rồi, thời gian và nguy cơ không chờ đợi chúng ta ! “.

Chúng ta tìm giúp tác giả những ai có thể thi công đại công trình đó của tác giả :

- Trước tiên là đại lão trượng đang ở bậc tuổi “ bố già “. Đó là cụ Đỗ Mười, tên húy là Cống. Cụ xuất thân là thợ sơn,thành phần đại cốt cán. Trước khi tham gia cách mệnh cụ đã học xong lớp Ba. Cụ vào ĐCSĐD năm 1939, trở thành một Bôn-sê-vích thứ thiệt. Cụ đã từng là Bộ trưởng Bộ Nội thương nước VNDCCH, rồi Tổng bí thư, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCNVN. Khi còn đương chức, chỗ nào khó là cụ xông vào, hạ bệ người này, cảnh cáo người kia. Cụ hét ra lửa, mửa ra khói, ai cũng sợ. Nhưng nghe đâu cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tặng cụ biệt danh là “ Vua phá “ ( điển hình là khi cụ làm Tư lệnh chiến dịch X30 ). Còn ông Trường Chinh thì nói cụ đã phịa ra nhiều chuyện để kèn cựa, vu vạ cho Tướng Giáp.

- Thứ hai là một ủy viên Bộ chính trị tuổi trung niên là ông Nguyễn Thiện Nhân. Ông đã tốt nghiệp Tiến sĩ Điều khiển học kinh tế ở nước Đức rồi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, thông thạo 2 thứ tiếng Đức và Anh. Ông đã từng làm Bộ trưởng Bộ giáo dục và phát động nhiều phong trào giáo dục như phong trào “ Hai không “. Nhưng nền giáo dục nước ta không chịu nhúc nhắc, cứ ỳ ra nên ông phát chán, về làm chủ tịch MTTQ. Gần đây ông trở lại TPHCM, làm Bí thư thành ủy và đã nổi danh với cuộc phát động chị em phụ nữ cố gắng đẻ thật nhiều. Ông khiêm tốn, tác phong giản dị. Người ta có câu hỏi : ông chưa bộc lộ được tài năng là do ông hay do thể chế.

- Thứ ba là một ủy viên trung ương đảng thuộc thế hệ trẻ, trạc 30 tuổi, tên là Nguyễn Xuân Anh. Anh này thuộc dòng Thái tử đảng, đã có bằng Tiến sĩ ( nghe nói là bằng dởm ), biết tiếng Anh. Vừa rồi làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, nói năng như sấm như sét, kèn cựa kịch liệt với chủ tịch thành phố, ăn mảnh cũng trắng trợn, báo chí đã phanh phui, lộ mặt một kẻ cơ hội điển hình. Nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sĩ Đặng Xương Hùng đã gửi một bức thư nhắc khéo Nguyễn Xuân Anh và thế hệ cán bộ trẻ hãy trung thực, khiêm tốn và dũng cảm để thắng được ngay chính mình.

- Ở trên là tìm đạo đức và tài năng của cá nhân, bây giờ tìm đến tài năng một cơ quan khá quan trọng trong hệ thống quản trị của quốc gia là ngành tài chính. Trong lúc nước sôi lửa bỏng về ngân sách quốc gia, cơ quan này đã đưa ra phương cách “ đẩy tăng trưởng bằng cách cung tiền, giảm lãi xuất “. PGSTS Vũ Minh Khương,thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore mô tả phương cách này giống như chuyện tiếu lâm thúc người cao huyết áp nên ăn nhiều thịt bò để chóng về cõi nát bàn.

Để khái quát đức độ và tài năng của cán bộ có thể giúp tác giả thi công công trình vĩ đại này, xin cung cấp thêm cho tác giả biết một số ý kiến của những người đã từng trải qua cương vị lãnh đạo và có uy tín :

- Ông Vũ Mão,nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói : ” Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch

lây lan “ ( 1 ). Theo tôi thì ông Mão mới nói nửa chừng. Nói cho trọn câu thì trước khi thuyền chìm, bọn này mặc kệ Đảng, đua nhau vơ vét những chuyến cuối cùng nên trở thành bệnh dịch lây lan, không thể nào khống chế được nữa.

- Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói :” ĐCSVN đã trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được “ ( 2 ).

Câu này thật chính xác và thấm thía, gần giống câu nói của Eltsin : Cộng sản không thể cải tạo được.

- Cách nhìn của GS Tương Lai và ông Nguyễn Trung đối với lớp người trẻ gần giống nhau. Trong bài “ Người trẻ phải tự chủ “, ông Nguyễn Trung nói với lớp trẻ : “ Từ nay mọi việc liên quan đến đời sống của ta, do ta quyết định và tự chịu trách nhiệm “. Trong bản tuyên bố rời ĐCSVN ngày 2-9-2017, ông Tương Lai viết :” thế hệ mới sẽ tự biết cần phải làm như thế nào “. Nhưng GS Nguyễn Đình Cống, trong bài “ Tôi đã nhầm ở đâu “ lại có cái nhìn khác, sát thực tế. Ông viết :” Ngày nay, phần lớn người vào Đảng là bọn cơ hội, vào để tìm kiếm quyền lợi. Chúng nó triệt để lợi dụng tổ chức của Đảng để thực thi đường lối độc tài toàn trị “ ( 3 ).

Ông không chỉ ra cụ thể chúng nó là những ai. Tôi cho rằng Nguyễn Xuân Anh là một ví dụ không hiếm về lớp trẻ hiện nay. Lớp trẻ mà tự lo như vậy thì phúc hay họa cho dân tộc này, đất nước này ?

Tại sao cán bộ bây giờ hư hỏng đến thế ?

- Ông Vũ Mão giải thích : Do cơ chế hiện nay tạo ra, động cơ phấn đấu của nhiều cán bộ trẻ không trong sáng.

Ông Mão nói thêm : Trong cơ chế thiếu kiểm soát quyền lực như hiện nay đương nhiên người có quyền ắt có đặc lợi. Đặc quyền đặc lợi như hiện nay nó đã mê hoặc nhiều cán bộ trẻ ( 1 ).

- Ông Thiện Tùng thì có hẳn một bài dài 7 trang phân tích những biểu hiện tiêu cực trong thể chế chính trị độc tài ( 4 ).

- Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói : Nếu không xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị, xây dựng nhà nước dân chủ, pháp trị trên cơ sở tam quyền phân lập, đặt lợi ích dân tộc, quyền lợi quốc gia chứ không phải lợi ích của Đảng lên trên hết thì không thể sản sinh ra cán bộ tốt được ( 2 ).

Ông Vũ Mão, Ông Thiện Tùng và Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã chỉ rõ nguyên nhân làm hư hỏng cán bộ, tôi xin bổ sung thêm vài ý để nói rõ tại sao ĐCSVN không thể đào tạo ra cán bộ tốt được.

Ở Việt Nam, thời chiến cũng như thời bình, công tác tổ chức – cán bộ tốt hay không tốt quyết định thành hay bại của của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ở phạm vi một cơ sở, công tác tổ chức – cán bộ thể hiện ra bằng việc tổ chức bộ máy, điều lệ, nội quy vận hành bộ máy và công tác nhân sự. Ở phạm vi rộng, đường lối tổ chức và chính sách cán bộ tùy thuộc đường lối chính trị từng giai đoạn, cũng có nghĩa là tùy thuộc vào thể chế chính trị. Thể chế chính trị ở nước CHXHCNVN có những thành phần hợp thành là : một chế độ toàn trị thể hiện ở Điều 4 Hiến pháp + nhà nước pháp quyền gắn thêm cái đuôi Xã hội chủ nghĩa + nền kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi định hướng Xã hội chủ nghĩa. Tổ chức được xem như một cái khuôn để cán bộ hoạt động trong phạm vi đó. Nhìn chung ( trừ vài ngoại lệ ) mối quan hệ giữa công tác tổ chức và công tác cán bộ là mối quan hệ qua lại. Tổ chức tốt thì có cán bộ tốt và ngược lại. Lòng tham là bản chất tự nhiên vốn có của con người. Trong thể chế độc tài toàn trị không có sự giám sát từ bên ngoài hệ thống. Kinh tế thị trường có cạnh tranh để phát triển và tạo ra lợi nhuận. Trong chế độ độc tài đảng trị, chỉ đảng viên mới được giao quyền lực, lại không bị giám sát. Pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì dung túng bao che cho cán bộ phạm tội tham nhũng, do đó sự tha hóa lây lan không thể ngăn chặn là quá dễ hiểu. Thủ lợi dễ dàng như thế, người ta đua nhau tìm kiếm và tranh giành đặc quyền đặc lợi. Ai không tham gia thì ắt bị loại. Nạn sứ quân là thông tránh khỏi.

Nhưng suy cho cùng thì ai tạo ra thể chế đó. Thủ phạm tạo ra nó đích danh là đảng cộng sản chứ không ai khác. Vì vậy, nếu xử tội của cán bộ hư hỏng là 25% thì tội của thể chế phải là 25%, còn tội của người đứng đầu Đảng cộng sản phải là 50 %. Chỉ có xóa bỏ thể chế độc tài toàn trị, thay bằng một thể chế dân chủ, pháp quyền, đa nguyên, có sự giám sát từ bên ngoài hệ thống mới mong có được cán bộ tốt và Đảng cộng sản thì phải được cải tạo hoặc rút lui khỏi vũ đài chính trị.

Đến đây, đề nghị tác giả Nguyễn Trung trả lời cho chúng tôi biết : Nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy tác giả thiết kế công trình cải cách này là đảng viên ĐCSVN đã tha hóa, tham những thối nát đến tột cùng, đưa Đảng đến gần “ cửa tử “ rồi. Tác giả không nỡ chờ đến khi Đảng xuống địa ngục, bị Diêm Vương dùng đến hình phạt ném vào vạc dầu nên ông nghĩ đến việc phải nhanh chóng hóa kiếp Đảng cộng sản thành một một Đảng khác. Nhưng tác giả lại dùng chính bọn tha hóa thối nát này để thành lập một chính đảng mới, tạo cơ hội mới cho chúng có thể tiếp tục cướp bóc, phá hoại đất nước lần nữa và kéo dài cảnh khổ cho dân thì lương tâm của tác giả có tự dằn vặt không ?. Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói ĐCSVN bây giờ hư hỏng qua, khó có thể sửa chữa được, còn Boris Yeltsin thì khẳng định cộng sản không thể cải tạo được. Với những con người được đào tạo rèn luyện lâu ngày trong cái lò độc tài toàn trị, phẩm chất và tài năng không hơn ( chưa nói kém hơn ) công dân ngoài đảng, liệu có thể cải tạo thành một đảng viên của đảng chân chính, dân chủ, pháp quyền để không mị dân, không lừa dân, mà chiếm được lòng tin của dân, làm được nhiệm vụ hạt nhân lãnh đạo, vận động nhân dân cả nước tiến hành cuộc cải cách vĩ đại như thế không ?. Tôi không tin. Các bạn tôi trong đó có người đã vào Đảng từ thập kỷ 50 đã lặng lẽ bỏ sinh hoạt để ra Đảng, cũng không tin. Vì vậy, rất mong tác giả sớm công khai trả lời trên báo Dân quyền, để tôi và các bạn tôi có thể tin tưởng rằng : Sau non một nửa thế kỷ, kể từ thời Lê Duẩn, trải qua bao nhiêu đợt phê bình – tự phê bình, học Nghị quyết 4, học tư tưởng Hồ Chí Minh, vẫn không sao trục xuất được bọn chuột tha hóa, tham nhũng ra khỏi bình, đến nỗi tác giả phải đề xuất cất bình vào kho, mà nay bỗng nhiên Đảng có thể cải tạo ngay cả con kền kền chuyên ăn xác chết thành con công, chứng tỏ cái kỳ tài của Đảng mà chỉ có tác giả phát hiện được. Nếu tác giả không thể trả lời được thì nên tính đến phương án thi công khác do tôi đề xuất, tạm gọi là Phương án 2, hoặc Phương án khác. Nếu không thì đừng phí tâm huyết của tác giả và của chúng tôi vào công trình này nữa.

Trước khi vào phần đề xuất Phương án 2, tôi xin trao đổi với tác giả một suy nghĩ rất quan trọng :

Cả GS Tương Lai và tác giả đều cho rằng :” Chỉ có ĐCSVN hiện nay mới là một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn để thực hiện cuộc cải cách “. Đây vẫn nếp tư duy kiêu ngạo cộng sản của Bên thắng cuộc sau cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng. Hai ông rất chủ quan. Nhận xét đó của hai ông có thể đúng với hôm nay nhưng có thể không đúng với những ngày sắp tới. Vì sao ?. Tôi chứng minh ở 3 điểm sau đây :

1 - Sở dĩ Việt Cộng thắng được Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng trong khi VNCH có hơn một triệu quân, trang bị đến tận mắt, chủ yếu là vì họ mất Dân. Nay tình thế đã đảo lại. Chính tác giả nhận xét “ Đảng ngày càng không có Dân đi theo “, nói trắng ra là Đảng đã và đang mất Dân. Mất Dân là mất đi sức mạnh chủ yếu của Đảng rồi.

2 - Hãy nhớ lại cuộc chiến với quân Trung Cộng ở Vị Xuyên 1984 : Sĩ khí của quân đội Việt Nam lúc đó có thừa so với họ quân Tàu nhưng Văn Tiến Dũng đã thua Dương Đắc Chí, để mất 2 cao điểm có giá trị chiến lược là 1509 ( Lão Sơn ) và 1250 ( Giả Âm Sơn ), thương vong về phía quân Việt Nam đến 4.000 người, đồng thời mất luôn một phần lãnh thổ gần biên giới phía bắc vào tay quân Tàu Cộng, để sau đó họ dùng điểm cao 1509 làm nơi du lịch, chọc vào mắt Việt Nam. Thất bại này đã xóa đi danh tiếng bách chiến bách thắng của quân đội VN và làm Lê Duẩn mất mặt, vì sau khi chiếm được miền nam vào ngày 30-4-1975, ông đã hùng hồn tuyên bố trước thế giới : Từ nay không đế quốc nào dám xâm phạm biên giới Việt Nam nữa. Thất bại này do phía Việt Nam thua về chiến thuật hay Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng bất tài, mất cảnh giác bị trúng kế của tình báo Tàu ?

3 - Ngày nay tổ chức của Đảng đã ruỗng nát từ trong cơ thể, chỉ còn đủ sức mạnh của một kẻ ung thư di căn chưa chết. Điều này đã có vô vàn bằng chứng chứng minh.

Nếu vẫn chủ quan, tư duy theo nếp kiêu ngạo cộng sản, không tự thấy cái nhược của mình, không khiêm tốn nhìn sự thật thì các vị sẽ lại nhầm và có thể thất bại trong quá trình thi công công trình vĩ đại này.

Nhìn cái vỏ bên ngoài thì ĐCSVN đang mạnh vì có mặt trên khắp mọi miền đất nước. Số lượng đảng viên cả nước vào ngày 19-8-1945 chỉ có khoảng 5.000 người, nay đã lên tới khoảng 4,5 triệu. Nhưng Tôn Tử nói : Binh cần tinh thông chứ không cần đông. Binh mà đa số là quân cơ hội thì khi gặp biến sẽ bỏ chủ tướng mà chạy. Mặt khác, với Bộ luật hình sự hiện hành, nếu có tổ chức đối lập nào đã thành lập thì họ không dại gì công khai xưng danh để bị Đảng tiêu diệt ngay từ trong trứng nước. Muốn có một tổ chức mạnh thì con người của tổ chức đó phải mạnh, nghĩa là phải vừa có tư cách, vừa có tài. Loại người mạnh như thế ngày nay rất hiếm trong Đảng nhưng bên ngoài Đảng thì có vô số. Có thể nêu một vài tiêu biểu : Đó là PGS TS Vũ Minh Khương, PGS TS Hoàng Xuân Phú, TS Phạm Chí Dũng, TS Nguyễn Quang A và rất nhiều người khác nữa. Họ không lộ mặt để tránh bị Đảng nhập kho. Ngoài ra, những người đang bị Đảng bỏ tù vì bất đồng chính kiến là những hạt giống quý của thể chế dân chủ, pháp quyền, đa nguyên mà tác giả đang thiết kế. Tác giả nên quý trọng, bảo vệ họ và tạo điều kiện cho họ tham gia cuộc cải cách này ngay từ đầu.





Phương án 2 :

Để phân biệt Lộ trình 2 phần 3 giai đoạn của tác giả với đề xuất của tôi, tôi tạm gọi Lộ trình của tác giả là Phương án 1, còn của tôi là Phương án 2

Nội dung phương án 2 như sau :

1- Điểm nổi bật nhất trong Phương án 1 của tác giả là hiện nay ĐCSVN thiếu người đủ phẩm chất và tài năng để một mình Đảng thi công công trình của tác giả, nhằm chuyển đổi từ thể chế độc tài toàn trị sang thể chế dân chủ, pháp quyền, đa nguyên. Sự chuyển đổi này sẽ xóa đi đặc quyền đặc lợi của các đảng viên có chức quyền. Họ sẽ chống lại. Nếu không có áp lực của đông đảo quần chúng ngoài Đảng thì sức ỳ và phản lực của họ sẽ loại bỏ công trình của tác giả. Trong Dân có rất nhiều người có đức có tài. Dân phải thực hiện vai trò của mình ngay từ đầu. Đảng đừng độc quyền yêu nước nữa.

2- Tác giả đề ra lộ trình có 2 phần thực hiện tuần tự là sau khi Đảng tự thay đổi xong thành một Đảng mới ( gọi là phần A, phần này là khó nhất, căng thẳng nhất ), rồi mới thực hiện chiến lược cải cách trong cả nước ( gọi là phần B ), trong khi đó vẫn hiện hữu Điều 4 Hiến pháp hiện hành ( vì chưa xóa ) là đáng nghi ngờ.

Điều này có thể phản ánh sự nhùng nhằng trong nội bộ Đảng, sự kém quyết tâm của tác giả, có thể gặp phải sức ỳ của ĐCS không chịu thay đổi và cũng có thể là một chiến thuật hòa hoãn chờ thời điểm phong trào đòi dân chủ nhân quyền lắng dịu, Đảng sẽ ra đòn phản công quyết định để đè nát vĩnh viễn phong trào này.

Tác giả viết sự nghiệp cải cách thể chế là sự nghiệp của toàn dân. Vậy thì phải để Dân tham gia ngay từ bước đầu, thúc đẩy Đảng kiên quyết, dứt khoát thay đổi, không kéo dài thời gian, vì tác giả đã nói thời gian và tình thế không chờ đợi chúng ta.

3- Tác giả vẫn lặp lại quan điểm của ĐCSVN hiện hữu là Đảng Cộng sản đứng trên Hiến pháp : Sau khi có Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng mới, chưa có Hiến pháp mới, chưa xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành thì Đảng hoạt động ngay lập tức ( xem tác giả trình bày ở cuối giai đoạn 1 ). Điều này trái với thể chế dân chủ pháp quyền.

4- Tác giả đề nghị đặt tên Đảng mới là Đảng Lao động Việt Nam. Đây là việc của Đảng, lẽ ra chúng tôi không nên xía vào, chỉ xin gợi ý để tác giả tham khảo : Từ 1945 đến 1951 có Hiến pháp 1946 là Hiến pháp dân chủ nhưng lúc đó ĐLĐVN chưa ra đời. Đảng này ra đời vào năm 1951. Đảng Lao động Triều Tiên, bạn nối khố của ĐLĐVN là một Đảng cực kỳ độc tài. Nhìn chung các Đảng Lao động ( trừ Đảng Lao động Anh ) đều gắn với Chủ nghĩa cộng sản và gây nhiều tội ác đối với dân. Cái tên đó không đẹp đẽ gì. Tác giả đề xuất từ bỏ Quốc tế 3, chuyển sang Quốc tế 2 là phù hợp xu thế chuyển đổi của các Đảng cộng sản trên thế giới trong đó có Đảng cộng sản Pháp, đã chuyển sang trào lưu Cộng sản Châu Âu. Vì thế, nên chăng lấy tên mới đẹp hơn, không có tội ác gì chống lại dân nước họ, là Đảng Xã hội – dân chủ đang cầm quyền ở Thụy Điển.

Có thể do tâm lý hoài cổ, một số đảng viên ĐCSVN có công trạng vào thời kỳ ĐLĐVN lãnh đạo, chẳng hạn công lao thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, phân vân công trạng của mình sẽ bị lãng quên, không muốn mất đi tên Đảng là ĐLĐVN. Tôi nghĩ rằng chính sử sẽ không quên ghi nhớ công lao của các vị đó.

5 – Tác giả lặp lại quá khứ, chỉ đề xuất 3 đảng là Đảng Lao động, Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội. Khi đã công nhận một thể chế đa nguyên, không chuyên chính vô sản nữa thì phải tập họp tiếng nói của tất cả các thành phần giai cấp trong nhân dân ở trong Quốc hội. Vì thế không nên hạn chế chỉ có 3 đảng mà có thể là 5 hoặc 6 đảng, đại diện tiếng nói rộng rãi, của thợ thuyền và người làm công ăn lương, nông dân, doanh nhân, nhà khoa học tự nhiên, nhà khoa học xã hội ( CHLB Đức có đến 6 đảng trong Quốc hội 2017 ).

Các bước thực hiện chủ yếu :

gồm 4 bước tuần tự liên tục, không chia gián đoạn thành từng phần riêng biệt :

- Bước 1: Trả tự do cho tất cả các tù chính trị bị quy tội bất đồng chính kiến với ĐCSVN và Chính quyền độc tài toàn trị ở Việt Nam.

- Bước 2 : Ban hành Luật thành lập Hội và thành lập các chính đảng ở Việt Nam. Tổ chức cho các Chính đảng đăng ký hoạt động hợp pháp.

- Bước 3 : Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp hiện hành. Ban hành Luật bầu cử mới. Các Đảng công bố chương trình tranh cử. Tổ chức bầu cử tự do có sự giám sát của Quốc tế để triệt để xóa bỏ tệ nạn “ Đảng cử, dân bầu “.

- Bước 4 : Dự thảo Hiến pháp mới và trưng cầu dân ý để thông qua và ban hành Hiến pháp mới.

Việc xây dựng Luật thành lập Hội, thành lập Chính đảng, Luật bầu cử nên tham khảo Luật của CHLB Đức.

Những đảng viên ĐCSVN không tự nguyện chuyển sang Đảng mới có thể thành lập Đảng cánh tả, tương tự Đảng PDS hoặc đảng tả ( Die Linke ) ở Đức để tham gia bầu cử.

Ghi chú tư liệu :

( 1 ) - Ông Vũ Mão :” Cán bộ hư hỏng bây giờ như thứ bệnh dịch lây lan “ - báo Dân Quyền 17-9-2017.

( 2 ) - “ Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng về quyết định của GS Tương Lai “ - báo Dân Quyền

27-9-2017.

( 3 ) - GS Nguyễn Đình Cống :” Tôi đã nhầm ở đâu ? “ - báo Bauxite VN 13-9-2017.

( 4 ) - Ông Thiện Tùng : “ Những biểu hiện tiêu cực trong thể chế chính trị độc tài đảng tri “ - Blog Huỳnh Ngọc Chênh 4-9-2017.